Quýt làm, cam chịu! Dân gian có câu phương ngôn “quýt làm, cam chịu” hàm ý người
này làm sai nhưng người kia phải chịu hậu quả. Cứ ngỡ chuyện đó chỉ có ở thời
xa xưa bởi nay với hệ thống luật pháp đầy đủ bảo đảm sự công bằng, ai làm sai
người đó phải chịu trách nhiệm và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên nay vẫn tồn
tại khá nhiều trường hợp “anh Quýt” công quyền làm sai khiến người dân cam chịu
hậu quả. Ví dụ vụ việc năm 2008 có 246 hộ dân đã được UBND xã Hồng
Minh xét duyệt mua đất giãn dân, được thông báo là theo chính sách đất giãn
dân của huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây lúc bấy giờ. Sau khi thu mỗi hộ gần 24
triệu đồng theo giá đất phê duyệt và nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước, xã tiến
hành cắm mốc giới thực địa và giao đất cho dân. Vậy nhưng mới đây, khi thu hồi đất cho dự án đường trục
phía Nam đi qua địa phận huyện, trong 36 hộ mua đất giãn dân nằm trong danh
sách bị thu hồi đất chỉ có 21 hộ được đền bù với
giá đất ở, còn 15 hộ được thông báo là đền bù… 0 đồng! Được biết lí do là số
hộ này nằm trong diện được giao đất trái thẩm quyền. Cũng tại Hà Nội, khi giải phóng mặt bằng cho đường
vành đai 4 qua xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai đã phát lộ việc chính quyền
làm sai, tự ý đưa đất của dân (sử dụng ổn định từ những năm 1960) vào diện
UBND xã quản lí (tức là đất công), nay không được bồi thường v.v. Giao đất, cho thuê hay thu hồi đất là việc của chính
quyền, người dân chỉ biết thực hiện theo chính sách thông qua triển khai của
chính quyền cơ sở và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Rõ
ràng người dân không sai phạm, chủ thể sai phạm luật pháp là chính quyền. Cả
về lí và tình tại hai vụ việc trên chính quyền các cấp hiện tại phải tìm giải
pháp khắc phục, trả lại sự công bằng cho người dân. Trong trường hợp tại xã Hồng Minh, pháp luật đã có quy
định cụ thể tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, theo đó việc cấp
Giấy chứng nhận đối với trường hợp được giao đất không đúng thẩm quyền từ
ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014 theo quy định tại Điều 23 của Nghị định
số 43/2014/NĐ-CP được thực hiện: Làm rõ và xử lí trách nhiệm đối với người
giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Xem xét, quyết định
đối với từng trường hợp cụ thể và cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã sử
dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy
hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn,
quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê
duyệt và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật…”. Không rõ Hà Nội đã xử lí trách nhiệm đối với người
giao đất không đúng thẩm quyền hay chưa. Việc “quýt làm cam chịu” là sự bất
công và xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của chính
quyền./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 05/6/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét