Hớ
Trong cuộc sống đôi khi chúng ta cũng bị
hớ, chẳng hạn như mua phải món hàng quá đắt mà không biết. Hoặc quan hệ cam
kết, trao đổi, giao dịch việc gì đó... vô tình chấp nhận thiệt thòi về phía
mình mà không hay.
Nhưng,
có một loại hớ, đó là “hớ chính sách”! Nghe có vẻ hơi lạ nhưng đôi khi vẫn xảy
ra với cơ quan quản lí nhà nước. Chuyện dân bị móc túi 3.500 tỉ đồng vì mua
xăng dầu giá đắt là một cái hớ tương đối lớn! Sự việc đang làm nóng dư luận.
Nguyên nhân do ai chưa rõ vì “quả bóng trách nhiệm” vẫn đang lăn, chưa có điểm
dừng.
Chuyện
là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã phối hợp tham mưu ban hành
áp thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu nhưng chưa tính “hết nước, hết cái”. Cùng
mặt hàng xăng dầu nhưng nhập ở thị trường khác nhau có các mức thuế không giống
nhau. Mức chênh lệch có mặt hàng lên đến 10%. Không những thế, trong lộ trình
giảm thuế khu vực ASEAN, từ 1/1/2016 tất cả các mặt hàng dầu từ thị trường này
hưởng thuế 0%, cao nhất là xăng cũng chỉ còn 10%, bằng nửa so với thị trường
khác. Thực tế, Petrolimex và hầu hết các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác có
thể linh hoạt tận dụng được mức thuế thấp khi nhập khẩu xăng dầu từ khu vực
ASEAN. Lẽ ra cơ quan quản lí phải có quy định cụ thể nhằm điều tiết chênh lệch
mức thuế trên vào ngân sách Nhà nước, đồng thời giám sát chặt chẽ, bảo đảm công
bằng giữa các doanh nghiệp khi nhập xăng dầu ở các thị trường khác nhau nhưng
bán trong nước cùng một mức giá.
Mức
chênh lệch cao nên chẳng ai dại gì nhập khẩu từ chỗ thuế cao. Mức thuế ấy có
thể chỉ để doanh nghiệp xăng dầu lấy làm “chuẩn” để định giá bán hàng cho người
sử dụng. Thực tế trên là nguyên nhân “phát lộ” số tiền lãi khủng hàng nghìn tỉ
đồng.
Tầm
quản lí cấp bộ, “cánh tay” tham mưu vĩ mô đắc lực, “chỗ dựa” tin cậy của Nhân
dân mà lại “hớ hênh” như trên thì không thể coi là chuyện bình thường. Trước đã
có chuyện hớ để doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá lãi khủng. Chuyện đó có thể
biện minh rằng ta không nắm được hết chi phí đầu vào, đầu ra của họ... Nhưng
chuyện áp thuế nhập khẩu chẳng lẽ cơ quan chức năng cũng không nắm rõ chính
sách tác động thế nào tới doanh nghiệp và dân sinh? Nếu thực sự trình độ quản
lí của cơ quan chức năng như vậy thì đáng lo ngại, khi mà nhiều hiệp định tự do
thương mại quốc tế đã và sắp có hiệu lực. Nếu đã hớ với đối tác nước ngoài liệu
có đòi được tiền?
Điều
đáng nói, chuyện hớ trên đã được cơ quan quản lí phát hiện từ tháng 10/2015
song đến nay mới đề xuất hướng khắc phục, trong khi nhiều người có thể tính
được mỗi ngày chậm trễ, doanh nghiệp xăng dầu sẽ hưởng lợi ra sao.
Người
dân, các doanh nghiệp khác hoàn toàn có quyền nghi ngờ lợi ích nhóm đằng sau
câu chuyện... hớ!
Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày
31/3/2016)
|
Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016
Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016
Di căn
Những tưởng mỗi ngày hơn 20 người ra khỏi
nhà không trở về vì tai nạn giao thông đã là con số gây sốc. Tuy nhiên chưa
phải ai cũng biết rằng mỗi ngày có hơn 200 người rời bàn ăn vĩnh viễn vì căn
bệnh mang tên ung thư.
Thực trạng buồn
trên có một phần không nhỏ bắt nguồn từ môi trường sống. Hiện nay mọi người
đang phải sống trong một môi trường ô nhiễm đáng báo động!
Một trong những thứ
ô nhiễm trực tiếp, nhanh nhất đưa chất độc hại vào cơ thể mỗi người, đó thực
phẩm. Cách đây mấy chục năm, việc trái cây nghi ô nhiễm độc hại từ nước ngoài
du nhập vào Việt Nam bắt đầu bị người tiêu dùng nhận ra và dần cùng nhau tẩy
chay. Tuy nhiên, cách kinh doanh phi lương tâm ấy cũng bắt đầu “nhập khẩu” vào
nước ta. Ban đầu chỉ xảy ra lác đác ở những vùng sản xuất rau quả, chế biến
thực phẩm quy mô lớn ven các đô thị, thành phố đông dân cư. Một số người sản
xuất vì lợi nhuận làm mờ mắt, bất chấp hậu họa gây ra cho cộng đồng dùng hóa
chất độc hại cốt để có năng suất và lợi nhuận cao. Khi ấy, người thành phố bắt
đầu về vùng quê xa mang lên thực phẩm, rau quả để dùng và yên tâm về sự an toàn
vì người dân quê sống cộng đồng làng xã, coi trọng đạo đức kinh doanh. Tuy
nhiên cách kinh doanh thiếu trách nhiệm nay đã lan đến cả các vùng nông thôn,
miền núi xa xôi. Nhiều người nuôi trồng, sản xuất hàng hóa đã chia ra 2 loại:
Gia đình sử dụng và bán ra thị trường.
Nhiều hóa chất độc hại như phóoc môn, hàn
the, vàng ô, tăng trọng, tạo nạc, “kích phọt” tăng trưởng, chất tẩy trắng quang
học v.v được sử dụng bừa bãi, vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng khiến
người tiêu dùng hoang mang. Các thực phẩm như tôm, cá, thịt, nội tạng động vật
dù kém phẩm chất, hư hỏng vẫn được “phù phép” bằng hóa chất trở thành đạt “chất
lượng”, mẫu mã đẹp, tăng trọng lượng… rồi tuồn ra chợ, đưa vào nhà hàng, quán
ăn tiêu thụ.
“Căn bệnh” vô lương
tâm trong sản xuất, kinh doanh như đang lây lan ngày một rộng khắp. Hệ quả của
sự kinh doanh phi lương tâm là một nguyên nhân của sự bùng phát căn bệnh ung
thư.
Theo thống kê y tế
gần đây nhất, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc mới ung thư và
95.000 người chết vì căn bệnh quái ác này (tai nạn giao thông năm 2015 cũng chỉ
làm 9.500 người chết). Ung thư ngày một trẻ hóa, tới cả các em bé sơ sinh. Ai
từng đến Bệnh viện K Hà Nội (ở 2 cơ sở tại nội và ngoại thành) đều biết cảnh
bệnh nhân luôn chen chúc tại các buồng bệnh. Thông tin về những người bạn bè,
hàng xóm quanh ta ra đi vì căn bệnh này ngày một nhiều hơn. Những ngày qua giới
trẻ cả nước vừa xót xa tiễn đưa nghệ sĩ Trần Lập ra đi cũng vì căn bệnh ung
thư. Trước đó còn các nghệ sĩ nổi tiếng như Văn Hiệp, Tuấn Dương, ca sĩ Tuấn
Anh, Duy Nhân… cũng ra đi vì căn bệnh quái ác đó.
Thế giới nay chỉ
như một ngôi làng nhỏ. Dẫu mỗi gia đình có một vườn rau riêng, kể cả người ở đô
thị có không gian tự trồng rau quả, nuôi gia cầm thì vẫn không tránh khỏi có
lúc sử dụng thực phẩm độc hại. Con người còn có mối quan hệ cộng đồng trong học
tập, công tác, sinh hoạt… Ta không thể giữ gia đình mình trong 4 bức tường.
“Căn bệnh” vô
lương tâm như đang “di căn” và hủy hoại cuộc sống.
Đinh Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 30/3)
|
Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016
Tấm
huy hiệu Đoàn
Hôm
đó từ Hà Nội về Bắc Ninh, ông Vinh đang chờ xe bên đường bỗng một chiếc xe
cứu thương quân đội từ từ đỗ lại. Người chiến sĩ lái xe mang quân hàm binh
nhất, nét mặt trẻ măng, nước da trắng mịn như da con gái mở cửa xe gọi:
-
Bác ơi, về đâu, có đi xe thì lên với cháu.
Ông
Vinh hơi bất ngờ và vội lên xe. Trên ngực anh lính mang tấm huy hiệu Đoàn
sáng lấp lánh. Lâu nay ít thấy đoàn viên mang huy hiệu trên ngực áo, ông thầm
nghĩ “chắc cậu ta mới được kết nạp đoàn”. Thấy người lái xe im lặng chăm chú
nhìn về phía trước, ông quay sang gợi chuyện:
-
Này cháu, nhập ngũ lâu chưa? Chắc mới được kết nạp đoàn hả?
-
Vâng… à mà cũng không phải là mới. Cháu vào đoàn hơn 2 năm rồi bác ạ!
-
Bây giờ tôi ít thấy đoàn viên đeo huy hiệu?
-
Vâng, cháu thấy mang huy hiệu là cách tốt để mỗi đoàn viên luôn nhớ tới vinh
dự và trách nhiệm của mình, bác nhỉ?
-
Ừ…tất nhiên rồi... Ông Vinh đáp và bỗng nhớ lại kỉ niệm lần được kết nạp vào
đoàn lần thứ 2 cách đã mấy chục năm trước…
***
Đó
là kỉ niệm những ngày đầu trong quân ngũ. Ông và ông Hà vốn là bạn học phổ
thông, quê cùng xã, nhập ngũ về cùng một đơn vị đào tạo lái xe. Ông không
thích Hà mặc dù Hà luôn tốt, chân thành với ông. Nguyên nhân có lẽ xuất phát
từ Cúc - một bạn học nữ. Ông và Cúc học cùng lớp, rất thân nhau và một tình
cảm mới mẻ đã nảy nở trong ông. Lên đường nhập ngũ, Cúc tặng ông chiếc khăn
tay thêu 2 chữ “nhớ mãi”. Ông tin Cúc đã giành cho mình tình cảm đặc biệt.
Khi đó Hà là ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường, Cúc là Bí thư chi đoàn lớp
ông. Tuy khác lớp song do quan hệ công tác nên Cúc và Hà thường gặp nhau.
Mỗi khi Hà và Cúc đi bên nhau (mà ông biết rõ là về công việc) song vẫn thấy
khó chịu. Nhập ngũ về đơn vị Hà được Liên Chi đoàn giao làm Bí thư Chi đoàn.
Ông và Hà đều là những chiến sĩ học giỏi trong Đại đội 2. Ông được cử vào
Ban Cán sự học tập của đại đội. Những kết quả bước đầu trong học tập đã gây
cho ông chủ quan, tự mãn trước đồng đội. Ông tự cho mình thoải mái hơn mọi
người trong rèn luyện và biện bạch “cái quan trọng là hiệu suất, chất lượng
học tập. Những chuyện khác chỉ là vặt vãnh!”. Trong một cuộc họp Chi đoàn Hà
nói: “Có đồng chí khi đạt chút thành tích đã tự mãn, tự cho mình quyền buông
lỏng kỉ luật. Như vậy chưa xứng đáng vai trò gương mẫu của một đoàn viên”.
Ông biết Hà định nói ai và hậm hực thầm nghĩ: “Ra cái vẻ… định lên lớp nhau
chắc!”.
Rồi
một chuyện không may đã xảy đến với ông. Hôm ấy đại đội học lái sa bàn. Giờ
nghỉ giải lao, nhân lúc các cán bộ, trợ giáo vào chỗ bóng mát nghỉ ngơi, ông
rủ thằng Phúc, bạn cùng tiểu đội:
-
Này, ta đánh xe ra đường một lát xem sao? Thử tay nghề thôi mà. Lái ngoài
đường có khi lại dễ hơn trong bãi tập ấy chứ!
- Nhưng mình sợ…- Phúc ấp úng…
-
Sợ cái quái gì chứ, thôi lên xe.
Thế
rồi ông lên xe khởi động, lái chiếc xe từ từ bò ra đường liên huyện cách bãi
tập không xa. Con đường cấp phối tuy hẹp nhưng khá bằng phẳng. Cho xe đi chậm
một lát thấy suôn sẻ, ông bạo dạn tăng số, nhấn mạnh ga hơn. Đang "vi
vu" tốc độ, chợt phát hiện phía trước có chiếc xe Kra to lừng lững như
choán hết mặt đường băng băng lao tới. Ông vội vàng giảm ga, về số nhưng do
luống cuống nên mãi không cài được. Hộp số phát tiếng kêu ken két, chối tai.
Về được số, giảm tốc độ thì chiếc xe Kra đã đến quá gần, mặt đường như bị
chiếm hết. Vừa đạp phanh ông vừa đánh mạnh tay lái. Chiếc xe liệng sang vệ đường,
chồm chồm lao xuống ruộng lúa khựng lại, chết máy. Tai nóng bừng, ông văng
miệng chửi tục, bật cửa xe nhảy xuống. Anh chàng lái chiếc Kra cũng đã dừng
xe hoảng hốt chạy lại. Không cần suy nghĩ, ông tóm ngay lấy ngực áo người
đồng nghiệp:
-
Đi với đứng như cái con khỉ thế à? - Đồng thời ông vung tay đấm luôn một quả
như trời giáng vào mặt anh bạn đồng nghiệp. Bị đánh bất ngờ, không giám phản
ứng lại, anh ta chỉ cố nắm chặt lấy tay ông. Mấy người đi đường thấy vậy đã
vào kéo hai người ra…
Sau
chuyện ấy, Chi đoàn đưa ông ra kiểm điểm nghiêm khắc. Ông bị khai trừ đoàn vì
đã vi phạm 2 lỗi lớn là vi phạm quy định sử dụng trang bị kĩ thuật và đánh
người. Trong cuộc họp Hà phê phán ông rất gay gắt. Nào là “một hành động
không thể có ở một đoàn viên”, rồi “thiếu ý thức giữ gìn xe máy, trang bị”
v.v. Sau cuộc họp Hà còn định gặp riêng để nói thêm gì đó song ông nhún vai,
lạnh lùng bỏ đi. Tình đồng hương giữa hai người vốn không thân thiện càng
thêm lạnh nhạt.
Có
lẽ Hà cũng phần nào ân hận vì đã quá nặng lời trong cuộc họp. Ông cố xa lánh
song Hà vẫn luôn tìm cách giữ mối quan hệ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho
ông trong công tác. Biết ông nghiện thuốc lá nặng, thỉnh thoảng Hà bí mật mua
thuốc cho khi biết ông "nhẵn túi". Lúc thì bỗng dưng ông phát hiện
một bao thuốc trong túi cóc ba lô, khi lại thấy dưới chăn ở đầu giường…
Kết
thúc khóa huấn luyện, ông và Hà đều đạt loại ưu, được giữ lại làm trợ giáo.
Riêng Hà còn được thưởng 7 ngày phép về thăm gia đình. Đáng lẽ ông cũng
được thưởng phép về kết quả học tập tốt song vì đã vi phạm kỉ luật nên bị
cắt thưởng. Việc Hà được thưởng phép về quê đã gây cho ông mối lo: Có thể
Cúc sẽ biết chuyện ông vi phạm kỉ luật, bị khai trừ đoàn vì đó là lí do không
được thưởng phép vì nhiều người ở quê cũng biết ông và Hà là những chiến
sĩ có kết quả học rất tốt. Còn mẹ ông nữa, thế nào Hà chả nói mọi chuyện khi
bà hỏi”.
Hôm
Hà trở lại đơn vị, vừa ở bến xe về đã chạy ngay đến chỗ ông:
-
Này, Vinh có thư “hồng” nhé. Phải “khao” đấy! - Vừa nói Hà vừa chìa ông lá
thư của Cúc. Ông nhận thư mà tim đập thình thịch, tay run run, mở thư đọc
ngay. Càng đọc ông càng phấn chấn và hiểu rằng Cúc chưa biết chuyện khai trừ
đoàn. Nhưng ông cũng thoáng buồn vì thư Cúc nói chung chung, xa xôi quá,
không đả động gì đến tình cảm riêng tư. Trong khi ông đọc thư, Hà đã đến với
mấy anh em đang quây quần đánh “tiến lên”. Ôi, Hà tốt quá, thế mà ông đã nghĩ
không đúng về cậu ấy. Không biết Hà có để bụng, trách cứ gì không? Thấy ông
đọc thư xong, đang đăm chiêu, Hà quay lại: “Thế nào? chắc thư dốc hết bầu
tâm sự rồi chứ? Hôm ở nhà mình có đến thăm mẹ cậu. “Cụ” không viết thư mà
chỉ nhắn cậu hãy cố gắng cho bằng anh bằng em. “Cụ” vui và khỏe lắm. Vụ này
quê mình được mùa nên đời sống cũng khá.
- Mình cám ơn Hà…Hà này…à, Hà đừng giận
nhé? Mình quả có lỗi…
- Ôi dào! Lỗi lầm gì! Mà, mình cũng chưa thật hết lòng với
cậu, lẽ ra… mà thôi. Báo với cậu là Ban Chấp hành đã có kế hoạch giúp cậu
phấn đấu để trở lại đội ngũ của đoàn đấy. Cậu hãy cố gắng nhé!
Thế
rồi ông đã được kết nạp đoàn lần thứ 2. Hôm trao quyết định, Hà đã tháo
chiếc huy hiệu của mình và cài lên ngực áo ông. Ông bồi hồi cảm động và hiểu
rõ giá trị thiêng liêng, danh dự cao quý và trách nhiệm nặng nề của một đoàn
viên thanh niên cộng sản...
Từ
khi trở thành đảng viên, ông đã cất tấm huy hiệu đoàn giữ làm kỉ niệm…
***
- Này, bác gì ơi! - Nghe tiếng gọi của
người lái xe ông chợt choàng tỉnh khỏi kí ức. - Bác dễ ngủ thật đấy. Cháu cứ
ngồi bên vô lăng là tỉnh như sáo, dù có đi cả tuần vẫn thế. Tới Bắc Ninh rồi
đấy. Bác định xuống chỗ nào ạ?
-
Cho tôi xuống Cột Cờ nhé.
Trời đã nhập nhoạng tối. Ông Vinh mở cửa xe
bước xuống và cảm ơn chàng lái xe tốt bụng. Anh bắt tay ông, hàm răng trắng
nở nụ cười tươi. Gương mặt trẻ măng bị bóng tối che nhập nhòa, ông chỉ nhìn
rõ trên ngực áo người lính lấp lánh tấm huy hiệu đoàn viên. Đi một lát ông
mới sực nhớ: Cùng anh ta suốt gần 30 cây số mà quên chưa hỏi tên tuổi. Biết
đâu anh ta cũng có một kỉ niệm hay hay về tấm huy hiệu Đoàn?
Đinh
Hoàng
(Bài
đăng Báo Người cao tuổi ngà 25/3)
|
Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016
Đến với tín dụng đen - sa chân vào bóng tối
Trong nền kinh tế thị trường, vốn luôn
là vấn đề nóng với cả người buôn bán nhỏ cũng như nhà đầu tư lớn. Tiếp cận
nguồn tín dụng ngân hàng dù chỉ một khoản tiền không lớn cũng rất nhiêu khê
với những thủ tục phức tạp và đôi khi cả sự nhũng nhiễu của một số nhân viên
thừa hành. Trong khi đó một nguồn vốn luôn mời gọi người vay với thủ tục dễ
dàng, hấp dẫn, đó là tín dụng đen.
Trên mọi ngõ ngách đường phố, từ bức
tường cũ đến cây cột điện, đâu đâu cũng thấy quảng cáo cho vay tài chính,
điều kiện đơn giản, dễ dãi, có khi chỉ cần tấm chứng minh thư, thẻ sinh
viên... Không ít người đã tìm đến tín dụng đen, họ đâu biết, đó là bước chân
sai lầm đầu tiên vào một ma trận đã được dàn dựng.
Lãi suất cho vay của ngân hàng thương
mại hiện dao động khoảng 5,5% - 12%/năm tùy theo kì hạn. Lãi vay tín dụng đen
thường cao gấp nhiều lần, trung bình cũng khoảng 20%-30%/tháng. Để dụ “con
mồi”, ban đầu chủ nợ “xởi lởi” cho vay mấy tháng sau hoặc cuối kì mới phải
trả lãi, dù ngay từ lúc cầm tiền người vay đã bắt đầu được tính lãi. Ngoại
trừ người buôn bán nhỏ thường vay ngắn còn hầu hết đều vay kì hạn dài. Thử
làm phép tính, giả sử một người vay 100 triệu đồng, lãi suất 20%/tháng: Hết
tháng thứ nhất số tiền vay cộng lãi là 120 triệu đồng; tháng thứ 2 là 144
triệu đồng… Nếu chủ nợ “ưu ái” tháng thứ 6 mới phải trả lãi thì số tiền được
cộng dồn đến lúc đó là 298,598 triệu đồng, tiền lãi hằng tháng đã gần 60
triệu. Nếu trả cuối kì 12 tháng, số tiền cả lãi và gốc là hơn 891 triệu. Nếu
ban đầu vay 1 tỉ đồng thì tổng số nợ sau 1 năm tương ứng là gần 9 tỉ đồng.
Lãi
tín dụng đen cao chỉ là một mặt của vấn đề. Đồng hành với đó là những cái bẫy
vô cùng nguy hiểm. Khi đã đạt số dư tương đối lớn, con nợ sẽ được chủ nợ yêu
cầu làm các thủ tục bảo đảm không đơn giản. Những tài sản như nhà cửa, đất
đai của con nợ là cái đích chúng nhằm tới. Chúng sẽ yêu cầu người vay kí vào
những văn bản điều kiện rối rắm với lí do “bảo lãnh ngân hàng để huy động
nguồn tiền”; hoặc kí vào những hợp đồng gọi là “giả cách” mua bán nhà, đất.
Người vay đâu ngờ căn nhà, mảnh đất hàng tỉ đồng của mình có thể đã được bán
cho chủ nợ với giá bèo bọt; hoặc đã bị thế chấp ngân hàng để chúng vay số
tiền lớn hơn nhiều số nợ.
Trong Bộ Tư bản, Các Mác nói đại ý "đối với nhà tư bản nếu lợi nhuận
100%, tiền sẽ được đầu tư khắp nơi, nếu lợi nhuận 200% chúng sẽ bất chấp cả
pháp luật, nếu lợi nhuận 300% thì có treo cổ lên chúng vẫn cứ làm". Với
lợi nhuận 240%/năm như ví dụ trên, thử hỏi có việc gì chủ nợ không dám làm.
Giai đoạn xiết nợ chính là hồi kết khốc liệt nhất đối với con nợ. Chỉ cần
trích một phần nhỏ số tiền có thể cướp đoạt, chủ tín dụng thuê xã hội đen “xử
lí” và người vay khó tránh hậu họa nếu không muốn “của đi thay người”.
Đã có không ít câu
chuyện người dân tán gia bại sản vì tín dụng đen. Có phiên tòa, tuyên án xong
chủ tọa rơi nước mắt vì biết rõ người dân bị cướp tài sản mà không thể bảo vệ
vì thủ tục pháp lí của “kẻ cướp” quá hoàn hảo. Hiện nhiều người dân ở Cà Mau
đang rơi vào thảm cảnh này. Cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc, song đó mới
chỉ là “tia sáng cuối đường hầm”.
Ai
có ý định vay tín dụng đen hãy suy tính kĩ. Bởi đến với chúng là bắt đầu sa
chân vào bóng tối!
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 22/3/2016
|
Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016
Phạt,
cho tồn tại
Không biết có nơi nào trên thế giới mà
luật pháp chấp thuận việc “phạt, cho tồn tại”? Ở Việt Nam ta hình thức phạt,
cho tồn tại đã có nhiều năm nay.
Sống tại đô thị, nếu ai từng xây dựng,
cơi nới, sửa chữa nhà cửa trong khi thiếu một trong các điều kiện quy định về
xây dựng công trình sẽ hiểu thuật ngữ này. Phổ niến nhất là người xây dựng
khi chưa có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ). Bản
thân người viết bài cũng đã 15 năm sống trong ngôi nhà xây dựng 4 tầng thuộc
diện phạt, cho tồn tại. Dù có quyết định cấp nhà, đất của cơ quan có thẩm
quyền của quân đội nhưng đó không phải là sổ đỏ, không đủ điều kiện cấp phép
xây dựng nhà kiên cố. Sau vài năm được cấp sổ đỏ nhưng ngôi nhà thì vĩnh viễn
mang tên công trình bị phạt, đang tồn
tại. Thực trạng này hiện khá phổ biến tại đô thị. Có lẽ cơ quan chức năng còn
nhiều việc quan trọng nên chẳng ai quan tâm xử lí những trường hợp công trình
xây dựng từng bị phạt nay đã có sổ đỏ để người dân được sống trong ngôi nhà
hợp pháp. Cũng chẳng ai phá nhà đi xây lại chỉ để bỏ cái án phạt treo!
Không riêng với các công trình xây dựng,
các lĩnh vực khác cũng đang được “áp dụng” hình thức phạt, cho tồn tại. Dễ
nhìn thấy nhất là tình trạng chiếm dụng vỉa hè, khu công cộng để kinh doanh,
bán hàng, trông giữ phương tiện giao thông. Đối với các đô thị, đây cũng là
nguồn thu của cả người dân và cơ quan cho phép tồn tại vi phạm. Tôi có anh
bạn nhà mặt phố khi mở kinh doanh giải khát từng phàn nàn về việc ngày nào
cũng bị lực lượng chức năng đến dẹp, phạt không cho lấn chiếm vỉa hè nên rất
khó kinh doanh. Anh bức xúc vì nhiều người khác cùng tuyến phố cũng lấn chiếm
mà không bị nhắc nhở. Gần đây quán hàng kinh doanh như đã ổn định, không thấy
anh phàn nàn gì nữa. Sau tôi được anh cho biết có người mách nước nộp “phạt để
tồn tại” định kì hằng tháng, cả nộp phạt chính danh cho phường và “vô danh”
(chẳng hạn khi có ai đó trong cơ quan quản lí “đến thăm hỏi” dịp cuối tháng,
ngày lễ, tết…), và mọi chuyện êm xuôi.
Việc phạt cho tồn tại vi phạm công trình
giao thông (cụ thể là vỉa hè) đã tước đi quyền lợi hợp pháp của người tham
gia giao thông, nhất là người đi bộ. Tuy nhiên, từ ngày 1/2/2016 bắt đầu thực
hiện quy định tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ phạt người đi bộ vi phạm trật
tự an toàn giao thông thì bắt đầu có chuyện cần nói. Theo điều này, người đi
bộ phải đi trên hè phố, lề đường. Nhưng nhiều tuyến phố đâu còn chỗ cho người
đi bộ? Người dân đang bất đắc dĩ phải vi phạm luật giao thông và mạo hiểm cả
mạng sống của mình khi đi cùng làn xe cơ giới. Nhiều vụ tai nạn kinh hoàng
vừa mới xảy ra tại Hà Nội mà nạn nhân là người đi bộ dưới đường và đôi khi kể
cả trên vỉa hè.
Thực trạng trên đã bộc lộ vấn đề về sự
đồng bộ khi thực hiện pháp luật. Muốn luật được thực hiện nghiêm thì cần tạo
điều kiện để người dân có thể chấp hành. Như việc phạt người đi bộ, trước hết
phải dẹp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, tạo được hạ tầng giao thông đúng luật thì
mới có thể phạt hành vi vi phạm của của người đi bộ. Việc giải quyết những
bất cập phải xuất phát từ thực tiễn và làm từ gốc rồi mới đến ngọn, không thể
cắt khúc, tùy hứng một cách chủ quan.
Và, với thực trạng vi phạm vỉa hè đô thị
hiện nay, liệu tiếp tục có phát sinh thêm hình thức “phạt, cho tồn tại” với
người đi bộ?
Đinh
Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 16/3)
|
Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016
Đa cấp -
"botay.com”
…“Tại sao
lại nói chỉ cần ngồi nhà đếm tiền? Xin thưa, đó 100% là sự thật. Cụ thể thế
này, khi các bác góp 6 triệu đồng tham gia thành viên, ngay lập tức 2 triệu
trong số tiền đó đã là của các bác, nếu cần có thể rút ra ngay. Rồi các bác
động viên anh em, bạn bè tham gia. Khi giới thiệu mỗi người vào hệ thống, các
bác sẽ được hưởng 1,5 triệu đồng trong khi chính họ cũng được ngay 2 triệu
như các bác mới dự. Như vậy, nếu các bác giới thiệu được 4 người thì đã mang
về 6 triệu rồi, coi như chẳng phải đóng tiền mà vẫn là thành viên, lại có 2
triệu đồng. Rồi còn nữa, người được các bác giới thiệu nếu mời được thành
viên mới thì mỗi người thêm (cấp 2) ấy các bác cũng được hoa hồng 500 nghìn
đồng vân vân…Cứ như thế có phải là tiền tự chảy về túi mình không? Có phải
chỉ ngồi ở nhà đếm tiền không ạ?...
…Nhưng, để
có thể sử dụng tiền đầu tư, xin các bác chớ nói chuyện này với con cháu,
người thân hoặc những người dị ứng với từ đa cấp. Đúng là có một vài công ty
làm ăn không chân chính, chỉ con sâu làm rầu nồi canh thôi. Công ty chúng
cháu làm ăn nghiêm túc nên mới vinh dự được các bác cán bộ cấp cao tham gia
như các bác đã xem băng video giới thiệu ban nãy đấy ạ. Chúng cháu làm sao
lừa được cán bộ cao cấp ạ…”.
Đây là trích
đoạn bài tuyên truyền của một báo cáo viên đa cấp trong buổi vận động thành
viên. Cách "rót mật vào tai" như trên làm sao mà nhiều người không
tin, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa? Rồi cả chuyện
"xui" khôn để mọi người không bị ngăn cản mang tiền nộp cho đa cấp!
Đa cấp biến
tướng thành lừa đảo đã và đang xảy ra ở hết vùng này đến vùng khác từ những
năm đầu thế kỉ XXI. Khi không còn lừa được người thành thị nay chuyển về nông
thôn, miền núi. Những cái tên như Lô Hội, Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty CP
liên kết Việt, Công ty Noni Vina…từng bị báo chí phanh
phui, không hiểu sao có công ty vẫn tiếp tục đi lừa đảo. Gần đây một công ty
có cái tên rất nhân văn "Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong xây
dựng nông thôn mới" đã và đang lợi dụng lòng tốt, dụ hàng nghìn người
dân ở Thanh Hóa nộp tiền theo hình thức trên để trục lợi. Biết bao người đã
"nướng" tiền vào đa cấp và đồng tiền "một đi không trở
lại", nhiều gia đình vương vào nợ nần, nghèo càng thêm nghèo. Một hậu
họa nữa là các công ty đa cấp biến tướng đã biến người lương thiện thành kẻ
lừa chính người thân, bạn bè mình và mọi người. Họ không biết rằng đồng tiền
hoa hồng có được là từ đồng tiền người thân, bạn bè...chứ đâu phải của công
ty đa cấp. Cứ như thế, người bị lừa lại tiếp tục đi lừa để có tiền hoa hồng…
Đằng sau sự
hoành hành trên là sự im lặng, thờ ơ của các cơ quan chức năng. Rất hiếm thấy
trùm lừa của công ty đa cấp hầu tòa, bị trừng trị. Tại sao cơ quan tuyên
truyền không có những bài tuyên truyền "phản đa cấp" hay như tuyên
truyền đa cấp để nâng cao nhận thức cho người dân? Vì sao cơ quan quản lí
không bịt được kẽ hở pháp luật để đa cấp biến tướng lợi dụng? Với lực lượng
hùng hậu nhiều cấp, được “nuôi” bằng tiền thuế của dân nhưng xem ra cơ quan
chức năng chưa có động thái hữu hiệu đủ bảo vệ người dân.
"Đa
cấp" đang thắng và nhiều cấp đang... bó tay “chấm com”!
Đinh Hoàng (Bài đăng
Báo Người cao tuổi ra ngày 23/12/2015)
Cuối cùng thì cũng có một công ty được xóa sổ. Lê Xuân Giang, sĩ quan rởm là LĐ Công ty Liên kết Việt đã bị bắt vào ngày 19/2/2016.
Mong cơ quan chức năng sớm đưa nốt lãnh đạo Công ty Thiên Ngọc Minh Uy vào nhà giam cho có bạn.
|
Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016
Khóc và cười
Thấy ông Hải, bạn đi bộ hôm nay có vẻ mặt buồn rượi, đoán bạn có
chuyện buồn, ông Quân hỏi:
- Nhà có chuyện gì hay sao mà ông buồn thế?
Ông Hải bộc bạch:
- Mất hết cả ông ạ!
- Mất gì, tiền bạc ư?
- Tiền mất thì chả đáng nói, mất là cái còn quan trọng hơn, đấy
là tình bạn.
Rồi ông Hải kể cho bạn câu chuyện “mất” hôm trước:
Dạo này đám cưới, cỗ bàn liên miên, nhất là những “ngày đẹp”, có
hôm ông Hải phải “chạy sô” hai ba đám. Mấy hôm trước ông nhận được thiệp mời
cưới con một ông bạn cùng cơ quan cũ đã nghỉ hưu. Đúng hôm đó ông lại nhận
tin một người bạn đồng môn đại học có mẹ già mất, thời gian viếng cũng trùng
vào lúc gần trưa. Ông đã đóng 2 phong bì, một viếng đám tang, một đi dự đám
cưới. Viếng mẹ ông bạn xong, ông tới luôn đám cưới dự tiệc. Tối khuya hôm đó
bỗng ông nhận được cuộc điện thoại của ông bạn cùng cơ quan. Chưa kịp hỏi
việc cưới xin xong xuôi thế nào ông đã nhận luôn một tràng mắng nhiếc từ ông
bạn:
- Từng ấy năm sống với nhau tôi cứ tưởng ông là người tử tế, thế
mà ông nỡ chơi xỏ tôi thế à? Tôi có gì không phải mà ông làm thế. Ông nhớ,
đứa con tôi cả đời có một lần, vậy mà ông nỡ ác thế. Sau này vợ chồng nó có
thế nào tôi suốt đời nguyền rủa ông. Tôi từ cái mặt ông! - Ông Hải chưa kịp phản
ứng gì điện thoại đã tút tút…
Ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì bỗng ông lại nghe điện thoại đổ
chuông:
- Ông là thằng khốn nạn. - Người bên kia chẳng xưng tên đã tuôn
như bắn sung liên thanh - Mẹ tôi có điều gì với anh hay sao. Hay tôi tệ bạc
với ông khi nào mà bà nằm xuống để ông chúc mừng? Tôi thề không thèm nhìn cái
mặt ông nữa, đồ đểu!
Điện thoại cũng bị ngắt nhanh chóng. Ông xem lại mới biết đó là
số máy của ông bạn đồng môn.
Sau khi định thần, nghĩ lại ông Hải đã hiểu, có lẽ cái phong bì
chúc mừng hạnh phúc ông đã đưa thắp hương cho người quá cố! Còn cái phong bì kính viếng đám tang thì đút vào
hòm tiền mừng đám cưới, dù ông đã cẩn thận đút mỗi phong bì vào một túi khác
nhau.
Nghe xong câu chuyện, ông Quân ôn tồn khuyên:
- Thôi, việc thì đã xảy ra rồi, nghĩ ngợi làm gì. Tâm của ông thế
nào thì những người bạn lâu năm chắc cũng hiểu. Chẳng qua lúc họ bức xúc,
chưa bình tĩnh nên mới bộc phát thế. Hôm nào ông cho tôi xin số điện thoại
của hai ông bạn kia, tôi sẽ bố trí hẹn gặp cả ba người và nói cụ thể “sự cố”.
Chắc các bạn ông sẽ hiểu và làm lành với nhau thôi.
Nghe xong lời tư vấn của ông Quân, gương mặt ông Hải như tươi
tỉnh hẳn lên. Ông nghĩ, đúng, mình đâu có tà tâm gì!
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày
3/3/2016
|
Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016
Đằng sau những hoành tráng
“Phong cách” hoành tráng,
lãng phí của nhiều tỉnh, thành, ngành của ta gần đây thật đáng “khâm phục”!
Trong dịp Tết Nguyên đán
Bính Thân 2016 rất khó tìm thấy tỉnh, thành phố nào không tổ chức bắn pháo
hoa. Nhiều tỉnh nghèo khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ
cũng “chắt bóp” để bắn pháo hoa hoành tráng. Có tỉnh phải xin Trung ương hỗ trợ
hàng nghìn tấn gạo cứu đói dịp Tết nhưng vẫn quyên góp tiền của cơ quan,
doanh nghiệp để bắn pháo hoa. Không biết người dân vùng đói, ăn cháo hoa có
được ngắm pháo hoa? Tiền chi cho một điểm bắn pháo hoa không tính bằng triệu
mà hàng tỉ đồng, tuy nhiên lượng người dân được chiêm ngưỡng pháo hoa thường
hạn chế, nhất là ở những tỉnh vùng núi, hải đảo. Ngay tại thành phố lớn như
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh do không gian chật hẹp nên lượng người trực tiếp được
xem các màn pháo hoa đêm giao thừa cao lắm cũng chỉ tới hàng nghìn. Đại đa số
người dân cả nước chiêm ngưỡng pháo hoa qua màn ảnh ti-vi ghi hình những điểm
bắn của một vài thành phố lớn (đây cũng là cách làm hiệu quả nhất, ít tốn
kém). Còn các điểm bắn tại nhiều tỉnh, thành thì chỉ phục vụ lượng người rất
ít quanh đô thị của mỗi địa phương. Tiền mất nhiều nhưng số người thưởng thức
hạn chế thì không thể gọi là gì khác ngoài sự lãng phí.
Bảo tàng Hà Nội lèo tèo khách tham quan
Căn bệnh trầm kha lãng
phí trong đầu tư xây dựng nhiều năm qua vẫn đang làm người dân chưa hết xót
xa. Ngay tại Thủ đô, tòa “tháp lộn ngược” Bảo tàng Hà Nội với chi phí hơn 2
nghìn tỉ đồng, hiện vật nghèo nàn, khách tham quan lèo tèo có thể là một điển
hình về lãng phí. Hà Nội còn rất nhiều công trình thể thao, văn hóa hoành
tráng khác ở nội thành và các huyện ngoại thành cũng đang trong tình trạng
thưa vắng người dùng. Cảnh đông đúc, chen chúc thường nhật lại là tại các
bệnh viện, lớp học mẫu giáo, mầm non. Trẻ em đang thiếu trầm trọng sự hoành
tráng dành cho không gian vui chơi, học tập. Có người dân đã nói thẳng “họ
xây dựng những công trình văn hóa, thể thao hoành tráng chỉ là để… xây dựng,
không quan tâm hiệu quả sử dụng”! Người dân không được lợi thì ai được lợi từ
những công trình xây dựng hoành tráng đó?
Dư luận những ngày qua
đang xôn xao về dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới (636 m) của VTV tại Hà Nội. Kinh phí đầu tư của dự án từ 1,3 đến 1,5 tỷ USD,
trong đó riêng phần khối tháp là 900 triệu USD (chừng hơn 20 nghìn tỉ đồng).
Hiện tháp truyền hình cao nhất thế giới (tháp Sky Tree (Tokyo - Nhật Bản) là
634m, tháp VTV chỉ cần nhích hơn 2m đã cao nhất thế giới!
VTV đang muốn vượt Nhật Bản... 2m
Đề án số hóa truyền hình với mục tiêu đến
năm 2020 toàn bộ mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất sẽ chuyển sang
công nghệ số DVB-T2 của Bộ Thông tin và Truyền thông đang về đích. Liệu có gì
mâu thuẫn trong chủ trương phát triển dài hạn của VTV khi tháp cao là không
cần thiết cho phát sóng truyền hình? Đã có những phản biện, nghi ngờ lợi ích
đằng sau dự án tháp truyền hình - đó là nguồn đất đai (14,5 ha ban đầu, nay
mở rộng tới 49 ha). Chắc chắn, dự án xây dựng này sẽ đề xuất những chính sách
ưu đãi của Nhà nước. Các hạng mục “ăn theo” như căn hộ cao cấp, khách sạn,
nhà hàng, khu trung tâm thương mại, dịch vụ… sẽ chiếm tỉ trọng không ít trong
dự án này. Vậy sự hoành tráng tòa tháp cao nhất thế giới này thực sự vì ai?
Căn bệnh hoành tráng dù là mục tiêu gì
thì cũng đến lúc cần được "điều trị" để đồng tiền của dân không rơi
vào lãng phí!
Đinh Hoàng
(Bài
đăng mục Trong mắt người già, Báo Người cao tuổi số ra ngày 01/3/2016)
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)