Phạt,
cho tồn tại
Không biết có nơi nào trên thế giới mà
luật pháp chấp thuận việc “phạt, cho tồn tại”? Ở Việt Nam ta hình thức phạt,
cho tồn tại đã có nhiều năm nay.
Sống tại đô thị, nếu ai từng xây dựng,
cơi nới, sửa chữa nhà cửa trong khi thiếu một trong các điều kiện quy định về
xây dựng công trình sẽ hiểu thuật ngữ này. Phổ niến nhất là người xây dựng
khi chưa có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ). Bản
thân người viết bài cũng đã 15 năm sống trong ngôi nhà xây dựng 4 tầng thuộc
diện phạt, cho tồn tại. Dù có quyết định cấp nhà, đất của cơ quan có thẩm
quyền của quân đội nhưng đó không phải là sổ đỏ, không đủ điều kiện cấp phép
xây dựng nhà kiên cố. Sau vài năm được cấp sổ đỏ nhưng ngôi nhà thì vĩnh viễn
mang tên công trình bị phạt, đang tồn
tại. Thực trạng này hiện khá phổ biến tại đô thị. Có lẽ cơ quan chức năng còn
nhiều việc quan trọng nên chẳng ai quan tâm xử lí những trường hợp công trình
xây dựng từng bị phạt nay đã có sổ đỏ để người dân được sống trong ngôi nhà
hợp pháp. Cũng chẳng ai phá nhà đi xây lại chỉ để bỏ cái án phạt treo!
Không riêng với các công trình xây dựng,
các lĩnh vực khác cũng đang được “áp dụng” hình thức phạt, cho tồn tại. Dễ
nhìn thấy nhất là tình trạng chiếm dụng vỉa hè, khu công cộng để kinh doanh,
bán hàng, trông giữ phương tiện giao thông. Đối với các đô thị, đây cũng là
nguồn thu của cả người dân và cơ quan cho phép tồn tại vi phạm. Tôi có anh
bạn nhà mặt phố khi mở kinh doanh giải khát từng phàn nàn về việc ngày nào
cũng bị lực lượng chức năng đến dẹp, phạt không cho lấn chiếm vỉa hè nên rất
khó kinh doanh. Anh bức xúc vì nhiều người khác cùng tuyến phố cũng lấn chiếm
mà không bị nhắc nhở. Gần đây quán hàng kinh doanh như đã ổn định, không thấy
anh phàn nàn gì nữa. Sau tôi được anh cho biết có người mách nước nộp “phạt để
tồn tại” định kì hằng tháng, cả nộp phạt chính danh cho phường và “vô danh”
(chẳng hạn khi có ai đó trong cơ quan quản lí “đến thăm hỏi” dịp cuối tháng,
ngày lễ, tết…), và mọi chuyện êm xuôi.
Việc phạt cho tồn tại vi phạm công trình
giao thông (cụ thể là vỉa hè) đã tước đi quyền lợi hợp pháp của người tham
gia giao thông, nhất là người đi bộ. Tuy nhiên, từ ngày 1/2/2016 bắt đầu thực
hiện quy định tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ phạt người đi bộ vi phạm trật
tự an toàn giao thông thì bắt đầu có chuyện cần nói. Theo điều này, người đi
bộ phải đi trên hè phố, lề đường. Nhưng nhiều tuyến phố đâu còn chỗ cho người
đi bộ? Người dân đang bất đắc dĩ phải vi phạm luật giao thông và mạo hiểm cả
mạng sống của mình khi đi cùng làn xe cơ giới. Nhiều vụ tai nạn kinh hoàng
vừa mới xảy ra tại Hà Nội mà nạn nhân là người đi bộ dưới đường và đôi khi kể
cả trên vỉa hè.
Thực trạng trên đã bộc lộ vấn đề về sự
đồng bộ khi thực hiện pháp luật. Muốn luật được thực hiện nghiêm thì cần tạo
điều kiện để người dân có thể chấp hành. Như việc phạt người đi bộ, trước hết
phải dẹp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, tạo được hạ tầng giao thông đúng luật thì
mới có thể phạt hành vi vi phạm của của người đi bộ. Việc giải quyết những
bất cập phải xuất phát từ thực tiễn và làm từ gốc rồi mới đến ngọn, không thể
cắt khúc, tùy hứng một cách chủ quan.
Và, với thực trạng vi phạm vỉa hè đô thị
hiện nay, liệu tiếp tục có phát sinh thêm hình thức “phạt, cho tồn tại” với
người đi bộ?
Đinh
Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 16/3)
|
Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét