Hớ
Trong cuộc sống đôi khi chúng ta cũng bị
hớ, chẳng hạn như mua phải món hàng quá đắt mà không biết. Hoặc quan hệ cam
kết, trao đổi, giao dịch việc gì đó... vô tình chấp nhận thiệt thòi về phía
mình mà không hay.
Nhưng,
có một loại hớ, đó là “hớ chính sách”! Nghe có vẻ hơi lạ nhưng đôi khi vẫn xảy
ra với cơ quan quản lí nhà nước. Chuyện dân bị móc túi 3.500 tỉ đồng vì mua
xăng dầu giá đắt là một cái hớ tương đối lớn! Sự việc đang làm nóng dư luận.
Nguyên nhân do ai chưa rõ vì “quả bóng trách nhiệm” vẫn đang lăn, chưa có điểm
dừng.
Chuyện
là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã phối hợp tham mưu ban hành
áp thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu nhưng chưa tính “hết nước, hết cái”. Cùng
mặt hàng xăng dầu nhưng nhập ở thị trường khác nhau có các mức thuế không giống
nhau. Mức chênh lệch có mặt hàng lên đến 10%. Không những thế, trong lộ trình
giảm thuế khu vực ASEAN, từ 1/1/2016 tất cả các mặt hàng dầu từ thị trường này
hưởng thuế 0%, cao nhất là xăng cũng chỉ còn 10%, bằng nửa so với thị trường
khác. Thực tế, Petrolimex và hầu hết các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác có
thể linh hoạt tận dụng được mức thuế thấp khi nhập khẩu xăng dầu từ khu vực
ASEAN. Lẽ ra cơ quan quản lí phải có quy định cụ thể nhằm điều tiết chênh lệch
mức thuế trên vào ngân sách Nhà nước, đồng thời giám sát chặt chẽ, bảo đảm công
bằng giữa các doanh nghiệp khi nhập xăng dầu ở các thị trường khác nhau nhưng
bán trong nước cùng một mức giá.
Mức
chênh lệch cao nên chẳng ai dại gì nhập khẩu từ chỗ thuế cao. Mức thuế ấy có
thể chỉ để doanh nghiệp xăng dầu lấy làm “chuẩn” để định giá bán hàng cho người
sử dụng. Thực tế trên là nguyên nhân “phát lộ” số tiền lãi khủng hàng nghìn tỉ
đồng.
Tầm
quản lí cấp bộ, “cánh tay” tham mưu vĩ mô đắc lực, “chỗ dựa” tin cậy của Nhân
dân mà lại “hớ hênh” như trên thì không thể coi là chuyện bình thường. Trước đã
có chuyện hớ để doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá lãi khủng. Chuyện đó có thể
biện minh rằng ta không nắm được hết chi phí đầu vào, đầu ra của họ... Nhưng
chuyện áp thuế nhập khẩu chẳng lẽ cơ quan chức năng cũng không nắm rõ chính
sách tác động thế nào tới doanh nghiệp và dân sinh? Nếu thực sự trình độ quản
lí của cơ quan chức năng như vậy thì đáng lo ngại, khi mà nhiều hiệp định tự do
thương mại quốc tế đã và sắp có hiệu lực. Nếu đã hớ với đối tác nước ngoài liệu
có đòi được tiền?
Điều
đáng nói, chuyện hớ trên đã được cơ quan quản lí phát hiện từ tháng 10/2015
song đến nay mới đề xuất hướng khắc phục, trong khi nhiều người có thể tính
được mỗi ngày chậm trễ, doanh nghiệp xăng dầu sẽ hưởng lợi ra sao.
Người
dân, các doanh nghiệp khác hoàn toàn có quyền nghi ngờ lợi ích nhóm đằng sau
câu chuyện... hớ!
Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày
31/3/2016)
|
Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét