Si mê
Ấy là khi ta thích thứ gì, yêu ai đó
đến mức quên hết mọi chuyện, không thấy cái ta yêu có những khiếm khuyết,
nhược điểm mà nhiều người dễ dàng nhìn thấy. Say mê, si mê thực ra là trạng
thái mỗi người nên có để hướng nó tới những điều cao đẹp và học tập, làm
theo. Nhưng người si mê đôi khi lú lẫn, không thể nhận ra chân giá trị.
Những năm gần đây một bộ phận giới trẻ
Việt Nam thực sự đã mắc chứng "bệnh" si mê. Nổi lên là hiện tượng
say mê thái quá một số ca sĩ, nhóm nhạc hay nhân vật trong văn học, nghệ thuật
nước ngoài và coi đó là thần tượng của cuộc đời.
Còn nhớ cách đây mấy chục năm, trong
hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, sống trong hoàn cảnh chiến tranh khó
khăn gian khổ song lớp trẻ khi ấy cũng say mê thần tượng. Gương những anh
hùng như La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Văn Trỗi, chị Út
Tịch, Nguyễn Viết Xuân, Lê Mã Lương… là hình tượng cao đẹp được tuổi trẻ
ngưỡng mộ và học tập, lao động, chiến đấu noi theo. Hay nhiều tấm gương từ
các trang văn học, nghệ thuật nước ngoài cũng trở thành thần tượng của tuổi
trẻ, đặc biệt như nhân vật Pa-ven Coóc-sa-ghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi
thế đấy” của nhà văn Nhi-cô-lai Ốxt-rốp-xky. Một lớp trẻ sống hướng tới hình
tượng cả trong văn học và ngoài đời đã tự trau dồi năng lực, nhân cách, làm
nên thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, góp phần làm nên trang sử chói
lòa trong thế kỉ XX.
Năm trước nhiều người Việt tự thấy xẩu
hổ thay cho một số thanh niên si mê thần tượng ca nhạc Hàn Quốc đến mức hôn
lên cả nơi họ vừa ngồi! Khóc nức nở khi nhìn thấy thần tượng theo tâm lí bầy
đàn. Ngay các ca sĩ nước ngoài ấy cũng ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, khi mà ở
trong nước, họ chẳng bao giờ thấy. Phải thừa nhận nền công nghiệp giải trí
Hàn Quốc đã sản xuất được những sản phẩm đánh trúng tâm lí giới trẻ. Thực ra,
giá trị nghệ thuật, nhân văn của những sản phẩm đó chẳng phải đặc sắc. Đó chỉ
là những "món ăn nhanh" của nền công nghiệp giải trí. Mỗi sản phẩm,
mỗi nhóm nhạc chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi lại được thay bằng những món
mới, những nhóm khác. Gần đây bộ phim "Hậu duệ mặt trời" của Hàn
Quốc cũng tạo được một hiệu ứng si mê trong giới trẻ nước ta. Sẽ chẳng đáng
bàn khi các đạo diễn xứ Hàn tạo dựng được những hình tượng quân nhân trong
quân đội nước họ đẹp đẽ, anh hùng (mà thực tế chưa hẳn đã có). Điều đáng chê
là cả một vài MC, ca sĩ nổi tiếng cũng hùa theo đám đông si mê, khoác lên
mình tấm áo quân nhân quân đội nước họ với vẻ tự hào rồi post lên facebook.
Có lẽ họ chưa biết, đó là màu áo của một đội quân đánh thuê, từng tàn sát dã
man đồng bào mình trong những năm tháng bị ngoại xâm!
Tuổi trẻ là những năm tháng thanh xuân,
sống cần có ước mơ, hoài bão. Lí tưởng sống cần hướng tới những giá trị đích
thực, cao đẹp vì gia đình, quê hương, đất nước. Đừng để sự si mê làm mất dần
bản sắc người Việt - một dân tộc mà có người nước ngoài từng mơ sau một đêm,
tỉnh dậy mình thành người Việt Nam!
Đinh
Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 6/4/2016) |
Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét