Phê đúng,
không khen bừa
Sử cũ kể: Tự Đức vốn là ông vua tự phụ,
luôn coi văn chương của mình là nhất và tuyên bố với quần thần: “Trẫm không
ứng thí, chứ nếu thi thì ắt trúng trạng nguyên!”. Cao Bá Quát là quan ở Bộ
Lễ, một lần vào điện Cần Chánh thấy đôi câu đối do vua Tự Đức đề: Tử năng thừa phụ nghiệp. Thần khả
báo quân ân (nghĩa là Con nối được nghiệp bố. Tôi đền
được ơn vua). Mọi quan trong triều đều nức nở khen câu đối này hay. Riêng
Cao Bá Quát đề vào bên cạnh lời bình: Hảo
hề, hảo hề. Phụ tử quân thần điên đảo (nghĩa: Hay chưa, hay chưa! Cha
con, vua tôi đảo lộn). Biết chuyện Tự Đức giận lắm, triệu Cao Bá Quát đến
hỏi tội. Ông thản nhiên: “Tâu bệ hạ, thần đọc sách thánh hiền thấy nói đạo
vua tôi trên đạo cha con, vua trước, tôi sau, cha trước, con sau. Nay bệ hạ
viết thế là làm đảo lộn cả cương thường rồi ạ”. Vua bảo ông thử chữa xem. Cao
Bá Quát không ngại ngần, sửa: Quân
ân thần khả báo. Phụ nghiệp tử năng thừa. (nghĩa: Ơn vua tôi phải báo.
Nghiệp bố con phải theo). Tự Đức dù giận lắm nhưng phải thừa nhận Cao Bá
Quát sửa hay nên không thể trị tội khi quân.
Lịch sử dân tộc ta không ít những người
cương trực như Chu Văn An, Cao Bá Quát... Dũng khí phê phán thường mang đến
hậu họa khôn lường nhưng họ không làm khác vì ích nước, lợi dân, họ chẳng
màng danh lợi cá nhân, gia đình, dòng tộc. Nhưng cũng có nhiều chuyện xảy ra
cả xưa và nay, người chức quyền nói gì đều được quần thần, cấp dưới phụ họa,
khen bừa dù đó chưa hẳn là hay, chưa chắc đã đúng. Họ khen chẳng qua làm vừa
ý vua, lấy lòng cấp trên để mong mình được ưu ái và đích cuối là cầu lợi, đợi
danh. Người không hiểu biết đã đành, có người hiểu đó chẳng phải là ý đúng,
điều hay nhưng vẫn cố khen, coi mọi điều cấp trên viết ra đều là lời vàng ý
đẹp, mọi lời nói của bề trên đều là “nhả ngọc tuôn châu”! Sinh thời Bác Hồ làm
nhiều bài thơ hay. Bác từng nhắc mọi người đại ý “Bác làm thơ có bài hay, bài
dở, mọi người không nên khen quá chỉ vì Bác là lãnh tụ…”. Thói xu nịnh, dĩ
hòa vi quý, khen bừa khiến cấp trên nghe dần thành quen, ngộ nhận là thật và
không thấy điểm yếu của mình. Rõ ràng khen sai đã triệt tiêu trí tuệ, sáng
tạo và chính là lực cản kìm hãm sự phát triển.
Những vị quan cương trực, luôn dám nói
thẳng, nói thật lại gặp được đấng minh quân, ấy là khi xã tắc, muôn dân được
nhờ. Đảng ta đang đẩy mạnh quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí bằng
việc ban hành nhiều nghị quyết và gần đây là Kết luận số 21-KL/TƯ Hội nghị
Trung ương 5 (khóa XI) và Nghị quyết đại hội XII. Đó là những chủ trương đúng
đắn, quyết tâm chính trị xuyên suốt của Đảng. Chống tham nhũng cũng có thể
coi là “cuộc chiến” cam go không ít cản trở mà lực cản ít nhiều nằm ngay
trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác để thực
hiện chủ trương của Đảng thì tinh thần và dũng khí đấu tranh của cán bộ, đảng
viên là yếu tố mang tính nền tảng.
Nếu không phát huy được môi trường phê
bình, tự phê bình cả trong và ngoài Đảng thì rất khó để công cuộc đấu tranh
với vấn nạn tham nhũng, lãng phí đạt được hiệu quả triệt để.
Hoàng
Đình Khải
Bài
đăng Báo Người cao tuổi ngày 20/4/2016
|
Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét