Làng Bân ổn định
Làng Bân bỗng
nháo nhác bởi chuyện 4 cái trạm ba-ri-e tại 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc làng
vừa được dựng lên. Lẽ ra có trạm gác, an ninh trật tự của làng được bảo đảm
tốt hơn, hạn chế lũ “choai choai” phóng xe máy bạt mạng thì phải vui chứ?
Khốn nỗi, nay ai ra khỏi làng bằng phương tiện, kể cả xe đạp đều phải… mua
vé!
Chuyện trên bắt đầu thế này: Năm qua dân làng Bân nhất trí đề xuất của lãnh đạo thôn
đóng góp “Qũy bảo trì đường làng” tích cóp được chút tiền quỹ. Rồi, theo vận
động của Trưởng thôn, dân làng chắt chiu góp thêm mỗi hộ gần 2 triệu bạc để
nâng cấp hệ thống đường làng, dù làng Bân thuộc diện nghèo nhất nhì trong
huyện. Cùng góp và ủng hộ dân làng tiền làm đường còn có 2 đại gia phố huyện
là Đại Lượng và Hữu Tỷ, vốn gốc gác quê hương lên phố làm giàu.
Đường làng đổ bê-tông sạch sẽ, khang trang khiến ai cũng phấn khởi, nghĩ lại
chẳng tiếc tiền triệu đã bỏ ra. Đường làm xong vừa được tháng trời bỗng thấy
2 đại gia Lượng và Tỷ đánh ô-tô về mời Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ lên phố
huyện chiêu đãi. "Hai ông này đã tốt với dân làng lại còn chu đáo cả với
lãnh đạo" - nhiều người nghĩ. Không hiểu trong bữa chén chú, chén anh
ấy, họ đã nói với nhau chuyện gì? Chắc là những lời cám ơn của lãnh đạo thôn?
Hay những hiến kế xây dựng để quê hương thoát nghèo của hai đại gia?
Sau đó dân làng bỗng thấy xe ô-tô chở nào gạch, xi-măng, sắt thép đổ ngổn
ngang tại 4 cổng của làng Bân.
Chỉ sau vài ngày là 4 trạm ba-ri-e vững chãi đã được hoàn thành, đi ngay vào
hoạt động. Mỗi trạm có hai thanh niên nhìn bặm trợn làm nhiệm vụ bán vé cho
phương tiện qua lại. Sau mọi người mới "ngã ngửa", đó là trạm thu
phí của hai đại gia phố huyện Đại Lượng, Hữu Tỷ.
Dân làng bức xúc, bực bội. Bỗng dưng nay đi đâu khỏi làng cũng mất tiền, ai
chả tức. Ô-tô, xe máy, xe điện và cả xe đạp, tất tật đều phải mua vé! Bức
xúc, người dân chất vấn lãnh đạo thôn về sự vô lí của “thuế đường làng”. Lãnh
đạo giải thích: “Người ta là nhà đầu tư, là BOT, bỏ tiền ra họ phải thu phí,
ai có tiền đâu mà cho không!?”; “Như thế là phí chồng phí, chúng tôi đã đóng
“Quỹ bảo trì đường làng”, sao lại phải mua vé đường?”; “Quỹ là quỹ của làng,
còn tiền vé là tiền trả nhà đầu tư, sao lại gọi là chồng phí được!”…
Cứ thế, trạm phí BOT vẫn tồn tại, hằng ngày thu những đồng tiền còm cõi của
dân làng Bân.
Thế
rồi, với lí do chi phí tăng cao, mấy bà bán thịt, mấy ông xe ôm… lần lượt
tăng giá.
Dù đã rất tiết kiệm, dân làng Bân ngày một thắt chặt chi tiêu.
Chợ làng Bân vốn chẳng đông đúc, nay vắng như chùa Bà Đanh.
Đường làng cũng vắng hẳn người ra vào vì ai cũng lo mất tiền vé đường…
Làng Bân tiếp tục ổn định… nghèo!
Đinh Hoàng
Bài đăng
Báo Người cao tuổi ngày 18/3/2016
|
Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét