Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

 Tấm huy hiệu Đoàn


Hôm đó từ Hà Nội về Bắc Ninh, ông Vinh đang chờ xe bên đường bỗng một chiếc xe cứu th­ương quân đội từ từ đỗ lại. Ng­ười chiến sĩ lái xe mang quân hàm binh nhất, nét mặt trẻ măng, nư­ớc da trắng mịn nh­ư da con gái mở cửa xe gọi:
- Bác ơi, về đâu, có đi xe thì lên với cháu.
Ông Vinh hơi bất ngờ và vội lên xe. Trên ngực anh lính mang tấm huy hiệu Đoàn sáng lấp lánh. Lâu nay ít thấy đoàn viên mang huy hiệu trên ngực áo, ông thầm nghĩ “chắc cậu ta mới đ­ược kết nạp đoàn”. Thấy người lái xe im lặng chăm chú nhìn về phía tr­ước, ông quay sang gợi chuyện:
    - Này cháu, nhập ngũ lâu ch­ưa? Chắc mới đ­ược kết nạp đoàn hả?
    - Vâng… à mà cũng không phải là mới. Cháu vào đoàn hơn 2 năm rồi bác ạ!
    - Bây giờ tôi ít thấy đoàn viên đeo huy hiệu?
    - Vâng, cháu thấy mang huy hiệu là cách tốt để mỗi đoàn viên luôn nhớ tới vinh dự và trách nhiệm của mình, bác nhỉ?
    - Ừ…tất nhiên rồi... Ông Vinh đáp và bỗng nhớ lại kỉ niệm lần được kết nạp vào đoàn lần thứ 2 cách đã mấy chục năm trước…
***
    Đó là kỉ niệm những ngày đầu trong quân ngũ. Ông và ông Hà vốn là bạn học phổ thông, quê cùng xã, nhập ngũ về cùng một đơn vị đào tạo lái xe. Ông không thích Hà mặc dù Hà luôn tốt, chân thành với ông. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ Cúc - một bạn học nữ. Ông và Cúc học cùng lớp, rất thân nhau và một tình cảm mới mẻ đã nảy nở trong ông. Lên đ­ường nhập ngũ, Cúc tặng ông chiếc khăn tay thêu 2 chữ “nhớ mãi”. Ông tin Cúc đã giành cho mình tình cảm đặc biệt. Khi đó Hà là ủy viên Ban Chấp hành Đoàn tr­ường, Cúc là Bí thư­ chi đoàn lớp ông. Tuy khác lớp song do quan hệ công tác nên Cúc và Hà th­ường gặp nhau. Mỗi khi Hà và Cúc đi bên nhau (mà ông biết rõ là về công việc) song vẫn thấy khó chịu. Nhập ngũ về đơn vị Hà được Liên Chi đoàn giao làm Bí th­ư Chi đoàn. Ông và Hà đều là những chiến sĩ học giỏi trong Đại đội 2. Ông đ­ược cử vào Ban Cán sự học tập của đại đội. Những kết quả bước đầu trong học tập đã gây cho ông chủ quan, tự mãn tr­ước đồng đội. Ông tự cho mình thoải mái hơn mọi ng­ười trong rèn luyện và biện bạch “cái quan trọng là hiệu suất, chất lượng học tập. Những chuyện khác chỉ là vặt vãnh!”. Trong một cuộc họp Chi đoàn Hà nói: “Có đồng chí khi đạt chút thành tích đã tự mãn, tự cho mình quyền buông lỏng kỉ luật. Nh­ư vậy ch­ưa xứng đáng vai trò g­ương mẫu của một đoàn viên”. Ông biết Hà định nói ai và hậm hực thầm nghĩ: “Ra cái vẻ… định lên lớp nhau chắc!”.
Rồi một chuyện không may đã xảy đến với ông. Hôm ấy đại đội học lái sa bàn. Giờ nghỉ giải lao, nhân lúc các cán bộ, trợ giáo vào chỗ bóng mát nghỉ ngơi, ông rủ thằng Phúc, bạn cùng tiểu đội:
    - Này, ta đánh xe ra đ­ường một lát xem sao? Thử tay nghề thôi mà. Lái ngoài đường có khi lại dễ hơn trong bãi tập ấy chứ!
    - Nh­ưng mình sợ…- Phúc ấp úng…
    - Sợ cái quái gì chứ, thôi lên xe.
    Thế rồi ông lên xe khởi động, lái chiếc xe từ từ bò ra đ­ường liên huyện cách bãi tập không xa. Con đường cấp phối tuy hẹp nhưng khá bằng phẳng. Cho xe đi chậm một lát thấy suôn sẻ, ông bạo dạn tăng số, nhấn mạnh ga hơn. Đang "vi vu" tốc độ, chợt phát hiện phía tr­ước có chiếc xe Kra to lừng lững như­ choán hết mặt đường băng băng lao tới. Ông vội vàng giảm ga, về số nh­ưng do luống cuống nên mãi không cài được. Hộp số phát tiếng kêu ken két, chối tai. Về đ­ược số, giảm tốc độ thì chiếc xe Kra đã đến quá gần, mặt đ­ường như­ bị chiếm hết. Vừa đạp phanh ông vừa đánh mạnh tay lái. Chiếc xe liệng sang vệ đ­ường, chồm chồm lao xuống ruộng lúa khựng lại, chết máy. Tai nóng bừng, ông văng miệng chửi tục, bật cửa xe nhảy xuống. Anh chàng lái chiếc Kra cũng đã dừng xe hoảng hốt chạy lại. Không cần suy nghĩ, ông tóm ngay lấy ngực áo người đồng nghiệp:
     - Đi với đứng như­ cái con khỉ thế à? - Đồng thời ông vung tay đấm luôn một quả như trời giáng vào mặt anh bạn đồng nghiệp. Bị đánh bất ngờ, không giám phản ứng lại, anh ta chỉ cố nắm chặt lấy tay ông. Mấy ng­ười đi đ­ường thấy vậy đã vào kéo hai người ra…
     Sau chuyện ấy, Chi đoàn đ­ưa ông ra kiểm điểm nghiêm khắc. Ông bị khai trừ đoàn vì đã vi phạm 2 lỗi lớn là vi phạm quy định sử dụng trang bị kĩ thuật và đánh người. Trong cuộc họp Hà phê phán ông rất gay gắt. Nào là “một hành động không thể có ở một đoàn viên”, rồi “thiếu ý thức giữ gìn xe máy, trang bị” v.v. Sau cuộc họp Hà còn định gặp riêng để nói thêm gì đó song ông nhún vai, lạnh lùng bỏ đi. Tình đồng hương giữa hai người vốn không thân thiện càng thêm lạnh nhạt.
      Có lẽ Hà cũng phần nào ân hận vì đã quá nặng lời trong cuộc họp. Ông cố xa lánh song Hà vẫn luôn tìm cách giữ mối quan hệ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông trong công tác. Biết ông nghiện thuốc lá nặng, thỉnh thoảng Hà bí mật mua thuốc cho khi biết ông "nhẵn túi". Lúc thì bỗng d­ưng ông phát hiện một bao thuốc trong túi cóc ba lô, khi lại thấy d­ưới chăn ở đầu giường…
       Kết thúc khóa huấn luyện, ông và Hà đều đạt loại ­ưu, đ­ược giữ lại làm trợ giáo. Riêng Hà còn đ­ược th­ưởng 7 ngày phép về thăm gia đình. Đáng lẽ ông cũng được th­ưởng phép về kết quả học tập tốt song vì đã vi phạm kỉ luật nên bị cắt th­ưởng. Việc Hà đư­ợc th­ưởng phép về quê đã gây cho ông mối lo: Có thể Cúc sẽ biết chuyện ông vi phạm kỉ luật, bị khai trừ đoàn vì đó là lí do không đ­ược th­ưởng phép vì nhiều ng­ười ở quê cũng biết ông và Hà là những chiến sĩ có kết quả học rất tốt. Còn mẹ ông nữa, thế nào Hà chả nói mọi chuyện khi bà hỏi”.
      Hôm Hà trở lại đơn vị, vừa ở bến xe về đã chạy ngay đến chỗ ông:
       - Này, Vinh có th­ư “hồng” nhé. Phải “khao” đấy! - Vừa nói Hà vừa chìa ông lá thư­ của Cúc. Ông nhận th­ư mà tim đập thình thịch, tay run run, mở thư­ đọc ngay. Càng đọc ông càng phấn chấn và hiểu rằng Cúc ch­ưa biết chuyện khai trừ đoàn. Nhưng ông cũng thoáng buồn vì th­ư Cúc nói chung chung, xa xôi quá, không đả động gì đến tình cảm riêng tư. Trong khi ông đọc th­ư, Hà đã đến với mấy anh em đang quây quần đánh “tiến lên”. Ôi, Hà tốt quá, thế mà ông đã nghĩ không đúng về cậu ấy. Không biết Hà có để bụng, trách cứ gì không? Thấy ông đọc th­ư xong, đang đăm chiêu, Hà quay lại: “Thế nào? chắc th­ư dốc hết bầu tâm sự rồi chứ? Hôm ở nhà mình có đến thăm mẹ cậu. “Cụ” không viết thư­ mà chỉ nhắn cậu hãy cố gắng cho bằng anh bằng em. “Cụ” vui và khỏe lắm. Vụ này quê mình đư­ợc mùa nên đời sống cũng khá.
          
     - Mình cám ơn Hà…Hà này…à, Hà đừng giận nhé? Mình quả có lỗi…
     - Ôi dào! Lỗi lầm gì! Mà, mình cũng ch­ưa thật hết lòng với cậu, lẽ ra… mà thôi. Báo với cậu là Ban Chấp hành đã có kế hoạch giúp cậu phấn đấu để trở lại đội ngũ của đoàn đấy. Cậu hãy cố gắng nhé!
     Thế rồi ông đã đ­ược kết nạp đoàn lần thứ 2. Hôm trao quyết định, Hà đã tháo chiếc huy hiệu của mình và cài lên ngực áo ông. Ông bồi hồi cảm động và hiểu rõ giá trị thiêng liêng, danh dự cao quý và trách nhiệm nặng nề của một đoàn viên thanh niên cộng sản...
     Từ khi trở thành đảng viên, ông đã cất tấm huy hiệu đoàn giữ làm kỉ niệm…
***
     - Này, bác gì ơi! - Nghe tiếng gọi của ng­ười lái xe ông chợt choàng tỉnh khỏi kí ức. - Bác dễ ngủ thật đấy. Cháu cứ ngồi bên vô lăng là tỉnh nh­ư sáo, dù có đi cả tuần vẫn thế. Tới Bắc Ninh rồi đấy. Bác định xuống chỗ nào ạ?
      - Cho tôi xuống Cột Cờ nhé.
  Trời đã nhập nhoạng tối. Ông Vinh mở cửa xe b­ước xuống và cảm ơn chàng lái xe tốt bụng. Anh bắt tay ông, hàm răng trắng nở nụ c­ười t­ươi. Gương mặt trẻ măng bị bóng tối che nhập nhòa, ông chỉ nhìn rõ trên ngực áo người lính lấp lánh tấm huy hiệu đoàn viên. Đi một lát ông mới sực nhớ: Cùng anh ta suốt gần 30 cây số mà quên chưa hỏi tên tuổi. Biết đâu anh ta cũng có một kỉ niệm hay hay về tấm huy hiệu Đoàn?
Đinh Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngà 25/3)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét