Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

 Di căn

 Những tưởng mỗi ngày hơn 20 người ra khỏi nhà không trở về vì tai nạn giao thông đã là con số gây sốc. Tuy nhiên chưa phải ai cũng biết rằng mỗi ngày có hơn 200 người rời bàn ăn vĩnh viễn vì căn bệnh mang tên ung thư.
Thực trạng buồn trên có một phần không nhỏ bắt nguồn từ môi trường sống. Hiện nay mọi người đang phải sống trong một môi trường ô nhiễm đáng báo động!
Một trong những thứ ô nhiễm trực tiếp, nhanh nhất đưa chất độc hại vào cơ thể mỗi người, đó thực phẩm. Cách đây mấy chục năm, việc trái cây nghi ô nhiễm độc hại từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam bắt đầu bị người tiêu dùng nhận ra và dần cùng nhau tẩy chay. Tuy nhiên, cách kinh doanh phi lương tâm ấy cũng bắt đầu “nhập khẩu” vào nước ta. Ban đầu chỉ xảy ra lác đác ở những vùng sản xuất rau quả, chế biến thực phẩm quy mô lớn ven các đô thị, thành phố đông dân cư. Một số người sản xuất vì lợi nhuận làm mờ mắt, bất chấp hậu họa gây ra cho cộng đồng dùng hóa chất độc hại cốt để có năng suất và lợi nhuận cao. Khi ấy, người thành phố bắt đầu về vùng quê xa mang lên thực phẩm, rau quả để dùng và yên tâm về sự an toàn vì người dân quê sống cộng đồng làng xã, coi trọng đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên cách kinh doanh thiếu trách nhiệm nay đã lan đến cả các vùng nông thôn, miền núi xa xôi. Nhiều người nuôi trồng, sản xuất hàng hóa đã chia ra 2 loại: Gia đình sử dụng và bán ra thị trường.
 Nhiều hóa chất độc hại như phóoc môn, hàn the, vàng ô, tăng trọng, tạo nạc, “kích phọt” tăng trưởng, chất tẩy trắng quang học v.v được sử dụng bừa bãi, vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng khiến người tiêu dùng hoang mang. Các thực phẩm như tôm, cá, thịt, nội tạng động vật dù kém phẩm chất, hư hỏng vẫn được “phù phép” bằng hóa chất trở thành đạt “chất lượng”, mẫu mã đẹp, tăng trọng lượng… rồi tuồn ra chợ, đưa vào nhà hàng, quán ăn tiêu thụ.
“Căn bệnh” vô lương tâm trong sản xuất, kinh doanh như đang lây lan ngày một rộng khắp. Hệ quả của sự kinh doanh phi lương tâm là một nguyên nhân của sự bùng phát căn bệnh ung thư.
Theo thống kê y tế gần đây nhất, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc mới ung thư và 95.000 người chết vì căn bệnh quái ác này (tai nạn giao thông năm 2015 cũng chỉ làm 9.500 người chết). Ung thư ngày một trẻ hóa, tới cả các em bé sơ sinh. Ai từng đến Bệnh viện K Hà Nội (ở 2 cơ sở tại nội và ngoại thành) đều biết cảnh bệnh nhân luôn chen chúc tại các buồng bệnh. Thông tin về những người bạn bè, hàng xóm quanh ta ra đi vì căn bệnh này ngày một nhiều hơn. Những ngày qua giới trẻ cả nước vừa xót xa tiễn đưa nghệ sĩ Trần Lập ra đi cũng vì căn bệnh ung thư. Trước đó còn các nghệ sĩ nổi tiếng như Văn Hiệp, Tuấn Dương, ca sĩ Tuấn Anh, Duy Nhân… cũng ra đi vì căn bệnh quái ác đó. 
Thế giới nay chỉ như một ngôi làng nhỏ. Dẫu mỗi gia đình có một vườn rau riêng, kể cả người ở đô thị có không gian tự trồng rau quả, nuôi gia cầm thì vẫn không tránh khỏi có lúc sử dụng thực phẩm độc hại. Con người còn có mối quan hệ cộng đồng trong học tập, công tác, sinh hoạt… Ta không thể giữ gia đình mình trong 4 bức tường.
 “Căn bệnh” vô lương tâm như đang “di căn” và hủy hoại cuộc sống. 
Đinh Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 30/3)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét