Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

 Thảm ố màu

Vụ án quán cà-phê Xin Chào cuối cùng đã được đình chỉ sau ý kiến của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Vụ việc này đúng là chỉ “nhỏ xíu như cái móng tay” nhưng đã được cả hệ thống hành pháp huyện Bình Chánh vào cuộc xử lí cấp tập, nhiệt tình và nhanh chóng đến không ngờ! Cứ tiến độ ấy, chắc chỉ tháng sau ông chủ quán Nguyễn Văn Tấn đã yên vị trong… tù!
Cũng sau vụ quán cà-phê Xin Chào lại phát lộ vụ án khác tương tự, đó là việc xây dựng “nhà ở chòi vịt” không phép của ông Nguyễn Văn Bỉ, chủ nhân thửa đất cho ông Nguyễn Văn Tấn thuê mở quán cà-phê nói trên.
Thông thường với những việc có nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn tới cộng đồng… phải được xử lí rốt ráo nhằm kịp thời ngăn ngừa hiểm họa. Song chỉ vì chậm có Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh 5 ngày (đã có giấy hẹn nhận kết quả của cơ quan cấp giấy), thiếu Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (cũng lỗi do cơ quan chức năng) mà chủ quán cà-phê suýt vào tù. Không hiểu cơ quan chức năng ở huyện này thấy hiểm họa gì từ cái quán giải khát và cái chòi vịt mà đến nỗi nhầm lẫn giữa Giấy chứng nhận (chỉ phạt hành chính) với Giấy phép kinh doanh (có thể phạm tội hình sự khi tái phạm); nhầm lẫn giữa nhà ở với cái chòi phục vụ chăn nuôi gia cầm? Sự nhiệt tình thái quá đó ngay từ đầu đã dấy lên mối nghi ngờ về động cơ thực sự của việc hình sự hóa một vi phạm hành chính vốn được họ coi “nhỏ như cái móng tay”!.
 Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng ngay từ khi về nhận trách nhiệm lãnh đạo một thành phố lớn nhất nước đã thể hiện quyết tâm đưa Thành phố Hồ Chí Minh vươn lên một tầm diện mạo mới, xứng đáng một đầu tàu kinh tế và trở thành một thành phố đáng sống của cả nước.
Hai việc xảy ra tại huyện Bình Chánh đã mang đến một thông điệp xấu, một hình ảnh ố màu của “tấm thảm đỏ” mời gọi đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đó cũng là thách thức, là lực cản không nhỏ trước quyết tâm của các cấp lãnh đạo thành phố này trong chặng đường đi lên.
Người dân và công luận đang trông chờ việc xử lí nghiêm minh những cán bộ sai phạm trong vụ việc trên. Mong sao các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh sớm lấy lại niềm tin của người dân bằng sự công tâm trong quá trình thực thi công vụ, xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, công bằng.
Trước khi cần một nơi đáng sống người dân cần một nơi làm ăn không tiềm ẩn hiểm họa từ những lợi ích cá nhân chức quyền. "Chiếc thảm đỏ" cần được tẩy sạch vết ố. 
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi 28/4/2016

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

 Chuyện vui:
Cỗ máy quy trình

Công ty Smart Man có đội ngũ cán bộ khá đông nên việc bổ nhiệm, đề bạt thường xuyên diễn ra. Thực hiện một quy trình chặt chẽ, nhiều khâu tuy khá tốn thời gian, vậy mà lần nào bổ nhiệm cũng xảy ra chuyện. Khi thì người được bổ nhiệm năng lực yếu, phải chuyển sang làm chuyên gia nghiên cứu (vì bằng cấp cao); người thì bổ vừa nhiệm lập tức râm ran chuyện chạy chọt, “cánh hẩu”; lại có trường hợp bổ nhiệm chưa ráo mực công an đã đến còng tay đưa đến trại giam vì phạm pháp.
Chung quy tại cái quy trình bổ nhiệm, dù đã khá chi tiết, vẫn chưa hoàn thiện.
      Công ty phát động cuộc thi “Phát minh quy trình bổ nhiệm cán bộ”. Sau một thời gian có nhiều sáng kiến, sản phẩm dự thi. Sản phẩm “Cỗ máy quy trình thông minh” của một kĩ sư phần mềm đạt điểm cao nhất, được lựa chọn. Công ty lập tức sử dụng cỗ máy thay con người làm công tác nhân sự.
Người dự kiến bổ nhiệm được mời vào phòng đối chất với máy, trả lời các câu hỏi máy đưa ra: Họ tên, tuổi, gia đình, nghề nghiệp, chức vụ đã qua, thu nhập, tài sản hiện có, mối quan hệ bạn bè, trên dưới, quan niệm sống… cuối cùng là dự kiến chương trình hành động.
Sau khi làm việc với cỗ máy, tất cả cán bộ trong quy hoạch của công ty bị loại! Nhân sự chủ yếu bị máy chấm các lỗi: Tham nhũng; năng lực quá yếu; bằng cấp cao mâu thuẫn với trình độ quá thấp; “cục bộ, bè cánh”… Công ty đành đưa số cán bộ ngoài quy hoạch để lựa chọn. Thật lạ, lập tức máy chọn đủ số người đạt tiêu chí. Nhưng đó toàn là kĩ sư thường, người trực tiếp sản xuất, kể cả “có vấn đề” như ngang ngạnh, hay chỉ trích lãnh đạo; người thì thẳng ruột ngựa, thanh tra xuống cứ tuồn tuột nói hết từ chuyện tốt đến chuyện xấu nội bộ v.v…
Đáng ngại hơn, ngay sau khi có kết quả bổ nhiệm, giám đốc liên tục phải nghe các cuộc điện thoại của lãnh đạo tỉnh, bộ về nhân sự A, B… mà trên “tin tưởng” tại sao không được cất nhắc? Có người còn cho rằng công ty đã sử dụng cỗ máy vô cảm, phi nhân văn để làm nhân sự!
Cuối cùng, công ty phải quay lại cách bổ nhiệm cán bộ truyền thống.
Chiếc máy quy trình thông minh đành cất vào kho. Dự kiến khi nào xây dựng bảo tàng sẽ dùng trưng bày thành tựu khoa học kĩ thuật.
Đinh Hoàng

Những hệ quả khi không có cỗ máy quy trình:

Dương Chí Dũng vừa bổ nhiệm xong đã bị bắt, vào tù, nhận án tử hình

Di sản lỗ hàng ngàn tỉ đồng ở Tập đoàn dầu khí, ông Trịnh Xuân Thanh (trái) lướt qua nhiều vị trí quan trọng trước khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV


 Con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng xứng danh tuổi trẻ tài cao, ông Vũ Quang Hải mới 25 tuổi, chưa từng có thành tích kinh doanh gì nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư tài chính dầu khí, thua lỗ khủng  rồi lên chức danh Phó Vụ trưởng (Bộ CT), sau đó làm Phó Tổng Giám đốc Sabeco ở tuổi 28. 


 Sốt sắng và thong thả

Vụ án quán cà-phê Xin Chào cuối cùng đã được đình chỉ sau ý kiến của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng và sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Một việc nữa đang làm Thủ tướng mất ngủ (như lời ông phát biểu tại Lai Châu hôm 23/4), đó là tình trạng cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh Bắc miền Trung.
Vụ quán cà-phê được cả hệ thống hành pháp huyện Bình Chánh vào cuộc xử lí cấp tập, nhiệt tình và nhanh chóng đến không ngờ! Cứ tiến độ ấy, chắc chỉ tháng sau ông chủ quán Nguyễn Văn Tấn đã yên vị trong… tù!
Trái lại, việc cá chết hàng loạt mà nghi vấn là do nguồn nước xả thải từ một doanh nghiệp tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh lại đang được các cơ quan chức năng và địa phương phối hợp giải quyết rất… thong thả! Đến nay vẫn chưa biết rõ nguyên nhân hiện tượng trên. Người đứng đầu Chính phủ phải mất ngủ, ngư dân ven biển đứng ngồi không yên vì sinh kế đình đốn. Tuy nhiên có vẻ các cơ quan chức năng chưa… vội!
Thông thường với những việc có nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn tới cộng đồng… phải được xử lí rốt ráo nhằm kịp thời ngăn ngừa hiểm họa. Chỉ vì chậm có Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh 5 ngày (đã có giấy hẹn nhận kết quả), thiếu Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (lỗi do cơ quan chức năng) mà chủ quán cà-phê suýt vô tù. Không hiểu cơ quan chức năng ở huyện này thấy hiểm họa gì từ cái quán giải khát (trước đó có một cái chòi vịt cùng bị vậy) mà đến nỗi nhầm lẫn giữa Giấy chứng nhận (chỉ phạt hành chính) với Giấy phép kinh doanh (có thể phạm tội hình sự khi tái phạm)? Sự nhiệt tình thái quá đó ngay từ đầu đã dấy lên mối nghi ngờ về động cơ thực sự của việc hình sự hóa một vi phạm hành chính vốn “nhỏ như cái móng tay”!.
Người dân và công luận nghi ngờ việc cá biển chết hàng loạt trên có liên quan đến nguồn xả thải của doanh nghiệp Formosa. Trước đó, cơ quan chức năng đã cho phép doanh nghiệp này thiết kế hệ thống ống xả thải đường kính hơn 1 mét sâu dưới biển (người dân tình cờ phát hiện và báo Bộ đội Biên phòng). Vì sao họ không thiết kế đường ống nổi cho đỡ tốn kém, cơ quan chức năng cũng dễ kiểm tra, giám sát mà lại chôn sâu, bí mật như vậy? Cơ quan tài nguyên và môi trường khẳng định đường ống này có trong thiết kế được phê duyệt. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với hệ thống xử lí đã hoạt động và chất lượng nước thải đạt yêu cầu trước khi xả ra môi trường, trong khi đây là khâu rất tốn kém chi phí. Việc kiểm tra, giám sát thế nào chưa có câu trả lời và có lẽ là việc khó, khi mà doanh nghiệp này như một lãnh địa riêng, không phải ai vào cũng được!
Chi cục Hải quan Vũng Áng thông tin, từ đầu năm đến nay Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã thông quan, nhập về gần 297 tấn gồm hóa chất chống gỉ, loại bỏ gỉ và một số chất chống ăn mòn. Liệu những hóa chất này đã “hiện diện” trong nguồn xả thải của Formosa?
Mong sao các cơ quan chức năng đừng để người dân thêm một lần thiếu tin vào sự công tâm trong quá trình thực thi công vụ như trường hợp “nhà ở" chòi vịt và quán cà-phê Xin Chào tại Bình Chánh!
Đinh Hoàng

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Phê đúng, không khen bừa

Sử cũ kể: Tự Đức vốn là ông vua tự phụ, luôn coi văn chương của mình là nhất và tuyên bố với quần thần: “Trẫm không ứng thí, chứ nếu thi thì ắt trúng trạng nguyên!”. Cao Bá Quát là quan ở Bộ Lễ, một lần vào điện Cần Chánh thấy đôi câu đối do vua Tự Đức đề: Tử năng thừa phụ nghiệp. Thần khả báo quân ân (nghĩa là Con nối được nghiệp bố. Tôi đền được ơn vua). Mọi quan trong triều đều nức nở khen câu đối này hay. Riêng Cao Bá Quát đề vào bên cạnh lời bình: Hảo hề, hảo hề. Phụ tử quân thần điên đảo (nghĩa: Hay chưa, hay chưa! Cha con, vua tôi đảo lộn). Biết chuyện Tự Đức giận lắm, triệu Cao Bá Quát đến hỏi tội. Ông thản nhiên: “Tâu bệ hạ, thần đọc sách thánh hiền thấy nói đạo vua tôi trên đạo cha con, vua trước, tôi sau, cha trước, con sau. Nay bệ hạ viết thế là làm đảo lộn cả cương thường rồi ạ”. Vua bảo ông thử chữa xem. Cao Bá Quát không ngại ngần, sửa: Quân ân thần khả báo. Phụ nghiệp tử năng thừa. (nghĩa: Ơn vua tôi phải báo. Nghiệp bố con phải theo). Tự Đức dù giận lắm nhưng phải thừa nhận Cao Bá Quát sửa hay nên không thể trị tội khi quân.
Lịch sử dân tộc ta không ít những người cương trực như Chu Văn An, Cao Bá Quát... Dũng khí phê phán thường mang đến hậu họa khôn lường nhưng họ không làm khác vì ích nước, lợi dân, họ chẳng màng danh lợi cá nhân, gia đình, dòng tộc. Nhưng cũng có nhiều chuyện xảy ra cả xưa và nay, người chức quyền nói gì đều được quần thần, cấp dưới phụ họa, khen bừa dù đó chưa hẳn là hay, chưa chắc đã đúng. Họ khen chẳng qua làm vừa ý vua, lấy lòng cấp trên để mong mình được ưu ái và đích cuối là cầu lợi, đợi danh. Người không hiểu biết đã đành, có người hiểu đó chẳng phải là ý đúng, điều hay nhưng vẫn cố khen, coi mọi điều cấp trên viết ra đều là lời vàng ý đẹp, mọi lời nói của bề trên đều là “nhả ngọc tuôn châu”! Sinh thời Bác Hồ làm nhiều bài thơ hay. Bác từng nhắc mọi người đại ý “Bác làm thơ có bài hay, bài dở, mọi người không nên khen quá chỉ vì Bác là lãnh tụ…”. Thói xu nịnh, dĩ hòa vi quý, khen bừa khiến cấp trên nghe dần thành quen, ngộ nhận là thật và không thấy điểm yếu của mình. Rõ ràng khen sai đã triệt tiêu trí tuệ, sáng tạo và chính là lực cản kìm hãm sự phát triển.
Những vị quan cương trực, luôn dám nói thẳng, nói thật lại gặp được đấng minh quân, ấy là khi xã tắc, muôn dân được nhờ. Đảng ta đang đẩy mạnh quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí bằng việc ban hành nhiều nghị quyết và gần đây là Kết luận số 21-KL/TƯ Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) và Nghị quyết đại hội XII. Đó là những chủ trương đúng đắn, quyết tâm chính trị xuyên suốt của Đảng. Chống tham nhũng cũng có thể coi là “cuộc chiến” cam go không ít cản trở mà lực cản ít nhiều nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác để thực hiện chủ trương của Đảng thì tinh thần và dũng khí đấu tranh của cán bộ, đảng viên là yếu tố mang tính nền tảng.
Nếu không phát huy được môi trường phê bình, tự phê bình cả trong và ngoài Đảng thì rất khó để công cuộc đấu tranh với vấn nạn tham nhũng, lãng phí đạt được hiệu quả triệt để. 
Hoàng Đình Khải
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 20/4/2016

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

"Con tin"

Nghe hai từ này ai cũng nghĩ đó là chuyện bắt cóc, đòi tiền chuộc của bọn tội phạm. Xin nói ngay không bàn chuyện đó ở đây mà là một vấn đề hiện đang nổi lên, cũng na ná chuyện con tin, đó là việc nhà đầu tư đưa chủ đầu tư vào thế phải làm theo ý họ.
Xin kể một số ví dụ báo chí đưa tin gần đây: Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II, vốn đầu tư khoảng trên 7.800 tỉ đồng. Do nhiều nguyên nhân “khách quan, bất khả kháng”, dự án này đắp chiếu đã lâu. Chỉ cần tính lãi ngân hàng số tiền gần chục nghìn tỉ đồng này nằm bất động đã là gây thiệt hại không nhỏ cho chủ đầu tư. Nhưng đó chưa phải đã xong, nếu không triển khai tiếp thì nhà nước phải bồi thường cho nhà thầu nước ngoài hàng trăm tỉ đồng. Nếu triển khai tiếp, sơ tính đã phải chi thêm chừng 1 nghìn tỉ đồng. Trong khi đó chưa thể biết hiệu quả thế nào khi công trình hoàn thành vì thị trường thép đang "đóng cứng", giá sụt giảm thê thảm.
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (TP Hà Nội), kế hoạch ban đầu 522 triệu USD được coi là hợp lí. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, chủ yếu cũng thuộc diện “bất khả kháng”, nay vốn đã được điều chỉnh đội lên thành 868,06 triệu USD (hi vọng là sẽ con số cuối cùng). Hiện dự án vẫn đang đủng đỉnh, chưa biết có thể về đích theo tiến độ đã điều chỉnh hay không? Hiệu quả dự án này cũng được biết sẽ rất cao. Nhưng biết đâu khi đó lại cần một cơ chế ưu đãi để dự án không bị lỗ!
Nhiều dự án như: Hệ thống Nhà máy xăng sinh học E5 ở nhiều địa phương, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Hải Phòng, Bô-xít ở Lâm Đồng, Đắk Nông… tất thảy đều đã được chi hàng nghìn tỉ đồng, đang trông chờ vào những cơ chế ưu đãi đặc biệt (giảm thuế hoặc hưởng thuế suất 0%)…
Xa hơn một chút, Bảo tàng Hà Nội đầu tư 2.300 tỉ đồng, nay khách vắng tựa chùa Bà Đanh. Tuy nhiên để duy trì hoạt động bình thường cũng tốn hàng tỉ đồng mỗi năm. Duy trì hoạt động hiển nhiên phải làm, cần chi phí nếu không chỉ còn cách phá nó đi lấy đất làm việc khác.
          Một điểm chung của các dự án trở thành "con tin" là chủ trương đầu tư được quyết định bởi viễn cảnh hoành tráng như những bức tranh đẹp do các họa sĩ lãng mạn phác họa. Rồi quá trình thực hiện mới lộ dần những bất cập, khó khăn... Chủ đầu tư ban đầu là người điều khiển "cuộc chơi", dần trở thành kẻ chạy theo ngày càng đuối sức. Bỏ cuộc thì chủ đầu tư thua ngay nhưng "chạy" tiếp cũng chưa chắc đã “thắng” mà còn kéo theo sự tốn kém tiền của của Nhà nước.
          Mong rằng thời gian tới sẽ không còn những dự án trở thành "con tin".
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 19/4/2016

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

 Làng Bân ổn định


       Làng Bân bỗng nháo nhác bởi chuyện 4 cái trạm ba-ri-e tại 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc làng vừa được dựng lên. Lẽ ra có trạm gác, an ninh trật tự của làng được bảo đảm tốt hơn, hạn chế lũ “choai choai” phóng xe máy bạt mạng thì phải vui chứ? Khốn nỗi, nay ai ra khỏi làng bằng phương tiện, kể cả xe đạp đều phải… mua vé!
      Chuyện trên bắt đầu thế này: Năm qua dân làng Bân nhất trí đề xuất của lãnh đạo thôn đóng góp “Qũy bảo trì đường làng” tích cóp được chút tiền quỹ. Rồi, theo vận động của Trưởng thôn, dân làng chắt chiu góp thêm mỗi hộ gần 2 triệu bạc để nâng cấp hệ thống đường làng, dù làng Bân thuộc diện nghèo nhất nhì trong huyện. Cùng góp và ủng hộ dân làng tiền làm đường còn có 2 đại gia phố huyện là Đại Lượng và Hữu Tỷ, vốn gốc gác quê hương lên phố làm giàu.
      Đường làng đổ bê-tông sạch sẽ, khang trang khiến ai cũng phấn khởi, nghĩ lại chẳng tiếc tiền triệu đã bỏ ra. Đường làm xong vừa được tháng trời bỗng thấy 2 đại gia Lượng và Tỷ đánh ô-tô về mời Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ lên phố huyện chiêu đãi. "Hai ông này đã tốt với dân làng lại còn chu đáo cả với lãnh đạo" - nhiều người nghĩ. Không hiểu trong bữa chén chú, chén anh ấy, họ đã nói với nhau chuyện gì? Chắc là những lời cám ơn của lãnh đạo thôn? Hay những hiến kế xây dựng để quê hương thoát nghèo của hai đại gia?
      Sau đó dân làng bỗng thấy xe ô-tô chở nào gạch, xi-măng, sắt thép đổ ngổn ngang tại 4 cổng của làng Bân. Chỉ sau vài ngày là 4 trạm ba-ri-e vững chãi đã được hoàn thành, đi ngay vào hoạt động. Mỗi trạm có hai thanh niên nhìn bặm trợn làm nhiệm vụ bán vé cho phương tiện qua lại. Sau mọi người mới "ngã ngửa", đó là trạm thu phí của hai đại gia phố huyện Đại Lượng, Hữu Tỷ.
      Dân làng bức xúc, bực bội. Bỗng dưng nay đi đâu khỏi làng cũng mất tiền, ai chả tức. Ô-tô, xe máy, xe điện và cả xe đạp, tất tật đều phải mua vé! Bức xúc, người dân chất vấn lãnh đạo thôn về sự vô lí của “thuế đường làng”. Lãnh đạo giải thích: “Người ta là nhà đầu tư, là BOT, bỏ tiền ra họ phải thu phí, ai có tiền đâu mà cho không!?”; “Như thế là phí chồng phí, chúng tôi đã đóng “Quỹ bảo trì đường làng”, sao lại phải mua vé đường?”; “Quỹ là quỹ của làng, còn tiền vé là tiền trả nhà đầu tư, sao lại gọi là chồng phí được!”…
      Cứ thế, trạm phí BOT vẫn tồn tại, hằng ngày thu những đồng tiền còm cõi của dân làng Bân.
Thế rồi, với lí do chi phí tăng cao, mấy bà bán thịt, mấy ông xe ôm… lần lượt tăng giá.
      Dù đã rất tiết kiệm, dân làng Bân ngày một thắt chặt chi tiêu.
      Chợ làng Bân vốn chẳng đông đúc, nay vắng như chùa Bà Đanh.
      Đường làng cũng vắng hẳn người ra vào vì ai cũng lo mất tiền vé đường…
      Làng Bân tiếp tục ổn định… nghèo!
   Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 18/3/2016

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

 Dân khỏe vậy sao

       Thấy thần dân trần gian kêu ca nhiều về đời sống, dù bận họp hành tối mắt tối mũi, Ngọc Hoàng cũng bớt chút thời gian cùng Bắc Đẩu vi hành hạ giới.
      Do đi sớm nên vừa tới hạ giới Ngọc Hoàng đã nghĩ tới việc tìm một quán điểm tâm bữa sáng:
      - Ta nghe nói xứ Trường Yên này có món phở bò ngon lắm, ngươi tìm một quán ăn thử và kiểm tra xem?
      - Dạ bẩm Ngọc Hoàng, đúng là ngon thì có ngon đấy, nhưng mà… không nên ăn đâu ạ. - Bắc Đẩu khuyên.
      - Ngươi nói gì lạ vậy? Ngon mà lại không nên ăn?
      - Dạ, bởi nghe báo chí nói bánh phở có hóa chất tẩy trắng, làm dẻo dai độc hại lắm, có thể gây ung thư đấy ạ! Thôi, ta gắng nhịn một bữa, chẳng sao đâu.
      Nơi đầu tiên Ngọc Hoàng đến là một làng nhỏ ven đô chuyên trồng rau phục vụ dân thị thành. Nhìn cánh đồng rộng mênh mông, rau đủ loại, tốt tươi, xanh mướt, Ngọc Hoàng hài lòng lắm.
      - Bẩm Ngọc Hoàng, do khoa học kỹ thuật phát triển nên dân trồng rau nhàn hạ mà thu nhập cũng khá.
      Thấy một lão nông dùng chiếc bình đeo trên lưng đang phun mưa phùn cho ruộng rau cải, Ngọc Hoàng ghé xem và hỏi han:
      - Mưa nhà trời không đạt chuẩn hay sao mà ngươi phải tự làm mưa vậy?
     Nhìn người khách vẻ lạ lẫm, lão nông dân thủng thẳng:
      - Mưa gió khỉ gì, ông tránh ra cho tôi làm việc, muốn ngộ độc thuốc trừ sâu hả?
      - À, thì ra vậy, thảo nào tịnh không thấy bóng dáng một con sâu bọ gì. Thế khoảng bao lâu thì được thu hoạch một lứa rau này? - Ngọc Hoàng hỏi tiếp.
      - Còn tùy vào nhu cầu, giá cả thị trường. Nếu được giá, thị trường thiếu rau thì kích cho nó lên nhanh. Thuốc kích thích tăng trưởng rẻ như bèo ấy mà.
      Thấy bên cạnh có một mảnh ruộng nhỏ cũng trồng mấy loại rau nhưng nhìn có vẻ thiếu chăm sóc, tưới tắm nên rau cằn cỗi, còn bị sâu ăn lá lỗ rỗ, Ngọc Hoàng phàn nàn:
      - Rau cỏ nhà nào mà lười biếng chăm bón thế kia?
      - Của tôi đấy. Đó là trồng để gia đình dùng, không bán.
      - Rau ngon, xanh tốt thế kia chẳng ăn mà lại ăn cái thứ rau cằn này á?
      - Ăn rau đẹp để mà chết à?
      Rồi lão nông dân giảng giải, hiểu ra câu chuyện, Ngọc Hoàng lắc đầu, ngán ngẩm.
      Tiếp theo Ngọc Hoàng tới thăm một trại nuôi lợn, một trại nuôi gà và một khu đầm thả cá, nuôi tôm... Nơi nào cũng thấy cảnh làm ăn tấp nập, sản phẩm dồi dào, Ngọc Hoàng tỏ vẻ phấn khởi lắm. Đã trưa, cũng ngấm đói, Ngọc Hoàng gợi ý Bắc Đẩu:
      - Ta kiếm chỗ nào ăn trưa đi?
      Ghé vào một quán ăn bình dân, Ngọc Hoàng ngồi đợi Bắc Đẩu chọn món. Sau hồi lâu vặn vẹo chủ quán, Bắc Đẩu quay lại, bẩm:
      - Thưa Ngọc Hoàng, không có món gì ăn được đâu ạ?
      - Ta thấy quán bày bán nhiều món lắm mà? Sao lại không ăn được?
      - Thần kiểm tra kỹ rồi, từ rau đến thịt đều độc hại lắm. Rau thì ở chỗ Ngọc Hoàng đã biết đấy. Thịt lợn thì nhiễm hóa chất tạo nạc, tăng trọng, kháng sinh. Gà thì là thứ phế thải từ phương Bắc tuồn sang, lại cả đùi gà phế thải giá rẻ từ bên Mỹ nhập về, cũng đầy kháng sinh, hóa chất… Thôi, đành về Trời ăn vậy.
      Vừa đói vừa khát, thầy trò Ngọc Hoàng bải hoải lê bước về Thiên Đình.
      - Thôi thì không ăn gì cả nhưng ngươi cũng phải mua ta chai nước khoáng uống tạm chứ.
      - Bẩm, nước khoáng cũng không thể uống được đâu ạ. Cái thứ nước này họ hút từ mạch ngầm lên chỉ sát khuẩn qua loa, chứa nhiều thạch tín lắm, uống vào ung thư là cái chắc!
      - Ngươi nói lạ thật, từ sáng tới giờ ta thấy chẳng thứ gì ăn uống được, vậy mà thần dân hạ giới vẫn sống được, họ khỏe vậy sao?
      - Dạ bẩm, Ngọc Hoàng muốn biết dân hạ giới khỏe yếu ra sao, dịp sau thần sẽ đưa Người đến chỗ gọi là Viện Ung nhọt, và vài cái nhà thương lớn khác, Ngọc Hoàng sẽ hiểu ngay thôi ạ!

Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 23/10/2015

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

 Si mê


Ấy là khi ta thích thứ gì, yêu ai đó đến mức quên hết mọi chuyện, không thấy cái ta yêu có những khiếm khuyết, nhược điểm mà nhiều người dễ dàng nhìn thấy. Say mê, si mê thực ra là trạng thái mỗi người nên có để hướng nó tới những điều cao đẹp và học tập, làm theo. Nhưng người si mê đôi khi lú lẫn, không thể nhận ra chân giá trị.

Những năm gần đây một bộ phận giới trẻ Việt Nam thực sự đã mắc chứng "bệnh" si mê. Nổi lên là hiện tượng say mê thái quá một số ca sĩ, nhóm nhạc hay nhân vật trong văn học, nghệ thuật nước ngoài và coi đó là thần tượng của cuộc đời.

Còn nhớ cách đây mấy chục năm, trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, sống trong hoàn cảnh chiến tranh khó khăn gian khổ song lớp trẻ khi ấy cũng say mê thần tượng. Gương những anh hùng như La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Văn Trỗi, chị Út Tịch, Nguyễn Viết Xuân, Lê Mã Lương… là hình tượng cao đẹp được tuổi trẻ ngưỡng mộ và học tập, lao động, chiến đấu noi theo. Hay nhiều tấm gương từ các trang văn học, nghệ thuật nước ngoài cũng trở thành thần tượng của tuổi trẻ, đặc biệt như nhân vật Pa-ven Coóc-sa-ghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nhi-cô-lai Ốxt-rốp-xky. Một lớp trẻ sống hướng tới hình tượng cả trong văn học và ngoài đời đã tự trau dồi năng lực, nhân cách, làm nên thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, góp phần làm nên trang sử chói lòa trong thế kỉ XX.

Năm trước nhiều người Việt tự thấy xẩu hổ thay cho một số thanh niên si mê thần tượng ca nhạc Hàn Quốc đến mức hôn lên cả nơi họ vừa ngồi! Khóc nức nở khi nhìn thấy thần tượng theo tâm lí bầy đàn. Ngay các ca sĩ nước ngoài ấy cũng ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, khi mà ở trong nước, họ chẳng bao giờ thấy. Phải thừa nhận nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã sản xuất được những sản phẩm đánh trúng tâm lí giới trẻ. Thực ra, giá trị nghệ thuật, nhân văn của những sản phẩm đó chẳng phải đặc sắc. Đó chỉ là những "món ăn nhanh" của nền công nghiệp giải trí. Mỗi sản phẩm, mỗi nhóm nhạc chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi lại được thay bằng những món mới, những nhóm khác. Gần đây bộ phim "Hậu duệ mặt trời" của Hàn Quốc cũng tạo được một hiệu ứng si mê trong giới trẻ nước ta. Sẽ chẳng đáng bàn khi các đạo diễn xứ Hàn tạo dựng được những hình tượng quân nhân trong quân đội nước họ đẹp đẽ, anh hùng (mà thực tế chưa hẳn đã có). Điều đáng chê là cả một vài MC, ca sĩ nổi tiếng cũng hùa theo đám đông si mê, khoác lên mình tấm áo quân nhân quân đội nước họ với vẻ tự hào rồi post lên facebook. Có lẽ họ chưa biết, đó là màu áo của một đội quân đánh thuê, từng tàn sát dã man đồng bào mình trong những năm tháng bị ngoại xâm!

Tuổi trẻ là những năm tháng thanh xuân, sống cần có ước mơ, hoài bão. Lí tưởng sống cần hướng tới những giá trị đích thực, cao đẹp vì gia đình, quê hương, đất nước. Đừng để sự si mê làm mất dần bản sắc người Việt - một dân tộc mà có người nước ngoài từng mơ sau một đêm, tỉnh dậy mình thành người Việt Nam!
Đinh Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 6/4/2016)