Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017
Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017
Còn có những thứ quý hơn vàng!
Người
xưa có câu “tấc đất, tấc vàng”. Nay trong cơ chế thị trường, tấc đất càng
được khẳng định giá trị “vàng” khiến người đang giữ chẳng muốn rời, người
chưa có thì nhòm ngó tìm cách sở hữu.
Tại
Thủ đô, việc thực hiện chủ trương di dời các cơ quan, bệnh viện… nhằm giảm
tải hạ tầng đô thị thực hiện nhiều năm qua nhưng rất khó khăn. Một số bộ
ngành đã được cấp đất xây dựng trụ sở mới rộng, khang trang nhưng lần lữa
không chịu bàn giao trụ sở cũ cho thành phố. Phải chăng có sự vấn vương
"tấc đất, tấc vàng" của lãnh đạo?
Quá
trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra đang bộc lộ những khe hở.
"Đất vàng" cùng cơ sở vật chất cũ bị đánh đồng, coi như những thứ
tồn đọng, thường bị "quên" đi giá trị. Cổ phần hóa xong, "phủi
bụi" đi, đất vàng dần phát lộ và giá trị doanh nghiệp lên nhanh như
"Phù Đổng vươn mình"! Bài học gần đây nhất về cổ phần hóa Công
ty Bóng đèn Điện Quang là một ví dụ.
Đã
có nhiều bài học, song việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam vừa
qua có nguy cơ tiếp tục đi theo những vết xe cũ.
Trụ sở chính Hãng phim truyện Việt Nam
Nằm
cách quảng trường Ba Đình chưa đầy cây số, một mặt phố Thụy Khuê, một mặt
hướng hồ Tây lộng gió, rộng hàng nghìn mét vuông, trụ sở Hãng phim truyện
Việt Nam đúng là mảnh "đất vàng". Khi cổ phần hóa, bỗng thấy một
doanh nghiệp vận tải thủy "nhảy lên bờ" kinh doanh phim ảnh khiến
mọi người ngạc nhiên và nghi ngại. Song những cam kết chắc nịch của lãnh đạo
doanh nghiệp khiến mọi người tạm yên phần nào. Tuy nhiên, không như lời hứa
trước cổ phần hóa và kì vọng của cán bộ, nghệ sĩ hãng phim, doanh nghiệp bắt
đầu khai thác lợi nhuận theo hướng thực dụng, phi nghệ thuật. Dù không có
kinh nghiệm, chuyên môn về nghệ thuật, phim ảnh nhưng xem ra Tổng Công ty Vận tải thủy
không mấy quan tâm tới đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ hiện có và thương hiệu
"vang bóng một thời" của hãng Phim truyện Việt Nam - cái vốn quan
trọng hàng đầu để vực dậy và phát triển. Chưa thấy có chiến lược hay đề án cụ
thể về hướng đi của hãng phim. Sự quan tâm trước mắt chỉ là thu dọn để lấy mặt
bằng kinh doanh, cho thuê. Nhiều cán bộ, nghệ sĩ lo lắng hãng phim đứng trước
nguy cơ bị xóa sổ! Động thái và cách cư xử của doanh nghiệp với nghệ sĩ khiến
dư luận nghi ngại về động cơ và mục tiêu thực chất của việc cổ phần hóa hãng
Phim truyện Việt Nam.
Từ
tác phẩm đầu tiên “Chung một dòng sông”, tiếp đến nhiều phim đặc
sắc như “Vĩ tuyến 17 ngày và
đêm”, “Vợ
chồng A Phủ”, “Chị Tư Hậu”, “Con
chim Vành Khuyên”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến
tháng Mười”… đến nay, hãng Hãng phim truyện Việt Nam đã sản xuất
được hơn 300 bộ phim truyện nhựa, phim nghệ thuật và phim tài liệu đóng
góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng. Những nghệ sĩ tài danh như Trà Giang, Lâm
Tới, Thế Anh, Trịnh Thịnh, Bùi Đình Hạc, Lê Mạnh Thích… cùng nhiều thế hệ đạo
diễn, biên kịch, diễn viên tài năng của nền điện ảnh cách mạng đã ghi dấu ấn
trong lòng các thế hệ khán giả. Truyền thống vẻ vang hơn 60 năm của hãng phim
đóng góp cho đất nước còn quý hơn vàng và những nghệ sĩ tài danh thực sự là
những viên ngọc quý. Tiếc rằng, những vốn quý đó đang bị một số người coi như
con số 0 tròn trĩnh!
Đừng
vì chỉ nhìn thấy những "tấc vàng" mà đánh mất những thứ còn quý hơn
vàng!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 22/9/2017
|
Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017
Tránh luật hóa sự bất cập
Những bất cập trong triển khai
dự án BOT thời gian qua đang đặt ra vấn đề lớn: Muốn giải quyết gốc rễ phải
có luật riêng điều chỉnh. Tuy nhiên, để tránh xảy ra sự chồng chéo và những
"khe hở" như một số luật đã ban hành thì trước khi xây dựng cần
nghiêm túc tổng kết việc thực hiện hình thức đầu tư BOT giao thông thời gian
qua. Những vấn đề dưới đây cần được
lưu tâm trong quá trình xây dựng luật.
Trước hết, cần định rõ thế nào
là công trình BOT giao thông. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
thì chỉ có một số lĩnh vực độc quyền Nhà nước. Tránh BOT biến thành độc quyền
tư nhân, Nhà nước chỉ nên cho phép xây dựng đường BOT trên tuyến mới song
song tuyến hiện có thông qua đấu thầu.
Khi đó, người sử dụng có quyền
lựa chọn, muốn đi đường tốt thì phải trả phí. Những đường đơn tuyến, cấp
thiết thì giao doanh nghiệp nhà nước thực hiện bằng ngân sách. Cần loại bỏ
ngay cách làm BOT "tầm gửi" trên tuyến đường nhà nước đã đầu tư. Lâu
nay có sự nhầm lẫn của một số người (liệu cơ quan quản lí có nhầm?), coi duy
tu, nâng cấp đường cũ cũng là công trình BOT. BOT là đầu tư-kinh doanh-chuyển
giao, từ chuyển giao ở đây chưa
được nhận thức đúng. Khi nâng cấp đường cũ của Nhà nước thì đó đâu phải đường
của nhà đầu tư làm ra mà chuyển giao? Chẳng lẽ tư nhân lại chuyển giao công
trình của Nhà nước cho Nhà nước?
Những trạm BOT hoành tráng lãng phí không cần thiết. Ảnh Giadinh.net
Vấn đề thứ 2 là cần chuẩn hóa
suất đầu tư. Trong một công trình BOT nhà đầu tư được phép làm công trình gì,
quy mô đến đâu... Vừa qua có tình trạng đầu tư quá tốn kém vào hạng mục
"phi giao thông", đó là các trạm thu phí. Trạm BOT Cai Lậy chi phí
xây dựng đến 60 tỉ mà suy cho cùng đó cũng chỉ là nơi chắn barie để bán vé.
Vừa qua VTV1 đưa hình ảnh trạm thu phí tự động trên một tuyến cao tốc tại Mỹ
có hình thù nhỏ gọn bên đường chưa bằng 1/2 chiếc ca bin của nhân viên bán vé
trạm thu phí ở Việt Nam! Tiền xây dựng trạm đều được tính vào giá thành công
trình, cuối cùng người dân phải trả. Cần con đường tốt, bền, an toàn chứ
chẳng ai muốn bỏ tiền ra để ngắm những chiếc "cổng chào BOT" hoành
tráng tựa những công trình thế kỉ. Với tốc độ cuộc cách mạng 4.0 hiện nay thì
những "cổng chào" BOT sẽ sớm trở thành hiện vật bảo tàng… di sản
lãng phí! Nhà đầu tư BOT cũng không thể lần lữa mãi việc áp dụng công nghệ
thu phí tự động vốn đã phổ biến ở nhiều nước.
Vấn đề thứ ba là nguồn vốn để
làm BOT. Nhà nước thiếu vốn mới nhờ đến hình thức đầu tư này để tranh thủ
nguồn nhàn rỗi của tư nhân. Nếu đến 90% vốn này lại là vay dài hạn ngân hàng,
lãi suất cao thì khác nào Nhà nước đi vay tiền cho tư nhân kinh doanh? Hiện
có quy định nhà đầu tư phải bảo đảm tối thiểu 15% vốn của công trình nhưng có
lẽ chưa kiểm soát được năng lực thực tế của họ. Có thể nhà đầu tư khai vốn
điều lệ đạt mức 15% nhưng vốn đó họ đâu chỉ làm một công trình, và như vậy
15% chỉ là hình thức. Tỉ lệ vốn này cần được nâng lên cùng với cơ chế giám
sát bảo đảm thực chất năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Luật hóa BOT là rất cần thiết
nhưng cũng hết sức tránh luật hóa những bất cập đã bộc lộ vừa qua./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng
Báo Người cao tuổi ngày 21/9/2017
|
Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017
Chuyện vui:
"Xã hội giai cấp lí tưởng"
Đó là tên một tác phẩm văn học
đoạt giải xuất sắc được trao năm nay cho tác giả SCN.
Mọi người thường nói xã hội
tốt đẹp mà con người đang hướng tới là xã hội không giai cấp, làm theo năng
lực, hưởng theo nhu cầu. Thế nhưng tác phẩm được SCN nói tới vẫn có giai cấp
nhưng mọi thứ đều hoàn hảo. Xã hội đó không có Nhà nước mà luật pháp vẫn
tuyệt đối nghiêm minh. Của cải vật chất luôn đầy đủ cho nhu cầu con người với
chất lượng siêu việt. Sinh hoạt và sản xuất trong môi trường tuyệt đối sạch,
sử dụng 100% năng lượng tái tạo như sức gió, thủy triều, ánh sáng mặt trời,
điện tích tụ từ không trung… Sản xuất là chu trình khép kín, không có khái
niệm chất thải. Mọi thứ của con người thải ra cũng là nguyên liệu đầu vào cho
sản xuất vật chất. Tuổi thọ trung bình của con người gấp đôi hiện tại, gia
đình phổ biến là "lục đại đồng đường". Mọi bệnh tật đều được chữa
khỏi, người chết chỉ là kết thúc quá trình lão hóa, không có khái niệm chết
bệnh tật…
Được như trên bởi trong xã hội
chỉ có 2 giai cấp: Giai cấp hưởng thụ và giai cấp lao động. Giai cấp hưởng
thụ chỉ hưởng thụ, không cần lao động; giai cấp lao động chỉ thích lao động,
không cần hưởng thụ…
Hôm nay là ngày trao thưởng
cho các tác phẩm đoạt giải nên quan khách, giới văn nghệ sĩ đến rất sớm để
bàn luận văn chương, nhất là tác phẩm xuất sắc.
Người được mong đợi nhất là
SCN nhưng sắp khai mạc, chiếc ghế dành cho tác giả vẫn trống. Khi mọi người
đã yên vị, còn chừng 30 giây là bắt đầu chương trình thì xuất hiện một người
máy tiến vào ngồi đúng ghế dành cho tác giả SCN. Chủ tọa buổi lễ bước lên bục
phát biểu, hỏi:
- Xin lỗi, người máy của quý
vị nào xin đưa ra ngoài giúp để buổi lễ bắt đầu?
Người máy bỗng đứng lên, quay
xuống mọi người, cúi chào lễ phép, nói:
- Xin tự giới thiệu, tôi là
SCN được mời đến nhận thưởng. Tên thật của tôi là Smart Technology, bút danh
SCN có hàm ý là công nghệ thông minh.
Mọi người bỗng ồ lên ngạc
nhiên, thích thú.
Sau khi nhận giải thưởng, SCN
được mời phát biểu cảm tưởng và trả lời phỏng vấn. Được hỏi, tại sao lại có
giai cấp chỉ thích lao động, không cần hưởng thụ, vậy hạnh phúc của mỗi giai
cấp là gì? tác giả SCN chia sẻ:
- Giai cấp chỉ thích lao động,
chỉ tìm thấy lẽ sống và hạnh phúc trong lao động đó là giai cấp chúng tôi -
công nghệ thông minh. Còn con người thì đương nhiên rồi, từ khi xuất hiện
trên hành tinh này, quý vị chỉ hướng tới có đầy đủ vật chất cho nhu cầu sống.
Xã hội của quý vị hiện tại có một loài sống chỉ hưởng thụ là gia súc, gia
cầm. Trong "Xã hội giai cấp lí tưởng" thì dưới con mắt của chúng
tôi, giai cấp hưởng thụ giống như gia súc gia cầm, tất nhiên họ chẳng lo bị
ai giết thịt! Tôi rất bận, hôm nay đến đây nhận giải là để có thêm tư liệu
cho cuốn sách đang viết với tựa "Sự vô tích sự của con người".
Nói xong, SCN cúi chào và tiến
ra trước sự sững sờ của mọi người.
Đinh Hoàng
Chuyện
vui đăng Báo Người cao tuổi ngày 15/9/2017
|
Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017
Người lao động cần được bảo vệ
Xin
nghỉ vì có người thân chết, nghỉ ốm, tai nạn… phải báo trước ít nhất 3 ngày.
Điều này mới nghe tưởng chuyện tiếu lâm, nhưng đó là chuyện có thật! Đây là
một trong những nội dung quy định của Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành
(tỉnh Thanh Hóa)… Chiếu theo quy định này thì thân nhân của người lao động
mất hay bản thân ốm, tai nạn đều phải có… kế hoạch!
Chuyện
người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ngộ độc thức ăn
phải cấp cứu hàng loạt thi thoảng vẫn xảy ra. Môi trường làm việc độc hại
cũng từng khiến công nhân bị ngất xỉu hàng loạt phải cấp cứu…
Công nhân đình công vì cho rằng công ty thiếu tình người, ra nhiều quy định vô lí. Ảnh: N.D.
Theo
đánh giá của một số cơ quan quản lí, hiện công nhân lao động có thu nhập từ
lương chỉ bảo đảm chừng 80% mức sống tối thiểu nên họ đang phải chật vật lo
cho cuộc sống hiện tại, ít người có thể tích lũy. Muốn có thêm thu nhập công
nhân phải tăng ca hoặc làm thêm bên ngoài. Vì vậy nếu có việc làm tại một
doanh nghiệp tốt thì họ chẳng có lí do gì không chí thú lao động.
Hiện
có tình trạng nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động như thể “vắt chanh bỏ vỏ”.
Chủ lao động chỉ kí hợp đồng lao động chừng 3-4 năm, sau đó đưa ra những yêu
cầu, điều kiện khắt khe và tìm cách lách luật, chấm dứt hợp đồng để tuyển
dụng lao động mới trẻ khỏe hơn với mức lương khởi điểm. Hiện tượng này thường
xảy ra với vị trí lao động chân tay, giản đơn. Trong xu hướng tự động hóa dây
chuyền sản xuất tăng lên thì người lao động lại càng yếu thế trong cạnh tranh
và tìm kiếm việc làm, phải chấp nhận những điều kiện bất lợi, khắt khe.
Theo
một thống kê gần đây, đội ngũ công nhân chiếm khoảng 13,5% dân số và 26,46%
lực lượng lao động xã hội nhưng hằng năm đã
tạo ra trên 40% giá trị tổng sản phẩm xã hội, đóng góp trên 60% cho ngân sách
Nhà nước. Trong giai đoạn công
nghiệp hóa hiện nay lẽ ra vị thế của công nhân lao động phải được nâng cao.
Thực tiễn diễn ra lại chưa được như mong đợi.
Có
lẽ vì những phi lí trong đối xử, thiếu tôn trọng, quan tâm quyền lợi của
chính đáng của người lao động nên đã xảy ra nhiều vụ đình công, phản ứng tự
phát của công nhân với chủ doanh nghiệp. Vụ việc đình công của gần 6.000 công
nhân tại Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành chỉ là một hệ quả tất yếu.
Quốc
hội khóa 13 đã ban hành Luật Công đoàn số 12/2012/QH13. Người lao động được
hệ thống tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi thông qua một bộ luật khá đầy đủ,
chặt chẽ. Tuy nhiên, giữa luật pháp và thực tiễn cuộc sống dường như còn
khoảng trống không nhỏ, người lao động tại nhiều doanh nghiệp đang đơn độc tự
bảo vệ quyền lợi của mình. Ví như những quy định phi lí trên của Công ty TNHH S&H Vina, liệu tổ
chức công đoàn ở doanh nghiệp, công đoàn địa phương có biết?
Xảy
ra thực trạng trên có nhiều nguyên nhân song không thể không kể đến trách
nhiệm của tổ chức công đoàn, nhất là tại cơ sở. Đã đến lúc các cơ quan quản
lí nhà nước và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần đổi mới, nâng cao hiệu
quả hoạt động để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
14/9/2017
|
Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)