Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

“Cánh tay nối dài” cần làm đúng việc

Không biết từ bao giờ ban đại diện học sinh (BĐDHS) được đặt cho cái tên “cánh tay nối dài” của nhà trường. Hiểu một cách thô tục, đại diện cũng có nghĩa "mặt to". Gương mặt to ấy đã biến thành… tay dài!
Tại Điều 96 của Luật Giáo dục năm 2005 quy định: 'Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục'. 
Vậy là theo luật, BĐDHS chỉ được thực hiện nội dung, công việc liên quan trực tiếp đến giáo dục. Những việc như vận động, quyên góp quỹ để sử dụng cho nhà trường và hoạt động của BĐDHS là không đúng pháp luật.
Thực tế hàng chục năm qua các BĐDHS chưa làm tốt quy định của Luật Giáo dục. Cũng chưa thấy có điển hình BĐDHS nào được biết đến làm tốt được tuyên dương. Song dường như những việc không thuộc nhiệm vụ thì lại được tổ chức này làm khá tốt, đó là huy động đóng góp của phụ huynh học sinh chi cho các hoạt động ít liên quan đến giáo dục. Thông thường quỹ phụ huynh học sinh (lớp, trường) có trích một phần nhỏ khen thưởng học sinh giữa và cuối năm học, còn lại chủ yếu dùng thăm tặng quà thầy cô nhân các ngày lễ, tết v.v.
Có lẽ nhận ra “sự lợi hại” của BĐDHS nên giáo viên chủ nhiệm thường chọn các phụ huynh khá giả, có điều kiện kinh tế để gợi ý bầu vào tổ chức này vì đó là những người sẵn sàng “gương mẫu” trong đóng góp. Ngoài quỹ phụ huynh học sinh, BĐDHS ngày càng có thêm nhiều “sáng kiến” trong huy động xã hội hóa tạo quỹ. Phạm vi đóng góp không chỉ cho chi tiêu lặt vặt mà ngày càng mở rộng. Chẳng hạn như lắp thêm chiếc điều hòa nhiệt độ, lát lại sàn nhà, hỗ trợ thầy cô nghỉ mát v.v và v.v. Chính vì vậy mức đóng góp của cha mẹ học sinh ngày một tăng. Những vụ lạm thu “khủng” vừa qua ở một số trường khiến dư luận bức xúc, một vài phụ huynh đã thẳng thắn phản đối công khai và đưa lên mạng xã hội.


Hiện nay đa số BĐDHS đã trở thành tấm bình phong để nhà trường tận thu. Là "cánh tay nối dài" nên nó không mấy quan tâm tới liêm sỉ, luôn tìm cách "thọc vào túi" của phụ huynh học sinh! Khi có dư luận không đồng tình, nhà trường luôn đổ lỗi cho BĐDHS và cho rằng phụ huynh “tự nguyện”. Đã có ý kiến lo ngại về một sự biến tướng như BOT trong nhà trường. Một chuyên gia giáo dục đã thẳng thắn lên tiếng đề nghị giải tán BĐDHS để không làm vẩn đục môi trường giáo dục.
Ý kiến trên có phần cực đoan, tuy nhiên ngành giáo dục cần nhận rõ thực trạng này, tìm giải pháp và nghiêm túc chấn chỉnh để tổ chức BĐDHS làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Giáo dục. Gương “mặt lớn” cần sạch sẽ, sáng sủa chứ không nên biến thành cái “tay dài”, làm những việc không chính danh.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 26/9/2017  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét