Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Còn có những thứ quý hơn vàng!

Người xưa có câu “tấc đất, tấc vàng”. Nay trong cơ chế thị trường, tấc đất càng được khẳng định giá trị “vàng” khiến người đang giữ chẳng muốn rời, người chưa có thì nhòm ngó tìm cách sở hữu.
Tại Thủ đô, việc thực hiện chủ trương di dời các cơ quan, bệnh viện… nhằm giảm tải hạ tầng đô thị thực hiện nhiều năm qua nhưng rất khó khăn. Một số bộ ngành đã được cấp đất xây dựng trụ sở mới rộng, khang trang nhưng lần lữa không chịu bàn giao trụ sở cũ cho thành phố. Phải chăng có sự vấn vương "tấc đất, tấc vàng" của lãnh đạo?
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra đang bộc lộ những khe hở. "Đất vàng" cùng cơ sở vật chất cũ bị đánh đồng, coi như những thứ tồn đọng, thường bị "quên" đi giá trị. Cổ phần hóa xong, "phủi bụi" đi, đất vàng dần phát lộ và giá trị doanh nghiệp lên nhanh như "Phù Đổng vươn mình"! Bài học gần đây nhất về cổ phần hóa Công ty Bóng đèn Điện Quang là một ví dụ.
Đã có nhiều bài học, song việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam vừa qua có nguy cơ tiếp tục đi theo những vết xe cũ.

Trụ sở chính Hãng phim truyện Việt Nam

Nằm cách quảng trường Ba Đình chưa đầy cây số, một mặt phố Thụy Khuê, một mặt hướng hồ Tây lộng gió, rộng hàng nghìn mét vuông, trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam đúng là mảnh "đất vàng". Khi cổ phần hóa, bỗng thấy một doanh nghiệp vận tải thủy "nhảy lên bờ" kinh doanh phim ảnh khiến mọi người ngạc nhiên và nghi ngại. Song những cam kết chắc nịch của lãnh đạo doanh nghiệp khiến mọi người tạm yên phần nào. Tuy nhiên, không như lời hứa trước cổ phần hóa và kì vọng của cán bộ, nghệ sĩ hãng phim, doanh nghiệp bắt đầu khai thác lợi nhuận theo hướng thực dụng, phi nghệ thuật. Dù không có kinh nghiệm, chuyên môn về nghệ thuật, phim ảnh nhưng xem ra  Tổng Công ty Vận tải thủy không mấy quan tâm tới đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ hiện có và thương hiệu "vang bóng một thời" của hãng Phim truyện Việt Nam - cái vốn quan trọng hàng đầu để vực dậy và phát triển. Chưa thấy có chiến lược hay đề án cụ thể về hướng đi của hãng phim. Sự quan tâm trước mắt chỉ là thu dọn để lấy mặt bằng kinh doanh, cho thuê. Nhiều cán bộ, nghệ sĩ lo lắng hãng phim đứng trước nguy cơ bị xóa sổ! Động thái và cách cư xử của doanh nghiệp với nghệ sĩ khiến dư luận nghi ngại về động cơ và mục tiêu thực chất của việc cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam.
Từ tác phẩm đầu tiên “Chung một dòng sông”, tiếp đến nhiều phim đặc sắc như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Tư Hậu”, “Con chim Vành Khuyên”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”… đến nay, hãng Hãng phim truyện Việt Nam đã sản xuất được hơn 300 bộ phim truyện nhựa, phim nghệ thuật và phim tài liệu đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng. Những nghệ sĩ tài danh như Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh, Trịnh Thịnh, Bùi Đình Hạc, Lê Mạnh Thích… cùng nhiều thế hệ đạo diễn, biên kịch, diễn viên tài năng của nền điện ảnh cách mạng đã ghi dấu ấn trong lòng các thế hệ khán giả. Truyền thống vẻ vang hơn 60 năm của hãng phim đóng góp cho đất nước còn quý hơn vàng và những nghệ sĩ tài danh thực sự là những viên ngọc quý. Tiếc rằng, những vốn quý đó đang bị một số người coi như con số 0 tròn trĩnh!
Đừng vì chỉ nhìn thấy những "tấc vàng" mà đánh mất những thứ còn quý hơn vàng!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 22/9/2017  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét