Tránh luật hóa sự bất cập
Những bất cập trong triển khai
dự án BOT thời gian qua đang đặt ra vấn đề lớn: Muốn giải quyết gốc rễ phải
có luật riêng điều chỉnh. Tuy nhiên, để tránh xảy ra sự chồng chéo và những
"khe hở" như một số luật đã ban hành thì trước khi xây dựng cần
nghiêm túc tổng kết việc thực hiện hình thức đầu tư BOT giao thông thời gian
qua. Những vấn đề dưới đây cần được
lưu tâm trong quá trình xây dựng luật.
Trước hết, cần định rõ thế nào
là công trình BOT giao thông. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
thì chỉ có một số lĩnh vực độc quyền Nhà nước. Tránh BOT biến thành độc quyền
tư nhân, Nhà nước chỉ nên cho phép xây dựng đường BOT trên tuyến mới song
song tuyến hiện có thông qua đấu thầu.
Khi đó, người sử dụng có quyền
lựa chọn, muốn đi đường tốt thì phải trả phí. Những đường đơn tuyến, cấp
thiết thì giao doanh nghiệp nhà nước thực hiện bằng ngân sách. Cần loại bỏ
ngay cách làm BOT "tầm gửi" trên tuyến đường nhà nước đã đầu tư. Lâu
nay có sự nhầm lẫn của một số người (liệu cơ quan quản lí có nhầm?), coi duy
tu, nâng cấp đường cũ cũng là công trình BOT. BOT là đầu tư-kinh doanh-chuyển
giao, từ chuyển giao ở đây chưa
được nhận thức đúng. Khi nâng cấp đường cũ của Nhà nước thì đó đâu phải đường
của nhà đầu tư làm ra mà chuyển giao? Chẳng lẽ tư nhân lại chuyển giao công
trình của Nhà nước cho Nhà nước?
Những trạm BOT hoành tráng lãng phí không cần thiết. Ảnh Giadinh.net
Vấn đề thứ 2 là cần chuẩn hóa
suất đầu tư. Trong một công trình BOT nhà đầu tư được phép làm công trình gì,
quy mô đến đâu... Vừa qua có tình trạng đầu tư quá tốn kém vào hạng mục
"phi giao thông", đó là các trạm thu phí. Trạm BOT Cai Lậy chi phí
xây dựng đến 60 tỉ mà suy cho cùng đó cũng chỉ là nơi chắn barie để bán vé.
Vừa qua VTV1 đưa hình ảnh trạm thu phí tự động trên một tuyến cao tốc tại Mỹ
có hình thù nhỏ gọn bên đường chưa bằng 1/2 chiếc ca bin của nhân viên bán vé
trạm thu phí ở Việt Nam! Tiền xây dựng trạm đều được tính vào giá thành công
trình, cuối cùng người dân phải trả. Cần con đường tốt, bền, an toàn chứ
chẳng ai muốn bỏ tiền ra để ngắm những chiếc "cổng chào BOT" hoành
tráng tựa những công trình thế kỉ. Với tốc độ cuộc cách mạng 4.0 hiện nay thì
những "cổng chào" BOT sẽ sớm trở thành hiện vật bảo tàng… di sản
lãng phí! Nhà đầu tư BOT cũng không thể lần lữa mãi việc áp dụng công nghệ
thu phí tự động vốn đã phổ biến ở nhiều nước.
Vấn đề thứ ba là nguồn vốn để
làm BOT. Nhà nước thiếu vốn mới nhờ đến hình thức đầu tư này để tranh thủ
nguồn nhàn rỗi của tư nhân. Nếu đến 90% vốn này lại là vay dài hạn ngân hàng,
lãi suất cao thì khác nào Nhà nước đi vay tiền cho tư nhân kinh doanh? Hiện
có quy định nhà đầu tư phải bảo đảm tối thiểu 15% vốn của công trình nhưng có
lẽ chưa kiểm soát được năng lực thực tế của họ. Có thể nhà đầu tư khai vốn
điều lệ đạt mức 15% nhưng vốn đó họ đâu chỉ làm một công trình, và như vậy
15% chỉ là hình thức. Tỉ lệ vốn này cần được nâng lên cùng với cơ chế giám
sát bảo đảm thực chất năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Luật hóa BOT là rất cần thiết
nhưng cũng hết sức tránh luật hóa những bất cập đã bộc lộ vừa qua./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng
Báo Người cao tuổi ngày 21/9/2017
|
Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét