Người lao động cần được bảo vệ
Xin
nghỉ vì có người thân chết, nghỉ ốm, tai nạn… phải báo trước ít nhất 3 ngày.
Điều này mới nghe tưởng chuyện tiếu lâm, nhưng đó là chuyện có thật! Đây là
một trong những nội dung quy định của Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành
(tỉnh Thanh Hóa)… Chiếu theo quy định này thì thân nhân của người lao động
mất hay bản thân ốm, tai nạn đều phải có… kế hoạch!
Chuyện
người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ngộ độc thức ăn
phải cấp cứu hàng loạt thi thoảng vẫn xảy ra. Môi trường làm việc độc hại
cũng từng khiến công nhân bị ngất xỉu hàng loạt phải cấp cứu…
Công nhân đình công vì cho rằng công ty thiếu tình người, ra nhiều quy định vô lí. Ảnh: N.D.
Theo
đánh giá của một số cơ quan quản lí, hiện công nhân lao động có thu nhập từ
lương chỉ bảo đảm chừng 80% mức sống tối thiểu nên họ đang phải chật vật lo
cho cuộc sống hiện tại, ít người có thể tích lũy. Muốn có thêm thu nhập công
nhân phải tăng ca hoặc làm thêm bên ngoài. Vì vậy nếu có việc làm tại một
doanh nghiệp tốt thì họ chẳng có lí do gì không chí thú lao động.
Hiện
có tình trạng nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động như thể “vắt chanh bỏ vỏ”.
Chủ lao động chỉ kí hợp đồng lao động chừng 3-4 năm, sau đó đưa ra những yêu
cầu, điều kiện khắt khe và tìm cách lách luật, chấm dứt hợp đồng để tuyển
dụng lao động mới trẻ khỏe hơn với mức lương khởi điểm. Hiện tượng này thường
xảy ra với vị trí lao động chân tay, giản đơn. Trong xu hướng tự động hóa dây
chuyền sản xuất tăng lên thì người lao động lại càng yếu thế trong cạnh tranh
và tìm kiếm việc làm, phải chấp nhận những điều kiện bất lợi, khắt khe.
Theo
một thống kê gần đây, đội ngũ công nhân chiếm khoảng 13,5% dân số và 26,46%
lực lượng lao động xã hội nhưng hằng năm đã
tạo ra trên 40% giá trị tổng sản phẩm xã hội, đóng góp trên 60% cho ngân sách
Nhà nước. Trong giai đoạn công
nghiệp hóa hiện nay lẽ ra vị thế của công nhân lao động phải được nâng cao.
Thực tiễn diễn ra lại chưa được như mong đợi.
Có
lẽ vì những phi lí trong đối xử, thiếu tôn trọng, quan tâm quyền lợi của
chính đáng của người lao động nên đã xảy ra nhiều vụ đình công, phản ứng tự
phát của công nhân với chủ doanh nghiệp. Vụ việc đình công của gần 6.000 công
nhân tại Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành chỉ là một hệ quả tất yếu.
Quốc
hội khóa 13 đã ban hành Luật Công đoàn số 12/2012/QH13. Người lao động được
hệ thống tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi thông qua một bộ luật khá đầy đủ,
chặt chẽ. Tuy nhiên, giữa luật pháp và thực tiễn cuộc sống dường như còn
khoảng trống không nhỏ, người lao động tại nhiều doanh nghiệp đang đơn độc tự
bảo vệ quyền lợi của mình. Ví như những quy định phi lí trên của Công ty TNHH S&H Vina, liệu tổ
chức công đoàn ở doanh nghiệp, công đoàn địa phương có biết?
Xảy
ra thực trạng trên có nhiều nguyên nhân song không thể không kể đến trách
nhiệm của tổ chức công đoàn, nhất là tại cơ sở. Đã đến lúc các cơ quan quản
lí nhà nước và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần đổi mới, nâng cao hiệu
quả hoạt động để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
14/9/2017
|
Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét