Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Vui, vui

 Chào vui, bán thì…
Kết quả hình ảnh cho Ma nơ canh trước cửa hàng

Ông nọ mắt kém vào cửa hàng thấy một thiếu nữ xinh đẹp đứng trước cửa (thực ra đó là ma-nơ-canh) vẫy tay cười, ông vui vẻ gật đầu cám ơn.
Vào cửa hàng qua các quầy ông chỉ tham khảo giá mà không mua nên bị các cô nhân viên tỏ thái độ lạnh nhạt, có chỗ còn bị gắt gỏng.
Bước ra cửa thấy cô gái đứng đó vẫn tươi cười vẫy chào, ông cằn nhằn:
- Không dám! Mời chào thì vui thế mà nhân viên chỗ nào cũng gắt như mắm tôm!
Mất việc vì nịnh

Trưởng phòng được mời tham luận tại một cuộc hội thảo. Sau khi viết bản tham luận đưa trợ lí xem góp ý giúp. Sau một ngày, trợ lí cầm bản thảo đến, khúm núm nịnh:
- Báo cáo, bài viết của anh toàn những lời vàng ý ngọc, em không thể sửa chữa được từ nào đâu ạ.

Từ hội thảo về, trưởng phòng gọi trợ lí lên, đanh mặt:
- Từ ngày mai cậu được thôi việc! Bài phát biểu của tôi bị người ta la ó, chưa kịp đọc hết đã phải bỏ diễn đàn, thật là muối mặt!
Đinh Hoàng
(Chuyện vui đăng báo Người cao tuổi ngày 27/10/2017)

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Động lực và mục tiêu
Một kị sĩ muốn tới đích nhanh, an toàn cần có con ngựa khỏe, bộ yên cương chắc chắn và kĩ năng điều khiển giỏi. Những yếu tố động lực là nền tảng, mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là đích đến chứ không phải chặng đường vượt qua.
Đối với nền kinh tế một quốc gia thì mục tiêu cuối cùng là sự tăng trưởng bền vững, hiệu quả cao để mang lại an sinh xã hội vững chắc, đời sống người dân từng bước cải thiện. Muốn vậy thì nền tảng động lực của sự tăng trưởng phải ổn định, vững chắc.
Nền kinh tế nước ta từ những năm 90 thế kỉ trước đến những năm đầu thế kỉ XXI chứng kiến một số năm tăng trưởng khá cao, đều trên 8-9%. Giai đoạn 2007-2008 thực sự là những năm tăng trưởng nóng, hệ quả là sự đổ vỡ bong bóng bất động sản, sự sụt giảm thị trường chứng khoán và lạm phát tăng cao trên 20%. Năm 2009 tốc độ tăng trưởng "rơi" xuống 5%. Giai đoạn này dù liên tục tăng lương nhưng đời sống đa số người lao động và đối tượng chính sách đều giảm sút. Để vực dậy tốc độ tăng trưởng, đầu tư công được "quất mã truy phong", chỉ tiêu tăng trưởng GDP như một mục tiêu hàng đầu để "cỗ xe kinh tế" hướng tới. Đáp ứng mọi giá cho mục tiêu tăng trưởng đã dẫn tới hệ lụy khối nợ công ngày một phình to và cục nợ xấu gần nửa triệu nghìn tỉ chưa có giải pháp hữu hiệu tiết giảm.
Người Việt hình như ngày một sùng bái thành tích, đôi khi coi thành tích là mục tiêu. Tuy là nước nhỏ nhưng nhiều mục tiêu hướng tới không hề nhỏ và chúng ta đã làm được những kì tích để thế giới ngưỡng mộ. Từ nước nhập khẩu lương thực chất lượng thấp để cứu đói, chúng ta đã từng bước giải quyết căn bản an ninh lương thực rồi chững chạc bước lên bục thứ hạng tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Các mặt hàng khác như cà phê, thủy sản, cao su, hồ tiêu… cũng từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Nhưng, đó mới chỉ là phía trước của "tấm huy chương". Dù đứng nhất nhì xuất khẩu nhưng nông, thủy sản Việt chưa thể cạnh tranh về chất lượng, đa số nông dân vẫn không thể làm giàu và đang giảm đi sự tha thiết với ruộng đồng. Đầu tư nước ngoài liên tục tăng cao song Việt Nam vẫn chỉ là công xưởng lắp ráp với lao động giá rẻ, góp vào thành tích xuất khẩu nhưng ẩn họa môi trường ngày một phát lộ. Nếu vẫn duy trì tình trạng như những năm qua sẽ có lúc nền kinh tế không thể bù đắp tổn hao hệ quả môi trường. Rõ ràng là thành tích không phải lúc nào cũng gắn với hiệu quả của nền kinh tế.
Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, mức tăng trưởng trên dưới 6%/năm có lẽ là ngưỡng hấp thụ an toàn của nền kinh tế nước ta. Lạm phát thấp, đồng tiền được giữ ổn định giá trị nên đời sống người lao động ít bị giảm sút dù tần suất và tỉ lệ tăng lương không nhiều như một số năm trước.
"Cỗ xe kinh tế" đang trên một cung đường gập ghềnh: Nợ công đã đến ngưỡng cao nhất và khối nợ xấu như "quả bom chờ nổ" với các ngân hàng. Cung đường này nếu tăng tốc sẽ là sự mạo hiểm và cần nhận thức tốc độ không phải là mục tiêu cuối cùng./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25/10/2017

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

 Khoảng cách lời nói, việc làm

Trong những năm đầu đổi mới, độc giả Báo Nhân dân thấy xuất hiện chuyên mục ‘Những việc cần làm ngay’ cùng bút danh NVL. Nhiều người suy luận bút danh trên có thể là từ “nói và làm”, sau đó mới biết đó là của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Với tư duy đổ mới, nhạy bén, sáng tạo, luôn nắm bắt và dự đoán sát thực tiễn, Tổng Bí thư còn là người thẳng thắn, nói luôn đi đôi với làm, cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo đất nước vượt quan vô vàn khó khăn của thời kì đầu đổi mới.
Tác phong lời nói đi đôi với việc làm chính là thể hiện năng lực, phẩm chất của người cán bộ. Thông thường lời hứa có thể dễ dàng, nhưng làm được như đã hứa đôi khi rất khó. Khi nhậm chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh từng có những phát ngôn mạnh mẽ: “Sẽ không chấp nhận việc lợi dụng vị trí, chức quyền để vun vén cho cá nhân, lợi ích riêng...  Phải luôn luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng...". Nay thì mọi người đã biết, giữa lời nói và việc làm của ông này có một khoảng cách là… 180o.
Với quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, Thủ tướng đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành rà soát điều kiện kinh doanh, loại bỏ những rào cản để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Rất kịp thời, vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương tuyên bố sẽ cắt giảm 675 (tương ứng 55%) điều kiện kinh doanh - một con số kỉ lục khiến dư luận khá bất ngờ. Tuyên bố trên của Bộ trưởng vừa là sự hưởng ứng nhanh nhạy trước sự điều hành của Chính phủ, vừa "ghi điểm" uy tín lãnh đạo!
Kết quả hình ảnh cho Cắt giảm điều kiện sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp

Điều 33 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều khi người ta không thể kinh doanh vì không đi qua được "khu rừng" điều kiện! "Khu rừng" ấy điệp trùng điều khoản kinh doanh được luật hóa tại các nghị định, thông tư, hướng dẫn… nhiều như “lá rừng"! Có nhiều điều kiện gây khó, thậm chí là phi lí khiến doanh nghiệp khó lòng "bước qua", hoặc có qua cũng hao tổn công sức, tiền của. Những chiếc "lá rừng" đôi khi còn cứng, chắc hơn cả "cây rừng"!
Xem lại nhiều điều kiện cắt bỏ của Bộ Công Thương hóa ra "nói vậy mà chưa hẳn vậy". Ví như lĩnh vực kinh doanh thực phẩm với 350 điều kiện tại Nghị định số 77/2016/NĐ-CP của Chính phủ, để cắt giảm 215 điều kiện, Bộ Công Thương đã sáp nhập nhiều điều kiện với nhau thành 1. Có chỗ thì điều kiện gồm 5-6 gạch đầu dòng được gộp lại còn 1 gạch đầu dòng… Rồi những điều kiện mà doanh nghiệp đã thực hiện (cũng là cần thiết) thì lại cắt bỏ như yêu cầu có website nên thực ra chẳng có ý nghĩa. Thêm nữa, vừa nói cắt bỏ nhiều điều kiện nhưng mới đây Bộ này lại đề xuất quy định dán tem để "nâng cao năng lực quản lí nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia"- câu chuyện từng được đưa ra song do nhiều ý kiến phản biện về sự bất cập, tốn kém nên đã khép lại. Biết đâu, nay mai lại có những "sáng kiến" quản lí mới được đề xuất!
Liệu giữa cam kết và hành động của Bộ Công Thương còn có khoảng cách?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 17/10/2017

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

 Cần một trọng tài

Vấn đề bàn sau đây không phải về thể thao mà là chuyện làm ăn.
Những ngày qua đang nóng việc một số lái xe các hãng taxi truyền thống trương băng rôn phản đối loại hình xe uber, grap do bị lấn át thị phần hành khách. Dễ dàng nhận thấy đây là cách hành xử không "fair play" và khả năng đã phạm luật cạnh tranh! 



Thời "vàng son" của taxi truyền thống có vẻ đang qua đi. Một thời chỉ có số ít hãng taxi đã "làm mưa làm gió". Dịch vụ taxi khi ấy với nhiều người rất "xa xỉ", có khi chỉ đi từ trung tâm Hà Nội ra sân bay Nội Bài chưa đầy 30km đã tốn 400-500 nghìn đồng, bằng non nửa giá vé máy bay đi TP Hồ Chí Minh! Giá cước thường bị "té nước theo mưa" khi giá xăng tăng, khi xăng giảm thì cơ quan quản lí thúc mãi họ mới giảm tí chút. 
         Từ khi loại hình taxi công nghệ đổ bộ vào việt nam tình hình đã thay đổi và hành khách có thêm sự lựa chọn vượt trội cả về chất lượng và giá cả. Chặng đường tốn 400-500 nghìn trên nay có thể chỉ hết 150 nghìn! Vậy để trả lời câu hỏi "vì sao lại thế" thì phải xem mô hình các loại taxi thế nào?
         Một người muốn làm lái xe cho hãng taxi truyền thống trước hết cần mua cổ phần (thường là mua trả góp chính chiếc xe của hãng) với giá cao hơn thị trường chừng 100-150 triệu. Hằng tháng họ phải trả góp số nợ cùng lãi suất chừng 15%. Trừ các khoản khác như tiền xăng, tiền đàm, phí bảo hiểm, công đoàn, đồng phục... nên lương lái xe chẳng còn bao nhiêu. Tài xế taxi chẳng khác chi những "xe ôm có mái che", vắt sức nuôi chủ hãng.
Xe taxi công nghệ tận dụng ngay xe của từng cá nhân, mô hình quản lí trên nền tảng kết nối vạn vật, chỉ cần qua điện thoại thông minh họ nắm vững vị trí hiện tại từng lái xe, vị trí khách hàng cần đón giúp thuận tiện và tiết kiệm tối đa chi phí. Hãng taxi truyền thống vẫn liên lạc sóng FM, khi tung thông tin lên khó bảo mật dẫn đến các lái xe tranh nhau tạo nên những cuộc đua tốc độ trên đường phố đầy nguy hiểm.
Lịch sử phát triển là quá trình cái mới thay thế cái cũ. Không thể cấm chiếc máy hơi nước để bảo vệ những chiếc cối xay gió, rồi không thể giữ mãi máy hơi nước khi đã xuất hiện động cơ đốt trong…
Áp dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó có vận tải là tất yếu. Chỉ có điều để bảo bảm môi trường bình đẳng cần có sự quản lí, điều hành "cuộc chơi" bằng một trọng tài. Hiện công tác quản lí có vẻ chưa theo kịp sự phát triển. Ví như mô hình taxi truyền thống đang bị những trói buộc bằng những điều kiện, còn taxi công nghệ thì lại khá "rộng chân". Rồi việc quản lí doanh thu, quản lí thuế với taxi công nghệ còn kẽ hở... 



Dù sao, các hãng taxi truyền thống cũng cần nhìn nhận lại mô hình quản lí kinh doanh của mình, đổi mới phương thức quản lí để cạnh tranh. Nền kinh tế thị trường không thể chờ đợi sự can thiệp, bảo trợ từ những mệnh lệnh hành chính. Trong "cuộc chơi" này, chính những "trọng tài" cũng cần làm mới và nâng tầm của mình, đừng để trên sân "các đội" chơi xấu lẫn nhau!
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 12/10/2017

Chuyện vui

 Đi công tác sớm

Anh chồng đi nhậu cùng bạn bè mấy "tăng" trong buổi tối, gần 3 giờ sáng hôm sau mới về. Cô vợ tỉnh giấc thấy chồng vẫn xơ-vin nghiêm chỉnh, ngạc nhiên hỏi:
- Hôm nay anh lại đi công tác sớm à?
Anh chồng tuy ngỡ ngàng nhưng cũng nhanh trí:
- Ừ, hôm nay phải đi cơ sở với sếp sớm quá- Nói rồi vội xách cặp đi ra và khép cửa lại.
Ngồi ngoài cửa chừng 30 phút anh quay vào, vừa đánh động vợ vừa phàn nàn:
- Sếp cứ thay đổi kế hoạch xoành xoạch, hoãn tới 8 giờ sáng mới đi, lại phải ngủ thêm!

Bôi trơn

Dựa chuyện dư luận nói vào cửa cơ quan hành chính phải bôi trơn mới nhanh nên khi bố giao việc gì anh chàng nọ cũng đòi phải có thêm chút tiền để bôi trơn.
Quen nếp, trước khi cưới vợ, đi đăng kí kết hôn anh ta cũng đòi bố chi tiền để… bôi trơn. Biết là chuyện vô lí, ông bố tủm tỉm:
- Chuyện bôi trơn này là của riêng anh chị, tự mà giải quyết, sao lại phải nhờ đến bố?
Đinh Hoàng

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Ôm đồm!

Chuyện ô nhiễm môi trường đã nóng từ hàng chục năm qua. Người dân bức xúc vì ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp về sức khỏe và sinh hoạt. Nhiều vụ phản ứng tự phát của người dân với doanh nghiệp đã diễn ra. Báo chí, dư luận nói khá nhiều về những vụ việc gây ô nhiễm hậu quả nặng nề. Tuy nhiên tình hình dường như ít chuyển biến và mỗi khi nói về chuyện ô nhiễm môi trường thì nhiều người lại nghĩ đến câu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của cụ cố Hồng trong một tác phẩm của Vũ Trọng Phụng!

  Cảnh sát môi trường bắt vụ lưu chứa chất thải nguy hại trái phép ở Long An. 

Theo một thống kê gần đây của Chính phủ, cả nước có khoảng 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Để quản lí hoạt động của doanh nghiệp bảo đảm an toàn cho môi trường, hiện đã có hệ thống cơ quan quản lí từ trung ương đến cơ sở. Cấp Chính phủ có Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ này lại có các đầu mối trong đó có Tổng cục Môi trường (gồm 18 đầu mối). Tại 63 tỉnh, thành phố có Sở TN&MT; tương ứng tại 659 quận, huyện đều có Phòng TN&MT. Giả sử Tổng cục Môi trường muốn “đi thăm” một lượt đến 612 nghìn doanh nghiệp và ngành cơ sở thì sẽ mất ngót… 20 năm!

Kết quả hình ảnh cho ô nhiễm môi trường ở khánh hòa
Ô nhiễm ở đảo Bình Ba (Khánh Hòa)

Vừa qua, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Bộ TN&MT) lên kế hoạch trực tiếp thanh tra tại 30 doanh nghiệp trong vỏn vẹn gần 1 tháng. Cứ tiến độ như vậy, nỗ lực lắm thì trong một năm Cục này cũng chỉ thanh tra được hơn 300 doanh nghiệp. Chất lượng thanh tra liệu có bảo đảm vì tại mỗi doanh nghiệp đoàn thanh tra chỉ làm việc 1 hoặc 1/2 ngày, tựa như “cưỡi ngựa xem hoa”? Việc một cơ quan cấp Bộ trực tiếp thanh tra hết số doanh nghiệp trong cả nước là chuyện không tưởng. Rõ ràng việc quản lí đang diễn ra sự ôm đồm và dù có gắng “ôm” thì kết quả cũng chỉ như… “muối bỏ bể”. Cấp Bộ là cơ quan tầm chiến lược có nhiệm vụ chỉ đạo hệ thống ngành dọc vận hành theo chức năng, nhiệm vụ từng cấp cụ thể. Mỗi cấp làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình sẽ bảo đảm sự quản lí nhà nước chặt chẽ. Khi cấp trên làm thay việc cấp dưới sẽ dẫn đến sự dựa dẫm, ỉ lại và vô hình trung cấp dưới mất đi vai trò, lơ là trách nhiệm. Biết đâu, chính sự ôm đồm đó sẽ khiến doanh nghiệp coi thường cấp quản lí tại cơ sở, khi mà họ có thể trực tiếp “xử lí” vấn đề với cấp cao hơn.
Chi phí xử lí môi trường đạt chuẩn an toàn là một khoản rất lớn đối với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp FDI lĩnh vực điện than, hóa chất, giấy, điện tử… đã “đổ bộ” đầu tư vào nước ta phải chăng cũng vì chi phí xử lí môi trường “rẻ”? Vì lợi nhuận nên doanh nghiệp luôn tìm cách tiết giảm chi phí này. Không ít doanh nghiệp chấp nhận vi phạm, chịu nộp phạt khi thanh tra phát hiện bởi nó vẫn ít hơn số tiền chi cho xử lí chất thải. Ấy là chưa kể, biết đâu họ cứ xả thải “cửa trước” rồi xử lí  “cửa sau”? Vụ một Cục phó ôm tiền đi thanh tra môi trường kết hợp “giải quyết việc riêng” đang giấy lên dư luận nghi ngờ, liệu có việc xử lí môi trường ở “cửa sau”?
Và, với cung cách quản lí như hiện nay thì có đến hàng chục năm sau, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm”!./.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 11/10/2017  

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

 “Chọc trời” ở đất Hà thành

Nhà cao chọc trời là nét đẹp, biểu tượng của nhiều thành phố hiện đại trên thế giới. Hà Nội đang quá ít những tòa nhà cao tầng từ 200-300m trở lên như ở New York, London, Hồng Kông, Tokyo hay Dubai…  Hiện chỉ có tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower với 72 tầng (350m) và Lotte Center Hanoi 65 tầng  (267m) tạm gọi là "chọc trời".
Tuy nhiên, nếu so số tầng nhà trong một diện tích đô thị thì Hà Nội không kém nhiều thành phố lớn trên thế giới. Chẳng hạn như tại khu Linh Đàm, trong diện tích 5 ha đã có 12 tòa chung cư cao 36 - 45 tầng với sức chứa khoảng 30.000 dân. Chỉ chồng 2 tòa chung cư trên lên nhau là có 1 tòa nhà cao gấp đôi Keangnam! Và như vậy tại 5 ha đất trên đang có chừng 6 tòa nhà cao gần trăm tầng. Người ta không thấy cao vì nhà đã bị “cắt khúc” đặt xuống dưới đất! Hay tuyến đường Lê Văn Lương nếu cứ chồng 2-3 tòa nhà gần nhau lên là có một tòa cao ngất ngưởng. Dọc tuyến đường này, hàng chục nhà cao tầng chen chúc nhau và nhiều tòa vẫn đang vươn lên, chỉ có điều nó không được phép "chọc" cao quá. Dân số nội đô so với thủ đô nhiều nước chưa phải là cao nhưng giao thông Hà Nội quá tải là do mọi công trình cứ dàn hết ra mặt đất, không còn diện tích cho giao thông. 
Hà Nội: Nhà cao tầng mọc như nấm, khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm hết thời kiểu mẫu - Ảnh 2.
Những tòa chung cư tại Linh Đàm (Hà Nội) cao tới 36-41 tầng, vượt cả quy hoạch khu vực

Do khống chế chiều cao, khó kiếm lợi nhuận nên một số chung cư cũ ở khu Thành Công người dân đã chuyển đi, giao mặt bằng để doanh nghiệp cải tạo, nâng cấp từ gần chục năm trước nhưng hiện công trình vẫn chưa thể khởi công! Tại sao không tính phương án chỉ cần xây 2-3 tòa nhà có tổng số chiều cao bằng số tầng của hàng chục nhà chung cư cũ tại đây (mỗi tòa chỉ trên dưới chục tầng)? Như vậy sẽ dôi ra không ít diện tích đất cho giao thông, cây xanh và các công trình hạ tầng văn hóa xã hội? Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội cũng vậy, nếu xây dựng một tòa nhà cao tầng tái định cư tại chỗ để giả tỏa dân cư bám sát 2 bên đường tàu khu vực phố Lê Duẩn không phải là không có cơ sở. Vấn đề quan trọng là cần xác định rõ khu vực cần bảo tồn, khu vực có thể xây nhà cao tầng tái định cư tại chỗ và tuyệt đối không tăng mật độ dân cư.
Thực trạng hiện nay tại Thủ đô là chỗ nào còn mảnh đất rộng đủ xây chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại… là không sớm thì muộn sẽ được đề xuất làm dự án. Quanh khu vực quảng trường Ba Đình cũng có mấy nhà chung cư hoành tráng đang mọc lên. Và quanh đây vẫn còn những mảnh "đất vàng" có thể sinh lời bằng bất động sản chưa được phép đầu tư. Tiếc rằng những tòa cao tầng tại đây không phải là để tái định cư tại chỗ, nó được xây chủ yếu đón những cư dân có điều kiện kinh tế khá giả từ nới khác đến. Đó cũng chính là nguyên nhân quá tải khu vực trung tâm Thủ đô.
 Chỉ có sự cương quyết, nghiêm minh trong thực hiện quy hoạch, không để lợi ích nhóm chi phối cùng với tư duy đột phá trong cơ chế, chính sách, thay đổi cách nhìn về xây dựng thì Hà Nội mới có thể vươn lên trở thành một đô thị đẹp, hiện đại, văn minh.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 3/10/2017