Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

 Khoảng cách lời nói, việc làm

Trong những năm đầu đổi mới, độc giả Báo Nhân dân thấy xuất hiện chuyên mục ‘Những việc cần làm ngay’ cùng bút danh NVL. Nhiều người suy luận bút danh trên có thể là từ “nói và làm”, sau đó mới biết đó là của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Với tư duy đổ mới, nhạy bén, sáng tạo, luôn nắm bắt và dự đoán sát thực tiễn, Tổng Bí thư còn là người thẳng thắn, nói luôn đi đôi với làm, cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo đất nước vượt quan vô vàn khó khăn của thời kì đầu đổi mới.
Tác phong lời nói đi đôi với việc làm chính là thể hiện năng lực, phẩm chất của người cán bộ. Thông thường lời hứa có thể dễ dàng, nhưng làm được như đã hứa đôi khi rất khó. Khi nhậm chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh từng có những phát ngôn mạnh mẽ: “Sẽ không chấp nhận việc lợi dụng vị trí, chức quyền để vun vén cho cá nhân, lợi ích riêng...  Phải luôn luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng...". Nay thì mọi người đã biết, giữa lời nói và việc làm của ông này có một khoảng cách là… 180o.
Với quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, Thủ tướng đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành rà soát điều kiện kinh doanh, loại bỏ những rào cản để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Rất kịp thời, vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương tuyên bố sẽ cắt giảm 675 (tương ứng 55%) điều kiện kinh doanh - một con số kỉ lục khiến dư luận khá bất ngờ. Tuyên bố trên của Bộ trưởng vừa là sự hưởng ứng nhanh nhạy trước sự điều hành của Chính phủ, vừa "ghi điểm" uy tín lãnh đạo!
Kết quả hình ảnh cho Cắt giảm điều kiện sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp

Điều 33 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều khi người ta không thể kinh doanh vì không đi qua được "khu rừng" điều kiện! "Khu rừng" ấy điệp trùng điều khoản kinh doanh được luật hóa tại các nghị định, thông tư, hướng dẫn… nhiều như “lá rừng"! Có nhiều điều kiện gây khó, thậm chí là phi lí khiến doanh nghiệp khó lòng "bước qua", hoặc có qua cũng hao tổn công sức, tiền của. Những chiếc "lá rừng" đôi khi còn cứng, chắc hơn cả "cây rừng"!
Xem lại nhiều điều kiện cắt bỏ của Bộ Công Thương hóa ra "nói vậy mà chưa hẳn vậy". Ví như lĩnh vực kinh doanh thực phẩm với 350 điều kiện tại Nghị định số 77/2016/NĐ-CP của Chính phủ, để cắt giảm 215 điều kiện, Bộ Công Thương đã sáp nhập nhiều điều kiện với nhau thành 1. Có chỗ thì điều kiện gồm 5-6 gạch đầu dòng được gộp lại còn 1 gạch đầu dòng… Rồi những điều kiện mà doanh nghiệp đã thực hiện (cũng là cần thiết) thì lại cắt bỏ như yêu cầu có website nên thực ra chẳng có ý nghĩa. Thêm nữa, vừa nói cắt bỏ nhiều điều kiện nhưng mới đây Bộ này lại đề xuất quy định dán tem để "nâng cao năng lực quản lí nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia"- câu chuyện từng được đưa ra song do nhiều ý kiến phản biện về sự bất cập, tốn kém nên đã khép lại. Biết đâu, nay mai lại có những "sáng kiến" quản lí mới được đề xuất!
Liệu giữa cam kết và hành động của Bộ Công Thương còn có khoảng cách?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 17/10/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét