Động lực và mục tiêu
Một kị sĩ muốn tới đích nhanh,
an toàn cần có con ngựa khỏe, bộ yên cương chắc chắn và kĩ năng điều khiển
giỏi. Những yếu tố động lực là nền tảng, mục tiêu cuối cùng và quan trọng
nhất là đích đến chứ không phải chặng đường vượt qua.
Đối với nền kinh tế một quốc
gia thì mục tiêu cuối cùng là sự tăng trưởng bền vững, hiệu quả cao để mang
lại an sinh xã hội vững chắc, đời sống người dân từng bước cải thiện. Muốn
vậy thì nền tảng động lực của sự tăng trưởng phải ổn định, vững chắc.
Nền kinh tế nước ta từ những
năm 90 thế kỉ trước đến những năm đầu thế kỉ XXI chứng kiến một số năm tăng
trưởng khá cao, đều trên 8-9%. Giai đoạn 2007-2008 thực sự là những năm tăng
trưởng nóng, hệ quả là sự đổ vỡ bong bóng bất động sản, sự sụt giảm thị
trường chứng khoán và lạm phát tăng cao trên 20%. Năm 2009 tốc độ tăng trưởng
"rơi" xuống 5%. Giai đoạn này dù liên tục tăng lương nhưng đời sống
đa số người lao động và đối tượng chính sách đều giảm sút. Để vực dậy tốc độ
tăng trưởng, đầu tư công được "quất mã truy phong", chỉ tiêu tăng
trưởng GDP như một mục tiêu hàng đầu để "cỗ xe kinh tế" hướng tới.
Đáp ứng mọi giá cho mục tiêu tăng trưởng đã dẫn tới hệ lụy khối nợ công ngày
một phình to và cục nợ xấu gần nửa triệu nghìn tỉ chưa có giải pháp hữu hiệu
tiết giảm.
Người Việt hình như ngày một
sùng bái thành tích, đôi khi coi thành tích là mục tiêu. Tuy là nước nhỏ
nhưng nhiều mục tiêu hướng tới không hề nhỏ và chúng ta đã làm được những kì
tích để thế giới ngưỡng mộ. Từ nước nhập khẩu lương thực chất lượng thấp để
cứu đói, chúng ta đã từng bước giải quyết căn bản an ninh lương thực rồi
chững chạc bước lên bục thứ hạng tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Các mặt
hàng khác như cà phê, thủy sản, cao su, hồ tiêu… cũng từng bước khẳng định vị
thế trên thị trường thế giới. Nhưng, đó mới chỉ là phía trước của "tấm
huy chương". Dù đứng nhất nhì xuất khẩu nhưng nông, thủy sản Việt chưa
thể cạnh tranh về chất lượng, đa số nông dân vẫn không thể làm giàu và đang
giảm đi sự tha thiết với ruộng đồng. Đầu tư nước ngoài liên tục tăng cao song
Việt Nam vẫn chỉ là công xưởng lắp ráp với lao động giá rẻ, góp vào thành
tích xuất khẩu nhưng ẩn họa môi trường ngày một phát lộ. Nếu vẫn duy trì tình
trạng như những năm qua sẽ có lúc nền kinh tế không thể bù đắp tổn hao hệ quả
môi trường. Rõ ràng là thành tích không phải lúc nào cũng gắn với hiệu quả
của nền kinh tế.
Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, mức tăng trưởng trên dưới 6%/năm có lẽ là ngưỡng hấp thụ an toàn của nền kinh tế nước ta. Lạm phát thấp, đồng tiền được giữ ổn định giá trị nên đời sống người lao động ít bị giảm sút dù tần suất và tỉ lệ tăng lương không nhiều như một số năm trước.
"Cỗ xe kinh tế" đang
trên một cung đường gập ghềnh: Nợ công đã đến ngưỡng cao nhất và khối nợ xấu
như "quả bom chờ nổ" với các ngân hàng. Cung đường này nếu tăng tốc
sẽ là sự mạo hiểm và cần nhận thức tốc độ không phải là mục tiêu cuối cùng./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25/10/2017
|
Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét