Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Ôm đồm!

Chuyện ô nhiễm môi trường đã nóng từ hàng chục năm qua. Người dân bức xúc vì ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp về sức khỏe và sinh hoạt. Nhiều vụ phản ứng tự phát của người dân với doanh nghiệp đã diễn ra. Báo chí, dư luận nói khá nhiều về những vụ việc gây ô nhiễm hậu quả nặng nề. Tuy nhiên tình hình dường như ít chuyển biến và mỗi khi nói về chuyện ô nhiễm môi trường thì nhiều người lại nghĩ đến câu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của cụ cố Hồng trong một tác phẩm của Vũ Trọng Phụng!

  Cảnh sát môi trường bắt vụ lưu chứa chất thải nguy hại trái phép ở Long An. 

Theo một thống kê gần đây của Chính phủ, cả nước có khoảng 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Để quản lí hoạt động của doanh nghiệp bảo đảm an toàn cho môi trường, hiện đã có hệ thống cơ quan quản lí từ trung ương đến cơ sở. Cấp Chính phủ có Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ này lại có các đầu mối trong đó có Tổng cục Môi trường (gồm 18 đầu mối). Tại 63 tỉnh, thành phố có Sở TN&MT; tương ứng tại 659 quận, huyện đều có Phòng TN&MT. Giả sử Tổng cục Môi trường muốn “đi thăm” một lượt đến 612 nghìn doanh nghiệp và ngành cơ sở thì sẽ mất ngót… 20 năm!

Kết quả hình ảnh cho ô nhiễm môi trường ở khánh hòa
Ô nhiễm ở đảo Bình Ba (Khánh Hòa)

Vừa qua, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Bộ TN&MT) lên kế hoạch trực tiếp thanh tra tại 30 doanh nghiệp trong vỏn vẹn gần 1 tháng. Cứ tiến độ như vậy, nỗ lực lắm thì trong một năm Cục này cũng chỉ thanh tra được hơn 300 doanh nghiệp. Chất lượng thanh tra liệu có bảo đảm vì tại mỗi doanh nghiệp đoàn thanh tra chỉ làm việc 1 hoặc 1/2 ngày, tựa như “cưỡi ngựa xem hoa”? Việc một cơ quan cấp Bộ trực tiếp thanh tra hết số doanh nghiệp trong cả nước là chuyện không tưởng. Rõ ràng việc quản lí đang diễn ra sự ôm đồm và dù có gắng “ôm” thì kết quả cũng chỉ như… “muối bỏ bể”. Cấp Bộ là cơ quan tầm chiến lược có nhiệm vụ chỉ đạo hệ thống ngành dọc vận hành theo chức năng, nhiệm vụ từng cấp cụ thể. Mỗi cấp làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình sẽ bảo đảm sự quản lí nhà nước chặt chẽ. Khi cấp trên làm thay việc cấp dưới sẽ dẫn đến sự dựa dẫm, ỉ lại và vô hình trung cấp dưới mất đi vai trò, lơ là trách nhiệm. Biết đâu, chính sự ôm đồm đó sẽ khiến doanh nghiệp coi thường cấp quản lí tại cơ sở, khi mà họ có thể trực tiếp “xử lí” vấn đề với cấp cao hơn.
Chi phí xử lí môi trường đạt chuẩn an toàn là một khoản rất lớn đối với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp FDI lĩnh vực điện than, hóa chất, giấy, điện tử… đã “đổ bộ” đầu tư vào nước ta phải chăng cũng vì chi phí xử lí môi trường “rẻ”? Vì lợi nhuận nên doanh nghiệp luôn tìm cách tiết giảm chi phí này. Không ít doanh nghiệp chấp nhận vi phạm, chịu nộp phạt khi thanh tra phát hiện bởi nó vẫn ít hơn số tiền chi cho xử lí chất thải. Ấy là chưa kể, biết đâu họ cứ xả thải “cửa trước” rồi xử lí  “cửa sau”? Vụ một Cục phó ôm tiền đi thanh tra môi trường kết hợp “giải quyết việc riêng” đang giấy lên dư luận nghi ngờ, liệu có việc xử lí môi trường ở “cửa sau”?
Và, với cung cách quản lí như hiện nay thì có đến hàng chục năm sau, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm”!./.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 11/10/2017  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét