Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Những doanh nghiệp “ở ẩn”

Nói ở ẩn người ta thường nghĩ tới chuyện xưa của những vị quan bất mãn, giã từ quyền lực, lui về quê vui thú điền viên, không màng chính sự. Hoặc nhắc về một tích chuyện cổ Trung Quốc khi Khổng Tử lấy Bá Di, Thúc Tề làm gương dạy các trò nho: “Thiên hạ có đạo thì ra làm quan, thiên hạ vô đạo thì đi ở ẩn”. Nhưng nay lại có chuyện lạ, một số doanh nghiệp được khai sinh rồi đi… “ở ẩn”!
Tại ngõ nhỏ một khu phố ở Hà Nội người viết bài này cư trú chỉ chừng hơn trăm mét dài mà có tới 5-6 tấm biển hiệu doanh nghiệp. Đây chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, loại hình công ty TNHH (nhiều người thường gọi vui là công ty trách nhiệm có hạn). Thoạt đầu cứ nghĩ đó là biển quảng cáo nhưng không phải, vì chẳng ai quảng cáo nơi ngõ phố nhỏ hẹp vắng người qua lại. Đây chính là địa chỉ đăng kí kinh doanh của một loại doanh nghiệp không có văn phòng, chỉ có biển hiệu, không muốn nhiều người biết đến sự tồn tại. Có thể gọi đây là những doanh nghiệp “ở ẩn”!
Thành lập ra doanh nghiệp lẽ thường là nhằm sản xuất, kinh doanh, vậy doanh nghiệp “ở ẩn” tìm kiếm lợi nhuận bằng cách nào?
Xin nêu vài ví dụ về một loại hình “kinh doanh” bị triệt phá gần đây sẽ hiểu cách làm giàu của những doanh nghiệp “ở ẩn” là gì:

Cơ quan ANĐT Công an Hà Nội triệt phá một vụ mua bán trái phép 590 tỉ đồng hóa đơn GTGT. Ảnh VnExpress

Đầu tháng 8, cơ quan Công an thành phố Thanh Hoá khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Huyền (khu đô thị mới Đông Sơn, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) về hành vi mua bán hoá đơn thuế giá trị gia tăng (GTGT) bất hợp pháp. Khi bán hóa đơn, Huyền thu phí từ 12-15% giá trị hàng hóa. Số hoá đơn Huyền bán ra có tổng giá trị gần 300 tỉ đồng, gây thất thoát gần 30 tỉ đồng tiền thuế; Tháng 7/2018 Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Đức Trọng (xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) về mua bán trái phép hóa đơn GTGT với giá trị khống gần 200 tỉ đồng. Trọng bán gần 700 hóa đơn của 3 công ty TNHH cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn… với giá trị khống lên tới gần 200 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 20 tỉ đồng; Vào đầu tháng 5/2018 công an quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) triệt phá đường dây mua bán hóa đơn GTGT lên tới 1.500 tỉ đồng. Đối tượng cầm đầu đường dây này là người vừa  được trao vương miện hoa hậu vào tháng 4 tại cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt năm 2018"… Đó chỉ là vài vụ bị phát hiện gần đây, số chưa bị phát hiện trên cả nước chắc không nhỏ trong số gần 600.000 doanh nghiệp đăng kí kinh doanh hợp pháp.

Việc đăng kí kinh doanh khá thông thoáng, thuận tiện. Ảnh Công Thương

Xem ra, các doanh nghiệp “ở ẩn” kiếm được hàng chục tỉ đồng chẳng mấy khó khăn. Những vụ việc như trên không chỉ khiến Nhà nước thất thu tiền thuế mà nguy hại hơn, hóa đơn gian lận của doanh nghiệp “ma” đã và đang góp phần “làm sạch” những đồng tiền tham nhũng từ ngân sách.

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Chữa lạm bán, trị lạm thu

Nói về giáo dục những tưởng chủ yếu nói về việc làm sao để dạy hay, học giỏi vì đó là mục tiêu quan trọng nhất của việc trồng người. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây câu chuyện được dư luận nói nhiều nhất vào năm học mới lại chủ yếu là… tiền!
Đầu năm học, điều lo lắng nhất của nhiều phụ huynh là chuẩn bị tài chính cho mua sách giáo khoa, đồng phục; đóng góp các khoản thu cả bắt buộc và… “tự nguyện”. Cùng với niềm vui của những đứa trẻ được đến trường học hành với chúng bạn sau kì nghỉ Hè thì còn có một số người “chung vui”, đó là nhà xuất bản chuyên xuất bản sách giáo khoa và người quản lí quỹ của các nhà trường!

Câu chuyện “lạm bán” sách giáo khoa năm nào cũng gây dư luận bức xúc nhưng vẫn trong tình trạng “ném đá ao bèo”. Sách giáo khoa dùng nhiều thế hệ của những năm tháng khó khăn nay chỉ như chuyện cổ tích mà học trò được nghe kể lại từ ông bà. Việc nhà xuất bản “bao” cả việc in vở bài tập và xuất hiện loại sách vở “lưỡng tính” (nửa sách, nửa vở, học sinh phải viết trực tiếp lên đó) cho thấy đã có dụng ý “lạm bán” ngay từ khâu biên soạn.
 Liệu trên thế giới có quốc gia nào lại “xài sang” như ở xứ ta, mỗi năm ném vào sọt rác cả nghìn tỉ đồng bởi những thứ dùng một lần? Tại kì họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã có ý kiến gay gắt, thậm chí đề nghị thanh tra làm rõ lợi ích nhóm trong xuất bản sách vở học sinh. Chưa biết có lợi ích nhóm hay không, nhưng rõ ràng cách làm trên đã và đang “hút” về những mối lợi không nhỏ cho ai đó! Đã có nhiều ý kiến tâm huyết cho việc chữa “bệnh lạm bán”, đơn thuần như tách quyền xuất bản khỏi một vài đơn vị thuộc bộ chủ quản, đấu giá việc in ấn, xuất bản và cho các nhà xuất bản đủ điều kiện đều được in sách giáo khoa, sách giáo khoa phải được sử dụng lâu dài…, nhưng xem ra việc tiếp thu rất khó khăn!

Sách và vở bài tập kết hợp in sẵn để HS làm bài trực tiếp không thể dùng lại

          Cùng với nạn “lạm bán” là tệ “lạm thu” đang gây sốt dư luận với không ít “chứng cứ” về những khoản thu hàng chục triệu đồng được chia sẻ, bình luận gay gắt trên mạng xã hội. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, việc này như một sự trấn an phụ huynh học sinh. Nhưng, nếu điểm lại nhiều năm học trước thì thấy chẳng năm nào là không có quy định dạng thế này song tình hình chẳng những không chuyển biến mà lạm thu ngày một “gia tăng”. Văn bản quy định về tài trợ xem ra khá đầy đủ, chặt chẽ nhưng rồi người ta sẽ chẳng thiếu cách “lách luật” để phụ huynh phải móc hầu bao. Chẳng hạn đóng các loại tiền như “tiếng Anh tăng cường”, “rèn luyện kĩ năng sống”, “hoạt động ngoài trời”, “lớp chất lượng cao”; “tiền điều hòa”…, đó toàn là chi “cho các em, vì các em” chứ đâu phải tài trợ?

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

 “Ném đá”

Dân gian có câu “đánh hội đồng” hàm chỉ nhiều người hùa vào đánh một người dù chưa rõ “đầu cua tai nheo” thế nào. Dân mạng nay có câu “ném đá” cũng có ý na ná việc đánh hội đồng. Chỉ cần một thông tin vu vơ tung lên mạng, vậy là nhiều người đua nhau hùa theo phê phán, thậm chí chửi bới, miệt thị người khác, dù họ đang được nhiều người nể trọng.
Năm trước từng xảy ra nhiều vụ đánh người vô tội chỉ vì hoang tin rằng đó là mẹ mìn, là tên buôn người, một kẻ bắt cóc… Đã có không ít người bị đánh oan, gây thương tích, bị đốt phá phương tiện trị giá hàng trăm triệu đồng. Sau những vụ việc đó hầu hết khi gây ra hậu quả nặng nề rồi người ta mới vỡ lẽ là… nhầm!

Kết quả hình ảnh cho gs hồ ngọc đại
GS Hồ Ngọc Đại đang như bị "ném đá" vềh liệu tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục

Một video giảng dạy theo tài liệu tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại tại một trường được đưa lên mạng Internet đã làm nóng dư luận báo chí và mạng xã hội nhiều ngày qua với những chia sẻ, bình luận trái chiều. Đáng chú ý là nhiều ý kiến bình luận, phê phán, công kích chẳng khác một trận “ném đá”! Mặc dù câu chuyện này khác với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của giáo sư Bùi Hiền nhưng hình như nhiều người đã nhanh chóng gom nó vào “một rọ”.


Thực ra tài liệu tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục đã được đưa vào giảng dạy thử nghiệm tại Hà Nội từ 40 năm trước, năm 2017 đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo nghiệm thu cho phép sử dụng tự nguyện và đã có hàng chục trường trong cả nước với hàng trăm nghìn học sinh đang sử dụng. Ngôi trường thực nghiệm tại Hà Nội chính do vị giáo sư này thành lập đã tạo được uy tín, vẫn đang thu hút nhiều học sinh. Có lẽ nhiều người chưa quên cảnh phụ huynh học sinh xếp hàng từ 3-4 giờ sáng để nộp hồ sơ xin nhập học vào ngôi trường này rồi chen lấn, xô đổ cả tường rào sắt, vượt qua lực lượng bảo vệ để vào xếp hồ sơ mà báo chí đã đã nói mấy năm trước. Có thể một số người “ném đá” chưa biết là giáo sư Ngô Bảo Châu, một nhà khoa học nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam cũng là học sinh khóa đầu tiên của ngôi trường thực nghiệm này. Hay phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu học cùng khóa giáo sư Ngô Bảo Châu hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Một ngôi trường đã xây dựng được “thương hiệu” mấy chục năm qua sao có thể dùng một tài liệu “vớ vẩn” để dạy cho học sinh?
Sự phản biện là rất hữu ích cho sự phát triển của một xã hội hướng tới văn minh. Tuy nhiên, muốn có sự phản biện mang tính xây dựng thì người ta phải hiểu bản chất vấn đề, từ đó đưa ra chính kiến của mình với luận cứ cụ thể chứ không thể theo ý kiến của ai đó. Đưa ra ý kiến phê phán bằng sự tiếp nhận thông tin hời hợt, thụ động sẽ dễ bị người có ý đồ xấu lợi dụng. Phê phán theo kiểu miệt thị, nói “cho bõ tức” một cách cảm tính sẽ chẳng mang đến sự xây dựng. Khi đó người phê phán sai chỉ là một “kẻ ném đá” xuẩn ngốc!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 19 tháng 9 năm 2018 

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Chuyện vui
Ca đẻ ngược

Ông nọ tối còn đi nhậu tiết canh lòng lợn, uống quá đà, say nhưng vẫn cố đi xe máy về nhà. Trên đường đã va xe vào người khác rồi tự ngã. Say quá nên ông nôn sạch mọi thứ ra đường. Mọi người thấy bãi nôn đỏ như tiết cho rằng ông bị xuất huyết liền đưa tới trạm y tế gần đó. Y sỹ thấy máu me, sợ quá ghi ngay bệnh án “Lôn ra máu, chuyển bệnh viện huyện gấp” (ông này nói ngọng n thành l và viết cũng ngọng). Tại bệnh viện huyện bác sỹ nhìn bệnh án, lẩm bẩm “Bệnh án cẩu thả quá, ghi sai cả chính tả” rồi viết thêm dấu huyền vào chữ lôn. Thấy bệnh nhân bụng to vượt mặt, nghi băng huyết và trở dạ đẻ nên cũng vội cho chuyển ngay lên tuyến tỉnh. Bác sỹ bệnh viện tỉnh xem bệnh án nghi đau đẻ và băng huyết nên cho gấp vào phòng cấp cứu. Có lẽ do buồn đi tiểu quá nên “chân kia” của bệnh nhân ngóc thẳng tưng. Bác sỹ phẫu thuật mới thò tay khám đã vội kêu lên: “Đẻ ngược rồi! Chân thò ra trước đây này, không mổ nhanh thì đi cả mẹ lẫn con”!
Đinh Hoàng

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

 4.0 và không có “chấm”!

Sau thời gian dài thử nghiệm, doanh nghiệp nước ngoài “ăn” tạm đủ “bán cái” và rút khỏi thị trường nhưng cơ quan quản lí vẫn lúng túng quanh việc gọi tên một loại hình doanh nghiệp taxi.

Cơ quan quản lí vẫn lúng túng với loại hình taxi công nghệ

Được biết, loại xe cỡ nhỏ (9 chỗ trở xuống) của doanh nghiệp vận tải nhận đưa đón hành khách theo nhu cầu được gọi là taxi. Xe tư nhân không thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã mà kinh doanh như vậy thì dân gian gọi “taxi dù”. Xe của các hãng công nghệ Uber, Grab tham gia kinh doanh đưa đón hành khách theo yêu cầu về bản chất không có gì khác xe taxi truyền thống. Điểm khác chỉ là phương thức kết nối, vận hành hệ thống của họ. Hành khách sử dụng dịch vụ không quan tâm doanh nghiệp điều hành hệ thống của họ thế nào ngoài chất lượng, giá cả và sự an toàn của dịch vụ. Nhưng dự kiến trong Nghị định 86 sửa đổi, loại hình này vẫn được gọi là xe hợp đồng điện tử chứ không phải taxi. Việc kinh doanh trên về bản chất như nhau, rất cần chịu sự quản lí giống nhau để bảo đảm công bằng môi trường kinh doanh. Ví như trong một số thành phố có những tuyến hạn chế hoặc cấm xe taxi, các xe không có biển hiệu taxi vẫn được lưu thông. Xe hợp đồng điện tử đã “né” được một số điều kiện kinh doanh của một doanh nghệp taxi.

Khách du lịch của tuor 0 đồng.

Hiện nay xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực khác dựa trên nền tảng công nghệ thông tin xuyên biên giới như kết nối cung ứng hệ thống khách sạn (hãng Airbnb), thanh toán dịch vụ bằng máy chuyên dụng, ví điện tử (AliPay, WeChat Pay của Alibaba, Tencent)…
Điển hình phải kể đến hình thức tour du lịch 0 đồng của một số hãng du lịch Trung Quốc. Ban đầu hình thức này chỉ có ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, nay đã lan đến một số tỉnh thành phía Nam. Khách đến du lịch nhưng giao dịch mua hàng hóa tại một số địa chỉ dành riêng, khép kín, thanh toán qua máy POS chuyển tiền trực tuyến xuyên biên giới khiến cơ quan thuế không thể quản lí, gây thất thu thuế.


Khách du lịch thanh tóan xuyên biên giới bằng máy POS

Tại Quảng Ninh và nhiều địa phương như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, rất nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ, khách sạn tư nhân… đã treo biển chấp nhận thanh toán bằng AliPay hay WeChat Pay. Còn hình thức đặt phòng khách sạn của hãng Airbnb thì có dáng dấp như taxi công nghệ. Có thông tin cho rằng họ đã nắm được hệ thống phòng khách sạn tại Việt Nam đến con số hàng chục nghìn. Những khách sạn trong hệ thống này cũng chịu sự điều hành phục vụ khách hàng và thanh toán trực tuyến cho Airbnb nên cơ quan thuế không thể nắm được doanh thu, dễ thất thu thuế. Hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới, thương mại điện tử đã và đang là thách thức lớn với các cơ quan quản lí Nhà nước. 
Tốc độ phát triển của nền kinh tế số như vũ bão, ai nắm đựợc công nghệ tiên tiến sẽ là người làm chủ “cuộc chơi”. Các cơ quan quản lí của ta như đang “hụt hơi” trên con đường “đuổi theo” thực tiễn. Việc đặt tên một loại hình kinh doanh vận tải mà ai cũng thấy rõ bản chất nhưng cơ quan quản lí vẫn lúng túng “như gà mắc tóc”, vậy thì những loại hình kinh doanh phức tạp hơn sẽ mất bao nhiêu thời gian? Quản lí doanh nghiệp thời 4.0 sẽ khó dành phần thắng nếu trình độ của đội ngũ không có… “chấm”!./.

Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 13 tháng 9 năm 2018

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Cần sự công bằng 

Những ngày qua tràn ngập thông tin, hình ảnh trên các báo, mạng xã hội về mấy cô người đẹp bán dâm giá “nghìn đô”. Nhiều bình luận, chia sẻ “sôi lên” trên các báo điện tử, mạng xã hội. Vậy nhưng thông tin về kẻ mua dâm - một phần không thể thiếu trong những vụ “bán mua” này lại kín như bưng!
Pháp luật hiện nay không cho phép công khai danh tính cả người bán lẫn người mua dâm. Khoản 1, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Bộ Luật Hình sự, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính hành vi mua dâm, bán dâm và hành vi khác liên quan đến mua dâm, bán dâm cũng đều không có quy định cho phép cơ quan chức năng công khai thông tin cá nhân của người vi phạm ra cộng đồng.
Luật pháp quy định rõ như vậy nhưng hầu như các vụ phát hiện mua bán dâm liên quan đến những người nổi tiếng như hoa hậu, á hậu, hoa khôi… đều được thông tin trên báo chí, mạng xã hội, dù người ta có “che đậy” đôi chút bằng cách viết tắt hoặc thay đổi tên họ. Người đọc đều có thể đoán ra nhân thân của người bán dâm bằng cách ráp nối các thông tin khác. Ví dụ hoa hậu T.D của cuộc thi A, từng gây xôn xao dư luận trong bộ ảnh “tuyệt tình cốc”; diễn viên kiêm MC C.V là sinh viên năm cuối một trường cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh, từng tham gia gameshow hẹn hò, sau đó làm MC cho nhiều chương trình truyền hình và lấn sang lĩnh vực điện ảnh… Chung quy cuối cùng họ vẫn như bị công khai danh tính.

Hai người đẹp nghi bán dâm bị bắt 

Những thông tin vụ việc như trên đưa ra công luận rất có thể xuất phát từ người có trách nhiệm của cơ quan thực thi công vụ. Vậy tại sao thông tin về những người mua dâm chẳng mấy khi bị lộ lọt hay được cung cấp cho báo chí? Nếu xét về hành vi vi phạm trong mỗi vụ mua bán dâm thì chính người mua dâm mới là bên chủ động, bằng đồng tiền của mình, họ mong thỏa mãn một nhu cầu riêng mà pháp luật không cho phép. Ấy là chưa nói đến nguồn tiền từ đâu mà họ lại có thể phung phí hàng nghìn đô la cho những cuộc vui như thế. Các cô gái bán thân do sự cám dỗ của đồng tiền hoặc vì hoàn cảnh xô đẩy song hầu hết họ đều bị cuốn theo một cách thụ động. Vì vậy, kẻ mua dâm mới đáng bị lên án hơn là người bán dâm. Cách hành xử trong những vụ việc như thế này từ trước tới nay như đang “nương nhẹ” với người mua dâm, và do vậy cuộc chiến với tệ nạn mại dâm càng khó có hiệu quả thực chất.
Chúng ta đang phấn đấu cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Sự công khai, minh bạch là cơ sở đấu tranh xóa bỏ cái xấu, xây dựng công bằng xã hội. Song, những thiên kiến trong cách hành xử của cơ quan thực thi nhiệm vụ, sự thiên lệch trong thông tin của giới truyền thông, quan niệm trọng nam khinh nữ tồn tại trong xã hội chính là sự bất công trong một xã hội đang hướng tới văn minh./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 12 tháng 9 năm 2018

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Con cưng

Bộ Công an là cơ quan đi đầu, “đột phát khẩu” trong thực hiện tinh giản biên chế tổ chức bộ máy. Từ chỗ có 6 Tổng cục nay chuyển xuống thành cấp Cục, Bộ trưởng điều hành trực tiếp tới các Cục, không còn cấp trung gian. Sự kiện này được dư luận đồng thuận và hi vọng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một cơ quan rất quan trọng của Chính phủ sẽ phát huy tốt chức năng phục vụ Nhân dân.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) được thành lập trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Cục Quản lý thị trường. Để đồng bộ thì có thể các cấp sẽ được nâng lên một mức cho tới cơ sở.

Lực lượng QLTT kiểm tra tại Công ty CP Con Cưng

Hai sự kiện trên tựa như hai “con tàu” đi trên hai đường ray ngược hướng. Có vẻ như ngành quản lí thị trường đang được “ưu ái” vì có thêm một cấp trung gian.
Cũng trong thời điểm này xảy ra vụ “lùm xùm” với một doanh nghiệp mang tên Con Cưng. Chuyện là, Chi Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ công tác 334 của Bộ Công Thương kiểm tra chuỗi cửa hàng của Công ty Con Cưng, phát hiện nhiều sai phạm. Thông tin này đã được một số tờ báo đăng tải và khách hàng lập tức quay lưng. Nhưng cũng chỉ sau đó ít ngày, Bộ Công Thương đã có quyết định tổ chức rà soát, đánh giá lại việc kiểm tra trên, xác định trách nhiệm cá nhân liên quan nếu có!

Hãng Khải silk bị phát hiện bán hàng nhái năm 2017

Vấn nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc như “căn bệnh trầm kha” nhiều năm chưa có “bài thuốc” đặc trị. Dù lực lượng khá “mạnh” nhưng những vụ do cơ quan quản lí thị trường phát hiện lại hiếm hoi. Không ít vụ “đình đám” do người dân, báo chí hoặc cơ quan chức năng khác phát hiện. Điển hình như vụ Khải Silk buôn bán hàng giả mấy chục năm giữa Thủ đô đến nay mới bị phát hiện. Trong khi đó, lại có những doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng vì sự kiểm tra, xử lí không chính xác của quản lí thị trường mà việc sản xuất kinh doanh rơi vào khốn đốn. Như vụ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, thu giữ hàng của Công ty CP Thực phẩm Việt Nam (Viet foods) năm 2016; kiểm tra niêm phong 5.600 hộp sữa dê Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm năm 2013… đều do nghi ngờ về chất lượng, an toàn thực phẩm nhưng sau đó Cục An toàn thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) kết luận ngược lại… Sau các vụ việc trên dù gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp nhưng việc xử lí người làm sai lại chưa tương xứng. Lực lượng này như những đứa “con cưng” có “quyền sinh quyền sát” nhưng năng lực, trách nhiệm có vẻ chưa tương xứng.



Cục Quản lý thị trường được nâng cấp thành Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh minh họa: Zing.vn

Những vụ việc trên khiến dư luận nghi ngờ, phải chăng trình độ, năng lực của đội ngũ quản thị trường non kém. Và, liệu có hay không sự thiếu vô tư, khách quan trong thi hành công vụ với động cơ “không trong sáng”?.
Trong môi trường thông tin cập nhật từng phút, từng giờ như hiện nay, chỉ một sai sót nhỏ của cơ quan quản lí đã có thể làm phá sản một doanh nghiệp. Nếu chỉ nâng cấp quản lí mà không “nâng tầm” cho đội ngũ này, cưng chiều như những đứa con cưng thì chỉ thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 5 tháng 9 năm 2018

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

 Đừng “ăn nhầm một nửa…!”

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Tuy nhiên thực tế người ta hay bị tư duy cảm tính dẫn đường, coi sự thật như một chiếc bánh mì tròn trĩnh, dù có khi đó chỉ có một nửa.
Các thế lực chống đối Đảng, Nhà nước ta đang triệt để lợi dụng tâm lí trên của đám đông để thực hiện những mưu đồ đen tối khiến nhiều người bị lợi dụng, vô tình trở thành con rối trong bàn tay điều khiển của chúng.

Nạn tin giả luôn tràn lan trên mạng xã hội

Nếu lên mạng Internet đánh vào kí tự họ tên các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ thấy hiện lên ngay trang blog cá nhân của mỗi người như http://www.nguyenphutrong.org; http://trandaiquang.org; http://nguyenxuanphuc.org vv... nhưng đây là những trang có địa chỉ máy chủ ở nước ngoài, không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (có đuôi “.vn”). Các trang này thường xuất hiện ngay sau khi có sự thay đổi, chuyển giao nhân sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước…, giao diện không khác một trang báo điện tử chính thống, luôn cập nhận thông tin từ báo chí trong nước, nước ngoài rất nghiêm túc và kịp thời khiến nhiều người lầm tưởng đó chính là trang cá nhân của các đồng chí lãnh đạo.  Được biết, hiện chỉ có trang điện tử chính thức của Thủ tướng Chính phủ tại địa chỉ https://thutuong.chinhphu.vn là một trang thành phần nằm trong Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, do vậy chắc chắn trang http://nguyenxuanphuc.org là giả mạo. Không biết mục đích của người lập ra những trang này là gì, nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm khi có những thông tin sai lệch được đăng tải.

Cần cẩn trọng trước các thông tin trên mạng xã hội

Hiện trên mạng Internet đang có rất nhiều trang mạng khác nhau giống như những tờ báo điện tử, luôn cập nhật thông tin hằng ngày lấy từ cả báo chí trong nước, báo điện tử nước ngoài và các trang blog, facebook cá nhân khiến nhiều người dễ bị nhiễu loạn thông tin bởi chiêu “lập lờ đánh lận con đen”. Trong rất nhiều thông tin có thật 100% được đăng cùng các thông tin sai lệch hoặc có thể chỉ chỉ đúng 90 hay 99% nhưng lại chứa một vài phần trăm sai sự thật khiến người ta dễ coi đó là tin hoàn toàn chính xác. Trong ngôn ngữ tiếng Việt chỉ cần thừa hay thiếu một từ thì bản chất có thể đã khác nhau 100%, ví như câu “không được bắn” và “không được bắn trước” trong một cuốn sách mới xuất bản gần đây đang gây dư luận bức xúc là một ví dụ.
Mọi người hãy là những độc giả thông thái, tỉnh táo, đừng “ăn nhầm” những “chiếc bánh sự thật” chỉ có một nửa, vô tình trở thành công cụ của thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 4 tháng 9 năm 2018