Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

 “Ném đá”

Dân gian có câu “đánh hội đồng” hàm chỉ nhiều người hùa vào đánh một người dù chưa rõ “đầu cua tai nheo” thế nào. Dân mạng nay có câu “ném đá” cũng có ý na ná việc đánh hội đồng. Chỉ cần một thông tin vu vơ tung lên mạng, vậy là nhiều người đua nhau hùa theo phê phán, thậm chí chửi bới, miệt thị người khác, dù họ đang được nhiều người nể trọng.
Năm trước từng xảy ra nhiều vụ đánh người vô tội chỉ vì hoang tin rằng đó là mẹ mìn, là tên buôn người, một kẻ bắt cóc… Đã có không ít người bị đánh oan, gây thương tích, bị đốt phá phương tiện trị giá hàng trăm triệu đồng. Sau những vụ việc đó hầu hết khi gây ra hậu quả nặng nề rồi người ta mới vỡ lẽ là… nhầm!

Kết quả hình ảnh cho gs hồ ngọc đại
GS Hồ Ngọc Đại đang như bị "ném đá" vềh liệu tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục

Một video giảng dạy theo tài liệu tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại tại một trường được đưa lên mạng Internet đã làm nóng dư luận báo chí và mạng xã hội nhiều ngày qua với những chia sẻ, bình luận trái chiều. Đáng chú ý là nhiều ý kiến bình luận, phê phán, công kích chẳng khác một trận “ném đá”! Mặc dù câu chuyện này khác với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của giáo sư Bùi Hiền nhưng hình như nhiều người đã nhanh chóng gom nó vào “một rọ”.


Thực ra tài liệu tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục đã được đưa vào giảng dạy thử nghiệm tại Hà Nội từ 40 năm trước, năm 2017 đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo nghiệm thu cho phép sử dụng tự nguyện và đã có hàng chục trường trong cả nước với hàng trăm nghìn học sinh đang sử dụng. Ngôi trường thực nghiệm tại Hà Nội chính do vị giáo sư này thành lập đã tạo được uy tín, vẫn đang thu hút nhiều học sinh. Có lẽ nhiều người chưa quên cảnh phụ huynh học sinh xếp hàng từ 3-4 giờ sáng để nộp hồ sơ xin nhập học vào ngôi trường này rồi chen lấn, xô đổ cả tường rào sắt, vượt qua lực lượng bảo vệ để vào xếp hồ sơ mà báo chí đã đã nói mấy năm trước. Có thể một số người “ném đá” chưa biết là giáo sư Ngô Bảo Châu, một nhà khoa học nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam cũng là học sinh khóa đầu tiên của ngôi trường thực nghiệm này. Hay phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu học cùng khóa giáo sư Ngô Bảo Châu hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Một ngôi trường đã xây dựng được “thương hiệu” mấy chục năm qua sao có thể dùng một tài liệu “vớ vẩn” để dạy cho học sinh?
Sự phản biện là rất hữu ích cho sự phát triển của một xã hội hướng tới văn minh. Tuy nhiên, muốn có sự phản biện mang tính xây dựng thì người ta phải hiểu bản chất vấn đề, từ đó đưa ra chính kiến của mình với luận cứ cụ thể chứ không thể theo ý kiến của ai đó. Đưa ra ý kiến phê phán bằng sự tiếp nhận thông tin hời hợt, thụ động sẽ dễ bị người có ý đồ xấu lợi dụng. Phê phán theo kiểu miệt thị, nói “cho bõ tức” một cách cảm tính sẽ chẳng mang đến sự xây dựng. Khi đó người phê phán sai chỉ là một “kẻ ném đá” xuẩn ngốc!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 19 tháng 9 năm 2018 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét