Cần sự công
bằng
Những ngày
qua tràn ngập thông tin, hình ảnh trên các báo, mạng xã hội về mấy cô người
đẹp bán dâm giá “nghìn đô”. Nhiều bình luận, chia sẻ “sôi lên” trên các báo
điện tử, mạng xã hội. Vậy nhưng thông tin về kẻ mua dâm - một phần không thể
thiếu trong những vụ “bán mua” này lại kín như bưng!
Pháp luật
hiện nay không cho phép công khai danh tính cả người bán lẫn người mua dâm.
Khoản 1, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm
phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ
danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí
mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Bộ Luật Hình sự, Nghị định
của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính hành vi mua dâm, bán dâm và hành
vi khác liên quan đến mua dâm, bán dâm cũng đều không có quy định cho phép cơ
quan chức năng công khai thông tin cá nhân của người vi phạm ra cộng đồng.
Luật pháp quy định rõ như vậy nhưng hầu như các vụ phát hiện mua
bán dâm liên quan đến những người nổi tiếng như hoa hậu, á hậu, hoa khôi… đều
được thông tin trên báo chí, mạng xã hội, dù người ta có “che đậy” đôi chút
bằng cách viết tắt hoặc thay đổi tên họ. Người đọc đều có thể đoán ra nhân
thân của người bán dâm bằng cách ráp nối các thông tin khác. Ví dụ hoa hậu
T.D của cuộc thi A, từng gây xôn xao dư luận trong bộ ảnh “tuyệt tình cốc”; diễn
viên kiêm MC C.V là sinh viên năm cuối một trường cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh,
từng tham gia gameshow hẹn hò, sau đó làm MC cho nhiều chương trình truyền
hình và lấn sang lĩnh vực điện ảnh… Chung quy cuối cùng họ vẫn như bị công
khai danh tính.
Hai người đẹp nghi bán dâm bị bắt
Những thông tin vụ việc như trên đưa ra công luận rất có thể xuất
phát từ người có trách nhiệm của cơ quan thực thi công vụ. Vậy tại sao thông
tin về những người mua dâm chẳng mấy khi bị lộ lọt hay được cung cấp cho báo
chí? Nếu xét về hành vi vi phạm trong mỗi vụ mua bán dâm thì chính người mua
dâm mới là bên chủ động, bằng đồng tiền của mình, họ mong thỏa mãn một nhu
cầu riêng mà pháp luật không cho phép. Ấy là chưa nói đến nguồn tiền từ đâu
mà họ lại có thể phung phí hàng nghìn đô la cho những cuộc vui như thế. Các
cô gái bán thân do sự cám dỗ của đồng tiền hoặc vì hoàn cảnh xô đẩy song hầu hết
họ đều bị cuốn theo một cách thụ động. Vì vậy, kẻ mua dâm mới đáng bị lên án
hơn là người bán dâm. Cách hành xử trong những vụ việc như thế này từ trước
tới nay như đang “nương nhẹ” với người mua dâm, và do vậy cuộc chiến với tệ
nạn mại dâm càng khó có hiệu quả thực chất.
Chúng ta
đang phấn đấu cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Sự công khai, minh
bạch là cơ sở đấu tranh xóa bỏ cái xấu, xây dựng công bằng xã hội. Song,
những thiên kiến trong cách hành xử của cơ quan thực thi nhiệm vụ, sự thiên
lệch trong thông tin của giới truyền thông, quan niệm trọng nam khinh nữ tồn
tại trong xã hội chính là sự bất công trong một xã hội đang hướng tới văn
minh./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 12 tháng 9 năm 2018
|
Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét