Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

 4.0 và không có “chấm”!

Sau thời gian dài thử nghiệm, doanh nghiệp nước ngoài “ăn” tạm đủ “bán cái” và rút khỏi thị trường nhưng cơ quan quản lí vẫn lúng túng quanh việc gọi tên một loại hình doanh nghiệp taxi.

Cơ quan quản lí vẫn lúng túng với loại hình taxi công nghệ

Được biết, loại xe cỡ nhỏ (9 chỗ trở xuống) của doanh nghiệp vận tải nhận đưa đón hành khách theo nhu cầu được gọi là taxi. Xe tư nhân không thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã mà kinh doanh như vậy thì dân gian gọi “taxi dù”. Xe của các hãng công nghệ Uber, Grab tham gia kinh doanh đưa đón hành khách theo yêu cầu về bản chất không có gì khác xe taxi truyền thống. Điểm khác chỉ là phương thức kết nối, vận hành hệ thống của họ. Hành khách sử dụng dịch vụ không quan tâm doanh nghiệp điều hành hệ thống của họ thế nào ngoài chất lượng, giá cả và sự an toàn của dịch vụ. Nhưng dự kiến trong Nghị định 86 sửa đổi, loại hình này vẫn được gọi là xe hợp đồng điện tử chứ không phải taxi. Việc kinh doanh trên về bản chất như nhau, rất cần chịu sự quản lí giống nhau để bảo đảm công bằng môi trường kinh doanh. Ví như trong một số thành phố có những tuyến hạn chế hoặc cấm xe taxi, các xe không có biển hiệu taxi vẫn được lưu thông. Xe hợp đồng điện tử đã “né” được một số điều kiện kinh doanh của một doanh nghệp taxi.

Khách du lịch của tuor 0 đồng.

Hiện nay xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực khác dựa trên nền tảng công nghệ thông tin xuyên biên giới như kết nối cung ứng hệ thống khách sạn (hãng Airbnb), thanh toán dịch vụ bằng máy chuyên dụng, ví điện tử (AliPay, WeChat Pay của Alibaba, Tencent)…
Điển hình phải kể đến hình thức tour du lịch 0 đồng của một số hãng du lịch Trung Quốc. Ban đầu hình thức này chỉ có ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, nay đã lan đến một số tỉnh thành phía Nam. Khách đến du lịch nhưng giao dịch mua hàng hóa tại một số địa chỉ dành riêng, khép kín, thanh toán qua máy POS chuyển tiền trực tuyến xuyên biên giới khiến cơ quan thuế không thể quản lí, gây thất thu thuế.


Khách du lịch thanh tóan xuyên biên giới bằng máy POS

Tại Quảng Ninh và nhiều địa phương như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, rất nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ, khách sạn tư nhân… đã treo biển chấp nhận thanh toán bằng AliPay hay WeChat Pay. Còn hình thức đặt phòng khách sạn của hãng Airbnb thì có dáng dấp như taxi công nghệ. Có thông tin cho rằng họ đã nắm được hệ thống phòng khách sạn tại Việt Nam đến con số hàng chục nghìn. Những khách sạn trong hệ thống này cũng chịu sự điều hành phục vụ khách hàng và thanh toán trực tuyến cho Airbnb nên cơ quan thuế không thể nắm được doanh thu, dễ thất thu thuế. Hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới, thương mại điện tử đã và đang là thách thức lớn với các cơ quan quản lí Nhà nước. 
Tốc độ phát triển của nền kinh tế số như vũ bão, ai nắm đựợc công nghệ tiên tiến sẽ là người làm chủ “cuộc chơi”. Các cơ quan quản lí của ta như đang “hụt hơi” trên con đường “đuổi theo” thực tiễn. Việc đặt tên một loại hình kinh doanh vận tải mà ai cũng thấy rõ bản chất nhưng cơ quan quản lí vẫn lúng túng “như gà mắc tóc”, vậy thì những loại hình kinh doanh phức tạp hơn sẽ mất bao nhiêu thời gian? Quản lí doanh nghiệp thời 4.0 sẽ khó dành phần thắng nếu trình độ của đội ngũ không có… “chấm”!./.

Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 13 tháng 9 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét