Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Chữa lạm bán, trị lạm thu

Nói về giáo dục những tưởng chủ yếu nói về việc làm sao để dạy hay, học giỏi vì đó là mục tiêu quan trọng nhất của việc trồng người. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây câu chuyện được dư luận nói nhiều nhất vào năm học mới lại chủ yếu là… tiền!
Đầu năm học, điều lo lắng nhất của nhiều phụ huynh là chuẩn bị tài chính cho mua sách giáo khoa, đồng phục; đóng góp các khoản thu cả bắt buộc và… “tự nguyện”. Cùng với niềm vui của những đứa trẻ được đến trường học hành với chúng bạn sau kì nghỉ Hè thì còn có một số người “chung vui”, đó là nhà xuất bản chuyên xuất bản sách giáo khoa và người quản lí quỹ của các nhà trường!

Câu chuyện “lạm bán” sách giáo khoa năm nào cũng gây dư luận bức xúc nhưng vẫn trong tình trạng “ném đá ao bèo”. Sách giáo khoa dùng nhiều thế hệ của những năm tháng khó khăn nay chỉ như chuyện cổ tích mà học trò được nghe kể lại từ ông bà. Việc nhà xuất bản “bao” cả việc in vở bài tập và xuất hiện loại sách vở “lưỡng tính” (nửa sách, nửa vở, học sinh phải viết trực tiếp lên đó) cho thấy đã có dụng ý “lạm bán” ngay từ khâu biên soạn.
 Liệu trên thế giới có quốc gia nào lại “xài sang” như ở xứ ta, mỗi năm ném vào sọt rác cả nghìn tỉ đồng bởi những thứ dùng một lần? Tại kì họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã có ý kiến gay gắt, thậm chí đề nghị thanh tra làm rõ lợi ích nhóm trong xuất bản sách vở học sinh. Chưa biết có lợi ích nhóm hay không, nhưng rõ ràng cách làm trên đã và đang “hút” về những mối lợi không nhỏ cho ai đó! Đã có nhiều ý kiến tâm huyết cho việc chữa “bệnh lạm bán”, đơn thuần như tách quyền xuất bản khỏi một vài đơn vị thuộc bộ chủ quản, đấu giá việc in ấn, xuất bản và cho các nhà xuất bản đủ điều kiện đều được in sách giáo khoa, sách giáo khoa phải được sử dụng lâu dài…, nhưng xem ra việc tiếp thu rất khó khăn!

Sách và vở bài tập kết hợp in sẵn để HS làm bài trực tiếp không thể dùng lại

          Cùng với nạn “lạm bán” là tệ “lạm thu” đang gây sốt dư luận với không ít “chứng cứ” về những khoản thu hàng chục triệu đồng được chia sẻ, bình luận gay gắt trên mạng xã hội. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, việc này như một sự trấn an phụ huynh học sinh. Nhưng, nếu điểm lại nhiều năm học trước thì thấy chẳng năm nào là không có quy định dạng thế này song tình hình chẳng những không chuyển biến mà lạm thu ngày một “gia tăng”. Văn bản quy định về tài trợ xem ra khá đầy đủ, chặt chẽ nhưng rồi người ta sẽ chẳng thiếu cách “lách luật” để phụ huynh phải móc hầu bao. Chẳng hạn đóng các loại tiền như “tiếng Anh tăng cường”, “rèn luyện kĩ năng sống”, “hoạt động ngoài trời”, “lớp chất lượng cao”; “tiền điều hòa”…, đó toàn là chi “cho các em, vì các em” chứ đâu phải tài trợ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét