Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

 Độ vênh lo ngại

Vừa qua, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra con số 26 tỉ USD cho dự án đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam, vênh thấp hơn 32 tỉ USD so với dự án của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự định trình Quốc hội khiến dư luận sững sờ! Đây quả là một độ vênh đáng lo ngại trong tư duy, quan điểm sử dụng tiền ngân sách Nhà nước.
Nhiều người nói vui rằng, hình như một số cán bộ quản lí ở Bộ GTVT đang nghĩ mình là công chức của nước… Đức - quốc gia giàu nhất nhì châu Âu! Bởi chỉ có ở một nước giàu người ta mới có thể đưa ra con số chi tiêu nhiều chục tỉ đô la một cách “nhẹ nhàng” như thế. Tính theo tỉ giá hiện hành thì 58 tỉ USD tương đương chừng hơn 1,3 triệu tỉ đồng. Chỉ với một dự án giao thông mà họ đã mạnh tay “phóng” ra số tiền lớn như thế thì ngân sách cả nước chắc chỉ phát triển giao thông cũng “mướt mồ hôi” còn gì để chi tiêu việc khác!

Tàu cao tốc của Nhật Bản tốc độ tối đa của tàu vào khoảng 320 km/h.

Mấy năm trước, dư luận từng ngạc nhiên khi Bộ GTVT chỉ rà soát lại một dự án giao thông ở Tây Nguyên mà đã tiết giảm được gần 15 nghìn tỉ đồng. Và sau đó là việc kiểm toán các dự án BOT giao thông từ Bắc vào Nam, kết quả là hầu hết đều bị “vống lên”. Sau kiểm toán, đa số dự án đều phải cắt giảm chi phí đầu tư. Có hơn chục dự án được yêu cầu cắt giảm thời gian thu phí, trong đó dự án quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa phải giảm tới hơn 20 năm! Điều đó cho thấy phong cách “vung tay quá trán” và “lỏng tay” quản lí như đã “định hình” ở một số lãnh đạo quản lí cấp Bộ.
Sau sự việc vênh tỉ đô kể trên, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra ý kiến phản biện thuyết phục về “ảo tưởng” phát triển đường sắt cao tốc (350km/h) với một nước vừa thoát nghèo. Không chỉ sự tiêu tốn nguồn lực một cách “vô lối” mà bài toán hiệu quả kinh tế như bị bỏ qua khi xây dựng đường sắt cao tốc hòng cạnh tranh hành khách với giao thông đường không, bỏ qua vận chuyển hàng hóa! Hiện đa số các nước châu Âu, kể cả nước giàu vẫn sử dụng hệ thống đường sắt với tốc độ 200km/h cả cho vận chuyển hành khách và hàng hóa và họ không nhằm mục tiêu cạnh tranh về tốc độ với hàng không. Nếu có tuyến đường sắt tốc độ 350km/h dài hàng nghìn km thì Việt Nam sẽ vào top đầu thế giới về giao thông đường sắt!


Dự án "đắp chiếu", hàng ngàn tấn vật tư Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang rỉ sét vì phơi mưa nắng

Con số chỉ cần 26 tỉ USD xây dựng đường sắt tốc độ 200km/h của Bộ KH&ĐT đưa ra tất nhiên cần được tính toán, thuyết minh cụ thể nhưng dẫu sao Bộ này cũng biết “ta đang ở đâu” và làm đường sắt nhằm tới mục tiêu, hiệu quả thế nào.
Dư luận vui mừng khi vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, trong đó người đứng đầu Hội đồng thẩm định Nhà nước được giao cho Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. 
Mong sao dự án đường sắt Bắc - Nam khi được triển khai sẽ không đi vào “vết ray” của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại Thủ đô, một dự án mà người dân đang ngóng chờ trong vô vọng ngày đoàn tàu này lăn bánh sau gần một thập kỉ khởi công./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 25 tháng 7 năm 2019

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

Buông lỏng khen thưởng?

Thi đua là động lực của sự phát triển, là biện pháp huy động sức mạnh của quần chúng và khen thưởng chính là động lực của thi đua.
Ngay từ khi Nhà nước dân chủ Nhân dân ra đời, Bác Hồ và Đảng ta đã đặc biệt coi trọng công tác thi đua và khen thưởng. Những tấm gương nhỏ bé, bình dị trong Nhân dân luôn được Bác quan tâm, nhắc nhở có hình thức khen thưởng và nhiều trường hợp Bác trực tiếp tặng huy hiệu của Người để động viên khen thưởng người tốt, việc tốt kịp thời, hiệu quả.
Đến nay, hoạt động thi đua khen thưởng đã được đúc kết và chuẩn hóa bằng Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản dưới luật.
Tuy nhiên, những năm qua hoạt động tôn vinh, vinh danh ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Thi đua, khen thưởng như được bung ra tựa “trăm hoa đua nở”. Người ta vẽ ra muôn hình vạn trạng danh hiệu, danh xưng để nịnh nọt, để thỏa mãn mục đích của những người háo danh và danh hão lại được dùng để lòe bịp mọi người. Cũng thật kì lạ, để có thể được vinh danh hoặc nhận giải gì đó người ta chỉ cần đóng tiền, tiền càng nhiều thì danh càng “hoành tráng”! Có lẽ tệ chạy thành tích, mua khen thưởng từ một vài cơ quan, tổ chức nhà nước đã bị nhân rộng, phổ cập ra, nhất là các tổ chức hiệp hội, xã hội, nghề nghiệp…


Doanh nghiệp sản xuất thuốc ung thư giả từ bột than tre từng được Viện Công nghệ chống làm giả trao giải thưởng

Những tưởng từ vụ Công ty TNHH Vinaca (sản xuất thuốc ung thư giả) được Viện Công nghệ chống làm giả - Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam vinh danh sau khi bị bóc trần sẽ được cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh. Vậy mà 2 năm qua vẫn liên tiếp có những cuộc vinh danh ồn ào dư luận mà ai cũng biết đó chẳng phải là giá trị đích thực. Loạn danh xưng, danh hiệu tạo ra tình trạng thật giả lẫn lộn, phô trương danh hão, bôi bẩn những chân giá trị vốn có của đời sống văn hóa và làm mất niềm tin vào những giá trị thật.
Vụ việc Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam tôn vinh danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” từ cách đây một năm nhưng đến nay mọi người mới “ngã ngửa” ra trước cái danh hiệu kì lạ này. Lạ hơn nó lại được một Thứ trưởng (nay là cựu) trao tặng trong khi chẳng biết rõ về danh hiệu đó. Vụ việc như giọt nước tràn li, khi Chương trình tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 dự định lại có nội dung tôn vinh danh hiệu kì lạ kia. May mà chương trình đã bị huỷ trước giờ G bởi sự phản ứng gay gắt của dư luận.


Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam Phạm Nữ Hiền Ngân. Ảnh từ trang cá nhân.

Theo quy định, việc xét khen thưởng bất kì hình thức gì cũng phải xuất phát từ kết quả hoạt động thực tiễn. Thành tích của tập thể, cá nhân phải được đánh giá, thẩm định và xét duyệt chặt chẽ theo những tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình cụ thể. Việc đóng tiền để được nhận một danh hiệu hoặc sự tôn vinh nội dung gì đó là trái với nguyên tắc của công tác thi đua khen thưởng, hạ thấp ý nghĩa công tác này và là sự trục lợi cả ở hai phía: Đơn vị tổ chức và đối tượng được vinh danh.
Liệu có phải cơ quan quản lí đang “buông bỏ” một mảng của công tác thi đua, khen thưởng?./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 18 tháng 7 năm 2019

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

Lợi hại những trục đường

Một đô thị hiện đại phải gắn với một quy hoạch định hình từ đầu về giao thông, công trình công cộng và dân cư.
Nhìn vào quy hoạch của người Pháp làm với đô thị Sài Gòn cũ hay khu phố cổ Hà Nội thấy họ có tầm nhìn rất xa. Sau hàng trăm năm quy hoạch vẫn không lạc hậu, nhất là hệ thống giao thông bàn cờ, xoay vòng không bao giờ xảy ra ách tắc.
Quy hoạch đô thị các thành phố lớn của ta sau này tiếc rằng chưa học được nhiều về cách làm quy hoạch đó mà nặng về ý chí chủ quan, tùy hứng.

 Đường Lê Văn Lương thường xuyên rơi vào cảnh tê liệt do ùn tắc nghiêm trọng

Nếu nhìn từ trên cao thì thấy hệ thống trục giao thông đô thị tại Thủ đô không theo quy tắc nào, khá tự do, nhằng nhịt. Vì không giữ được sự ổn định quy hoạch nên phát triển giao thông Hà Nội như đang chạy theo, đối phó trước sự quá tải. Không ít tuyến giao thông được hình thành lại chủ yếu phục vụ cho những dự án chung cư (vì nó mọc lên gần như đồng thời với sự hoàn thành con đường đó). Chẳng hạn tuyến đường Lê Văn Lương được mở như để phục vụ cho các dự án bất động sản và hiện nó chỉ đáp ứng một phần giao thông của chính cư dân 2 bên trục đường này. Những con đường “đắt nhất hành tinh” luôn bị con đường được xây dựng sau đó phá vỡ kỉ lục. Nhà nước tốn hàng nghìn tỉ đồng cho một đoạn đường ngắn nhưng người dân vẫn chịu cảnh ách tắc giao thông. Chỉ có các nhà đầu tư bất động sản hưởng lợi lớn bởi chênh lệch địa tô gấp hàng chục, hàng trăm lần.
Có một “trục kết nối” với trục Hồ Tây - Ba Vì đang được một số doanh nghiệp bất động sản “nghiên cứu” định hình. Đó là đoạn đường từ Phạm Văn Đồng sang Quốc lộ 32, điểm nối tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Tuyến này dự kiến cũng “ngốn” chừng gần 2,5 nghìn tỉ đồng ngân sách riêng phần bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hai bên “trục” này dễ dàng nhận thấy còn khá nhiều diện tích “đất vàng” hiện là đất nông nghiệp. Dự án này không phải do ngành giao thông đề xuất mà được Công ty cổ phần Sông Hồng đại diện cho một số doanh nghiệp BĐS lập, đang lấy ý kiến người dân về đánh giá tác động môi trường. Có thể dự án này chỉ mới được định hình, không nằm trong quy hoạch tổng thể nên nó đã chồng lên quy hoạch cũ, xuyên qua 3 khu tái định cư của những cư dân vừa nhường đất để mở rộng Quốc lộ 32. Có gia đình tiền bồi thường mất nhà đất còn chưa đủ đóng cho suất tái định cư, thì nay lại đứng trước nguy cơ phải đến một khu tái định cư “mới hơn” cùng tương lai nợ nần.


Khu tái định cư Phú Diễn, nơi dự án dự kiến sẽ đi qua.

Nếu “trục” nhánh này được hình thành thì rất có thể nó cũng chỉ đáp ứng được giao thông cho chính những cư dân của các dự án chung cư tương lai sẽ mọc lên 2 bên tuyến đường, tương tự như tuyến Lê Văn Lương!
Điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện là vấn đề nóng trong kì họp Quốc hội vừa qua. Nhiều đại biểu đã chỉ ra lợi ích nhóm trong điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư. Họ đang điều chỉnh những tuyến đường để mọc lên nhiều tòa chung cư; điều chỉnh những dự án bất động sản để nâng thêm chiều cao công trình...
Những lợi nhuận, chênh lệch địa tô đang “rơi” vào túi các đại gia bất động sản. Trục đường dường như đang trở thành những thứ để người ta… trục lợi!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  17 tháng 7 năm 2019

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

 “Văn hóa rượu” và nhng h ly

Người xưa “xếp loại” uống rượu gồm có các mức Tiên tửu, Phật tửu, Tục tửu, Cuồng tửu và Ti tửu. Rượu uống với người tri âm, tri kỉ, thổ lộ được với nhau những nỗi niềm tâm sự sâu lắng, càng uống càng tỉnh, đó là Tiên tửu. Rượu uống say rồi lăn ra ngủ khì, tỉnh dậy khỏe khoắn, đó là Phật tửu. Rượu vào lời ra, nói năng văng mạng, ăn uống thô tục, gây gổ đánh nhau… đó là Cuồng tửu và Tục tửu. Mượn chén rượu để khích bác, bôi xấu nhau một cách vô liêm sỉ, đó là Ti tửu (ti ở đây được hiểu theo nghĩa ti tiện).

Tranh minh họa

Hồi còn công tác, đơn vị tôi có mời một ông họa sĩ đến sáng tác tranh để trưng bày phòng truyền thống. Ông này có phong cách “nhắm” rượu dị biệt. Rượu ông dùng phải là thứ nấu từ gạo nếp, nhất là nếp cái. Một bữa rượu thường kéo hơn tiếng rưỡi và người có thể ngồi tiếp phải ý hợp tâm đầu, biết lắng nghe câu chuyện của ông. Chiếc li dùng uống rượu là chén “mắt trâu”, nhỏ tí nhưng mỗi lần ông cũng chỉ rót ra lưng chén. Khi uống ông nhấp phần nhỏ rồi chẹp miệng như thưởng thức thứ vị ngọt, hương nồng của nếp cái. Ông khoái uống rượu với lạc rang. Từng hạt lạc được ông vê nhẹ cho hết lớp vỏ rồi mới thư thái đưa vào miệng nhai chậm rãi, từ tốn như để thưởng thức vị béo bùi. Khi đó người hiểu, biết gợi chuyện, ông sẽ say sưa kể về lĩnh vực nào đó, như hội họa, thơ ca… Tôi chưa hề thấy ông say rượu. Chất men chỉ như tạo cảm hứng để ông thăng hoa cho bàn tay họa sĩ. Ông là người “thưởng rượu” như tiên. Có thể ông học theo phong cách thưởng thức ẩm thực cầu kì của các cụ Nguyễn Tuân, Tản Đà, Thạch Lam… Thế mới biết, thưởng thức rượu hay ẩm thực cũng có nét văn hóa riêng và người ta phải học.


Người xưa đã có thứ văn hóa thưởng thức rượu và nhắc nhủ những điều không nên thông qua phân hạng trong cách dùng thứ men nồng đầy ma lực. Thật đáng buồn ngày nay đang mất dần nét văn hóa của cha ông và hình thành những thói tật xấu xí trong uống rượu. Nay, khi uống người ta không nhấm nháp, thưởng thức mà rót rượu ra là “Cao Bằng”, uống thì dứt khoát phải “Bắc Kạn” (rót đầy, uống cạn). Tuy cũng nhớ lời người xưa “tửu bất khả ép” nhưng lại “sáng tạo” ra cách loại trừ là “ép bất khả từ”! Trong các bữa tiệc đông người thường vang lên những lời hô hào, thúc dục “một, hai, ba… dô” như trong trận kéo co. Người ta tự hào khi được khen uống tốt, “tửu lượng” khá và bị chê bai khi từ chối, thậm chí coi là không tôn trọng nhau vì mời mà không uống! Từ rượu ngon như Chivas, Ballantines đến các loại “quốc lủi” rẻ tiền đều được người ta nốc ồng ộc, chẳng quan tâm hương vị của nó thế nào. Vì thế “hậu tửu” là những bãi nôn tóe loe nơi toa lét, đôi khi còn phun ngay tại bàn tiệc vì không kìm được. Tàn canh rã đám có những cái đầu lâng lâng trên mây cùng tay lái “lụa” của “ma men” phóng như gió trên đường giao thông…
Việt Nam ta những năm qua ngoài được thế giới nâng hạng trong phát triển kinh tế, xã hội thì còn có “thành tích” trên “bản đồ bia rượu”. Chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) chỉ đứng thứ 116/182 thế giới nhưng chỉ số sử dụng rượu bia đã “vươn lên” vị trí 29. Tại khu vực Đông Nam Á ta đứng á quân, còn tại châu Á ta đứng thứ 10 về tiêu thụ rượu bia. Quả thật, Việt Nam đang là một “cường quốc” về sử dụng và tăng trưởng rượu, bia. Ước chừng mỗi năm cả nước tốn gần 4 tỉ USD cho rượu bia!

Rượu là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Những vụ lái xe gây tai nạn kinh hoàng do rượu bia liên tục xảy ra khiến dư luận ngày càng bức xúc. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những việc nhãn tiền. Sự hủy hoại của rượu bia với sức khỏe từng cá nhân và cả giống nòi mới là điều nguy hại hơn nhiều.
Đã đến lúc dư luận xã hội cần chung tay để “trùng tu” lại thứ văn hóa thưởng thức rượu thanh nhã của cha ông từ ngàn xưa./.
Đinh Hoàng
Bài đăng đặc san Báo Người cao tuổi số tháng 7 năm 2019

 Sàng… dại!

Người xưa có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, ý nói người ta đi đây đó nhiều ắt học được những cái tinh túy, khéo khôn của người đời.
Có lẽ ý thức được điều đó nên nhiều cán bộ công chức của ta rất “chịu khó” đi công du nước ngoài để học tập, công tác. Chẳng thế, vị bộ trưởng nọ khi đương chức có đến gần ½ thời gian trong năm là ở… nước ngoài. Không biết học được bao nhiêu “sàng khôn” nhưng hậu quả nhiệm kì công tác của vị này cho đến nay những người kế nhiệm đang nai lưng khắc phục chưa xong với hàng chục doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bết bát. Vậy là đi nhiều ngày đàng mà chỉ học được “sàng cái dại”!

Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trong 1 lần đi công tác nước ngoài. Ảnh VOV

Cái sự học ngoại “quá đà” đến mức một số địa phương, bộ ngành còn tổ chức cho cả những cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi học tập, công tác nước ngoài! Thống kê của Thanh tra Chính phủ, chỉ từ năm 2012 đến 2016, bốn bộ ngành đã có 14.600 đoàn với gần 42.000 lượt cán bộ đi công tác, học tập ở nước ngoài với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng. Nếu tính hết các bộ ngành cùng 63 tỉnh, thành thì con số sẽ là bao nhiêu? Gần đây vẫn tiếp tục có những bộ ngành, địa phương tổ chức các cuộc đi học tập kinh nghiệm nước ngoài vào… cuối nhiệm kì công tác.
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi trình độ từ quản lí tới công nghệ đều ở mức thấp so với các nước phát triển. Mở cửa để đón công nghệ tiên tiến vào và dần chuyển nó thành của mình. Đi đôi với việc đó là phải tới các nước này để học họ cách quản lí một thể chế pháp quyền hiện đại. Thế nhưng, mấy chục năm đổi mới, mở cửa mà hệ thống pháp luật vẫn chưa thể hoàn thiện, động đến lĩnh vực nào cũng thấy khiếm khuyết, phát lộ lỗ hổng của luật pháp.


Một đoàn công tác đi nước ngoài tại châu Âu  "tranh thủ" ra sân ...golf. Ảnh Dân trí

Một kẻ ấu dâm được camera ghi lại rõ ràng, ai cũng nhận ra. Người khác giới, xa lạ bỗng dưng lao vào ôm, hôn hít bé gái, vậy mà vẫn có những ý kiến trái chiều rồi đổ cho pháp luật chưa có khái niệm cụ thể về hành vi ấu dâm!
Doanh nghiệp Asanzo nhập linh kiện từ nước ngoài về gần như thành phẩm hoàn chỉnh, hàm lượng tới 70-80%, chỉ rắp ráp lại, bóc nhãn xuất xứ rồi dán nhãn Made in Vietnam mà vẫn không thể chứng minh đó là hành vi lừa dối xuất xứ hàng hóa để trục lợi. Rồi cũng chợt nhận ra rằng, luật pháp còn sơ hở, khuyết thiếu trong quản lí những doanh nghiệp dạng này (dù có từ cách đây hơn 30 năm). Trong khi đó nhiều nước đã có những cách quản lí sản xuất hàng hóa khá chặt chẽ, đầy đủ từ lâu.
Những loại hình kinh tế mới mẻ trong thời đại 4.0 như Uber, Grap, thương mại, đầu tư kinh doanh trên không gian mạng… pháp luật không theo kịp thì là một nhẽ. Còn những chuyện “cũ rích” như mấy ví dụ trên mà cứ mãi để pháp luật mang cái tiếng còn nhiều “lỗ hổng”!
Có thể thấy là dù cán bộ có đi rất nhiều “ngày đàng” song vẫn mang về nhiều “sàng cái dại” vì người ta có đi mà đâu có học! Nếu không chấn chỉnh nghiêm việc tổ chức đi công tác, học tập nước ngoài thì đây luôn là mảnh đất để một số công chức tranh thủ đi du lịch bằng tiền ngân sách nhà nước./.
Đinh Hoàng
 Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  11 tháng 7 năm 2019

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Alibaba và…

Theo Quy định tại Khoản 2, Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.
Từ quy định này, việc kinh doanh bất động sản (BĐS) đã có một phân khúc rất “ngon ăn” với các nhà đầu tư lướt sóng. Những cơn sốt đất, những vụ lừa đảo quy mô lớn đều có căn nguyên lợi dụng quy định trên của luật pháp. Dẫu biết rằng điều luật cho phép chuyển nhượng dự án chưa hoàn thành đi kèm các điều kiện chặt chẽ, đầy đủ pháp lí về đất đai, quy hoạch, xây dựng hạ tầng, nghĩa vụ tài chính… nhưng những thứ đó các nhà đầu tư thứ cấp khó mà biết được.
Một dự án ảo của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Angel Lina.

Những vi phạm và tranh chấp ở các doanh nghiệp BĐS xảy ra ngày càng nhiều đang làm nóng dư luận.
Tập đoàn Alibaba là một doanh nghiệp BĐSKhởi nghiệp với vốn điều lệ 1 tỉ đồng, hơn một năm sau họ đã nắm trong tay tới 18 dự án, tất cả đều là đất nền, trải rộng trên một địa bàn rộng lớn từ Đồng Nai sang TP Hồ Chí Minh, xuống Bà Rịa - Vũng Tàu, nay vươn ra Bình Thuận... cùng số vốn đã vọt lên 1.600 lần! Dù sớm xảy ra tranh chấp song việc bán hàng vẫn đều đặn, khách hàng vẫn xuống tiền và công ty liên tục tuyển thêm nhân viên. Những dự án đất nền mà doanh nghiệp này mở bán liên tục được ra mắt là điều khó tin như chuyện “nghìn lẻ một đêm”! Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì đa phần các dự án chỉ là “vẽ ra” để bán hàng.

Lãnh đạo và nhân viên Công ty Alibaba chống đối chính quyền cưỡng chế sai phạm.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Angel Lina cũng có hình thức kinh doanh tương tự. Công ty này kêu gọi góp vốn đầu tư vào các dự dự án ảo tại TP Hồ Chí Minh. Dự án đất nền Angel Lina bán lại là các khu đất đang nằm trong diện quy hoạch của Nhà nước như đất cây xanh, hồ điều tiết, đường dự phòng
“Phân khúc” phân lô bán nền rõ ràng đang gây nên nhiều hệ lụy xấu, tạo những điểm nóng bất ổn về an ninh trật tự.
Hình ảnh hàng chục nhân viên đồng phục Alibaba ngang nhiên tấn công, phá hoại tài sản của lực lượng chức năng tới cưỡng chế công trình vi phạm của doanh nghiệp này tại Bà Rịa - Vũng Tàu khiến dư luận thực sự lo ngại. Không những thế, lãnh đạo tập đoàn này còn ngông cuồng hơn khi lên mạng thóa mạ, sỉ nhục công an, chủ tịch xã…


Nhân viên Công ty Alibaba đập phá phương tiện cưỡng chế của chính quyền.

Cái tên Alibaba khiến mọi người nghĩ đến câu chuyện trong “nghìn lẻ một đêm” của nàng Scheherazade ở xứ Ba Tư. Trong truyện cổ tích này, Ali Baba là một người lương thiện, nghèo khó… Ngược lại, Tập đoàn BĐS Alibaba là một doanh nghiệp giàu khủng, có trong tay còn hơn cả 40 tên cướp!
Thật khó hiểu khi doanh nghiệp sai phạm liên tục mấy năm qua mà vẫn nhởn nhơ, coi thường pháp luật. Nếu vụ việc thóa mạ công an, lãnh đạo chính quyền sở tại của lãnh đạo Tập đoàn Alibaba không được xử lí nghiêm minh thì những doanh nghiệp bất lương, kinh doanh bằng lừa đảo và vũ lực sẽ tiếp tục “mọc ra”!
Để có một thị trường BĐS lành mạnh, vì người tiêu dùng, đã đến lúc Nhà nước cần có sự điều chỉnh luật pháp kinh doanh BĐS, trong đó nên bỏ việc cho phép phân lô, bán đất nền./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 09 tháng 7 năm 2019

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

 Chữa vô cảm

Rạng sáng ngày 25/6, trên đường Tân Hương - Võ Công Tồn (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) xảy ra vụ tai nạn khiến một người tử vong tại chỗ và một người trong tình trạng nguy kịch.
Theo hình ảnh từ một camera gần khu vực xảy ra tai nạn, lái xe taxi mở cửa xuống xe nhưng vài giây sau thì lên xe bỏ trốn khỏi hiện trường.
Và trong vòng 11 phút sau khi xảy ra vụ tai nạn đã có 38 người đi qua đường nhưng không một ai dừng lại giúp đỡ đôi nam nữ.


Tài xế taxi xuống xe quan sát một lúc rồi bỏ đi. Ảnh cắt từ camera.

Khi hình ảnh trên được chia sẻ trên mạng xã hội và các trang báo đã gây bức xúc và nhiều ý kiến bình luận trái chiều.
Lái xe bỏ đi có thể vì lo sợ trách nhiệm và đối diện với pháp luật nên đã trốn tránh. Còn những người qua đường biết mà không dừng lại liệu ta có thể quy kết họ vô cảm? Một vài ví dụ sau rất đáng suy nghĩ:
Chiều 23/6/2013, anh Nguyễn Hữu Diên đi xe máy va quệt với cháu Lý Minh Tâm (3 tuổi) đang đi bộ làm bé xây xát nhẹ. Anh Diên cùng 2 bạn đưa bé trai này vào Bệnh viện Triều An (Quận 6, TP Hồ Chí Minh) để điều trị. 5 thanh niên được cho là người thân của bé Tâm đến viện và xảy ra xô xát với nhóm của anh Diên. Anh Diên bị một thanh niên dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu ngất xỉu tại chỗ, đến ngày 25/6 thì tử vong. (Báo VnExpress)
Ngày 11/2/2017, anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi) đi trên đường thuộc địa phận xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh thì gặp một vụ tai nạn giao thông giữa xe máy và taxi, cô gái đã đâm vào đuôi xe taxi ngã ra đường bất tỉnh. Anh Sơn đưa cô gái tới Bệnh viện Đa khoa Thuận Thành cấp cứu. Trong lúc đang hoàn thiện thủ tục nhập viện cho cô gái, bất ngờ một thanh niên quen biết với nạn nhân tìm đến, cho rằng anh Sơn là người gây tai nạn nên đã dùng dao đâm một nhát vào lưng anh rồi bỏ trốn (Phapluatplus.vn).


Anh Nguyễn Hải Sơn khi nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh (ảnh: Facebook)

Và còn không ít những chuyện “làm phúc phải tội” như trên đã xảy ra…
Một định kiến xã hội rất nguy hiểm lâu nay là khi thấy bất kì ai đưa một người bị tai nạn vào bệnh viện cấp cứu là người ta nghĩ ngay họ chính là thủ phạm hoặc chí ít liên quan trách nhiệm. Nhiều người tốt bỗng dưng như trở thành tội đồ. Đôi khi chính bệnh viện cũng can dự yêu cầu người đưa nạn nhân đến phải chờ để làm rõ sự việc. Thực trạng này là nguyên nhân khiến nhiều người e ngại khi giúp đỡ nạn nhân trên đường khi bắt gặp.
Nếu quy kết trường hợp 38 người đi qua trong vụ tai nạn sáng ngày 25/6 vừa qua là vô cảm cũng chưa thật thỏa đáng. Người quy kết hãy đặt chính mình vào những tình huống tương tự để suy luận.
Để khắc phục tình trạng trên thiết nghĩ, cần có quy định trách nhiệm của bệnh viện. Theo đó, các khoa cấp cứu bệnh viện có trách nhiệm tiếp nhận người bị nạn và không bắt buộc người đưa nạn nhân đến chịu trách nhiệm làm rõ sự việc. Họ có thể đi ngay sau khi bàn giao nạn nhân tại phòng cấp cứu.
Khi người ta còn quan tâm việc “không để thoát” kẻ chịu trách nhiệm hơn là tính mạng người bị nạn thì thực trạng vô cảm sẽ khó mà thay đổi./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  04 tháng 7 năm 2019