Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

 “Văn hóa rượu” và nhng h ly

Người xưa “xếp loại” uống rượu gồm có các mức Tiên tửu, Phật tửu, Tục tửu, Cuồng tửu và Ti tửu. Rượu uống với người tri âm, tri kỉ, thổ lộ được với nhau những nỗi niềm tâm sự sâu lắng, càng uống càng tỉnh, đó là Tiên tửu. Rượu uống say rồi lăn ra ngủ khì, tỉnh dậy khỏe khoắn, đó là Phật tửu. Rượu vào lời ra, nói năng văng mạng, ăn uống thô tục, gây gổ đánh nhau… đó là Cuồng tửu và Tục tửu. Mượn chén rượu để khích bác, bôi xấu nhau một cách vô liêm sỉ, đó là Ti tửu (ti ở đây được hiểu theo nghĩa ti tiện).

Tranh minh họa

Hồi còn công tác, đơn vị tôi có mời một ông họa sĩ đến sáng tác tranh để trưng bày phòng truyền thống. Ông này có phong cách “nhắm” rượu dị biệt. Rượu ông dùng phải là thứ nấu từ gạo nếp, nhất là nếp cái. Một bữa rượu thường kéo hơn tiếng rưỡi và người có thể ngồi tiếp phải ý hợp tâm đầu, biết lắng nghe câu chuyện của ông. Chiếc li dùng uống rượu là chén “mắt trâu”, nhỏ tí nhưng mỗi lần ông cũng chỉ rót ra lưng chén. Khi uống ông nhấp phần nhỏ rồi chẹp miệng như thưởng thức thứ vị ngọt, hương nồng của nếp cái. Ông khoái uống rượu với lạc rang. Từng hạt lạc được ông vê nhẹ cho hết lớp vỏ rồi mới thư thái đưa vào miệng nhai chậm rãi, từ tốn như để thưởng thức vị béo bùi. Khi đó người hiểu, biết gợi chuyện, ông sẽ say sưa kể về lĩnh vực nào đó, như hội họa, thơ ca… Tôi chưa hề thấy ông say rượu. Chất men chỉ như tạo cảm hứng để ông thăng hoa cho bàn tay họa sĩ. Ông là người “thưởng rượu” như tiên. Có thể ông học theo phong cách thưởng thức ẩm thực cầu kì của các cụ Nguyễn Tuân, Tản Đà, Thạch Lam… Thế mới biết, thưởng thức rượu hay ẩm thực cũng có nét văn hóa riêng và người ta phải học.


Người xưa đã có thứ văn hóa thưởng thức rượu và nhắc nhủ những điều không nên thông qua phân hạng trong cách dùng thứ men nồng đầy ma lực. Thật đáng buồn ngày nay đang mất dần nét văn hóa của cha ông và hình thành những thói tật xấu xí trong uống rượu. Nay, khi uống người ta không nhấm nháp, thưởng thức mà rót rượu ra là “Cao Bằng”, uống thì dứt khoát phải “Bắc Kạn” (rót đầy, uống cạn). Tuy cũng nhớ lời người xưa “tửu bất khả ép” nhưng lại “sáng tạo” ra cách loại trừ là “ép bất khả từ”! Trong các bữa tiệc đông người thường vang lên những lời hô hào, thúc dục “một, hai, ba… dô” như trong trận kéo co. Người ta tự hào khi được khen uống tốt, “tửu lượng” khá và bị chê bai khi từ chối, thậm chí coi là không tôn trọng nhau vì mời mà không uống! Từ rượu ngon như Chivas, Ballantines đến các loại “quốc lủi” rẻ tiền đều được người ta nốc ồng ộc, chẳng quan tâm hương vị của nó thế nào. Vì thế “hậu tửu” là những bãi nôn tóe loe nơi toa lét, đôi khi còn phun ngay tại bàn tiệc vì không kìm được. Tàn canh rã đám có những cái đầu lâng lâng trên mây cùng tay lái “lụa” của “ma men” phóng như gió trên đường giao thông…
Việt Nam ta những năm qua ngoài được thế giới nâng hạng trong phát triển kinh tế, xã hội thì còn có “thành tích” trên “bản đồ bia rượu”. Chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) chỉ đứng thứ 116/182 thế giới nhưng chỉ số sử dụng rượu bia đã “vươn lên” vị trí 29. Tại khu vực Đông Nam Á ta đứng á quân, còn tại châu Á ta đứng thứ 10 về tiêu thụ rượu bia. Quả thật, Việt Nam đang là một “cường quốc” về sử dụng và tăng trưởng rượu, bia. Ước chừng mỗi năm cả nước tốn gần 4 tỉ USD cho rượu bia!

Rượu là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Những vụ lái xe gây tai nạn kinh hoàng do rượu bia liên tục xảy ra khiến dư luận ngày càng bức xúc. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những việc nhãn tiền. Sự hủy hoại của rượu bia với sức khỏe từng cá nhân và cả giống nòi mới là điều nguy hại hơn nhiều.
Đã đến lúc dư luận xã hội cần chung tay để “trùng tu” lại thứ văn hóa thưởng thức rượu thanh nhã của cha ông từ ngàn xưa./.
Đinh Hoàng
Bài đăng đặc san Báo Người cao tuổi số tháng 7 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét