Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

 Sàng… dại!

Người xưa có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, ý nói người ta đi đây đó nhiều ắt học được những cái tinh túy, khéo khôn của người đời.
Có lẽ ý thức được điều đó nên nhiều cán bộ công chức của ta rất “chịu khó” đi công du nước ngoài để học tập, công tác. Chẳng thế, vị bộ trưởng nọ khi đương chức có đến gần ½ thời gian trong năm là ở… nước ngoài. Không biết học được bao nhiêu “sàng khôn” nhưng hậu quả nhiệm kì công tác của vị này cho đến nay những người kế nhiệm đang nai lưng khắc phục chưa xong với hàng chục doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bết bát. Vậy là đi nhiều ngày đàng mà chỉ học được “sàng cái dại”!

Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trong 1 lần đi công tác nước ngoài. Ảnh VOV

Cái sự học ngoại “quá đà” đến mức một số địa phương, bộ ngành còn tổ chức cho cả những cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi học tập, công tác nước ngoài! Thống kê của Thanh tra Chính phủ, chỉ từ năm 2012 đến 2016, bốn bộ ngành đã có 14.600 đoàn với gần 42.000 lượt cán bộ đi công tác, học tập ở nước ngoài với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng. Nếu tính hết các bộ ngành cùng 63 tỉnh, thành thì con số sẽ là bao nhiêu? Gần đây vẫn tiếp tục có những bộ ngành, địa phương tổ chức các cuộc đi học tập kinh nghiệm nước ngoài vào… cuối nhiệm kì công tác.
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi trình độ từ quản lí tới công nghệ đều ở mức thấp so với các nước phát triển. Mở cửa để đón công nghệ tiên tiến vào và dần chuyển nó thành của mình. Đi đôi với việc đó là phải tới các nước này để học họ cách quản lí một thể chế pháp quyền hiện đại. Thế nhưng, mấy chục năm đổi mới, mở cửa mà hệ thống pháp luật vẫn chưa thể hoàn thiện, động đến lĩnh vực nào cũng thấy khiếm khuyết, phát lộ lỗ hổng của luật pháp.


Một đoàn công tác đi nước ngoài tại châu Âu  "tranh thủ" ra sân ...golf. Ảnh Dân trí

Một kẻ ấu dâm được camera ghi lại rõ ràng, ai cũng nhận ra. Người khác giới, xa lạ bỗng dưng lao vào ôm, hôn hít bé gái, vậy mà vẫn có những ý kiến trái chiều rồi đổ cho pháp luật chưa có khái niệm cụ thể về hành vi ấu dâm!
Doanh nghiệp Asanzo nhập linh kiện từ nước ngoài về gần như thành phẩm hoàn chỉnh, hàm lượng tới 70-80%, chỉ rắp ráp lại, bóc nhãn xuất xứ rồi dán nhãn Made in Vietnam mà vẫn không thể chứng minh đó là hành vi lừa dối xuất xứ hàng hóa để trục lợi. Rồi cũng chợt nhận ra rằng, luật pháp còn sơ hở, khuyết thiếu trong quản lí những doanh nghiệp dạng này (dù có từ cách đây hơn 30 năm). Trong khi đó nhiều nước đã có những cách quản lí sản xuất hàng hóa khá chặt chẽ, đầy đủ từ lâu.
Những loại hình kinh tế mới mẻ trong thời đại 4.0 như Uber, Grap, thương mại, đầu tư kinh doanh trên không gian mạng… pháp luật không theo kịp thì là một nhẽ. Còn những chuyện “cũ rích” như mấy ví dụ trên mà cứ mãi để pháp luật mang cái tiếng còn nhiều “lỗ hổng”!
Có thể thấy là dù cán bộ có đi rất nhiều “ngày đàng” song vẫn mang về nhiều “sàng cái dại” vì người ta có đi mà đâu có học! Nếu không chấn chỉnh nghiêm việc tổ chức đi công tác, học tập nước ngoài thì đây luôn là mảnh đất để một số công chức tranh thủ đi du lịch bằng tiền ngân sách nhà nước./.
Đinh Hoàng
 Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  11 tháng 7 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét