Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

 Độ vênh lo ngại

Vừa qua, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra con số 26 tỉ USD cho dự án đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam, vênh thấp hơn 32 tỉ USD so với dự án của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự định trình Quốc hội khiến dư luận sững sờ! Đây quả là một độ vênh đáng lo ngại trong tư duy, quan điểm sử dụng tiền ngân sách Nhà nước.
Nhiều người nói vui rằng, hình như một số cán bộ quản lí ở Bộ GTVT đang nghĩ mình là công chức của nước… Đức - quốc gia giàu nhất nhì châu Âu! Bởi chỉ có ở một nước giàu người ta mới có thể đưa ra con số chi tiêu nhiều chục tỉ đô la một cách “nhẹ nhàng” như thế. Tính theo tỉ giá hiện hành thì 58 tỉ USD tương đương chừng hơn 1,3 triệu tỉ đồng. Chỉ với một dự án giao thông mà họ đã mạnh tay “phóng” ra số tiền lớn như thế thì ngân sách cả nước chắc chỉ phát triển giao thông cũng “mướt mồ hôi” còn gì để chi tiêu việc khác!

Tàu cao tốc của Nhật Bản tốc độ tối đa của tàu vào khoảng 320 km/h.

Mấy năm trước, dư luận từng ngạc nhiên khi Bộ GTVT chỉ rà soát lại một dự án giao thông ở Tây Nguyên mà đã tiết giảm được gần 15 nghìn tỉ đồng. Và sau đó là việc kiểm toán các dự án BOT giao thông từ Bắc vào Nam, kết quả là hầu hết đều bị “vống lên”. Sau kiểm toán, đa số dự án đều phải cắt giảm chi phí đầu tư. Có hơn chục dự án được yêu cầu cắt giảm thời gian thu phí, trong đó dự án quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa phải giảm tới hơn 20 năm! Điều đó cho thấy phong cách “vung tay quá trán” và “lỏng tay” quản lí như đã “định hình” ở một số lãnh đạo quản lí cấp Bộ.
Sau sự việc vênh tỉ đô kể trên, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra ý kiến phản biện thuyết phục về “ảo tưởng” phát triển đường sắt cao tốc (350km/h) với một nước vừa thoát nghèo. Không chỉ sự tiêu tốn nguồn lực một cách “vô lối” mà bài toán hiệu quả kinh tế như bị bỏ qua khi xây dựng đường sắt cao tốc hòng cạnh tranh hành khách với giao thông đường không, bỏ qua vận chuyển hàng hóa! Hiện đa số các nước châu Âu, kể cả nước giàu vẫn sử dụng hệ thống đường sắt với tốc độ 200km/h cả cho vận chuyển hành khách và hàng hóa và họ không nhằm mục tiêu cạnh tranh về tốc độ với hàng không. Nếu có tuyến đường sắt tốc độ 350km/h dài hàng nghìn km thì Việt Nam sẽ vào top đầu thế giới về giao thông đường sắt!


Dự án "đắp chiếu", hàng ngàn tấn vật tư Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang rỉ sét vì phơi mưa nắng

Con số chỉ cần 26 tỉ USD xây dựng đường sắt tốc độ 200km/h của Bộ KH&ĐT đưa ra tất nhiên cần được tính toán, thuyết minh cụ thể nhưng dẫu sao Bộ này cũng biết “ta đang ở đâu” và làm đường sắt nhằm tới mục tiêu, hiệu quả thế nào.
Dư luận vui mừng khi vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, trong đó người đứng đầu Hội đồng thẩm định Nhà nước được giao cho Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. 
Mong sao dự án đường sắt Bắc - Nam khi được triển khai sẽ không đi vào “vết ray” của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại Thủ đô, một dự án mà người dân đang ngóng chờ trong vô vọng ngày đoàn tàu này lăn bánh sau gần một thập kỉ khởi công./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 25 tháng 7 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét