Vội tương lai, bất an thực tại
Những ngày qua hình ảnh người cao tuổi trên toàn thế giới bỗng
xuất hiện tăng vọt trên mạng xã hội.
Hiện tượng trên không phải do tỉ lệ người cao tuổi gia nhập mạng
tăng lên mà là trào lưu tuổi trẻ muốn biết sau 40-50 năm nữa hình ảnh của
mình sẽ thế nào thông qua ứng dụng miễn phí FaceApp trên Google Play. Nói là miễn phí nhưng đã có
những cảnh báo việc dễ dàng chấp nhận cho nhà mạng sử dụng hình ảnh khuôn mặt
có thể sẽ phải trả giá đắt trong tương lai. Với tốc độ phát triển của khoa
học công nghệ hiện nay, chỉ vài ba năm nữa mỗi chúng ta sẽ có một chiếc “két
sắt online” để lưu giữ mọi tài sản và bí mật cá nhân. Thế nhưng thông tin
nhận dạng gương mặt kết hợp với các dữ liệu khác như giới tính, tuổi tác, năm
sinh, quê quán… lại chính là “vật liệu” tạo chiếc chìa khóa của “két sắt
online” sau này. Chìa khóa này không dễ thay đổi như việc chúng ta đi đánh
lại một chiếc chìa khóa cửa. Lúc ấy là thời điểm người ta phải trả giá đắt
cho một trò chơi miễn phí trong quá khứ.
Nhiều người cho rằng, ngay hiện tại còn quá nhiều việc không chắc
chắn thì vội vã với tương lai là việc làm vô bổ. Cũng là hi vọng tương lai nhưng
việc đóng tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai có vẻ an tâm, chắc chắn.
Đến khi cuốn sổ chứng nhận quyền sở hữu nằm trong két sắt tưởng đã an toàn nhưng
một ngày đẹp trời cơ quan công quyền bỗng đến “mượn lại”. Sau đó chủ nhân mới
“ngã ngửa” ra là cuốn sổ hồng đã được cấp không đúng pháp luật, cần thu hồi!
Lúc ấy chủ căn hộ chỉ còn “kêu trời” vì mình đâu có làm gì sai khi cần mẫn đóng
tiền đầy đủ từ lúc căn hộ còn là hình hài trong thì tương lai?
Ảnh minh họa
Việc Hà Nội “âm thầm” thu hồi giấy chứng nhận sở hữu căn hộ trong
vụ sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh như “nhắc nhở” dư luận về một thực trạng
tồn tại từ lâu. Rất nhiều chung cư mà chủ đầu tư thản nhiên vi phạm và phớt
lờ quyền lợi chính đáng của người dân trong khi cơ quan công quyền như thể vô
can. Có thể điểm ra một vài cái tên ở Hà Nội:
Chung cư Westa (Hà Đông) của Công ty Cổ
phần COMA 18 khách hàng thanh toán đầy đủ tiền mua căn hộ, nhận nhà từ năm
2014 nhưng đến nay chưa thể làm sổ hồng vì dự án đang bị thế chấp trong ngân
hàng; Khu đô thị Đoàn Ngoại giao ở quận Bắc Từ Liêm của Tổng Công ty Xây dựng
Hà Nội - Hancorp, người dân nhận nhà về ở đến nay đã vài năm nhưng vẫn chưa
được cấp sổ đỏ; Chủ đầu tư chung cư Sakura Tower (47 Vũ Trọng Phụng, quận
Thanh Xuân) - Công ty Hùng Tiến Kim Sơn bán 78 căn hộ sai phép nên người dân tại
đây không thể làm sổ hồng; Cư dân Hòa Bình Green City 3 năm về ở nhưng chưa có
giấy sở hữu, trong khi cam kết thời gian 1 năm kể từ ngày bàn giao căn hộ sẽ được
cấp sổ hồng v.v. và v.v.
Chung cư ở Linh Đàm (Hà Nội)
Nói chính quyền, cơ quan quản lí không
biết những chuyện trên sẽ chẳng ai tin bởi người dân đã phản ánh, đơn từ
nhiều cấp cùng sự phản kháng rầm rộ hết năm này qua năm khác.
Khi những người có trách nhiệm trong
chính quyền của dân, do dân lại thờ ơ trước quyền lợi chính đáng của dân thì
họ biết đặt niềm tin vào đâu?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận
đăng Báo Người cao tuổi
và báo điện tử
Ngaymoionline.vn ngày 02 tháng 8 năm 2019
|
Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét