Bấp bênh quyền lợi của
công nhân lao động
Với người
công nhân, ngoài đồng lương nhận hằng tháng để chi dùng cho một mức sống tối
thiểu, rất ít người có thể còn dư ra để tích lũy cho tương lai. Khoản tích
lũy duy nhất của họ chính là những đồng tiền được chủ doanh nghiệp giữ lại và
“đóng hộ” vào các quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo
hiểm thất nghiệp (BHTN). Lương hưu công nhân dù ít ỏi nhưng cũng là một khoản
an ủi và đỡ đi phần nào gánh nặng cho con cháu khi cha mẹ về già.
Thế nhưng,
việc doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI đang phổ biến một “căn bệnh trầm
kha” mang tên nợ tiền bảo hiểm.
Cuối năm
trước tại thành phố Đà Nẵng, Công ty TNHH TBO Vina 100% vốn Hàn Quốc bỗng cho
công nhân tạm nghỉ việc một tuần với lí do “hết đơn hàng”. Nhưng rồi hết thời
gian trên, người lao động trở lại làm việc mới “ngã ngửa ra” là chủ doanh
nghiệp đã rời khỏi Việt Nam không “ngoảnh lại” với khoản nợ BHXH, BHYT khoảng
12 tỉ đồng, “kèm theo” còn có khoảng 3,7 tỉ đồng tiền lương chưa trả người
lao động!
Câu chuyện
tương tự như TBO Vina ở Đà Nẵng không phải là cá biệt mà xảy ra khá nhiều ở
Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên… từ nhiều
năm nay song chưa có giải pháp nào đột phá, hiệu quả để chấm dứt thực trạng
trên.
Với tỉ lệ
chiếm 21,5% lương phải trả cho người lao động, 3 khoản tiền bảo hiểm (xã hội,
y tế, thất nghiệp) là con số không nhỏ trong quỹ lương mà doanh nghiệp có
nghĩa vụ đóng đúng, đầy đủ hằng tháng. Chính vì số tiền lớn nếu chây ì, chiếm
dụng đương nhiên chủ doanh nghiệp giảm được khoản đi vay ngân hàng lãi suất
cao mà lại được dùng số tiền không lãi suất. Thực tiễn này như một miếng mồi
ngon kích thích doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Đứng đằng sau người công nhân
lao động có cả mấy tầng lớp, gồm chính quyền, cơ quan quản lí đầu tư, cơ quan
thuế, tổ chức công đoàn đại diện… thế nhưng họ như đang bất lực nhìn doanh
nghiệp vi phạm triền miên!
Ảnh minh họa
Thực tế đã
có nơi người lao động được bảo vệ. Công ty Sang Hun (Hàn Quốc) tại KCN Đồng Xoài
I, tỉnh Bình Phước thường xuyên lặp đi lặp lại tình trạng nợ lương, bảo hiểm.
Đa số công nhân bị công ty này nợ tiền lương gối đầu từ 3 tháng trở lên. Thậm
chí, có một số người bị nợ lương đến hơn 50 triệu đồng. Công đoàn các khu
công nghiệp tỉnh Bình Phước đã đứng lên khởi kiện doanh nghiệp này để đòi
tiền lương cho công nhân. Sau 3 lần khởi kiện và tổ chức hòa giải, Công đoàn
đã giúp công nhân đòi được gần 5 tỉ đồng, (trên 1,8 tỉ đồng tiền lương và hơn
3 tỉ đồng BHXH, BHYT)…
Như vậy nếu
chính quyền, cơ quan quản lí, nhất là tổ chức công đoàn thực sự chăm lo, quan
tâm tới quyền lợi của người lao động thì quyền lợi của họ có thể được bảo vệ.
Tiếc rằng nhiều địa phương vẫn chưa học và làm được như vụ việc hiếm hoi trên
tại Bình Phước.
Đất nước đã
có mấy chục năm trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bước đầu gặt
hái thành tựu, lẽ nào người công nhân lao động mãi chịu số phận bấp bênh trên
con đường ấy?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 20
tháng 8 năm 2019
|
Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét