Thế yếu của thầy cô
Thế mạnh của người
thầy là gi? Câu hỏi này quả là không khó bởi ai cũng biết rằng mỗi giáo viên
cần có trình độ, năng lực nghề nghiệp cùng với đó là sự say mê, yêu nghề. Người
có được những điều đó chắc chắn sẽ cho xã hội những học sinh tốt.
Vậy người thầy có điểm yếu gì?
Trong cuộc mưu sinh với nghề, để có chỗ đứng trên bục
giảng nhiều giáo viên đã phải chịu “nước yếu”. Chẳng hạn như tại Hà Nội hiên
nay có hàng nghìn giáo viên đang chấp nhận làm hợp đồng lao động thời vụ. Thông
thường hình thức hợp đồng này chỉ áp dụng cho những công việc mùa vụ, còn người
thầy với nghề dạy là cả cuộc đời chứ đâu phải “mùa vụ”. Vì công ăn việc làm, họ
đành chấp nhận, người ít thì chừng dăm bảy năm, người nhiều đã hàng chục năm
chấp nhận phận “con nuôi”. Với hình thức hợp đồng ngắn hạn trong khi mức lương
“èo uột” thì họ còn không được tham gia đóng BHXH, BHYT.
256 giáo viên Sóc Sơn (Hà Nội) lo lắng trước nguy
cơ mất việc. Ảnh Tiền Phong
Gần đây nhiều giáo viên hợp đồng vui mừng vì được
biết thành phố Hà Nội đã có chủ trương tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019.
Trong 3 phương án thi, tuyển dụng viên chức giáo dục có một phương án xét đặc
cách cho một số trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức là những giáo
viên hợp đồng có kinh nghiệm lâu năm. Thế nhưng nhiều thầy cô tâm huyết với
nghề hàng chục năm đã mừng hụt bởi điều kiện giáo viên hợp đồng được xét đặc
cách bắt buộc đã đóng BHXH ít nhất 5 năm! Theo đó, hàng nghìn giáo viên hợp
đồng tại các quận, huyện của Hà Nội sẽ không đủ điều kiện xét tuyển bởi lí do
không đóng BHXH trong nhiều năm!
Thế nhưng, cái lỗi không đóng bảo hiểm lại không
thuộc về phía thầy cô. Luật BHXH năm 2014 quy định, trước thời điểm năm 2018,
các hợp đồng 3 tháng trở lên phải đóng BHXH bắt buộc. Và từ ngày 1/1/2018, cả
hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng cũng phải tham gia đóng BHXH. Do đó,
việc các giáo viên tại nhiều quận, huyện của địa phương này không được đóng
BHXH nhiều năm qua là hoàn toàn sai luật. Tất nhiên, để né tránh trách nhiệm,
“lách luật” người ta không thiếu “chiêu” để đối phó, ví như hồ sơ chỉ kí hợp
đồng dưới 3 tháng hoặc dưới 1 tháng. Mục tiêu quy cho cùng cũng chỉ là tiết
giảm phần nào cho gánh nặng ngân sách và cái “gánh nặng” trên vai giáo viên hợp
đồng không được quan tâm! Một vị lãnh đạo của huyện Mỹ Đức (Hà Nội) khi trả lời
phỏng vấn trên truyền hình về vấn đề này còn thẳng thắn cho rằng, việc chấp
nhận kí hợp đồng thiệt thòi, yếu thế như vậy là giáo viên tự nguyện chấp nhận!
Nỗi buồn tủi của cô giáo Lê Thị Xuân (trường Tiểu học An Phú, huyện Mỹ Đức). Ảnh VTC
Việt Nam ta là đất nước hiếu học và có truyền thống
tôn sư trọng đạo hàng nghìn năm qua. Người xưa dạy “nhất tự vi sư, bán tự vi
sư”, ai làm trái điều ấy khó mà “thành người”. Đẩy người thầy vào thế bí trước
sự lựa chọn mưu sinh là một sự thiếu tôn trọng.
Cư xử với người thầy như vậy liệu người ta có hi vọng
mang về trái ngọt trên “cánh đồng” giáo dục?/.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Ngaymoionline.com.vn ngày 6 tháng 8 năm 2019
|
Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét