Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Đầu tư phát triển du lịch theo chiều sâu

Nền kinh tế Việt Nam có một thời gian dài phát triển theo chiều rộng, thu hút đầu tư bằng sự ưu đãi, bán tài nguyên thô. Mô hình này phù hợp trong giai đoạn cần giải quyết khối lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động đang thất nghiệp. Nay giai đoạn lấy sự cạnh tranh bằng lao động giá rẻ không còn phù hợp khi ta đang nỗ lực hòa nhập và khai thác từ chuỗi giá trị toàn cầu đi đôi với giảm phát thải gây nguy hại môi trường.

Bãi biển hoang sơ trong lành ở Phú Quốc là địa chỉ du lịch tuyệt vời 
Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây ghi nhận sự phát triển bùng nổ, lượng hành khách quốc tế và trong nước gia tăng liên tục đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Sự tăng trưởng nóng của du lịch bắt đầu đè nặng lên sự đáp ứng của hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là áp lực về giao thông đô thị, môi trường sống. Thu hút đầu tư du lịch hiện đang theo kịch bản của đầu tư FDI, lấy ưu đãi tài nguyên, đất đai đổi lấy phát triển. Hầu như tất thảy thành phố lớn ven biển từ Bắc vào Nam đều đang ồ ạt xây dựng các chuỗi nhà hàng, khách sạn, resort với xu hướng độc chiếm “mặt tiền” bờ biển. Sự chen chúc đông nghịt tại các bãi tắm cùng vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa đang dần làm mất đi sự hấp dẫn của nhiều khu du lịch bãi biển.


Bãi biển Sầm Sơn đông nghẹt trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.  
Nhiều người biết tới Boracay - một thiên đường du lịch biển đảo của Philippines phục vụ tới 2 triệu du khách, mỗi năm thu về 1 tỉ USD. Việt Nam ta dù nhiều bãi biển đẹp song có lẽ chưa có khu du lịch biển nào đạt được con số mơ ước trên. Thế nhưng tháng 4 năm trước Tổng thống nước này, ông Rodrigo Duterte đã đưa ra quyết định đóng cửa tạm thời khu du lịch Boracay bởi thảm họa ô nhiễm môi trường. Nó chỉ được mở cửa trở lại khi đã giải quyết các vấn đề về môi trường, bảo đảm là một khu du lịch đẹp, trong lành. Còn tại đất nước Campuchia láng giềng của ta, du lịch cũng đang phát triển bùng nổ những năm gần đây. Nước này mới có một quyết định cứng rắn là cấm hoạt động du lịch kiểu tour 0 đồng bởi nó không mang đến giá trị kinh tế mà lại “đóng góp” đáng kể vào việc gây ô nhiễm môi trường.

Bán đảo Sơn Trà từng có nguy cơ bị bê tông hóa 
Vừa qua, trong chuyến làm việc tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo và cảnh báo địa phương này cần hướng tới phát triển du lịch biển đảo một cách bền vững, gắn phát triển với bảo vệ môi trường, đặc biệt là không được “bê tông hóa” Phú Quốc.
Cũng với quan điểm phát triển du lịch bền vững, hài hòa lợi ích doanh nghiệp và cộng đồng, vừa qua tỉnh Bình Định đã quyết định tháo dỡ 3 khách sạn lớn được xây dựng sát mặt biển là Bình Dương, Hải Âu và Hoàng Yến. Vị trí đất mặt biển này được dành xây dựng công viên công cộng và trả lại không gian bờ biển cho cộng đồng. 
          Tiếc rằng nhiều địa phương mặt biển đẹp đã và đang bị một số doanh nghiệp “thế lực” chiếm dụng. Giá trị lợi nhuận của số ít doanh nghiệp có thể tốt nhưng giá trị cho cộng đồng và sự phát triển lâu dài, bền vững của từng địa phương sẽ dần mất đi.
Đã đến lúc cần thay đổi tư duy từ lãnh đạo, quản lí, phát triển du lịch theo chiều sâu mới tạo được giá trị đích thực và bền vững./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 08 tháng 8 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét