Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Đẽo cày giữa đường  

Vào đầu năm 2016 Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép thí điểm ứng dụng khoa học và công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng bằng Quyết định 24/QĐ-BGTVT. Hết thời gian thí điểm, do có nhiều ý kiến phản biện, nhất là phản ứng không đồng thuận của các hãng taxi và hiệp hội vận tải bởi sự bất bình đẳng cũng như nhiều vấn đề đặt ra với loại hình doanh nghiệp mới này, Bộ GTVT được Thủ tướng giao soạn thảo văn bản sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.


Cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong quản lí loại hình xe công nghệ

Mỗi lần dự thảo đưa ra là một lần nóng lên bởi các ý kiến trái chiều của dư luận cùng 2 phía taxi truyền thống, taxi công nghệ. Sau khi đưa ra đề xuất quy định taxi công nghệ cũng phải gắn mào như taxi khác gặp nhiều ý kiến không đồng thuận, cơ quan soạn thảo đã rút lại và dự kiến yêu cầu taxi công nghệ không gắn mào nhưng phải dán lô gô nhận diện là taxi công nghệ… Đến nay đã qua gần 4 năm mà cơ quan chức năng vẫn chưa định danh được một loại hình doanh nghiệp và qua 10 lần sửa đổi, văn bản dự thảo sửa đổi trên vẫn chưa thể hoàn thành. Liệu dự thảo sửa lần thứ 11 có được thông qua?
Cuối năm 2016 Bộ GTVT ban hành một thông tư, theo đó, tên gọi "trạm thu phí" được chuyển thành "trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ". Thế là hàng loạt biển tên “Trạm thu phí” được chuyển thành “Trạm thu giá”. Mục đích của việc đổi tên nhằm giúp doanh nghiệp BOT có thể linh hoạt, chủ động điều chỉnh giá, không bị ràng buộc bởi quy định về phí, lệ phí. “Màu” lợi ích nổi rõ cùng cụm từ mới nhưng tối nghĩa khiến dư luận một phen dậy sóng. Nhiều chuyên gia cho rằng người ta không thể thu “giá” vì đây chỉ là từ hàm ý mức độ giá trị của một vật chất gì đó (như tiền, vàng) lên xuống, cao hay thấp... Thu giá chỉ là sự “sáng tạo” ra một cụm từ tối nghĩa mà thôi!
Bẵng đi một thời gian khi các “Trạm thu giá” đã trở lại tên gọi tên cũ thì gần đây trong dự thảo thông tư mới, cơ quan soạn thảo lại muốn đổi tên “Trạm thu phí” thành “Trạm thu tiền”. Trước ý kiến dư luận về cái tên lạ mới, một vị thứ trưởng khẳng định Bộ GTVT không đề xuất đổi tên trạm thu phí thành “trạm thu tiền” mà đưa ra khái niệm giải thích nội hàm các trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ theo đúng quy định của Luật Giá… Tóm lại vị lãnh đạo trên vẫn bảo lưu cái tên Trạm thu tiền vì cho rằng nó chẳng có gì sai. Liệu tới đây mọi người có được chiêm ngưỡng những cái biển “Trạm thu tiền” trên các nẻo đường BOT?

          Xưa có câu chuyện ngụ ngôn “đẽo cày giữa đường” kể về anh thợ ngồi bên đường đẽo cày, ai khuyên gì liền nghe theo, cuối cùng cho ra một thứ có hình thù chẳng giống cái gì.
Ngày nay mạng internet như một đại lộ thông tin, rộng lớn hơn vạn lần con đường của anh thợ đẽo cày xưa. Do vậy “anh đẽo cày” ngày nay cần có trình độ cao và bản lĩnh vững vàng mới không bị khách quan chi phối.
Đội ngũ công chức của ta nay bằng cấp “đầy mình”, chẳng lẽ lại giống anh thợ đẽo cày giữa đường?./.

 Đinh Hoàng 

Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 27 tháng 8 năm 2019

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Lang băm

Theo nghĩa tiếng Việt, lang băm ám chỉ kẻ hành nghề chữa bệnh cứu người nhưng dốt nát, chữa trị bừa phứa, cốt để kiếm tiền, không có nhân cách lương y.
Lang băm vốn là chuyện tồn tại thời phong kiến, khi đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu. Ngày nay với quy định nghiêm ngặt của luật pháp tưởng rằng không còn đất sống của lang băm, vậy mà đây đó không ít người vẫn dính bẫy những kẻ bất lương khoác áo lương y!
 Mấy năm trước xuất hiện một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân của bác sĩ Trung Quốc trên đường Giải Phóng (Hà Nội) bị báo chí phanh phui chiêu chữa bệnh lường gạt moi tiền bệnh nhân. Một số người đến đây điều trị bệnh thông thường như viêm đường tiết niệu, cắt bao quy đầu, giang mai… vì tâm lí ngại đến bệnh viện lớn, chọn bệnh viện tư cho “an toàn”. Thế rồi họ rơi vào ma trận làm tiền của một số kẻ lừa đảo mang danh bác sĩ. “Quy trình” moi tiền là: Bệnh tuy bình thường nhưng qua khám, xét nghiệm đủ thứ sẽ phát hiện là “rất nghiêm trọng”, không thể không điều trị ngay; tiếp theo là bước điều trị, hầu hết được chỉ định tiểu phẫu (để người bệnh luôn tỉnh táo có thể nghe những tham vấn tiếp theo); trong khi tiểu phẫu sẽ “phát hiện thêm” vấn đề cần phải xử lí và yêu cầu bệnh nhân nộp thêm tiền, nếu không có thể chịu hậu quả nghiêm trọng về sau, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng! Với cái bẫy như vậy, rất ít bệnh nhân thoát khỏi và đành chấp nhận móc tiền cho những chi phí “phát sinh” tăng gấp nhiều lần so với giá thỏa thuận ban đầu.

   Phòng khám đa khoa Khang Thái tại Quận 10

Những tưởng chiêu trò trên được công khai, ai cũng biết nhưng không hiểu sao gần đây tiếp tục được một số lang băm “diễn lại” tại TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người “sập bẫy”. Một vài cái tên được nhắc đến như Phòng khám đa khoa Thăng Long ở Phường 13 và Phòng khám đa khoa Baylor ở Phường 15 (Quận 10); Phòng khám Đại Đông, quận Tân Bình; Phòng khám đa khoa Khang Thái, Quận 10… Ngoài điểm chung của các phòng khám trên là dùng “bẫy” vừa phẫu thuật, vừa “mặc cả” để thu tiền, các phòng khám này đều có xuất xứ bác sĩ… Trung Quốc!
Đồ họa: Báo Tuổi trẻ

Đó là câu chuyện ngành y.
Trong nền kinh tế cũng có những trường hợp giống cái bẫy “vừa phẫu thuật vừa vòi tiền” như trên. Chẳng hạn, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dù chỉ còn 1% khối lượng song không thể biết bao giờ hoàn thành trong khi nợ phải trả hơn 1 tỉ đồng mỗi ngày; đó là dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, đã thanh toán cho tổng thầu trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục đều dở dang, đang ngưng trệ chờ… phá sản; đó là Nhà máy Đạm Ninh Bình “bùng nhùng” mãi mới đi vào hoạt động mấy năm nay, thay vì mang về lợi nhuận thì càng sản xuất lại càng lỗ, mỗi năm “nướng” gần nghìn tỉ đồng, v.v.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mờ mịt ngày hoàn thành. Ảnh: NĐT

Những dự án kinh tế trên (và còn không ít dự án khác) như bệnh nhân nằm trên bàn “phẫu thuật” đang bị “lang băm kinh tế” đòi rót thêm tiền. Các dự án này cũng có một điểm chung là vay vốn hoặc của nhà thầu… Trung Quốc!
Lang băm ngành y có thể gây thiệt hại cho một số người nhẹ dạ, mất cảnh giác.
“Lang băm kinh tế” sẽ là mối nguy cho nền kinh tế đất nước!

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 22 tháng 8 năm 2019

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Bấp bênh quyền lợi của công nhân lao động

Với người công nhân, ngoài đồng lương nhận hằng tháng để chi dùng cho một mức sống tối thiểu, rất ít người có thể còn dư ra để tích lũy cho tương lai. Khoản tích lũy duy nhất của họ chính là những đồng tiền được chủ doanh nghiệp giữ lại và “đóng hộ” vào các quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Lương hưu công nhân dù ít ỏi nhưng cũng là một khoản an ủi và đỡ đi phần nào gánh nặng cho con cháu khi cha mẹ về già.
Thế nhưng, việc doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI đang phổ biến một “căn bệnh trầm kha” mang tên nợ tiền bảo hiểm.


Cuối năm trước tại thành phố Đà Nẵng, Công ty TNHH TBO Vina 100% vốn Hàn Quốc bỗng cho công nhân tạm nghỉ việc một tuần với lí do “hết đơn hàng”. Nhưng rồi hết thời gian trên, người lao động trở lại làm việc mới “ngã ngửa ra” là chủ doanh nghiệp đã rời khỏi Việt Nam không “ngoảnh lại” với khoản nợ BHXH, BHYT khoảng 12 tỉ đồng, “kèm theo” còn có khoảng 3,7 tỉ đồng tiền lương chưa trả người lao động!
Câu chuyện tương tự như TBO Vina ở Đà Nẵng không phải là cá biệt mà xảy ra khá nhiều ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên… từ nhiều năm nay song chưa có giải pháp nào đột phá, hiệu quả để chấm dứt thực trạng trên.
Với tỉ lệ chiếm 21,5% lương phải trả cho người lao động, 3 khoản tiền bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) là con số không nhỏ trong quỹ lương mà doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng đúng, đầy đủ hằng tháng. Chính vì số tiền lớn nếu chây ì, chiếm dụng đương nhiên chủ doanh nghiệp giảm được khoản đi vay ngân hàng lãi suất cao mà lại được dùng số tiền không lãi suất. Thực tiễn này như một miếng mồi ngon kích thích doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Đứng đằng sau người công nhân lao động có cả mấy tầng lớp, gồm chính quyền, cơ quan quản lí đầu tư, cơ quan thuế, tổ chức công đoàn đại diện… thế nhưng họ như đang bất lực nhìn doanh nghiệp vi phạm triền miên!

Ảnh minh họa

Thực tế đã có nơi người lao động được bảo vệ. Công ty Sang Hun (Hàn Quốc) tại KCN Đồng Xoài I, tỉnh Bình Phước thường xuyên lặp đi lặp lại tình trạng nợ lương, bảo hiểm. Đa số công nhân bị công ty này nợ tiền lương gối đầu từ 3 tháng trở lên. Thậm chí, có một số người bị nợ lương đến hơn 50 triệu đồng. Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bình Phước đã đứng lên khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương cho công nhân. Sau 3 lần khởi kiện và tổ chức hòa giải, Công đoàn đã giúp công nhân đòi được gần 5 tỉ đồng, (trên 1,8 tỉ đồng tiền lương và hơn 3 tỉ đồng BHXH, BHYT)…
Như vậy nếu chính quyền, cơ quan quản lí, nhất là tổ chức công đoàn thực sự chăm lo, quan tâm tới quyền lợi của người lao động thì quyền lợi của họ có thể được bảo vệ. Tiếc rằng nhiều địa phương vẫn chưa học và làm được như vụ việc hiếm hoi trên tại Bình Phước.
Đất nước đã có mấy chục năm trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bước đầu gặt hái thành tựu, lẽ nào người công nhân lao động mãi chịu số phận bấp bênh trên con đường ấy?/.
Đinh Hoàng
 Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 20 tháng 8 năm 2019

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

“Bài” tranh chấp

Tại Đồng Nai đang xảy ra một số vụ việc kẻ côn đồ từ nơi khác bỗng dưng đến quây rào, dựng lều chiếm đất của người dân. Chúng làm cả những cuốn sổ đỏ giả trưng ra để tạo nên sự tranh chấp với chủ đất, buộc người dân cuốn vào một “cuộc chiến” tranh chấp hao tổn và vô vọng…
Việc trên bỗng khiến tôi liên tưởng tới sự tranh chấp ở quy mô rất lớn mà dân tộc ta đang bị cuốn vào một cách phi lí, ấy là tranh chấp chủ quyền biển đảo hàng chục năm qua.
Con dân đất Việt ngày nay có quyền tự hào về tầm nhìn cương vực xa rộng của cha ông từ hàng trăm năm trước. Trong lịch sử, cha ông ta chưa bao giờ tranh chấp với ai trên biển Đông, trái lại họ còn là những chủ nhân đầy trách nhiệm trước vùng biển chủ quyền. Mọi chuyện tranh chấp chỉ xuất phát từ đầu năm 1948, khi chính quyền Trung Hoa dân quốc vẽ nên tấm bản đồ biển Đông có thêm 9 đoạn, còn gọi dân dã là đường lưỡi bò. Mọi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải đều phải được ghi nhận bằng sự quản lí thực tế. Vẽ nên một tấm bản đồ để tự nhận sở hữu là sự phi lí không thể chấp nhận.


Một bản đồ cổ thể hiện chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam còn lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam

Vào năm 1634 chiếc tầu Grootebroek của Hà Lan trên đường từ Indonexia tới Turon (Đà Nẵng) bị đắm ở khu vực Paracels (Hoàng Sa). Những thuỷ thủ sống sót đã đưa được 4 thùng bạc lên một đảo lớn ở Hoàng Sa, rồi cử 1 nhóm 12 người đi thuyền vào Phú Xuân gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xin trợ giúp. Chúa đã cho phép họ thuê tầu trở lại đảo đón 50 thuỷ thủ và lấy 4 thùng bạc...
Nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong bộ Phủ biên tạp lục: “Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa (Trung Quốc) nói rằng, năm Càn Long thứ 18 (1753), có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh tổng Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam, một ngày tháng 7 đến Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán...”.  
Năm 1895, tàu La Bellona (của Đức) và năm 1896 tàu Imeji Maru của Nhật bị đắm gần Hoàng Sa. Những người đánh cá ở Hải Nam đến cướp bóc. Các công ty bảo hiểm của hai con tàu này (thuộc nước Anh) phản đối chính quyền Trung Hoa. Chính quyền đã trả lời là không chịu trách nhiệm với lí do Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của họ. Sau đó vụ việc được quan chức tại Hải Phòng (Việt Nam) giải quyết và xác nhận cho các công ty bảo hiểm trên về vụ việc…

Bản đồ hình lưỡi bò do Trung Hoa dân quốc vẽ ra năm 1948 để nhận vơ chủ quyền trọn cả Biển Đông

Những sự kiện trên cho thấy người Việt đã thực thi quản lí chủ quyền trên thực địa và khai thác nguồn lợi biển tại Hoàng Sa từ mấy trăm năm nay. Trung Quốc luôn từ chối trách nhiệm xử lí khi phát sinh vụ việc bởi họ không coi đây là lãnh hải của mình. Một viên quan thời nhà Thanh còn khẳng định “Hải Nam là thiên nhai hải giác (chân trời góc biển), đất của Thiên triều đến đây là hết rồi”.   
Đấy là những chứng cứ thực thi chủ quyền của cha ông ta với Hoàng Sa, Trường Sa. Còn những chứng cứ khác trên văn tự, bản đồ thì hiện nay có rất nhiều tại kho tư liệu, bảo tàng của nhiều quốc gia trong đó cả ở Trung Quốc.
Khi chứng liệu lịch sử được phủi đi lớp bụi thời gian, công khai thì chân lí của Việt Nam về chủ quyền biển đảo càng thêm sáng tỏ.
Mỗi quốc gia đều có pháp luật để bảo đảm trật tự xã hội, nền tảng cho sự phát triển. Hành tinh chúng ta đang sống đã bước vào giai đoạn phát triển văn minh, thịnh vượng, định hình được những giá trị chung, đó là hệ thống các công ước, quy ước, hiệp định… bảo đảm cho thế giới phát triển trong ổn định, hòa bình, mang lại lợi ích cho mọi quốc gia.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là một giá trị chung được các quốc gia đồng tâm xây dựng và kí kết, là nền tảng ổn định trật tự biển đảo, lãnh hải quốc tế mấy chục năm qua. Mọi tranh chấp chủ quyền cần được soi chiếu theo bộ quy ước tiến bộ này. Nền văn minh không cho phép bất kì ai coi đó là mớ giấy lộn./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 14 tháng 8 năm 2019

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Đầu tư phát triển du lịch theo chiều sâu

Nền kinh tế Việt Nam có một thời gian dài phát triển theo chiều rộng, thu hút đầu tư bằng sự ưu đãi, bán tài nguyên thô. Mô hình này phù hợp trong giai đoạn cần giải quyết khối lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động đang thất nghiệp. Nay giai đoạn lấy sự cạnh tranh bằng lao động giá rẻ không còn phù hợp khi ta đang nỗ lực hòa nhập và khai thác từ chuỗi giá trị toàn cầu đi đôi với giảm phát thải gây nguy hại môi trường.

Bãi biển hoang sơ trong lành ở Phú Quốc là địa chỉ du lịch tuyệt vời 
Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây ghi nhận sự phát triển bùng nổ, lượng hành khách quốc tế và trong nước gia tăng liên tục đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Sự tăng trưởng nóng của du lịch bắt đầu đè nặng lên sự đáp ứng của hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là áp lực về giao thông đô thị, môi trường sống. Thu hút đầu tư du lịch hiện đang theo kịch bản của đầu tư FDI, lấy ưu đãi tài nguyên, đất đai đổi lấy phát triển. Hầu như tất thảy thành phố lớn ven biển từ Bắc vào Nam đều đang ồ ạt xây dựng các chuỗi nhà hàng, khách sạn, resort với xu hướng độc chiếm “mặt tiền” bờ biển. Sự chen chúc đông nghịt tại các bãi tắm cùng vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa đang dần làm mất đi sự hấp dẫn của nhiều khu du lịch bãi biển.


Bãi biển Sầm Sơn đông nghẹt trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.  
Nhiều người biết tới Boracay - một thiên đường du lịch biển đảo của Philippines phục vụ tới 2 triệu du khách, mỗi năm thu về 1 tỉ USD. Việt Nam ta dù nhiều bãi biển đẹp song có lẽ chưa có khu du lịch biển nào đạt được con số mơ ước trên. Thế nhưng tháng 4 năm trước Tổng thống nước này, ông Rodrigo Duterte đã đưa ra quyết định đóng cửa tạm thời khu du lịch Boracay bởi thảm họa ô nhiễm môi trường. Nó chỉ được mở cửa trở lại khi đã giải quyết các vấn đề về môi trường, bảo đảm là một khu du lịch đẹp, trong lành. Còn tại đất nước Campuchia láng giềng của ta, du lịch cũng đang phát triển bùng nổ những năm gần đây. Nước này mới có một quyết định cứng rắn là cấm hoạt động du lịch kiểu tour 0 đồng bởi nó không mang đến giá trị kinh tế mà lại “đóng góp” đáng kể vào việc gây ô nhiễm môi trường.

Bán đảo Sơn Trà từng có nguy cơ bị bê tông hóa 
Vừa qua, trong chuyến làm việc tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo và cảnh báo địa phương này cần hướng tới phát triển du lịch biển đảo một cách bền vững, gắn phát triển với bảo vệ môi trường, đặc biệt là không được “bê tông hóa” Phú Quốc.
Cũng với quan điểm phát triển du lịch bền vững, hài hòa lợi ích doanh nghiệp và cộng đồng, vừa qua tỉnh Bình Định đã quyết định tháo dỡ 3 khách sạn lớn được xây dựng sát mặt biển là Bình Dương, Hải Âu và Hoàng Yến. Vị trí đất mặt biển này được dành xây dựng công viên công cộng và trả lại không gian bờ biển cho cộng đồng. 
          Tiếc rằng nhiều địa phương mặt biển đẹp đã và đang bị một số doanh nghiệp “thế lực” chiếm dụng. Giá trị lợi nhuận của số ít doanh nghiệp có thể tốt nhưng giá trị cho cộng đồng và sự phát triển lâu dài, bền vững của từng địa phương sẽ dần mất đi.
Đã đến lúc cần thay đổi tư duy từ lãnh đạo, quản lí, phát triển du lịch theo chiều sâu mới tạo được giá trị đích thực và bền vững./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 08 tháng 8 năm 2019

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

 Thế yếu của thầy cô 

 Thế mạnh của người thầy là gi? Câu hỏi này quả là không khó bởi ai cũng biết rằng mỗi giáo viên cần có trình độ, năng lực nghề nghiệp cùng với đó là sự say mê, yêu nghề. Người có được những điều đó chắc chắn sẽ cho xã hội những học sinh tốt.
           Vậy người thầy có điểm yếu gì?
         Trong cuộc mưu sinh với nghề, để có chỗ đứng trên bục giảng nhiều giáo viên đã phải chịu “nước yếu”. Chẳng hạn như tại Hà Nội hiên nay có hàng nghìn giáo viên đang chấp nhận làm hợp đồng lao động thời vụ. Thông thường hình thức hợp đồng này chỉ áp dụng cho những công việc mùa vụ, còn người thầy với nghề dạy là cả cuộc đời chứ đâu phải “mùa vụ”. Vì công ăn việc làm, họ đành chấp nhận, người ít thì chừng dăm bảy năm, người nhiều đã hàng chục năm chấp nhận phận “con nuôi”. Với hình thức hợp đồng ngắn hạn trong khi mức lương “èo uột” thì họ còn không được tham gia đóng BHXH, BHYT.


256 giáo viên Sóc Sơn (Hà Nội) lo lắng trước nguy cơ mất việc. Ảnh Tiền Phong

         Gần đây nhiều giáo viên hợp đồng vui mừng vì được biết thành phố Hà Nội đã có chủ trương tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019. Trong 3 phương án thi, tuyển dụng viên chức giáo dục có một phương án xét đặc cách cho một số trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức là những giáo viên hợp đồng có kinh nghiệm lâu năm. Thế nhưng nhiều thầy cô tâm huyết với nghề hàng chục năm đã mừng hụt bởi điều kiện giáo viên hợp đồng được xét đặc cách bắt buộc đã đóng BHXH ít nhất 5 năm! Theo đó, hàng nghìn giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện của Hà Nội sẽ không đủ điều kiện xét tuyển bởi lí do không đóng BHXH trong nhiều năm!
         Thế nhưng, cái lỗi không đóng bảo hiểm lại không thuộc về phía thầy cô. Luật BHXH năm 2014 quy định, trước thời điểm năm 2018, các hợp đồng 3 tháng trở lên phải đóng BHXH bắt buộc. Và từ ngày 1/1/2018, cả hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng cũng phải tham gia đóng BHXH. Do đó, việc các giáo viên tại nhiều quận, huyện của địa phương này không được đóng BHXH nhiều năm qua là hoàn toàn sai luật. Tất nhiên, để né tránh trách nhiệm, “lách luật” người ta không thiếu “chiêu” để đối phó, ví như hồ sơ chỉ kí hợp đồng dưới 3 tháng hoặc dưới 1 tháng. Mục tiêu quy cho cùng cũng chỉ là tiết giảm phần nào cho gánh nặng ngân sách và cái “gánh nặng” trên vai giáo viên hợp đồng không được quan tâm! Một vị lãnh đạo của huyện Mỹ Đức (Hà Nội) khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình về vấn đề này còn thẳng thắn cho rằng, việc chấp nhận kí hợp đồng thiệt thòi, yếu thế như vậy là giáo viên tự nguyện chấp nhận!

Nỗi buồn tủi của cô giáo Lê Thị Xuân (trường Tiểu học An Phú, huyện Mỹ Đức). Ảnh VTC

         Việt Nam ta là đất nước hiếu học và có truyền thống tôn sư trọng đạo hàng nghìn năm qua. Người xưa dạy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, ai làm trái điều ấy khó mà “thành người”. Đẩy người thầy vào thế bí trước sự lựa chọn mưu sinh là một sự thiếu tôn trọng.
          Cư xử với người thầy như vậy liệu người ta có hi vọng mang về trái ngọt trên “cánh đồng” giáo dục?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Ngaymoionline.com.vn ngày 6 tháng 8 năm 2019

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Vội tương lai, bất an thực tại

Những ngày qua hình ảnh người cao tuổi trên toàn thế giới bỗng xuất hiện tăng vọt trên mạng xã hội.
Hiện tượng trên không phải do tỉ lệ người cao tuổi gia nhập mạng tăng lên mà là trào lưu tuổi trẻ muốn biết sau 40-50 năm nữa hình ảnh của mình sẽ thế nào thông qua ứng dụng miễn phí FaceApp trên  Google Play. Nói là miễn phí nhưng đã có những cảnh báo việc dễ dàng chấp nhận cho nhà mạng sử dụng hình ảnh khuôn mặt có thể sẽ phải trả giá đắt trong tương lai. Với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, chỉ vài ba năm nữa mỗi chúng ta sẽ có một chiếc “két sắt online” để lưu giữ mọi tài sản và bí mật cá nhân. Thế nhưng thông tin nhận dạng gương mặt kết hợp với các dữ liệu khác như giới tính, tuổi tác, năm sinh, quê quán… lại chính là “vật liệu” tạo chiếc chìa khóa của “két sắt online” sau này. Chìa khóa này không dễ thay đổi như việc chúng ta đi đánh lại một chiếc chìa khóa cửa. Lúc ấy là thời điểm người ta phải trả giá đắt cho một trò chơi miễn phí trong quá khứ.
Nhiều người cho rằng, ngay hiện tại còn quá nhiều việc không chắc chắn thì vội vã với tương lai là việc làm vô bổ. Cũng là hi vọng tương lai nhưng việc đóng tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai có vẻ an tâm, chắc chắn. Đến khi cuốn sổ chứng nhận quyền sở hữu nằm trong két sắt tưởng đã an toàn nhưng một ngày đẹp trời cơ quan công quyền bỗng đến “mượn lại”. Sau đó chủ nhân mới “ngã ngửa” ra là cuốn sổ hồng đã được cấp không đúng pháp luật, cần thu hồi! Lúc ấy chủ căn hộ chỉ còn “kêu trời” vì mình đâu có làm gì sai khi cần mẫn đóng tiền đầy đủ từ lúc căn hộ còn là hình hài trong thì tương lai?
Ảnh minh họa

Việc Hà Nội “âm thầm” thu hồi giấy chứng nhận sở hữu căn hộ trong vụ sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh như “nhắc nhở” dư luận về một thực trạng tồn tại từ lâu. Rất nhiều chung cư mà chủ đầu tư thản nhiên vi phạm và phớt lờ quyền lợi chính đáng của người dân trong khi cơ quan công quyền như thể vô can. Có thể điểm ra một vài cái tên ở Hà Nội:
Chung cư Westa (Hà Đông) của Công ty Cổ phần COMA 18 khách hàng thanh toán đầy đủ tiền mua căn hộ, nhận nhà từ năm 2014 nhưng đến nay chưa thể làm sổ hồng vì dự án đang bị thế chấp trong ngân hàng; Khu đô thị Đoàn Ngoại giao ở quận Bắc Từ Liêm của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - Hancorp, người dân nhận nhà về ở đến nay đã vài năm nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ; Chủ đầu tư chung cư Sakura Tower (47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) - Công ty Hùng Tiến Kim Sơn bán 78 căn hộ sai phép nên người dân tại đây không thể làm sổ hồng; Cư dân Hòa Bình Green City 3 năm về ở nhưng chưa có giấy sở hữu, trong khi cam kết thời gian 1 năm kể từ ngày bàn giao căn hộ sẽ được cấp sổ hồng v.v. và v.v.

Chung cư ở Linh Đàm (Hà Nội)

Nói chính quyền, cơ quan quản lí không biết những chuyện trên sẽ chẳng ai tin bởi người dân đã phản ánh, đơn từ nhiều cấp cùng sự phản kháng rầm rộ hết năm này qua năm khác.
Khi những người có trách nhiệm trong chính quyền của dân, do dân lại thờ ơ trước quyền lợi chính đáng của dân thì họ biết đặt niềm tin vào đâu?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và báo điện tử Ngaymoionline.vn ngày 02 tháng 8 năm 2019