Ai là người hùng?
Cách đây 17 năm Việt Nam ta đối mặt với một dịch
bệnh mới cực kì nguy hiểm - dịch SARS trên người gây hội chứng suy hô hấp cấp
tính dạng viêm phổi. Căn bệnh khởi nguồn từ Hồng Kông (Trung Quốc) lan sang
37 quốc gia trong đó có Việt Nam. Dịch SARS đã khiến 44 y tá, bác sĩ của Bệnh
viện Việt Pháp lây bệnh, 6 người (trong và ngoài nước) đã chết.
Với tỉ lệ tử vong cao trong khi chưa có thuốc đặc
trị nên bệnh do SARS cực kì nguy hiểm không chỉ với người bệnh mà cả đối với
đội ngũ y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân. Họ bước vào cuộc chiến chống đại
dịch này như cuộc sinh tử, đối mặt cái chết và y bác sĩ thực sự là những
người hùng.
Dịch bệnh do vi rút Corona chủng mới (nay được gọi
COVID-19) gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp đang diễn ra hện nay tuy tỉ lệ
tử vong không cao nhưng lại cực kì nguy hiểm bởi nó quá dễ lây lan từ người
sang người ngay từ khi ủ bệnh. Những con số người nhiễm bệnh, người tử vong
tăng chóng mặt trên toàn cầu đang minh chứng điều này.
Chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng ngừa nên đội
ngũ y, bác sĩ, nhân viên và lực lượng chống dịch phải đối mặt với sự nguy
hiểm của dịch bệnh, sẵn sàng là “nạn nhân” của Corona. Đã có những bác sĩ đầu
tiên ngã xuống trong cuộc chiến chống COVID-19 như bác sĩ trẻ Lý Văn Lượng thuộc
Bệnh viện trung tâm Vũ Hán (TP Hồ Bắc, Trung Quốc).
Vác
sĩ Lý Văn Lượng ra đi vì bệnh dịch do vi rút Corona khi mới 34 tuổi
Cũng như tâm thế cách đây 17 năm đối mặt với SARS,
các y, bác sĩ Việt Nam lại dũng cảm, tự tin bước vào một cuộc chiến mới để
chiến đấu, cứu sống bệnh nhân. Sau thắng lợi của giai đoạn 1 chống COVID-19
cứu sống 16/16 bệnh nhân, không y bác sĩ nào bị lây nhiễm. Bước sang giai
đoạn 2 với số lượng bệnh nhân gia tăng đã có những bác sĩ, điều dưỡng viên
nhiễm bệnh do vi rút Corona song không hề xuất hiện sự hoang mang, nao núng.
Những chiến sĩ áo trắng tiếp tục thể hiện bản lĩnh của những người anh hùng.
Khi một số bệnh nhân là người nước ngoài, Việt kiều
được điều trị khỏi bệnh, thật bất ngờ khi thấy trên báo chí, họ lại chính là
người được tặng hoa ngày xuất viện mà lẽ ra cần tặng cho các y, bác sĩ, những
người đã bất chấp hiểm nguy ngày đêm cứu chữa các bệnh nhân! Khi đó tôi nghĩ
đây cũng là cách ta quảng bá về một đất nước Việt Nam nhân hậu, thân thiện
trước bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt khi người ta thái
quá. Nhìn hình ảnh đó rất có thể những bệnh nhân sau này nghĩ đó cũng là một
đặc quyền.
Tâm lí “được voi đòi tiên” đã xuất hiện trong một số
người Việt từ nước ngoài trở về tránh dịch. Họ sẵn sàng chê bai, không hợp
tác với những người thừa hành trách nhiệm phòng ngừa bệnh dịch, thậm chí có
lời lẽ thóa mạ cả cộng đồng ở quê hương. Bên cạnh đó sự cưng chiều thái quá
từ chính người thân của họ đã tạo tâm lí vị kỉ và gây khó khăn cho các lực
lượng đang nỗ lực phòng ngừa dịch bệnh.
Nhiều người cho rằng cách ly 14 ngày thiếu thốn đồ ăn, nhu yếu phẩm đã ùn ùn , đến tiếp tế cho người thân (ở Củ Chi, TPHCM)
Trở về cách li được ở trong doanh trại quân đội, ăn
suất ăn như một quân nhân mà gia đình, người thân vẫn ùn ùn kéo đến chuyển
“hàng cứu trợ” như thể họ ăn không đủ, ngủ không êm trong trại tạm giam! Họ
đâu biết người chiến sĩ cũng ăn suất ăn đó không chỉ có 14 ngày và hằng ngày
còn đổ mồ hôi trên thao trường, đi tuần tra nơi biên biên cương heo hút, đứng
canh gác nơi hải đảo xa xôi… chứ đâu được ăn xong nằm đọc báo, lướt facebook?
Họ nghĩ những chiễn sĩ nằm ngoài lều trại, ăn nghỉ vạ vật nhường chỗ cách li là
trách nhiệm đương nhiên!
Sự cưng chiều của đất nước, của từng gia đình với những
đứa con sẽ khiến chúng không thể lớn lên, trưởng thành chứ mong gì sẽ trở
thành những người hùng?
Lúc này, sự quan tâm, hỗ trợ chính là với đội ngũ y,
bác sĩ, quân đội, công an và những người đang ngày đêm tham gia chống dịch.
Họ chính là những người hùng cần được xã hội ghi danh!/.
Đinh Hoàng
Đăng Báo Người cao tuổi ngày 27/3/2020 |
Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020
Corona không có “hộ tịch”
Dịch do SARS-CoV-2 ban đầu được gọi khá đơn giản và
chính xác là vi rút Corona chủng mới, viết tắt tiếng Anh là nCoV (new Corona Virus).
Người ta đã biết chủng vi rút Corona với các biến
thể khác nhau từng gây ra một số dịch bệnh nguy hiểm cho cả động vật và người
như SARS, MERS và nay là SARS-CoV-2.
Mô phỏng vi rút Corona
nCoV ban đầu xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc và nay
đã sắp lan rộng khắp thế giới khiến WHO phải ban bố tình trạng dịch bệnh toàn
cầu kể từ ngày 11/3.
Trước một hệ quả tệ hại gì đó, theo tâm lí thông
thường người ta nghĩ ngay đến việc truy nguyên “thủ phạm”, xem kẻ nào là tội
đồ và vì sao lại thế… Tâm lí này vô tình nhưng tất yếu đẩy người ta đến với
sự kì thị. Vậy là không ít người đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc hay rộng hơn là người
Trung Quốc tới một số quốc gia bị những ánh nhìn kì thị, xa lánh. Sự kì thị
cũng lan nhanh không kém vi rút Corona đến mức những người châu Á da vàng khác
cũng bị sự kì thị “lây sang”. Một số trang mạng, thậm chí có tờ báo ở châu Âu
đã đăng lời “cảnh báo vàng” (Yellow Alert) với hàm ý cảnh giác những người da
vàng. Mấy ngày qua tình trạng kì thị cả với một số người Việt đã diễn ra tại
Mỹ - một nước có cộng đồng đa chủng tộc lớn nhất thế giới.
Kiểm
tra phòng dịch viêm phổi cấp do chủng virút corona mới gây ra tại Trung Quốc
- Ảnh: FOREIGN POLICY
Dịch bệnh nguy hiểm với con người có thể ví như một
đám cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn người ta không nên và không thể truy xem nguyên
nhân “do thằng bán diêm hay lão bán xăng”! Nếu có truy được nguyên do thì đám
cháy cũng xong, chẳng còn mấy chuyện để nói.
Dịch bệnh đang lan tràn toàn cầu với tốc độ chóng
mặt, vậy mà vẫn có những người tiếp tục đưa ra nhiều thông tin quy kết nguồn
gốc dịch bệnh chưa được kiểm chứng gây nhiễu loạn. Những suy đoán, võ đoán
thường xuất phát từ những định kiến hơn là sự thông thái và công tâm. Nhiều
thông tin quy chụp về con người này, địa phương, kia vùng miền nọ hay chính
quyền, thể chế… chẳng có tác dụng gì trong phòng ngừa và chống lại dịch bệnh
mà có thể gây tác dụng ngược lại. Sự kì thị lúc này chỉ giống việc người ta
đổ thêm “chất cháy” vào “đám cháy” mang tên Covid-19!
Tình trạng giấu bệnh, trốn né cách li có nhiều
nguyên nhân nhưng không thể không có lí do con người ta sợ sự kì thị, sợ bị
xa lánh, hắt hủi của cộng đồng. Sự giấu diếm bệnh tật, trốn trách cách li chỉ
cần xảy ra ở một vài người đã có thể mang tại họa cho cả vạn người!
Chúng ta hết sức tỉnh táo và cần hiểu rằng con vi
rút Corona không có “hộ tịch” hay “quốc tịch”! Cách tốt nhất lúc này là cùng
nhau chung tay dập đám cháy dịch bệnh do SARS-CoV-2 trên phạm vi toàn cầu./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 03 năm 2020
|
Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020
Bạn
có ổn không?
Cứ mỗi khi một nhân vật nào đó bất mãn, có hành động, ý
kiến chống đối lại chính quyền và bị xử lí vì vi phạm pháp luật là một số
phần tử thù địch hải ngoại lại lu loa lên rằng đang có sự đàn áp người bất đồng
chính kiến, rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền...
Nhưng những người được họ coi là nhà dân chủ, đấu tranh
cho nhân quyền ở Việt Nam ấy lại chưa có được sản phẩm hay sáng kiến nào hữu
ích cho đời sống dân sinh ngoài hành động đi nược lại đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Nhà nước Việt Nam đã và đang bảo đảm quyền cho mỗi người
dân của mình thế nào được minh chứng sinh động nhất khi cả thế giới phải đối
mặt với cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi rút Corona chủng
mới gây ra tại Vũ Hán (Trung Quốc) lan rộng khiến thế giới rơi vào bất an. Những
nước kề cạnh Trung Quốc gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam chịu ảnh hưởng sớm
nhất với những ca lây nhiễm đầu tiên. 16 ca bệnh đa số đến và về từ tâm dịch
Vũ Hán đã nhanh chóng được khoanh vùng, cách li và chữa trị thành công. Lời
của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng là thể hiện quan điểm của Đảng
và Nhà nước ta: Dù có thể phải hi sinh một số lợi ích kinh tế nhưng sức khỏe,
tính mạng người dân là quan trọng nhất!
Những bệnh nhân Covid-19 được điều trị thành công và ra viện
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng toàn
thể người dân, Việt Nam ta đã bước đầu kiềm chế được sự lây lan của bệnh
dịch, không có bệnh nhân tử vong trong giai đoạn 1. Trong 16 bệnh nhân được
chữa trị khỏi có cả một số người nước ngoài, họ đều rất cảm kích và khâm phục
đội ngũ y bác sĩ và hệ thống y tế của Việt Nam - một nước vừa mới thoát
nghèo. Bước vào giai đoạn 2 của dịch Covid-19 tuy rất nhiều khó khăn trước
yếu tố lây nhiễm từ bên ngoài song Việt Nam đã và đang kìm giữ tốt, không để
dịch bùng phát đồng thời các bệnh nhân đang được chăm sóc, cứu chữa tốt nhất
có thể.
Khi một số bạn bè bên Mỹ lo lắng cho cuộc sống ở Việt Nam
lúc này, Emerican Johnson - một công dân Mỹ đang sinh sống tại Việt Nam đã
chia sẻ trên trang Twitter của mình, có đoạn: “Mọi người cứ hỏi tôi có ổn
không và lo lắng khi tôi sống ở Việt Nam nhưng giờ tôi lo hơn nhiều cho tất
cả các bạn, vì tôi đang ở nơi an toàn nhất thế giới,” và “Thế giới cần thêm
nhiều thông tin và thông tin kĩ hơn về Việt Nam mà không bị lọc qua lăng kính
tuyên truyền của tư bản. Chúng tôi (tác giả và bạn) chả yêu cầu mọi người làm
gì ngoài cứ thông tin đúng sự thật!”.
Trong số 16 người nhiễm dịch bệnh do vi rút Corona được
Việt Nam điều trị khỏi có 2 công dân Trung Quốc, một Việt Kiều Mỹ. Giai đoạn
này Việt Nam điều trị miễn phí cho các bệnh nhân.
Các bác sĩ chúc mừng bệnh nhân lớn tuổi nhất là Việt kiều Mỹ nhiễm Covid-19 khỏi bệnh.Ảnh: VNN
Những bệnh nhân trên và nhiều người nước ngoài đã và đang
sống tại nước ta sẽ là những sứ giả truyền tải thông tin trung thực nhất về
việc Việt Nam thực thi quyền con người như thế nào./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 03
năm 2020
|
Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020
Gia
cảnh và “xi pi ai”
Trong thu nhập tính thuế TNCN, người đóng thuế được
giảm trừ cho những người phụ thuộc gọi là giảm trừ gia cảnh. Người phụ thuộc
là người không có thu nhập, sống phụ thuộc vào người nộp thuế nên mức được
giảm trừ đó là nguồn bảo đảm cho mọi chi phí trong cuộc sống của họ.
Lương thực thực phẩm luôn dẫn đầu trong tăng giá tiêu dùng
Bất cập trong mức giảm trừ gia cảnh đã neo giữ quá
lâu, dư luận nhắc đến nhiều trong những năm qua, đến nay Bộ Tài chính mới rục
rịch có động thái bằng việc lấy ý kiến cho bản dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh
mức giảm trừ gia cảnh của Thuế Thu nhập cá nhân. Trong đó, cơ quan soạn thảo
đề xuất điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu
đồng/tháng lên 11 triệu đồng, và giảm trừ người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên
4,4 triệu đồng (tức là tăng thêm 800.000 đồng). Theo lí giải của Bộ Tài
chính, từ khi luật thuế này có hiệu lực (2013), chỉ số giá tiêu dùng đã tăng
23%, nay điều chỉnh để bảo đảm số tiền giảm trừ được tăng lên tương ứng (theo
luật đáng lẽ phải điều chỉnh khi CPI tăng 20%).
Vậy cái tỉ lệ tăng của “xi pi ai” mà ta được biết
bằng từ viết tắt là CPI, có đồng điệu mức giảm giá trị đồng tiền trong túi
người phụ thuộc?
Với mức 3,6 triệu đồng mỗi tháng, người trong “gia
cảnh” chủ yếu để chi dùng những thứ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, học
hành, chữa bệnh, điện nước, đi lại… Đây lại những mặt hàng luôn “tiên phong”
và “tốc độ cao” trong chặng đường đi lên của “đội quân” giá cả.
Trong 11 mục tại “rổ hàng hóa” để tính CPI thì những
thứ thiết yếu trên chiếm trên 60% và lại chính là những thứ biến động tăng
nhiều nhất. Thử hình dung vào năm 2013 người nội trợ mang 100.000 đồng ra chợ
có thể mua đủ đồ ăn cho gia đình 4 người trong ngày. Nay được tăng 23%, tức
là 123.000 đồng liệu có mua được đủ cho 4 người ăn như cách đây 7 năm?
Giá thực phẩm tăng, đời sống người lao động giảm
Trong “rổ hàng hóa” tính CPI thì các danh mục như
may mặc, mũ nón, giầy dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; bưu chính viễn thông…
luôn có chỉ số tăng rất thấp hoặc giảm, thường góp phần đắc lực kéo chỉ số
CPI xuống. Thế nhưng đây lại là những thứ không phải thiết yếu với người phụ
thuộc.
Điều đó cho thấy việc lấy CPI làm “nền tảng” cho
việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là hết sức khập khiễng.
Mức giảm trừ và cách tính giảm trừ gia cảnh hiện nay
trong Luật Thuế thu nhập cá nhân đang có lợi cho ngành thuế nhưng lại bất lợi
cho người lao động có người sống phụ thuộc vào thu nhập của mình.
Ngoài ra ngành thuế vẫn còn “bỏ quên” giảm trừ gia
cảnh các đối tượng khác trong đó có hộ kinh doanh nộp thuế khoán doanh thu
mức 100 triệu vì họ không phải là người làm công ăn lương.
Người lao động chính là nguồn thu của ngành thuế. Có
nhiều cách tăng thu, trong đó nuôi dưỡng nguồn thu là biện pháp căn bản, bền
vững và nhân văn nhất.
Nếu chính sách thuế làm mất
đi động lực của nguồn thu, đời sống người lao động và gia đình họ không được
cải thiện thì nguồn thuế cũng khó mà được cải thiện./.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 19 tháng 03 năm 2020
|
Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020
Cái
giá của ý thức
Con người ta ai cũng có ý thức, hiểu theo phạm trù triết
học duy vật biện chứng rằng vật chất có trước, ý thức có sau.
Tuy nhiên trong cuộc sống ta thường nhắc tới ý thức con
người theo nghĩa từ nhận thức đến hành động, thể hiện bằng thái độ, trách
nhiệm và hệ quả của nó. Khi một người có nhận thức bình thường và xử lí mối
quan hệ với người khác, với cộng đồng đúng đắn, có trách nhiệm thì được coi
là có ý thức và ngược lại. Cái ý thức này luôn có giá trị: Vô giá hoặc đắt
giá.
Câu chuyện nữ bệnh nhân Covid-19 số 17 của Việt Nam ở phố
Trúc Bạch Hà Nội đang gây bức xúc dư luận là điển hình của ý thức kém cỏi, vô
trách nhiệm để lại cái giá đắt đỏ cho cộng đồng, xã hội và đất nước.
Phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đoạn từ số nhà 125 đến 139 được phong toả nghiêm ngặt, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ ngày 7/3.
Nếu là một người có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng,
khi về từ vùng có dịch, cơ thể lại đang có biểu hiện sốt mà bản thân đã nhận
biết lẽ ra cô ta phải khai báo ngay tại sân bay thì mọi chuyện đã đơn giản
hơn nhiều. Hệ thống phản ứng phòng dịch tại đây sẽ đưa ngay cô ta tới phòng
cách li, lấy mẫu xét nghiệm và chuyển về Bệnh viện nhiệt đới trung ương cơ sở
2 cách đó chỉ mươi cây số. Còn toàn bộ hành khách, phi hành đoàn sẽ được đưa
tới nơi cách li để sàng lọc, xét nghiệm… Vậy là rất ít người tiếp tục có tiếp
xúc với cô ta, kể cả người thân. Chi phí cho những việc trên sẽ đỡ tốn kém
hơn rất nhiều và quan trọng nhất là những tiếp xúc tiếp theo bậc F2, F3, F4…
sẽ hạn chế và được khống chế kịp thời. Cái vô ý thức đó đã khiến ngay cả người
thân của cô gái này cũng nhiễm bệnh và chưa biết hậu quả còn đắt giá với
chính gia đình cô ta và cộng đồng sẽ thế nào.
Việt Nam đã có 38 ca nhiễm Covid-19 tính đến ngày 12/3
Suốt mấy ngày qua cả hệ thống chính trị, bộ máy chính
quyền từ Hà Nội đến các tỉnh cùng Chính phủ phải vào cuộc cho việc khoanh vùng,
cách li, điều tra các đối tượng tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp nhiều tầng nấc.
Chi phí cho những hoạt động này không nhỏ mà đó là để trả giá cho ý thức kém
cỏi, sự ích kỉ của một vài cá nhân.
Bỗng dưng người dân nhiều nơi bị khoanh vùng, sinh hoạt
đảo lộn, nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ bị ngưng trệ, chí ít cũng hàng
chục ngày. Thiệt hại về kinh tế, xã hội đã và sẽ còn gia tăng.
Những chi phí cho nhiều việc trên của chính quyền, cộng
đồng, cá nhân, doanh nghiệp… có thể tính toán được bằng tiền tỉ, thậm chí
nhiều tỉ đồng. Tuy nhiên, sức khỏe, tính mạng con người không thể tính được
bằng tiền vì nó là vô giá.
Nếu rủi ro có người không thể cứu chữa, bỏ mạng, khi đó
cái giá của hành vi vô ý thức, vô trách nhiệm này sẽ là đắt nhất, không gì
đánh đổi được./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 03
năm 2020
|
Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020
Kỉ luật và tự do
Không ít người nghĩ rằng kỉ luật là một từ kinh khủng và
nó đồng nghĩa với sự trói buộc, mất tự do. Nhưng nhiều
người trong chúng ta cũng biết đến câu nói của nhà giáo dục học nổi tiếng người
Nga Anton Semyonovich Makarenko: “Kỉ luật là tự do”.
Những ai từng được sống, rèn luyện trong môi trường quân
đội chắc cũng ít nhất hơn một lần nghe người chính trị viên nhắc nhở câu nói
trên của Makarenko. Khi họ trở thành một chiến sĩ kỉ luật thực thụ cũng là
lúc hiểu sâu sắc nhất câu nói của nhà giáo dục này.
Hai khái niệm thoạt nghe tưởng như đối lập nhau nhưng lại
đồng nhất, bởi thực chất những nội quy, quy định là công cụ giúp con người
sống và hành động theo quy luật và có ý nghĩa. Khi mỗi người biết tuân thủ
những quy định chung của xã hội và có kỉ luật thì người đó sẽ chủ động trong
mọi việc, nhận ra những việc cần làm, không nên làm. Nhận thức đúng và hành
động đúng, chủ động trong cuộc sống - lúc đó ta sẽ nhận ra mình đang thực sự
tự do.
Những ngày qua dư luận bức xúc với việc một số người tự
cho mình quyền tự do bất tuân thủ các quy định phòng ngừa dịch Covid -19
trong khi dịch bệnh nguy hiểm này đang lan nhanh ra toàn thế giới.
Nhóm hàng chục du khách tại Đà Nẵng đến từ Daegu (Hàn
Quốc), một trung tâm dịch Covid-19 nhưng lại không chấp nhận yêu cầu cách li.
Tiếc rằng họ cho đó là bị đối xử không tốt, bị phân biệt, trong khi đây là
quy định của Bộ Y tế với mọi công dân sở tại và người nước ngoài đến Việt
Nam.
Vlogger Hàn Quốc gây chú ý khi công khai xin lỗi vụ
nhóm du khách tại Đà Nẵng và nhà đài nước này chê khu cách ly, xem thường
bánh mì Việt Nam. Ảnh:
TN
Một phụ nữ trẻ tự xưng mình “thông minh” vì đã thành công
trong việc trốn kiểm tra an ninh để không bị cách li dù đến từ vùng dịch
Daegu. “Sự thông minh” đã giúp cô này và cả gia đình cùng phải vào khu cách
li phòng dịch trong 14 ngày.
Cô gái livestream ở sân bay khoe vừa trốn được cách
ly. Ảnh cắt từ clip
Tại nhiều chung cư tại Hà Nội có cư dân của một số nước
đang bùng phát dịch Covid-19. Khi được yêu cầu khai báo để ra soát, phòng
ngừa cho cộng đồng, một số người cũng bất chấp quy định của ban quản lí,
không hợp tác…
Pháp luật Việt Nam cũng như các nước, không phải để áp
dụng riêng cho một ai. Người không tuân thủ luật pháp chính là đã tự đưa mình
vào cảm giác mất tự do.
Nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Stephen R. Covey đã nói
“người vô kỉ luật sẽ chỉ là nô lệ cho cảm xúc… về lâu dài, người vô kỉ luật
sẽ thiếu đi sự tự do mà bản thân có được vì tính bừa bãi”.
Khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” được lãnh đạo Chính
phủ nhiều lần nhắc đến nay không còn là khẩu hiệu đơn thuần trước bối cảnh
dịch bệnh đe dọa hàng triệu người. Thiên tai, dịch bệnh luôn được đặt ngang
với trạng thái chiến tranh.
Trong chiến tranh, kỉ luật thời chiến luôn được đặt cao
hơn bình thường đi đôi với hình thức xử phạt nặng hơn.
Nên chăng cơ quan quản lí sớm tham mưu cho Chính phủ có
các quy định cụ thể, biện pháp xử lí cứng rắn tương tự “thời chiến” để duy
trì kỉ luật xã hội, ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 03
năm 2020
|
Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020
Đồng tiền “dại dột”
Dân gian có câu “đồng tiền đi
trước là đồng tiền khôn”. Khi người ta bỏ đồng tiền ra để chớp lấy cơ hội và
thu lợi trong lúc nhiều người nhìn thấy nhưng không có tiền đành bất lực.
Vậy nhưng gần đây lại xảy ra
những chuyện đồng tiền đi trước là “đồng tiền dại”!
Chẳng hạn như chuyện của thầy N.V.T ở Trường THCS Nguyễn Huân
(huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) là một ví dụ. Trong khi dịch bệnh Covid-19
đang hoành hành khắp nơi, cả thế giới hoang mang và gồng mình chống dịch, có
thể với trách nhiệm nên hầu hết giáo viên lúc nào cũng lo cho sự an toàn học
sinh của mình. Khi thầy T đưa con đi
học ở TP Cà Mau thấy người bán dạo khẩu trang chỉ có giá 130.000 đồng/hộp 50
cái (tương đương 2.600 đồng/cái) nên đã mua 2 hộp về với ý định để lại cho
học sinh dùng phòng ngừa dịch bệnh. Vì chẳng học sinh nào sẵn 3 tờ 200 đồng
nên đã đưa thầy 3.000 đồng cho 1 chiếc khẩu trang. Lập tức đã có đơn tố cáo
vụ việc và lãnh đạo trường, huyện này nhanh chóng xử lí, kiểm điểm thầy T,
kết luận “nhận thức chưa đầy đủ việc bán khẩu trang giá cao cho học sinh là
sai quy định của các cơ quan chức năng”. Phải chăng thầy T đã lợi dụng, “trục
lợi” hàng chục nghìn đồng của học sinh!?
Báo cáo xử lý vụ thầy giáo bán khẩu trang
của trường THCS Nguyễn Huân
Một chuyện “đồng tiền đi
trước” nữa đang xôn xao dư luận là việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng vừa
quyết định chi 269 tỉ đồng mua quà tặng hơn 600.000 hộ dân (mỗi hộ 1 bộ ấm
chén, một lá cờ, tổng trị giá 500.000 đồng) nhân kỉ niệm 65 năm ngày giải
phóng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng
cho biết sẽ trao đổi với Hải Phòng về việc TP này chi 269 tỉ đồng tặng ấm
chén, quốc kỳ cho người dân
Luật Thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí năm 2013 đang được Chính phủ triển khai với tinh thần quyết
liệt, chủ trương cắt giảm tối đa chi thường xuyên cho các ngày lễ, kỉ niệm,
khánh thành, khai trương… để dành nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, bảo
đảm an sinh xã hội. Mặt khác, thực tế tại vùng sâu, vùng xa cả nước (trong đó
có Hải Phòng) còn rất nhiều người dân chưa đủ cơm ăn, áo mặc, nhiều công
trình dân sinh, phúc lợi cần nguồn lực đầu tư… Vậy mà Hải Phòng lại quan tâm chi
nguồn kinh phí khủng để mua… ấm chén uống nước cho dân! Phải chăng địa phương
này đang quá dư giả nguồn ngân sách? Được biết hiện thành phố Hải Phòng có tổng số 644.324 hộ dân và vẫn còn
1,6% hộ nghèo, hệ thống giao thông, hạ tầng cho phúc lợi xã hội nhiều nơi vẫn
chưa phải là hoàn hảo.
Chưa biết chủ trương trên của
Hải Phòng có hợp tình hợp lí hay không nhưng đã nhận nhiều ý kiến trái chiều
của dư luận và hàng trăm tỉ đồng này chưa chắc đã là những “đồng tiền khôn”.
Hai vụ việc “tiêu tiền” trên
đang đặt ra những câu hỏi nghi vấn của dư luận.
Liệu thầy T mua khẩu trang ở
Cà Mau có đúng là “trục lợi” và những người đã lấy lí do này để xử lí, kiểm
điểm một giáo viên có phải để “giữ nghiêm kỉ cương” hay họ đã làm mất đi uy
tín của một người thầy trước học sinh?
Còn vụ “tiêu tiền” ngân sách
của Hải phòng, ngoài người dân “được lợi”, liệu có ai có chút lợi lộc, chẳng
hạn một công ty nào đó bỗng dưng bán được 600.000 bộ ấm chén!?/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 06 tháng 03
năm 2020
|
Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)