Ai là người hùng?
Cách đây 17 năm Việt Nam ta đối mặt với một dịch
bệnh mới cực kì nguy hiểm - dịch SARS trên người gây hội chứng suy hô hấp cấp
tính dạng viêm phổi. Căn bệnh khởi nguồn từ Hồng Kông (Trung Quốc) lan sang
37 quốc gia trong đó có Việt Nam. Dịch SARS đã khiến 44 y tá, bác sĩ của Bệnh
viện Việt Pháp lây bệnh, 6 người (trong và ngoài nước) đã chết.
Với tỉ lệ tử vong cao trong khi chưa có thuốc đặc
trị nên bệnh do SARS cực kì nguy hiểm không chỉ với người bệnh mà cả đối với
đội ngũ y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân. Họ bước vào cuộc chiến chống đại
dịch này như cuộc sinh tử, đối mặt cái chết và y bác sĩ thực sự là những
người hùng.
Dịch bệnh do vi rút Corona chủng mới (nay được gọi
COVID-19) gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp đang diễn ra hện nay tuy tỉ lệ
tử vong không cao nhưng lại cực kì nguy hiểm bởi nó quá dễ lây lan từ người
sang người ngay từ khi ủ bệnh. Những con số người nhiễm bệnh, người tử vong
tăng chóng mặt trên toàn cầu đang minh chứng điều này.
Chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng ngừa nên đội
ngũ y, bác sĩ, nhân viên và lực lượng chống dịch phải đối mặt với sự nguy
hiểm của dịch bệnh, sẵn sàng là “nạn nhân” của Corona. Đã có những bác sĩ đầu
tiên ngã xuống trong cuộc chiến chống COVID-19 như bác sĩ trẻ Lý Văn Lượng thuộc
Bệnh viện trung tâm Vũ Hán (TP Hồ Bắc, Trung Quốc).
Vác
sĩ Lý Văn Lượng ra đi vì bệnh dịch do vi rút Corona khi mới 34 tuổi
Cũng như tâm thế cách đây 17 năm đối mặt với SARS,
các y, bác sĩ Việt Nam lại dũng cảm, tự tin bước vào một cuộc chiến mới để
chiến đấu, cứu sống bệnh nhân. Sau thắng lợi của giai đoạn 1 chống COVID-19
cứu sống 16/16 bệnh nhân, không y bác sĩ nào bị lây nhiễm. Bước sang giai
đoạn 2 với số lượng bệnh nhân gia tăng đã có những bác sĩ, điều dưỡng viên
nhiễm bệnh do vi rút Corona song không hề xuất hiện sự hoang mang, nao núng.
Những chiến sĩ áo trắng tiếp tục thể hiện bản lĩnh của những người anh hùng.
Khi một số bệnh nhân là người nước ngoài, Việt kiều
được điều trị khỏi bệnh, thật bất ngờ khi thấy trên báo chí, họ lại chính là
người được tặng hoa ngày xuất viện mà lẽ ra cần tặng cho các y, bác sĩ, những
người đã bất chấp hiểm nguy ngày đêm cứu chữa các bệnh nhân! Khi đó tôi nghĩ
đây cũng là cách ta quảng bá về một đất nước Việt Nam nhân hậu, thân thiện
trước bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt khi người ta thái
quá. Nhìn hình ảnh đó rất có thể những bệnh nhân sau này nghĩ đó cũng là một
đặc quyền.
Tâm lí “được voi đòi tiên” đã xuất hiện trong một số
người Việt từ nước ngoài trở về tránh dịch. Họ sẵn sàng chê bai, không hợp
tác với những người thừa hành trách nhiệm phòng ngừa bệnh dịch, thậm chí có
lời lẽ thóa mạ cả cộng đồng ở quê hương. Bên cạnh đó sự cưng chiều thái quá
từ chính người thân của họ đã tạo tâm lí vị kỉ và gây khó khăn cho các lực
lượng đang nỗ lực phòng ngừa dịch bệnh.
Nhiều người cho rằng cách ly 14 ngày thiếu thốn đồ ăn, nhu yếu phẩm đã ùn ùn , đến tiếp tế cho người thân (ở Củ Chi, TPHCM)
Trở về cách li được ở trong doanh trại quân đội, ăn
suất ăn như một quân nhân mà gia đình, người thân vẫn ùn ùn kéo đến chuyển
“hàng cứu trợ” như thể họ ăn không đủ, ngủ không êm trong trại tạm giam! Họ
đâu biết người chiến sĩ cũng ăn suất ăn đó không chỉ có 14 ngày và hằng ngày
còn đổ mồ hôi trên thao trường, đi tuần tra nơi biên biên cương heo hút, đứng
canh gác nơi hải đảo xa xôi… chứ đâu được ăn xong nằm đọc báo, lướt facebook?
Họ nghĩ những chiễn sĩ nằm ngoài lều trại, ăn nghỉ vạ vật nhường chỗ cách li là
trách nhiệm đương nhiên!
Sự cưng chiều của đất nước, của từng gia đình với những
đứa con sẽ khiến chúng không thể lớn lên, trưởng thành chứ mong gì sẽ trở
thành những người hùng?
Lúc này, sự quan tâm, hỗ trợ chính là với đội ngũ y,
bác sĩ, quân đội, công an và những người đang ngày đêm tham gia chống dịch.
Họ chính là những người hùng cần được xã hội ghi danh!/.
Đinh Hoàng
Đăng Báo Người cao tuổi ngày 27/3/2020 |
Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét