Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Gia cảnh và “xi pi ai”

Trong thu nhập tính thuế TNCN, người đóng thuế được giảm trừ cho những người phụ thuộc gọi là giảm trừ gia cảnh. Người phụ thuộc là người không có thu nhập, sống phụ thuộc vào người nộp thuế nên mức được giảm trừ đó là nguồn bảo đảm cho mọi chi phí trong cuộc sống của họ.

Lương thực thực phẩm luôn dẫn đầu trong tăng giá tiêu dùng

Bất cập trong mức giảm trừ gia cảnh đã neo giữ quá lâu, dư luận nhắc đến nhiều trong những năm qua, đến nay Bộ Tài chính mới rục rịch có động thái bằng việc lấy ý kiến cho bản dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của Thuế Thu nhập cá nhân. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng, và giảm trừ người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng (tức là tăng thêm 800.000 đồng). Theo lí giải của Bộ Tài chính, từ khi luật thuế này có hiệu lực (2013), chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 23%, nay điều chỉnh để bảo đảm số tiền giảm trừ được tăng lên tương ứng (theo luật đáng lẽ phải điều chỉnh khi CPI tăng 20%).
Vậy cái tỉ lệ tăng của “xi pi ai” mà ta được biết bằng từ viết tắt là CPI, có đồng điệu mức giảm giá trị đồng tiền trong túi người phụ thuộc?
Với mức 3,6 triệu đồng mỗi tháng, người trong “gia cảnh” chủ yếu để chi dùng những thứ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, học hành, chữa bệnh, điện nước, đi lại… Đây lại những mặt hàng luôn “tiên phong” và “tốc độ cao” trong chặng đường đi lên của “đội quân” giá cả.
Trong 11 mục tại “rổ hàng hóa” để tính CPI thì những thứ thiết yếu trên chiếm trên 60% và lại chính là những thứ biến động tăng nhiều nhất. Thử hình dung vào năm 2013 người nội trợ mang 100.000 đồng ra chợ có thể mua đủ đồ ăn cho gia đình 4 người trong ngày. Nay được tăng 23%, tức là 123.000 đồng liệu có mua được đủ cho 4 người ăn như cách đây 7 năm?

Giá thực phẩm tăng, đời sống người lao động giảm

Trong “rổ hàng hóa” tính CPI thì các danh mục như may mặc, mũ nón, giầy dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; bưu chính viễn thông… luôn có chỉ số tăng rất thấp hoặc giảm, thường góp phần đắc lực kéo chỉ số CPI xuống. Thế nhưng đây lại là những thứ không phải thiết yếu với người phụ thuộc.
Điều đó cho thấy việc lấy CPI làm “nền tảng” cho việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là hết sức khập khiễng.
Mức giảm trừ và cách tính giảm trừ gia cảnh hiện nay trong Luật Thuế thu nhập cá nhân đang có lợi cho ngành thuế nhưng lại bất lợi cho người lao động có người sống phụ thuộc vào thu nhập của mình.
Ngoài ra ngành thuế vẫn còn “bỏ quên” giảm trừ gia cảnh các đối tượng khác trong đó có hộ kinh doanh nộp thuế khoán doanh thu mức 100 triệu vì họ không phải là người làm công ăn lương.
Người lao động chính là nguồn thu của ngành thuế. Có nhiều cách tăng thu, trong đó nuôi dưỡng nguồn thu là biện pháp căn bản, bền vững và nhân văn nhất.
Nếu chính sách thuế làm mất đi động lực của nguồn thu, đời sống người lao động và gia đình họ không được cải thiện thì nguồn thuế cũng khó mà được cải thiện./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 19 tháng 03 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét