Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

 Đồng tiền “dại dột”

Dân gian có câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Khi người ta bỏ đồng tiền ra để chớp lấy cơ hội và thu lợi trong lúc nhiều người nhìn thấy nhưng không có tiền đành bất lực.
Vậy nhưng gần đây lại xảy ra những chuyện đồng tiền đi trước là “đồng tiền dại”!
Chẳng hạn như chuyện của thầy N.V.T ở Trường THCS Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) là một ví dụ. Trong khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, cả thế giới hoang mang và gồng mình chống dịch, có thể với trách nhiệm nên hầu hết giáo viên lúc nào cũng lo cho sự an toàn học sinh của mình. Khi thầy T  đưa con đi học ở TP Cà Mau thấy người bán dạo khẩu trang chỉ có giá 130.000 đồng/hộp 50 cái (tương đương 2.600 đồng/cái) nên đã mua 2 hộp về với ý định để lại cho học sinh dùng phòng ngừa dịch bệnh. Vì chẳng học sinh nào sẵn 3 tờ 200 đồng nên đã đưa thầy 3.000 đồng cho 1 chiếc khẩu trang. Lập tức đã có đơn tố cáo vụ việc và lãnh đạo trường, huyện này nhanh chóng xử lí, kiểm điểm thầy T, kết luận “nhận thức chưa đầy đủ việc bán khẩu trang giá cao cho học sinh là sai quy định của các cơ quan chức năng”. Phải chăng thầy T đã lợi dụng, “trục lợi” hàng chục nghìn đồng của học sinh!?


Báo cáo xử lý vụ thầy giáo bán khẩu trang của trường THCS Nguyễn Huân

Một chuyện “đồng tiền đi trước” nữa đang xôn xao dư luận là việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng vừa quyết định chi 269 tỉ đồng mua quà tặng hơn 600.000 hộ dân (mỗi hộ 1 bộ ấm chén, một lá cờ, tổng trị giá 500.000 đồng) nhân kỉ niệm 65 năm ngày giải phóng.


Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ trao đổi với Hải Phòng về việc TP này chi 269 tỉ đồng tặng ấm chén, quốc kỳ cho người dân

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 đang được Chính phủ triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ trương cắt giảm tối đa chi thường xuyên cho các ngày lễ, kỉ niệm, khánh thành, khai trương… để dành nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, thực tế tại vùng sâu, vùng xa cả nước (trong đó có Hải Phòng) còn rất nhiều người dân chưa đủ cơm ăn, áo mặc, nhiều công trình dân sinh, phúc lợi cần nguồn lực đầu tư… Vậy mà Hải Phòng lại quan tâm chi nguồn kinh phí khủng để mua… ấm chén uống nước cho dân! Phải chăng địa phương này đang quá dư giả nguồn ngân sách? Được biết  hiện thành phố Hải Phòng có tổng số 644.324 hộ dân và vẫn còn 1,6% hộ nghèo, hệ thống giao thông, hạ tầng cho phúc lợi xã hội nhiều nơi vẫn chưa phải là hoàn hảo.
Chưa biết chủ trương trên của Hải Phòng có hợp tình hợp lí hay không nhưng đã nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận và hàng trăm tỉ đồng này chưa chắc đã là những “đồng tiền khôn”.
Hai vụ việc “tiêu tiền” trên đang đặt ra những câu hỏi nghi vấn của dư luận.
Liệu thầy T mua khẩu trang ở Cà Mau có đúng là “trục lợi” và những người đã lấy lí do này để xử lí, kiểm điểm một giáo viên có phải để “giữ nghiêm kỉ cương” hay họ đã làm mất đi uy tín của một người thầy trước học sinh?
Còn vụ “tiêu tiền” ngân sách của Hải phòng, ngoài người dân “được lợi”, liệu có ai có chút lợi lộc, chẳng hạn một công ty nào đó bỗng dưng bán được 600.000 bộ ấm chén!?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 06 tháng 03 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét