Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

 Corona không có “hộ tịch”

Dịch do SARS-CoV-2 ban đầu được gọi khá đơn giản và chính xác là vi rút Corona chủng mới, viết tắt tiếng Anh là nCoV (new Corona Virus).
Người ta đã biết chủng vi rút Corona với các biến thể khác nhau từng gây ra một số dịch bệnh nguy hiểm cho cả động vật và người như SARS, MERS và nay là SARS-CoV-2.

Mô phỏng vi rút Corona

nCoV ban đầu xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc và nay đã sắp lan rộng khắp thế giới khiến WHO phải ban bố tình trạng dịch bệnh toàn cầu kể từ ngày 11/3.
Trước một hệ quả tệ hại gì đó, theo tâm lí thông thường người ta nghĩ ngay đến việc truy nguyên “thủ phạm”, xem kẻ nào là tội đồ và vì sao lại thế… Tâm lí này vô tình nhưng tất yếu đẩy người ta đến với sự kì thị. Vậy là không ít người đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc hay rộng hơn là người Trung Quốc tới một số quốc gia bị những ánh nhìn kì thị, xa lánh. Sự kì thị cũng lan nhanh không kém vi rút Corona đến mức những người châu Á da vàng khác cũng bị sự kì thị “lây sang”. Một số trang mạng, thậm chí có tờ báo ở châu Âu đã đăng lời “cảnh báo vàng” (Yellow Alert) với hàm ý cảnh giác những người da vàng. Mấy ngày qua tình trạng kì thị cả với một số người Việt đã diễn ra tại Mỹ - một nước có cộng đồng đa chủng tộc lớn nhất thế giới.


Kiểm tra phòng dịch viêm phổi cấp do chủng virút corona mới gây ra tại Trung Quốc - Ảnh: FOREIGN POLICY
Dịch bệnh nguy hiểm với con người có thể ví như một đám cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn người ta không nên và không thể truy xem nguyên nhân “do thằng bán diêm hay lão bán xăng”! Nếu có truy được nguyên do thì đám cháy cũng xong, chẳng còn mấy chuyện để nói.
Dịch bệnh đang lan tràn toàn cầu với tốc độ chóng mặt, vậy mà vẫn có những người tiếp tục đưa ra nhiều thông tin quy kết nguồn gốc dịch bệnh chưa được kiểm chứng gây nhiễu loạn. Những suy đoán, võ đoán thường xuất phát từ những định kiến hơn là sự thông thái và công tâm. Nhiều thông tin quy chụp về con người này, địa phương, kia vùng miền nọ hay chính quyền, thể chế… chẳng có tác dụng gì trong phòng ngừa và chống lại dịch bệnh mà có thể gây tác dụng ngược lại. Sự kì thị lúc này chỉ giống việc người ta đổ thêm “chất cháy” vào “đám cháy” mang tên Covid-19!
Tình trạng giấu bệnh, trốn né cách li có nhiều nguyên nhân nhưng không thể không có lí do con người ta sợ sự kì thị, sợ bị xa lánh, hắt hủi của cộng đồng. Sự giấu diếm bệnh tật, trốn trách cách li chỉ cần xảy ra ở một vài người đã có thể mang tại họa cho cả vạn người!
Chúng ta hết sức tỉnh táo và cần hiểu rằng con vi rút Corona không có “hộ tịch” hay “quốc tịch”! Cách tốt nhất lúc này là cùng nhau chung tay dập đám cháy dịch bệnh do SARS-CoV-2 trên phạm vi toàn cầu./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 03 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét