Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Tầm nhìn đáng lo ngại

Tầm nhìn của một con người phụ thuộc vào trí tuệ, kinh nghiệm và dữ liệu thông tin họ được cập nhật. Chúng ta biết, với các nhà lãnh đạo thường có tầm nhìn xa, trông rộng vì họ được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời - nền tảng cho sự tổng hợp, phân tích và đưa ra kết luận.
Hiện nay hiểm họa COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới đứng trước một tương lai ảm đạm, suy thoái gần như là điều khó tránh.
Đối với Việt Nam ta đang gánh một tai họa kép, vừa phải căng mình chống COVID-19 vừa chống chọi hạn mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dù cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch do vi rút Corona gây ra nhưng đã có những thông tin lo ngại về một đại dịch khác đối với cây trồng - nạn châu chấu. Sau khi phá hoại mùa màng ở nhiều quốc gia Đông Phi và các nước láng giềng với Trung Quốc như Ấn Độ, Pakistan vào giữa tháng 2, “binh đoàn” châu chấu được dự đoán sẽ áp sát Trung Quốc trong thời gian sớm. Với một nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu như Việt Nam ta, nếu xảy ra nạn châu chấu mất kiểm soát sẽ chẳng khác một đại dịch!


Đàn châu chấu được cho là rất tạp ăn và di chuyển nhanh

Sau khi Trung Quốc ngăn chặn thành công bước đầu COVID-19 cũng là lúc bỗng thấy họ gia tăng nhập khẩu gạo và nhiều mặt hàng, trong đó có thị trường Việt Nam.
Vào tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo. Trong khi chờ báo cáo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng kí hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đây là một chỉ đạo sáng suốt, có tầm nhìn xa của người đứng đầu Chính phủ, bởi trong thời bình nhưng đang có những vấn đề bất ổn kinh tế, an ninh lương thực là vấn đề quan trọng hàng đầu.


Thủ tướng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay cần xem xét kĩ lưỡng, thận trọng việc xuất khẩu gạo

Cứ tưởng một ý kiến chỉ đạo sáng suốt như vậy sẽ được thực thi nhanh chóng, nghiêm túc thì bỗng thấy một động thái lạ: Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương liền có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo! Lí do là từ phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ này nhận thấy “cần có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông - xuân, các hợp đồng xuất khẩu đã kí cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp”. Từ đó, Bộ này kiến nghị tiếp tục mở tờ khai hải quan, cho xuất khẩu gạo bình thường! Nhiều người tin rằng, chỉ cần chút thời gian “đánh giá sản lượng”, các nhà buôn gạo sẽ “vét sạch” kho để xuất khẩu, khi mà các lái buôn bên kia biên giới phía Bắc đang “khát hàng”!
Tầm nhìn của nhà buôn luôn luôn và cao nhất là lợi nhuận! Với nhà quản lí, người lãnh đạo không phải bao giờ cũng đồng điệu với nhà buôn, nó phải xa rộng hơn và vấn đề an ninh, dân sinh phải là hàng đầu.
Tầm nhìn của một Bộ có chức năng tham mưu cho Chính phủ về mảng kinh tế lớn và quan trọng mà lại như vậy thì thật đáng lo ngại!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 3 tháng 4 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét