Thoát hiểm nơi cao nguyên đá!
Di sản công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
là một thắng cảnh kì vĩ. Nơi đây sẽ mãi đẹp đẽ hoang sơ nếu các núi đá một
ngày nào đó không bị người ta xẻ phá nung vôi.
Cao nguyên đá không nguy hiểm với ai nhưng gần đây một số
người đã tự đưa mình vào “thế hiểm” rồi lại tìm mọi cách để “thoát hiểm”!
Cách đây hơn 2 năm xảy ra vụ sai phạm trong kì thi THPT
quốc gia tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Lần đầu tiên phát lộ việc
những người tổ chức kì thi lại chính là người sai phạm, làm sai lệch kết quả thi
(nâng điểm) trục lợi.
Trong khi hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình khá nhanh chóng,
quyết liệt vào cuộc điều tra, xử lí nghiêm các cá nhân vi phạm pháp luật thì
Hà Giang lại “thủng thẳng” khiến dư luận nghi ngờ. Sau một năm, tận giữa năm
2019 bên hành lang Quốc hội, khi báo chí chất vấn, Bí thư tỉnh khi đó, ông
Triệu Tài Vinh nói: “Hôm nay, tôi vừa gọi điện về bảo khẩn trương làm cuộc
kiểm điểm đi”, và “...Vấn đề là xử lí những người có tên liên quan, ví dụ như
cá nhân tôi đúng không? Tôi thì dư luận phán xét xong rồi”. Khi nghe câu nói
đó của ông Vinh, có người nghĩ lãnh đạo Hà Giang đã “thoát hiểm”!
Cuối cùng phải có sự đốc thúc của Trung ương, các cá nhân
sai phạm thi cử tại Hà Giang (trong đó có một số người nhà của ông Vinh) mới
được xử lí trước pháp luật chứ không chỉ là “làm cuộc kiểm điểm”.
Các bị cáo tại phiên
toà xét xử sơ thẩm vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang
Một vụ việc khác tại Hà Giang gây xôn xao dư luận mà đến
nay chưa ngã ngũ, đó là “khối bê tông” xây không phép bên đỉnh Mã Pí Lèng.
Một công trình sừng sững mọc cạnh vùng di sản thiên nhiên thế giới nhưng lại
được xây trái luật! Theo
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dù công trình Mã Pì Lèng Panorama không
thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ 1 và 2 của Di tích danh thắng quốc
gia nhưng nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
được UNESCO ghi danh. Điều 36, Luật Di sản văn hóa quy định khi phê duyệt dự
án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà
có khả năng ảnh hưởng xấu tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái
thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhưng Hà Giang đã “quên” xin ý kiến thẩm định của Bộ đối với công trình này.
Với nhiều sai phạm như thế cứ nghĩ công trình Panorama sẽ sớm được dỡ bỏ, trả
lại cảnh quan đẹp bên dòng Nho Quế. “Trao đi đổi lại, lật lên lật xuống” cuối
cùng vừa qua UBND tỉnh Hà Giang đã thống nhất cho công trình được tồn
tại (không bị phạt) làm điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy
mô, kiến trúc phù hợp!
Công trình xây dựng không phép trên đèo Mã Pí Lèng
Có lẽ vì “của đau con xót” nên Hà Giang quyết giữ bằng
được một công trình sai phép, cũng đồng nghĩa đổi kỉ cương lấy lợi ích. Nhưng
so với tòa nhà 8B Lê Trực hàng trăm tỉ đồng tại Hà Nội thì công trình này
chẳng thấm vào đâu. Lãnh đạo Hà Nội khẳng định có thể dỡ bỏ toàn bộ tòa nhà
8B Lê Trực nếu chủ đầu tư mãi chây ì.
Liệu công trình Mã Pì Lèng Panorama có “thoát hiểm” ngoạn
mục!?
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 04 năm 2020
|
Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét