Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

 Tham vàng bỏ ngãi

Ca dao xưa có câu “Tham vàng bỏ ngãi, anh ơi! Vàng thì ăn hết, ngãi tôi hãy còn” .
Chữ tín và đạo đức kinh doanh ngày nay được nhiều người coi trọng hơn cả vàng bạc vì nó là nền tảng vững chắc cho xây dựng và phát triển của mọi loại hình doanh nghiệp.
Ấy vậy mà nay một số doanh nghiệp “tên tuổi” lại sẵn sàng làm cái việc “không đẹp đẽ” là tham tiền, bỏ nghĩa!
Đó là chuyện một số doanh nghiệp lớn bỗng “xù” cung cấp gạo dự trữ quốc gia sau khi đã trúng thầu, với tổng 190 nghìn tấn.


Nhiều doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng lại có tên trong danh sách xuất khẩu gạo - Ảnh minh hoạ

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) chia sẻ với báo chí: có 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020 nhưng từ chối kí hợp đồng, đó là: Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng 4.500 tấn; Công ty TNHH Phát Tài trúng 17.940 tấn; và 2  doanh nghiệp nữa là Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Minh.
Giải thích lí do không kí hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia, họ đều viện rằng, do giá gạo lên, không thu mua đủ để thực hiện hợp đồng dù đã trúng thầu! Đây có lẽ là chuyện lạ và khá hiếm hoi trong việc cung cấp gạo dự trữ quốc gia lâu nay.
Lí do trên của cả 4 doanh nghiệp tựa hồ những chiếc mặt nạ đã nhanh chóng rơi xuống, hiện rõ “gương mặt thật”. Ấy là trong kì “cạnh tranh” đăng kí tờ khai xuất khẩu gạo họ đều có tên với lượng gạo “tương đối lớn”: Tổng công ty Lương thực miền Bắc đăng kí xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn; Công ty TNHH Phát Tài đăng kí 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn; Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Minh đăng kí tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn… Rõ ràng việc bán gạo cho nước ngoài và bán cho dự trữ nhà nước đang có khoản chênh lệch lợi nhuận đáng kể để cho họ bõ mang tiếng “lật kèo”!
Trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia không chỉ đơn thuần là một hoạt động cạnh tranh kinh tế, nó còn thể hiện uy tín, vị thế cùng với trách nhiệm to lớn của doanh nghiệp với đất nước. Vì thế nhiều doanh nghiệp thậm chí không đặt lợi nhuận quá cao trong hoạt động có ý nghĩa chính trị này.
Sau vụ việc không rõ các doanh nghiệp trên kiếm được bao nhiêu lợi nhuận nhưng có điều chắc chắn là uy tín của họ trước cơ quan quản lí và doanh nghiệp bạn sẽ không còn “sáng đẹp”.
Bên cạnh đó, việc “chọn mặt gửi thầu” của cơ quan quản lí từ nay cũng nên có tiêu chí tín nhiệm để tránh xảy ra những vụ “xù thầu” tương tự.
Gạo dự trữ quốc gia là mặt hàng bảo đảm an ninh lương thực của đất nước, không thể giao phó cho những đối tác “tham vàng bỏ ngãi”!/.
Đinh Hoàng
Bài đăng Tạp Chí Người cao tuổi ngày 28/4/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét