Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Quản lí Nhà nước và kinh tế

 

Biển số xe hay biển số người?

Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để lấy ý kiến, đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và giới chuyên gia.

Theo đó, một số biển số đẹp sẽ được đưa ra đấu giá trực tuyến công khai. Khi đã đấu giá thành công, chủ phương tiện được quyền giữ lại biển số ngay cả khi bán xe và dùng để đăng kí cho một xe khác mang tên mình.


Lâu nay chuyện “biển số đẹp” luôn “rơi” vào người giàu hoặc có mối quan hệ quyền chức khiến dư luận nghi ngờ khuất tất đằng sau việc cấp biển số phương tiện giao thông, dù được biết việc cấp thực hiện ngẫu nhiên, khách quan. Nếu thực hiện theo chủ trương này, các biển số đặc biệt (được cho là đẹp) sẽ được giữ lại và đấu giá công khai. Thực hiện như vậy sẽ là “một mũi tên trúng hai đích”: Hạn chế tiêu cực trong cấp biển số phương tiện; tạo nguồn thu cho ngân sách từ việc đấu giá.

Tuy nhiên, việc sở hữu biển số xe "đi theo người" chứ không phải "đi theo xe" như cách quản lí biển kiểm soát hiện tại cũng sẽ xảy ra những tình huống cần lường trước và tính toàn kĩ. Bởi, khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá cũng không phải nộp lại biển số. Vậy giả sử nếu người ở Hà Nội, trúng đấu giá biển số, chuyển vào TP Hồ Chí Minh và mua phương tiện tại đây và quyết định sử dụng biển đã trúng đấu giá thì ai sẽ cấp quyền gắn biển số cho chiếc xe này? Chẳng lẽ người có phương tiện lại phải ra Hà Nội đăng kí. Mỗi địa phương có kho kí hiệu số riêng (ví dụ Hà Nội từ 29-33, TP Hồ Chí Minh từ 50-59, cùng một số chữ cái). Một tình huống khác, nếu người có biển số xe đẹp nhưng chưa mua xe, người khác biết biển số phương tiện cấp khống đó và tự làm biển giả gắn vào xe của mình, lúc này người chủ sở hữu thật rất có thể gặp rắc rối nếu phương tiện biển giả mạo liên quan vi phạm pháp luật hoặc gây tai nạn... Còn nhiều tình huống phức tạp khác khả năng sẽ xảy ra gây hệ luỵ trong quản lí và dân sinh.

Như vậy, dù với mục đích tốt đẹp như kể trên, việc cấp biển số phương tiện giao thông vẫn cần tuân thủ nguyên tắc của pháp luật hiện hành, biển số ô tô, xe máy phải gắn với cấp và sở hữu phương tiện. Việc cấp khống nếu được, chỉ nên trong một thời gian ngắn. Việc cấp và coi biển số phương tiện như là biển số người tuy có thể tạo sự hấp dẫn với người sở hữu và tăng giá trị nhưng dễ tạo tiền lệ cho lĩnh vực khác. Quy định biển số cho phương tiện trước tiên và sau cùng vẫn là nhằm quản lí phương tiện được chặt chẽ, hiệu quả. Mục đích hạn chế tiêu cực và tạo nguồn thu chỉ là thứ yếu, không nên vì đó mà tạo nên những phức tạp và hệ luỵ không mong muốn./.

Bài đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29/4/2022

Đinh Hoàng

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Không có bệnh thành tích

 

Vu oan một khái niệm

            Lâu nay câu chuyện “bệnh thành tích” luôn được nhiều người nhắc tới. Vậy thực sự có một “căn bệnh” mang tên thành tích hay không?

Thành tích có thể được hiểu, khi một chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu, định mức… do một cá nhân, một tổ chức đề ra, bằng sự phấn đấu, nỗ lực trong hoạt động thực tiễn đạt hoặc vượt mức, khi đó ta có thành tích đích thực. Còn theo từ điển tiếng Việt thì khái niệm này khá đơn giản, đó là “kết quả tốt đẹp do nỗ lực mà đạt được”.


Như vậy, thành tích không phải một căn bệnh. Kết quả một quá trình hoạt động thành công chính là là động lực của sự phát triển. Lịch sử phát triển của loài người chính là quá trình con người lập nên những thành tích khắc chế tự nhiên và xã hội để vươn lên. Nói “bệnh thành tích” là ta đang vu oan một khái niệm tốt đẹp! Nói cách khác, nếu gọi căn bệnh thì đó phải là “bệnh giả thành tích”.

Những ngày qua Hà Nội xôn xao câu chuyện giáo viên “vận động” học sinh học lực yếu không đăng kí dự thi vào lớp 10 hoặc xin chuyển trường. Cách hành xử này chẳng khác những “đòn chí mạng” đánh vào tâm lí, tình cảm của những học sinh đang ngưỡng tuổi chưa trưởng thành, gây hoang mang, xáo trộn tâm tư của phụ huynh. Căn nguyên của việc này rất có thể chỉ vì thành tích của trường, của lớp trong kì thi, khi kết thúc năm học. Nếu do các học sinh yếu kém được “loại bỏ” mà thành tích thi cử, thành tích tổng kết năm học cao lên, đó chỉ là “giả thành tích”. Ngành giáo dục chỉ có thành tích thực sự nếu nỗ lực đưa được số học sinh yếu kém vươn lên trở thành học sinh trung bình, khá, giỏi.

Thành tích giả có lợi cho ai, thiệt hại cho ai?

Có thể khẳng định, học sinh và phụ huynh không lợi lộc gì với thành tích giả. Học sinh chỉ cần một môi trường học tập lành mạnh cùng những thầy cô tâm huyết, hết lòng vì sự học của học sinh. “Tấm huân chương” thành tích chỉ được gắn lên ngực của một số cá nhân. Đó là giáo viên bộ môn, là chủ nhiệm lớp học, là hiệu trưởng, hiệu phó mỗi nhà trường... “Huân chương thành tích” luôn là một thành tố quan trọng, đôi khi mang tính quyết định trong việc xét thưởng danh hiệu, nâng lương, nâng ngạch, bổ nhiệm...

Như vậy, chỉ có việc lạm dụng, trục lợi từ thành tích giả chứ không thể có “căn bệnh thành tích”. Cần chỉ rõ bản chất của vấn đề mới có thể khắc chế được “căn bệnh nan y” không chỉ có trong ngành giáo dục, đó là trục lợi từ những thứ giả tạo!

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23/4/2022

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Chuyện dạy và học Lịch sử

 

Nền tảng sức mạnh dân tộc

Mỗi chúng ta có tình yêu gia đình, dòng tộc bởi đó là nguồn cội sinh thành, dưỡng dục, yêu thương để ta thành người.

Một gia đình nếu các thế hệ yêu thương, đùm bọc, hạnh phúc, thế hệ sau sẽ trân trọng, tự hào và noi gương cha anh. Truyền thống vẻ vang của tiên tổ luôn là niềm tự hào để thế hệ sau có được động lực phấn đấu trong xây dựng cuộc sống hiện tại.

Người Việt ta có truyền thống vô cùng quý báu, đó là lòng yêu nước thương nòi, đoàn kết tạo nên sức mạnh của dân tộc suốt hàng nghìn năm qua. Chính vì vậy, dù là một nước nhỏ nhưng dân tộc ta vẫn kiên trung, giữ được dòng dõi tộc hệ và văn hóa, không bị thôn tính hay đồng hóa. Nền tảng truyền thống yêu nước có được bởi các thế hệ kế tiếp nhau đã truyền dạy, nhắc nhở về lịch sử dựng nước và giữ nước của tổ tiên.


Chiến thắng Bạch Đằng

Bác Hồ chính là người quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục lịch sử cho thế hệ sau. Ngay từ những năm 20 của thế kỉ XX khi còn bôn ba xứ người, Bác đã lấy các đề tài lịch sử như vở kịch “Con rồng tre”, “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”... để tuyên truyền thức tỉnh, giác ngộ đồng bào trước áp bức, đô hộ của phong kiến, thực dân. Cuối năm 1941 khi mới về nước, dù bao công việc bộn bề của cách mạng nhưng Người đã tập trung viết tập “Lịch sử nước ta”. Đây là tập diễn ca lịch sử được Bác viết làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu Việt Bắc và được phổ biến rộng rãi trong Nhân dân nhằm giáo dục, phát huy lòng yêu nước, yêu truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tầm quan trọng của việc này được Bác nhắc trong hai câu: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Môn Lịch sử và giáo dục lịch sử truyền thống quan trọng như vậy nhưng năm học 2022 - 2023, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai ở lớp 10, môn Lịch sử được xếp vào nhóm lựa chọn (không bắt buộc).

Nhiều năm qua, dư luận đã lo ngại về thực trạng dạy và học môn Lịch sử, học sinh không thiết tha môn học này. Thực hiện chương trình phổ thông mới khả năng môn Lịch sử sẽ càng đáng lo hơn. Lịch sử dân tộc vô cùng phong phú, tự hào nhưng cách biên soạn tài liệu, cách giảng dạy đã khiến nó trở nên nhàm chán, không cuốn hút học sinh.

Sẽ ra sao nếu thế hệ trẻ dù rất nhiều tài năng về các chuyên ngành khoa học, công nghệ nhưng lại mơ hồ về lịch sử truyền thống dân tộc?

Những tài năng nhưng không có niềm tự hào dân tộc, không hiểu gốc gác tổ tiên giống nòi cùng với sự tác động của các thế lực xấu tuyên truyền lôi kéo, đến một lúc nào đó có thể chính họ sẽ đòi viết lại lịch sử cha ông mình.

Liên Xô và một số nước XHCN từng xảy ra trào lưu bôi nhọ, xuyên tạc, đòi viết lại lịch sử. Đòn giáng vào niềm tin, gây sự phân tâm trong xã hội, phá hủy nền tảng khối đoàn kết đã đẩy tiến trình tan rã và sụp đổ nhanh chóng của các chế độ nhà nước tại Liên Xô, Đông Âu.

Bởi vậy, môn Lịch sử không thể coi là môn học không quan trọng trong sự nghiệp trồng người./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19/4/2022

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

Chính sách bất cập

 

Dùng sai thước đo?

Câu chuyện giảm trừ gia cảnh trong khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được tranh luận trong nhiều năm qua. Cả mức sàn thu nhập chịu thuế lẫn giá trị tuyệt đối người phụ thuộc được hưởng đều thể hiện sự bất cập khi nó “bất động” nhiều năm. Cùng thời gian, giá trị đồng tiền giảm do lạm phát, mốc tính thuế, mốc giảm trừ gia cảnh cũng giảm đi tương ứng khiến cuộc sống người hưởng lương, người phụ thuộc ngày một khó khăn. Ở phía ngược lại, Nhà nước thu được từ thuế TNCN luôn tăng do sàn tính thuế TNCN chẳng cần điều chỉnh thì nó cũng dần hạ xuống do lạm phát. Chính vì vậy mà mấy năm khó khăn dịch bệnh, thu nhập người lao động giảm nhưng thuế TNCN vẫn tăng đều đặn. Chỉ mới quý đầu của năm nay, số thuế thu nhập cá nhân đã ước đạt 43,3% kế hoạch, tăng tới 20,6%.

Tại sao lương 2 năm không tăng, “bão giá” nhiều mặt hàng thiết yếu khiến dân nghèo đi mà thuế TNCN vẫn tăng, nghịch lí này do đâu?


Hiện lạm phát mỗi năm khoảng 3,5-4%. Để được điều chỉnh mức tính thuế và mức giảm trừ thuế TNCN thì tổng số lạm phát phải vượt 20% (chẳng rõ căn cứ nào để ấn định phải là 20%?). Dựa vào tiêu chí này nên suốt từ năm 2013 đến nay mới chỉ có 1 lần điều chỉnh mức chịu thuế TNCN từ 9 triệu lên 11 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh từ 3,5 triệu đồng thêm được 900.000đ.

Vậy, lấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) làm thước đo điều chỉnh mức chịu thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh liệu có hợp lí?

Hiện nay, người có thu nhập chừng 13-18 triệu, có 1-2 người phụ thuộc thì số tiền đó chỉ đủ trang trải cuộc sống tương đương cách đây 9 năm, khi bắt đầu thực hiện Luật Thuế TNCN. Số tiền này chủ yếu chi cho các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu, điện nước, học hành… Những chi phí đó hằng năm luôn có tỉ lệ tăng cao hơn con số lạm phát (bởi rổ hàng hóa tính CPI với 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ, nhiều thứ không thiết yếu giá lại giảm đã kéo xuống, như bưu chính viễn thông; đồ uống, thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép chẳng hạn). Chỉ đơn giản lấy một ví dụ so sánh, cách đây 9 năm, tại Hà Nội một mớ rau chỉ khoảng 2.000 đồng thì nay đã là 6.000-10.000 đồng. Nếu tính “lạm phát theo mớ rau” thì con số tổng CPI 20% cách xa một trời một vực, bởi nó tăng gần chục lần chứ đâu chỉ mấy chục hay mấy trăm phần trăm?

Nhiều chuyên gia cho rằng, lấy CPI làm thước đo điều chỉnh mức tính thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh là không phù hợp. Với các quốc gia quản lí được chi tiêu của cá nhân thông qua tài khoản ngân hàng, họ thường lấy chi tiêu thực tế của người phụ thuộc dựa vào hóa đơn để giảm trừ gia cảnh rất chính xác. Với ta chưa thể thực hiện được như vậy song rất cần có cách tính khác, không thể lấy CPI và con số bất biến 20% làm thước đo để điều chỉnh khấu trừ thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh.

Tại sao không nghiên cứu điều chỉnh mức chịu thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh đồng thời với kì điều chỉnh tăng lương? Lương tăng bao nhiêu phần trăm thì điều chỉnh ngay theo con số đó liệu có chuẩn xác và có gì khó khăn?/.

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 9/4/2022

Đinh Hoàng

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

Bất cập trong xây dựng pháp luật

 

 Kĩ thuật và an toàn trong giao thông

Vụ tai nạn nổ lốp xe ô tô khiến một Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh tử nạn hiện chưa có kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân song rất có thể liên quan đến vấn đề kĩ thuật (lốp quá cũ hoặc tái chế).

Từ lâu các cơ sở dịch vụ sửa chữa xe nhiều tỉnh phía Nam thường thu gom lốp ô tô mòn cũ về đắp lại thành lốp nhìn như mới và được một số lái xe sử dụng để tiết kiệm chi phí. Do việc đắp lốp bằng gia nhiệt nên khi xe đi trong thời tiết nóng, liên kết giữa lốp cũ và phần đắp mới dễ bị tách ra, kết hợp áp suất hơi lốp tăng lên sẽ dễ dẫn tới nổ lốp.

Một vấn đề kĩ thuật và kĩ năng thường liên quan đến các vụ tai nạn xe tại các khu vực đèo dốc dài, cao. Theo quy tắc an toàn khi đi xe trong khu vực đèo dốc thì đi lên ở số nào, khi xuống cũng phải đi số đó. Khi lên dốc cao lái xe thông thường chỉ đi số 2 hoặc 1. Tương tự khi xuống dốc cũng đi số tương ứng, làm như vậy để dùng số, động cơ xe kìm tốc độ. Tuy nhiên, có những lái xe khi xuống dốc tận dụng quán tính cho xe đi tốc độ cao hơn, lúc đó buộc phải rà phanh để hãm bớt tốc độ. Nếu đường dốc dài sẽ dẫn đến phanh bị nóng và nhanh chóng mòn hết lớp gỗ phít má phanh, trơ ra đế thép, lúc đó sẽ xảy ra hiện tượng mất phanh.

Trong xây dựng đường giao thông có khái niệm siêu cao khi thiết kế mặt đường những nơi quanh co. Xe lưu thông tại đường cong, lực đẩy ngang có tác dụng làm cho xe bị trượt, lật theo phương ngang, đặc biệt khi chạy ở làn ngoài. Để giảm trị số lực đẩy ngang, người ta thiết kế mặt đường một mái, nghiêng về phía bụng đường cong, lưng đường sẽ cao và bụng đường hạ thấp, đây gọi là mặt đường siêu cao. Điều này dễ nhận thấy tại các đường đua ô tô công thức 1, nếu không thiết kế mặt đường siêu cao, các xe khi vào cua sẽ văng khỏi đường đua.


Nhiều yếu tố liên quan trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Xin bàn sâu về kĩ thuật liên quan tới an toàn giao thông bởi tới đây các cơ quan chức năng sẽ trình dự thảo tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật: Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và Luật Đường bộ.

Luật Đường bộ, dù cắt đi chữ giao thông thì nó vẫn là công trình giao thông, một phần rất quan trọng, không thể thiếu trong bảo đảm an toàn. Khi tách ra thành luật riêng có thể hiểu, Luật Đường bộ sẽ chủ yếu đề cập về xây dựng công trình và kĩ thuật đường bộ. Liệu sau đó có cần xây dựng riêng một Luật Đường thủy, Luật Đường không tương tự Luật Đường bộ và các luật đó có thoát li yếu tố an toàn?

Để bảo đảm an toàn giao thông cần các yếu tố không thể tách rời: Quản lí điều hành giao thông; năng lực, ý thức của người tham gia giao thông; các thiết chế kĩ thuật công trình hạ tầng và kĩ thuật phương tiện giao thông. Tính thống nhất, đồng bộ của luật pháp là yêu cầu cơ bản để nó đi vào cuộc sống. Hệ thống luật pháp của ta hiện có tình trạng chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai trong thực tiễn.

Liệu có xảy ra tình trạng khập khiễng, bất cập mới khi tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật riêng biệt?

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 6/4/2022

Đinh Hoàng