Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Hội tầm phào chưa chắc đã tào lao

 

Chuyện hội hè

Năm trước tôi được anh bạn đồng nghiệp đã nghỉ hưu mời tham gia một cái hội có tên lạ “Hội những người viết báo chơi cá cảnh”. Biết chắc đây cũng như nhiều hội tầm phào khác, dù nể anh bạn nhưng tôi cũng đành xin kiếu với lí do quá bận.

Các hội đoàn “trăm hoa đua nở” những năm qua khiến nhiều người lãng phí thời gian, thậm chí cả tiền bạc mà hầu hết chẳng mang lại hiệu quả cho xã hội. Trào lưu hội hè đang ngày càng phát triển với những cái ngày thêm lạ lùng hơn. Chỉ sau vụ lùm xùm của ông giám đốc CDC Quảng Ninh mọi người mới biết có tổ chức hội mang tên Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc. Gần đây lại phát lộ một hội mới khi mạng xã hội bàn luận về Đại hội của Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Những hội mang tính chất giai tầng của một số người chức quyền có lẽ cũng chỉ mới phát triển thời gian gần đây nhưng nó đã được dư luận quan tâm.


Theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Hội được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên...

Thử chiếu theo nghị định trên thì các tổ chức như CLB Giám đốc CDC và Hội Tướng lĩnh đều không có trong quy định pháp luật. Giám đốc (thuộc chính quyền), tướng lĩnh là những chức danh cán bộ trong hệ thống chính trị, không phải là một giới. Các hội này không thể là một hội chính trị (vì Nhà nước đã có quy định cụ thể). Hội tướng lĩnh chắc chắn cũng không thể giọi là một hội xã hội. Nếu các tổ chức này được hình thành thì tôn chỉ mục đích sẽ có mâu thuẫn, chồng chéo với tổ chức hội khác hoặc với chức trách, nhiệm vụ của chính quyền. Chẳng hạn tôn chỉ “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên”, khi hội viên đều là những cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu, thì ai có thể xâm phạm mà bảo vệ? Các hội viên này cũng đâu cần “xóa đói giảm nghèo”… như tôn chỉ, mục đích của một hội kể trên?

Với những chức vụ, cương vị rất quan trọng khi đương chức, các hội trên không thể nói là không có tiếng nói chi phối hệ thống chính quyền.

Đảng ta từng một thời duy trì chế độ cố vấn, khi đó một số đồng chí lãnh đạo cao nhất dù đã nghỉ nhưng luôn được có tiếng nói với cá nhân và cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi đương chức từng chia sẻ với báo chí “Khi một người con đã trưởng thành, học nghề lái xe nghiêm túc, thi sát hạch tốt và được cấp bằng chính thống mà đi đâu người cha cũng ngồi lên xe cùng đi để chỉ đạo và hướng dẫn thì làm sao con tự chủ, tự tin để lái xe suôn sẻ và tiến bộ được…”. Chế độ cố vấn sau đó không còn duy trì song các thế hệ lãnh đạo sau đã luôn lắng nghe, cầu thị trước những ý kiến đúng đắn, sáng suốt của những người tiền nhiệm mà không cần một tổ chức cố vấn.

Đã đến lúc cơ quan quản lí Nhà nước cần chấn chỉnh việc thành lập và hoạt động của các tổ chức hội./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18/8/2022

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Tiêu cực cũng là giặc nội xâm

 

Nhận diện tiêu cực

Chủ trương của Đảng ta mở rộng công cuộc phòng chống tham nhũng sang cả các hành vi tiêu cực là vô cùng đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.

Tuy nhiên hành vi tiêu cực lại rất tinh vi không dễ để nhận biết. Thử lấy ví dụ từ một trường hợp tai nạn giao thông mới đây đang khiến dư luận bức xúc vì nhiều bất thường:

Đó là vụ tai nạn giao thông xảy ra tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Một nữ sinh trường chuyên bị xe ô tô đâm tử vong trên đường từ trường trở về sau khi đi đăng kí chuẩn bị cho kì thi. Điều bất thường đầu tiên là người ta lại giám định nồng độ cồn của nạn nhân này và cho ra kết quả 0,79 mg/100 ml máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm xét nghiệm). Người lớn tuổi uống rượu buổi sáng có nồng độ cồn như trên đã là hiếm, vậy mà một nữ sinh vừa đến trường quay về (mới chừng 8h sáng) đã có lượng cồn như vậy thì chỉ có thể đến trường để… nhậu! Thứ đến, nạn nhân vụ tai nạn đi đúng chiều đường, bị xe ô tô đâm từ phía sau, vậy ai đã đưa ra quyết định giám định nồng độ cồn? Nếu có nồng độ cồn thực thì có coi đây là căn cứ giảm nhẹ hành vi vi phạm của lái xe ô tô hay sao? Điều bất thường nữa là khi có khiếu nại về kết quả giám định của người nhà nạn nhân thì người ta mới phát hiện ra, đó là… nhầm!? Còn với người gây tai nạn thì sao, nếu ai được xem đoạn video vụ tai nạn này sẽ thấy ngay, khi ô tô vừa đâm văng em học sinh, lập tức lái xe đã mở cửa xuống nhưng tay vẫn đang cầm chiếc điện thoại áp vào tai. Có thể khẳng định, lái xe đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ…


Hình ảnh vụ tai nạn được video ghi lại

Đặt giả thuyết, em nữ sinh trên là con của một quan chức hàng tỉnh xem sao. Liệu bệnh viện tỉnh này có dám giám định nồng độ cồn gửi về cho gia đình? Kẻ gây tai nạn rõ ràng đến thế liệu có đến tận chục ngày sau mới ra quyết định khởi tố vụ án? Tin rằng, khi đó hệ thống hành pháp địa phương sẽ vận hành “hết công suất” và quyết định trừng trị kẻ phạm tội đưa ra có thể chỉ tính bằng giờ hoặc vài ngày!

Những bất thường của vụ việc này khó ngăn dư luận nghi ngờ có tiêu cực, lợi ích nhóm bởi người gây tai nạn lại là một cán bộ quân đội tại địa phương.

Tham nhũng nguy hiểm thường được ví như giặc nội xâm, tuy nhiên hành vi tiêu cực cũng là một loại giặc nội xâm không “đao to búa lớn” song lại đang gặm nhấm niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ.

Vừa qua Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực. Hướng dẫn nêu rõ 19 hành vi cần tập trung chỉ đạo phòng, chống. Ngay tại Điều 2 đã có nội dung “Bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức”.

Liệu vụ việc gây tai nạn giao thông kể trên có hành vi tiêu cực theo quy định của Đảng? Dư luận đang mong vụ việc được giải quyết rốt ráo, đừng để mãi “bùng nhùng” vì nó chỉ làm xói mòn niềm tin của Nhân dân vào hệ thống công quyền./. 

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  12/8/2022  

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Chuyện rác đô thị

 

Làm tốt “tiền” phân loại rác sẽ có hậu phân loại

Cách đây chừng mươi năm từng thấy một công ty môi trường đô thị của Hà Nội đặt hàng loạt thùng nhựa chứa rác thải công cộng quanh khu Hồ Tây và một vài tuyến phố. Mỗi cặp có hai thùng nhỏ, một chứa rác hữu cơ, một chứa rác vô cơ.

Những thùng rác khá đẹp nhưng có vẻ không thu hút được người dân nên cứ đứng “cô đơn” phơi mưa nắng mà chẳng có mấy rác được “cho ăn”. Thế rồi cái thì mất, cái thì nằm chỏng chơ, một số hư hỏng, mất nắp. Đến nay những thùng rác phân loại đó đã vắng bóng, họa hoằn mới thấy một vài thùng sót lại nhưng nó lại như đồ phế thải ai đó vứt ra hè đường.


Một trong các phương án phân loại rác đã được HN thực hiện

Chuyện phân loại rác thải sinh hoạt từ nguồn là chủ trương đã có từ lâu của ngành môi trường và chính quyền các thành phố lớn. Đã có những giải pháp được triển khai song cũng chỉ nửa vời nên chưa có “hồi kết”.

Phân loại rác sinh hoạt từ nguồn, nói nghe có vẻ đơn giản nhưng đây là một vấn đề không nhỏ, nó phải được tiến hành đồng bộ thì mới có thể mang lại kết quả. Khởi điểm là tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, tham gia phân loại rác. Đây là khâu đầu tiên và cũng là khâu khó nhất nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền (từ tổ dân phố đến phường, quận và các tổ chức đoàn thể). Khâu tiếp theo là đổi mới, cải tiến quy trình thu gom vận chuyển từ gia đình cho tới khi ra tới tập kết ra bãi tập kết cuối cùng. Ngay từ khâu đầu tiên của quy trình thu gom cũng đã xuất hiện những vấn đề kĩ thuật không dễ tháo gỡ một sớm một chiều. Ví dụ như việc thu gom tại các tòa chung cư. Sẽ phân loại thế nào khi ở không ít chung cư, rác được thả từ độ cao hàng chục mét xuống một khoang chứa chung? Hay tại các khu dân cư đô thị hiện mỗi phường hàng nghìn dân chỉ 1-2 công nhân thu gom với vài xe đẩy, nếu rác có phân loại thì cũng cho chung vào một xe thu gom. Rồi khi xe ô tô chuyên dụng vận chuyển rác cũng phải tách riêng để đưa đến nơi tập kết cuối cùng v.v. Chỉ vài việc “tiền” phân loại như thế đã thấy nhiều vấn đề cần giải quyết và chi phí cũng cần thêm không ít… tiền!

Với lưu lượng hàng nghìn tấn rác sinh hoạt mỗi ngày thì thành phố nào cũng đang tăng tốc tiến trình hình thành những núi rác thải. Vấn đề xử lí rác thải sinh hoạt trên cả nước đã đến thời điểm “không có đường lùi”.  

Thông tin một nhà máy điện dùng nguồn rác thải sinh hoạt làm nguyên liệu tại Hà Nội vừa bước vào vận hành “ăn” hàng nghìn tấn mỗi ngày khiến dư luận vui mừng. Với khối lượng hàng chục nghìn tấn rác thải mỗi ngày của cả nước thì đây thực sự là một nguồn “nguyên liệu” vô tận cho hoạt động đốt rác phát điện. 

Nếu làm tốt các khâu trong quy trình thu gom rác thải sinh hoạt thì vấn đề “hậu” phân loại là xử lí sẽ không còn quá phức tạp.

Khi đó nhà máy nhiệt điện dùng nguyên liệu rác thải sẽ phát huy tối ưu hiệu quả, vấn đề ô nhiễm rác thải đô thị mới được giải quyết một cách căn bản./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11/8/2022

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Lãnh đạo vô liêm

 

Liêm sỉ CDC

          Dòng họ Vũ thôn tôi là một họ danh giá vì có một vài người học hành thành đạt trong đó có một ông làm đến lãnh đạo ngành thuế địa phương. Từ người già đến thanh niên khi so sánh trong thôn ai cũng tự hào, thậm chí cánh trẻ luôn vênh vang tự đắc khi nói về “họ tôi”. Đùng một cái, ông lãnh đạo làm ở ngành thuế bị bắt, đi tù về tội tham ô. Kể từ đó họ Vũ không ai dám nhắc tới từ “họ tôi”. Nhiều cụ khi dự việc làng đình đám còn né tránh, cho con cháu đi thay hoặc có đi cũng đến muộn hơn rồi sau đó lặng lẽ rút sớm. Việc xấu hổ vì con cháu, họ tộc, gia đình mình có người làm việc xấu âu cũng là việc thường tình vì dânViệt ta từ xưa vốn có truyền thống trọng liêm sỉ.

Sau khi phát lộ vụ lãnh đạo Công ty Việt Á hối lộ lãnh đạo CDC Hải Dương hàng chục tỉ đồng rồi lần lượt lãnh đạo CDC nhiều tỉnh thành lần lượt tra tay vào còng vì hoa hồng kit test Covid-19 nhiều người có suy nghĩ “lãnh đạo CDC một số địa phương không ăn hoa hồng của Việt Á chắc cũng hổ thẹn lây, nếu thực sự họ có liêm sỉ”. Không hổ thẹn sao được, khi mà những vị giám đốc CDC vừa hôm trước nói tôi không nhận một đồng từ Việt Á thì mấy ngày sau đã nhận lệnh truy tố, tra tay vào còng vì đã nhận rất nhiều tỉ đồng.

Vụ kít test này đã nhanh chóng lên phim và đang nóng màn ảnh truyền hình như một cú “đánh bồi” vào lòng tự trọng của những người đang làm tại CDC nhiều địa phương. “Dòng họ” CDC cả nước trong lúc này buồn chẳng khác nào “nhà có tang”!

Giữa lúc vụ việc như đang trong cơn “lửa cháy cơm sôi” vậy mà dư luận lại sững sờ biết đến một loạt tiệc “chia tay vàng” của nguyên Giám đốc CDC Quảng Ninh.


Được biết, ông Ninh Văn Chủ - cựu giám đốc CDC Quảng Ninh nhận quyết định nghỉ hưu vào ngày 29/7/2022. Trước khi nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ, đã có một loạt các sự kiện được tổ chức như ‘Tiệc tri ân’; ‘Lễ chia tay’; ‘Đêm giao lưu’... dành riêng cho ông cựu giám đốc CDC này, khách mời có đông đủ thành phần trong “Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc”.

Buổi tiệc được tổ chức trên 2 du thuyền 5 sao, gồm Âu Cơ 1 và Âu Cơ 2, (vì lượng khách quá đông, hai du thuyền phải cập mạn vào nhau để tạo thành một sân khấu nối liền giữa biển). Đây rõ ràng là bữa tiệc của “nhà giàu”, “đại gia” chứ người bình thường rất khó có điều kiện làm được như vậy. Không biết chi phí cho những buổi tiệc tùng xa hoa này là nguồn tiền từ đâu? của cá nhân cựu lãnh đạo CDC hay ngân sách Nhà nước?

Có lẽ Giám đốc CDC Quảng Ninh nói riêng và nhiều lãnh đạo CDC khác cũng là những đảng viên, dù đang công tác hay nghỉ hưu thì họ vẫn là đảng viên cộng sản. Một trong các nội dung của 19 điều đảng viên không được làm có quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc tổ chức tiệc tùng xa hoa như vậy rõ ràng đã không thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng.

Song, điều đáng buồn nhất là liêm sỉ của không ít lãnh đạo, trong đó có vị cựu giám đốc CDC trên hình như đã không tồn tại./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  9/8/2022

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Bệnh kinh niên giao thông

 

Căn nguyên ùn tắc giao thông Hà Nội

Có một lĩnh vực dù đã được đưa ra rất nhiều đề xuất, sáng kiến để giải quyết mà vẫn chưa có lời giải, đó là bài toán mang tên ùn tắc giao thông tại đô thị lớn!

Riêng Hà Nội bao năm qua đã sở hữu “đặc sản” mang tên ùn tắc giao thông nội đô. Đã có nhiều sáng kiến được đưa ra, nhất là các đề xuất hạn chế phương tiện giao thông cá nhân: Năm 2016, Sở Giao thông vận tải thành phố tổ chức lấy ý kiến cho lộ trình hạn chế xe máy theo 3 giai đoạn. Năm 2017 Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua đề án tăng cường quản lí phương tiện giao thông, theo đó xe máy sẽ dừng hoạt động ở các quận nội thành vào năm 2030. Tháng 10/2019, thành phố tiếp tục lấy ý kiến cho 2 phương án hạn chế xe máy. Cuối năm 2021, thành phố đưa ra đề xuất hạn chế xe máy từ vành đai 3 kết hợp với quốc lộ 5 kéo dài, giai đoạn 2026-2030 v.v.


 Giao thông tại một tuyến đường nội đô Hà Nội

Lâu nay người ta như chỉ thấy sự gia tăng ô tô, xe máy là căn nguyên dẫn tới ùn tắc giao thông. Hiện hệ thống giao thông công cộng (xe buýt) của Hà Nội đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu, nếu không có xe máy, ô tô riêng thì người dân đi bằng gì? Trong khi đó không ít phương tiện giao thông cá nhân còn là công cụ mưu sinh, hạn chế cũng đồng nghĩa gây khó thêm cho cuộc sống của người dân.

Nguyên nhân cơ bản nhất khiến tình trạng giao thông Hà Nội “không có lối thoát” hiện nay chính là vấn đề thực hiện quy hoạch dân cư và xây dựng nhà ở cao tầng. Một tòa chung cư cao 35-40 tầng mọc lên là cư dân có thể tăng thêm một phường (trong diện tích phường sở tại). Với thực trạng chung cư ken dày như tại bán đảo Linh Đàm, đường Lê Văn Lương, Tố Hữu… thì dân cư đã tương đương một vài quận mới. Cách đây chừng hơn chục năm, tuyến đường Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt… rất đẹp, rộng rãi và thông thoáng vì ít phương tiện. Vậy mà vài năm qua những tuyến đường này đều đã phải xén bớt dải cây xanh ở giữa để mở rộng mà vẫn ùn tắc giờ cao điểm. Tuyến đường Võ Chí Công hướng sang cầu Nhật Tân, Nội Bài ban đầu cũng rất thông thoáng. Tuy nhiên chỉ vài năm qua bên tuyến đường này đã có hàng chục tòa chung cư cao tầng mọc lên và tiến độ “ken dày” đang tăng tốc với nhiều tòa cao tầng mới vươn cao. Mươi năm nữa, rất có thể đây cũng trở thành một tuyến đường Lê Văn Lương mới!

Tháo gỡ, giải quyết vấn đề giao thông đô thị không phải là việc riêng của ngành giao thông nhưng hình như ngành này đang đơn độc trong xử lí. Mọi đề xuất hạn chế phương tiện sẽ không hiệu quả, khó có sự đồng thuận của người dân, thậm chí gây bức xúc xã hội.

Sáng kiến đề xuất cần nhất lúc này chính là quyết tâm của chính quyền trong kiềm chế đà phát triển nhà ở cao tầng nội đô, khu vực vốn đã quá tải từ lâu. Ai cũng biết “miếng bánh” chung cư thương mại ở đây luôn hấp dẫn với các nhà đầu tư và vô cùng “quyến rũ” nhà quản lí xây dựng.

Không giải quyết được “cái gốc” này thì Hà Nội mãi vẫn sẽ ùn tắc giao thông, thậm chí còn trầm trọng hơn trong tương lai gần!

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02/8/2022

Tinh giản ai?

 

Bài toán “tinh giản”

Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lí biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026. Theo đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Chủ trương tinh giản, nâng cao chất lượng bộ máy trong hệ thống chính trị là quyết tâm chính trị lớn, xuyên suốt của Đảng ta trong nhiều năm qua. Tuy nhiên cho đến nay bộ máy hành chính không những chưa giảm mà có những nơi, những bộ phận tiếp tục phình ra khiến nguồn lực ngân sách bảo đảm ngày một khó khăn. Nguyên nhân có nhiều song điều quan trọng nhất là việc đánh giá hiệu quả, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trên vị trí việc làm chưa đúng, chưa sát khiến khi muốn tinh giản thì chẳng biết tinh giản ai. Ví dụ, báo cáo của Chính phủ năm 2019, tỉ lệ công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (mức cao nhất) chiếm 23,52%, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 73,38%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực chỉ có 2,15% và không hoàn thành nhiệm vụ là 0,61%. Đối với viên chức, tỉ lệ này lần lượt là 23,58% - 70,84% - 4.96% và không hoàn thành nhiệm vụ là 0,46%. Vậy là nếu tinh giản biên chế công chức thì chỉ có thể giảm số hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực chiếm và không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 2,66%) trên mục tiêu 5%. Chỉ tiêu còn lại sẽ phải tinh giản trong số 73,38% công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vậy sẽ giảm ai và tại sao lại tinh giản người đang làm tốt nhiệm vụ của mình?

Căn bệnh thành tích trong giáo dục đã mang đến con số kết quả xếp hạng học sinh một số địa phương có tỉ lệ xuất sắc và giỏi chiếm hơn 94%, tỉ lệ kém chưa đến 1%. Phải chăng trong bộ máy hành chính trong hệ thống chính trị cũng đang tồn tại vấn đề mà mọi người hay gọi: “Bệnh thành tích”?


Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là việc định lượng công việc, nhiệm vụ trên từng vị trí của công chức, viên chức chưa rõ, chưa sát, còn chung chung, thậm chí định tính. Thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc thiếu hoặc không chuẩn thì bình xét cuối năm cũng sẽ cảm tính, không đúng thực tế.

Nếu việc lượng hóa nhiệm vụ trên cương vị chuẩn xác cùng với giải pháp đưa chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt không quá 95% (công chức) và không quá 90% (viên chức) sẽ cho ra đáp án con số 5-10% nhân sự cần được báo động vào vòng tinh giản. Nếu tình trạng đó ở mỗi nhân sự kéo dài một số năm nhất định sẽ là cơ sở để ra quyết định cắt hợp đồng lao động.

Làm được như vậy sẽ không còn thực trạng hàng chục phần trăm công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” mà vẫn yên tâm hưởng lương ngân sách./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  30/7/2022