Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Hội tầm phào chưa chắc đã tào lao

 

Chuyện hội hè

Năm trước tôi được anh bạn đồng nghiệp đã nghỉ hưu mời tham gia một cái hội có tên lạ “Hội những người viết báo chơi cá cảnh”. Biết chắc đây cũng như nhiều hội tầm phào khác, dù nể anh bạn nhưng tôi cũng đành xin kiếu với lí do quá bận.

Các hội đoàn “trăm hoa đua nở” những năm qua khiến nhiều người lãng phí thời gian, thậm chí cả tiền bạc mà hầu hết chẳng mang lại hiệu quả cho xã hội. Trào lưu hội hè đang ngày càng phát triển với những cái ngày thêm lạ lùng hơn. Chỉ sau vụ lùm xùm của ông giám đốc CDC Quảng Ninh mọi người mới biết có tổ chức hội mang tên Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc. Gần đây lại phát lộ một hội mới khi mạng xã hội bàn luận về Đại hội của Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Những hội mang tính chất giai tầng của một số người chức quyền có lẽ cũng chỉ mới phát triển thời gian gần đây nhưng nó đã được dư luận quan tâm.


Theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Hội được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên...

Thử chiếu theo nghị định trên thì các tổ chức như CLB Giám đốc CDC và Hội Tướng lĩnh đều không có trong quy định pháp luật. Giám đốc (thuộc chính quyền), tướng lĩnh là những chức danh cán bộ trong hệ thống chính trị, không phải là một giới. Các hội này không thể là một hội chính trị (vì Nhà nước đã có quy định cụ thể). Hội tướng lĩnh chắc chắn cũng không thể giọi là một hội xã hội. Nếu các tổ chức này được hình thành thì tôn chỉ mục đích sẽ có mâu thuẫn, chồng chéo với tổ chức hội khác hoặc với chức trách, nhiệm vụ của chính quyền. Chẳng hạn tôn chỉ “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên”, khi hội viên đều là những cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu, thì ai có thể xâm phạm mà bảo vệ? Các hội viên này cũng đâu cần “xóa đói giảm nghèo”… như tôn chỉ, mục đích của một hội kể trên?

Với những chức vụ, cương vị rất quan trọng khi đương chức, các hội trên không thể nói là không có tiếng nói chi phối hệ thống chính quyền.

Đảng ta từng một thời duy trì chế độ cố vấn, khi đó một số đồng chí lãnh đạo cao nhất dù đã nghỉ nhưng luôn được có tiếng nói với cá nhân và cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi đương chức từng chia sẻ với báo chí “Khi một người con đã trưởng thành, học nghề lái xe nghiêm túc, thi sát hạch tốt và được cấp bằng chính thống mà đi đâu người cha cũng ngồi lên xe cùng đi để chỉ đạo và hướng dẫn thì làm sao con tự chủ, tự tin để lái xe suôn sẻ và tiến bộ được…”. Chế độ cố vấn sau đó không còn duy trì song các thế hệ lãnh đạo sau đã luôn lắng nghe, cầu thị trước những ý kiến đúng đắn, sáng suốt của những người tiền nhiệm mà không cần một tổ chức cố vấn.

Đã đến lúc cơ quan quản lí Nhà nước cần chấn chỉnh việc thành lập và hoạt động của các tổ chức hội./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18/8/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét