Nhận diện tiêu cực
Chủ trương của Đảng ta mở rộng công cuộc phòng chống tham nhũng sang cả
các hành vi tiêu cực là vô cùng đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của cuộc
sống.
Tuy nhiên hành vi tiêu cực lại rất tinh vi không dễ để nhận biết. Thử
lấy ví dụ từ một trường hợp tai nạn giao thông mới đây đang khiến dư luận bức
xúc vì nhiều bất thường:
Đó là vụ tai nạn giao thông xảy ra tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh
Ninh Thuận. Một nữ sinh trường chuyên bị xe ô tô đâm tử vong trên đường từ
trường trở về sau khi đi đăng kí chuẩn bị cho kì thi. Điều bất thường đầu
tiên là người ta lại giám định nồng độ cồn của nạn nhân này và cho ra kết quả 0,79 mg/100 ml máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm xét nghiệm). Người lớn
tuổi uống rượu buổi sáng có nồng độ cồn như trên đã là hiếm, vậy mà một nữ
sinh vừa đến trường quay về (mới chừng 8h sáng) đã có lượng cồn như vậy thì
chỉ có thể đến trường để… nhậu! Thứ đến, nạn nhân vụ tai nạn đi đúng chiều
đường, bị xe ô tô đâm từ phía sau, vậy ai đã đưa ra quyết định giám định nồng
độ cồn? Nếu có nồng độ cồn thực thì có coi đây là căn cứ giảm nhẹ hành vi vi
phạm của lái xe ô tô hay sao? Điều bất thường nữa là khi có khiếu nại về kết
quả giám định của người nhà nạn nhân thì người ta mới phát hiện ra, đó là… nhầm!?
Còn với người gây tai nạn thì sao, nếu ai được xem đoạn video vụ tai nạn này
sẽ thấy ngay, khi ô tô vừa đâm văng em học sinh, lập tức lái xe đã mở cửa
xuống nhưng tay vẫn đang cầm chiếc điện thoại áp vào tai. Có thể khẳng định, lái
xe đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ…Hình ảnh vụ tai nạn được video ghi lạiĐặt giả thuyết, em nữ sinh trên là con của một quan chức hàng tỉnh xem
sao. Liệu bệnh viện tỉnh này có dám giám định nồng độ cồn gửi về cho gia
đình? Kẻ gây tai nạn rõ ràng đến thế liệu có đến tận chục ngày sau mới ra quyết
định khởi tố vụ án? Tin rằng, khi đó hệ thống hành pháp địa phương sẽ vận
hành “hết công suất” và quyết định trừng trị kẻ phạm tội đưa ra có thể chỉ tính
bằng giờ hoặc vài ngày!
Những bất thường của vụ việc này khó ngăn dư luận nghi ngờ có tiêu cực,
lợi ích nhóm bởi người gây tai nạn lại là một cán bộ quân đội tại địa phương.
Tham nhũng nguy hiểm thường được ví như giặc nội xâm, tuy nhiên hành vi
tiêu cực cũng là một loại giặc nội xâm không “đao to búa lớn” song lại đang
gặm nhấm niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ.
Vừa qua Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban
hành hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực. Hướng dẫn
nêu rõ 19 hành vi cần tập trung chỉ đạo phòng, chống. Ngay tại Điều 2 đã
có nội dung “Bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người
khác hoặc của tổ chức”.
Liệu vụ việc gây tai nạn giao thông kể trên có hành vi tiêu cực theo
quy định của Đảng? Dư luận đang mong vụ việc được giải quyết rốt ráo, đừng để
mãi “bùng nhùng” vì nó chỉ làm xói mòn niềm tin của Nhân dân vào hệ thống
công quyền./.
Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 12/8/2022 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét