Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Cần cách nhìn mới về chung cư

 

Bình đẳng quyền sở hữu đất ở

Bẵng đi một thời gian, vừa qua khi xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) Bộ Xây dựng lại đưa ra đề xuất từng bị dư luận phản ứng: Quy định thời hạn sử dụng chung cư 50 hoặc 70 năm (tại phương án 1). Hết thời hạn, quyền sở hữu của chủ căn hộ sẽ chấm dứt. 

Ai cũng biết rằng tuổi thọ một công trình xây dựng phụ thuộc vào chất lượng, kĩ thuật, vật liệu… được sử dụng khi thi công. Do vậy, quy định thời hạn phải căn cứ vào những vấn đề đó chứ không thể vì tên tuổi công trình.

Những công trình như Nhà hát lớn, Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ… (tại Hà Nội), Bưu điện trung tâm, Bảo tàng mỹ thuật, Bến Nhà Rồng… (tại TP Hồ Chí Minh) hay nhiều kiến trúc Pháp khác có lẽ tuổi đời đã trên trăm năm mà cho đến nay vẫn vững chắc, bền đẹp như thuở ban đầu. May mắn thay người Pháp đã không quy định thời hạn sử dụng những công trình này là 50 hay 70 năm!


Nhà hát lớn Hà Nội

Một thực trạng buồn là hàng nghìn căn chung cư tại các đô thị được xây dựng từ những thập niên 70, 80 thế kỉ trước nay xập xệ mất mĩ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn song đang bế tắc về cách giải quyết. Phải chăng từ chuyện khó khăn cải tạo, xây mới các chung cư cũ này mà cơ quan quản lí muốn tạo một nền tảng pháp lí mới để tương lai dễ giải quyết với chung cư cũ? Kĩ thuật, chất lượng xây dựng nhà ở, chung cư hiện nay đã khác xa và tiến bộ vượt bậc so với cách đây 40-50 năm, không thể nhìn thực trạng hiện tại của chung cư cũ để xây dựng pháp lí cho hàng chục năm sau. Cần có quan điểm và cách nhìn đúng đắn, khách quan và khoa học về thời hạn sử dụng công trình hiện nay, không chỉ nhà chung cư.

Người dân sở hữu căn hộ chung cư, suy đến cùng là bình đẳng với người có căn hộ riêng lẻ. Mỗi người khi mua căn hộ cũng đồng thời là mua quyền sử dụng đất ở của căn chung cư đó dù nó rất nhỏ (vì phải chia bình quân cho diện tích các tầng nhà). Dù nhà ở loại gì thì cũng phải gắn với đất ở, không thể tồn tại trên không trung. Nếu quy định thời hạn 50, 70 năm thì chỉ có thể là thời hạn của công trình xây dựng đó chứ không thể là thời hạn quyền sử dụng đất ở của người đã sở hữu. Hết thời hạn, khi công trình xuống cấp cần cải tạo hay xây mới thì quyền sở hữu vẫn không thể thay đổi.

Nên chăng cơ quan quản lí cần xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn một cách khoa học để thẩm định, đánh giá sự an toàn của các công trình khi xây dựng, từ đó quyết định thời hạn sử dụng cho phù hợp. Việc này cần áp dụng với toàn bộ các công trình (trong đó có chung cư và nhà ở riêng lẻ), bởi tại Hà Nội đã từng xảy ra những vụ sập nhà riêng lẻ do cũ nát.

Khi xây dựng pháp luật, cơ quan quản lí cần dựa trên nền tảng pháp lí cao nhất về quyền sở hữu nhà ở, đất ở của cá nhân đã được pháp luật bảo vệ. Không thể vì chất lượng, tên gọi công trình mà tước đi quyền sở hữu hợp pháp của người dân./.

Đinh Hoàng

 Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  28/9/2022  

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

Bảo tồn lạc hậu

 

 Độc đáo hay kì dị?

Theo từ điển, độc đáo là biểu hiện tính chất riêng của mình, không phỏng theo những gì đã có xưa nay, không giống, không lẫn với những gì có ở người khác và thường nói về nét đẹp, sáng tạo (ý tưởng độc đáo, kiến trúc độc đáo…).

Có một thực trạng kì lạ đang được một số người cho là độc đáo tại phố cà phê đường tàu (đoạn từ ga Long Biên đến ga Hà Nội). Tại đây, khách hàng ngồi uống cà phê chỉ cách ray đường tàu chừng hơn một mét, khách du lịch thì dàn hàng ngang trên đường ray chụp ảnh, thậm chí vô tư ngồi, nằm xuống để chụp được những bức ảnh độc lạ!

Vừa qua công an hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) lại đồng loạt ra quân, hàng rào được dựng lên để ngăn người dân và du khách vào các quán “cà phê đường tàu” thuộc 2 phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) và Điện Biên (quận Ba Đình). Các hộ đang kinh doanh này đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt.


Mỗi khi cơ quan chức năng muốn dẹp bỏ việc kinh doanh cà phê tại tuyến đường tàu này là lại có những ý kiến trái chiều, muốn duy trì nó với lí do “phát triển kinh tế du lịch” và “giữ lại một địa điểm độc đáo của Hà Nội”. Tiếc thay ý kiến này không chỉ của một số người vì lợi ích riêng mà còn có sự cổ súy của một vài đơn vị truyền thông. Họ cho đây là “sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội”, là thứ đóng góp vào kinh tế Thủ đô, kế mưu sinh của người dân! Có kênh truyền hình phỏng vấn mấy ông “Tây ba lô”, một vài du khách thích sống ảo như thể đây là đánh giá khách quan của du khách cả trong nước và quốc tế!?

Nếu chiểu theo khái niệm từ điển thì quả là cách kinh doanh này cũng “biểu hiện tính chất riêng của mình… không giống, không lẫn với những gì có ở người khác”, bởi trên thế giới chẳng quốc gia nào cho phép sự tùy tiện, vô pháp như vậy. Có lẽ sự kì dị và tính nguyên sơ lạc hậu như cách đây hàng trăm năm đã khiến khách Tây tò mò mà thôi. Đây không thể coi là nét đẹp của việc kinh doanh hay văn hóa bởi đó không thể hiện tính mới, tính sáng tạo và nhân văn, khi mà người kinh doanh coi thường pháp luật, bất chấp sự an toàn tính mạng của khách hàng. Cũng không thể biện minh vì sinh kế của dân bởi Hà Nội còn có hàng vạn người sống trong các ngõ phố chật hẹp mà vẫn có kế mưu sinh, đâu cần vi phạm quy định của luật pháp?

Hà Nội cần du khách tìm đến du lịch với những di sản vật thể và phi vật thể mang nét đẹp của văn hóa, nét đẹp trong phong cách con người Hà Nội suốt chiều dài lịch sử nghìn năm văn hiến và cuộc sống văn minh hiện đại chứ không thể là ấn tượng về sự tùy tiện, nhếch nhác, lạc hậu.

Đã đến lúc Hà Nội và ngành đường sắt cần cùng nhau bàn bạc để đưa ra các giải pháp khắc phục cơ bản một tồn tại của lịch sử. Việc này cần quyết tâm chính trị và nguồn lực lớn của cả trung ương và địa phương, sự ủng hộ của báo chí, truyền thông. Mong việc ra quân lần này không lặp lại những lần ra quân trước và Hà Nội sẽ dẹp được một hình thái kinh doanh kì dị./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  23/9/2022

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Nền giáo dục lợi nhuận

 

“Mỏ vàng” sách giáo khoa

Có người đã đưa ra khái niệm: Khoa học là biến cái phức tạp thành cái đơn giản. Biến những thứ rối rắm, phức tạp thành thứ mà ai cũng dễ dàng nhận ra, đó mới là sự cao siêu của khoa học mà con người đang nỗ lực vươn tới. Thế nhưng nay lại có chuyện người ta đang biến những thứ tương đối đơn giản thành sự dài dòng, phức tạp,  đó là nội dung một vài cuốn sách giáo khoa (SGK).


Việc làm SGK phổ thông hiện nay đang theo khuynh hướng “SGK dày cho một nội dung mỏng”. Người biên soạn sách đang cố gắng kéo dài thời gian giảng dạy và cách trình bày cho cùng một nội dung so với sách thời trước. Cách đây mấy chục năm, dưới thời Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, SGK cho tất cả môn học của hệ giáo dục phổ thông được viết ra chỉ bởi một nhóm nhỏ tác giả trong một khoảng thời gian ngắn, dưới sự chủ biên của giáo sư Hoàng Tụy. Thù lao viết sách được trả bằng lương, bồi dưỡng không đáng kể, Chính phủ không phải trả chi phí cho các dự án.

Chỉ đơn cử ví dụ: Trẻ lớp 1 những năm 1990 không cần nhiều bài học như hiện nay và cũng chỉ dùng hết hai cuốn vở ô li mỏng để nhận biết và cộng trừ từ 1 đến 100. Trẻ nhà nghèo thậm chí có thể học cộng trừ từ 1 đến 100 với bút bằng cành tre và giấy là bãi đất cát, trong khoảng mươi bài học…  

Thế nhưng SGK hiện hành, để dạy học sinh các số từ 1 đến 100 và cộng trừ từ 1 đến 100, sách Toán 1 (bộ Cánh Diều) cần đến 172 trang giấy khổ lớn (18,5cm x 26cm), cùng hai cuốn vở bài tập Toán 1 (17cm x 24 cm), gồm 76 bài, dày 162 trang. Đích cuối cùng cũng đều là cộng trừ từ 1 đến 100 mà thôi! Các tác giả viết sách đã “nỗ lực” làm cho bộ sách “phong phú, màu sắc, bắt mắt hơn”... để thu hút “khách hàng”. Vì thế mà mọi tổ hợp của phép cộng trừ các số từ 1 đến 100 được liệt kê ra với đủ kiểu tranh vẽ minh họa. Những thứ “hơn” vô ích này không chỉ làm dày cuốn sách, tăng tiền in ấn, mà tai hại hơn, đi ngược với tiến bộ và khoa học giáo dục.  

Năm 2014, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất chi 34.275 tỉ đồng để đổi mới chương trình và SGK. Con số quá lớn khiến dư luận xôn xao và nhiều ý kiến phản biện nên về sau đã được giảm xuống. Song, qua ba nhiệm kì bộ trưởng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã chi những khoản tiền khổng lồ để viết lại SGK và sẽ còn phải chi nữa cho đến khi hoàn tất bộ SGK mới (hiện mới có bộ sách cho lớp 3, 7 và lớp 10). Song song đó là chi phí mua sách hằng năm ngốn hàng nghìn tỉ đồng của phụ huynh học sinh.

Ai cũng nhận ra, cách làm sách, định giá sách hiện nay đang mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho nhà làm sách. Còn với học sinh thì chưa biết hiệu quả ra sao nhưng hiện các nhà trường đang “rối mù” vì chuyện lựa chọn SGK mới “một chương trình, nhiều SGK”!

Việc làm sách vì mục tiêu lợi nhuận, coi thị trường SGK như một “mỏ vàng” không những làm mất đi tính khoa học trong giáo dục mà nó đang gây lãng phí và tạo gánh nặng cho xã hội./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23/9/2022  

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Níu kéo danh hão

 

Học làm dân

Với nhiều người khi nghỉ hưu mới thực sự được làm một người… dân!

Thực tiễn không ít người khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học được tuyển vào công chức, viên chức nhà nước sau đó là quá trình thăng tiến từ chức vụ nhỏ đến lớn nên đã không thể có thời gian để… làm dân.

Khi còn công tác trong quân đội tôi cũng chỉ đôi lần vào vai dân đến cửa thủ tục hành chính để giải quyết việc riêng, còn lại đa số phó thác cho vợ đi giải quyết. Đó là lần đi làm thủ tục tách công tơ điện khi gia đình có người tách hộ khẩu. Lần đầu tôi đến được nhân viên điện lực lướt nhanh qua hồ sơ rồi trả ngay vì chưa có giấy đề nghị mua điện. Lần thứ hai đến thì nhân viên điện lực lại chỉ ra là thiếu giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Lần thứ ba đến tiếp tục được nhân viên điện lực cho biết cần có một bản xác nhận của cảnh sát khu vực về lưu trú đồng thời hẹn 2 tuần để  nhân viên điện lực đi khảo sát hệ thống điện của gia đình xem có lắp được thêm công tơ hay không. “Quá tam ba bận” đi đi lại lại tôi mới hoàn chỉnh được bộ hồ sơ để được tách công tơ. Nếu nhân viên điện lực kiểm tra kĩ càng ngay lần đầu, hướng dẫn cụ thể, chỉ ra các loại giấy tờ cần thiết thì tôi đã không phải đi lại mấy lần như vậy. Lần sau cùng mang bản xác nhận của cảnh sát khu vực đến tôi định bụng góp ý thẳng thắn về cách làm việc gây phiền hà cho dân của nhân viên này nhưng chợt nghĩ, chắc gì họ đã tiếp thu, thậm chí bực lên rồi “ngâm” hồ sơ, chưa biết khi nào mới xong nên đành thôi. Khi chia sẻ chuyện này với một người bạn, ông tỏ ra tiếc bảo sao không nói trước vì ông có thể giúp làm đơn giản, nhanh chóng. Ông cho biết có người bạn là cán bộ cấp phòng của quận này, khi ông nhờ tách công tơ, anh này chỉ cần nói trước với bên điện lực, ông chỉ việc nộp hồ sơ cơ bản, thiếu cái gì nhân viên điện lực gọi điện thoại để hoàn thiện chứ không cần đi lại nhiều lần. Vậy là khi vào “vai dân” tôi mới ngộ ra, cách phục vụ “quan” với dân của cơ quan công quyền đôi khi cũng có sự khác nhau!

Một hội lãnh đạo, những người không muốn làm dân

Gần đây nở rộ trào lưu người được nghỉ hưu song vẫn không muốn làm dân dù ai cũng biết “quan nhất thời, dân vạn đại”. Cứ nhìn vào một số tổ chức được tùy hứng lập ra như Hội tướng lĩnh Đức Thọ (Hà Tĩnh), Câu lạc bộ giám đốc CDC miền Bắc rồi mới đây là Hội Lãnh đạo Sở và các Trưởng phòng, ngành giáo dục Hà Tĩnh… thì mới thấy nhiều quan chức dù “hết quan” nhưng vẫn chưa muốn “hoàn dân”. Dù lí do đưa ra là để đóng góp những điều tốt cho xã hội nhưng thực chất họ chỉ muốn giữ mãi cái danh bởi biết từ cái danh cũng có thể sinh ra cái thực!

Quan chức khi nghỉ hưu muốn đóng góp cho xã hội không gì hơn hãy trở thành những dân thường thực thụ, lúc đó mới có thể nhận ra những điều mà khi đương chức dù có “vi hành” cũng khó biết được. Và khi đó người ta mới có thể đưa ra được ý kiến ích nước, lợi dân.

Xem ra với một số công chức, học làm dân cũng không dễ dàng gì!

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  15/9/2022

Người giàu có dạy được cách sống?

 

Khuôn mẫu của “cá mập”

Chương trình Thương vụ bạc tỉ (tên tiếng Anh: Shark Tank Vietnam) là chương trình truyền hình khá nổi tiếng dành cho các startup trẻ. Chương trình truyền cảm hứng cho các người chơi là doanh nhân khởi nghiệp thực hiện các bài thuyết trình về những sản phẩm độc đáo của họ trước một hội đồng các nhà đầu tư, tường thuật lại quá trình thương thuyết để thuyết phục các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào dự án kinh doanh của mình... Các Shark (còn được hiểu như những “cá mập” về kinh nghiệm kinh doanh và vốn đầu tư) thường được chọn trong số các doanh nhân thành đạt, sẵn sàng rót vốn cho ứng viên tiềm năng có thể giúp đồng vốn của họ sinh lời.

Những ứng viên tài năng cùng những khoản đầu tư bạc tỉ đã mang lại thương hiệu cho chương trình truyền hình và không thể phủ nhận, nó cũng mang đến thương hiệu cho chính các… “cá mập”! Chẳng thế mà khán giả truyền hình thường gắn tên các nhà đầu tư với cá mập như Shark Hưng, Shark Bình, Shark Linh...

Trên diễn đàn truyền thông, các “cá mập” thỏa sức cật vấn ứng viên gọi vốn và khi quá đà họ còn đưa ra những lời khuyên, răn dạy dạng như phải sống thế này, nên ứng xử thế kia. Có câu “miệng nhà quan có gang có thép”, còn nhà giàu thì “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Các nhà đầu tư sẵn tiền, mạnh bạo đầu tư cũng là chuyện thường tình song bạo nói, bạo dạy cách sống có lẽ đã vượt quá chức năng của một nhà đầu tư kinh doanh. Vừa qua phát ngôn của một vài Shark đã gây bão dư luận khi đưa ra những quan điểm riêng. Ví dụ, Shark Linh (bà Thái Vân Linh, Giám đốc Đầu tư tại DFJ VinaCapital) nói: ‘Có người chỉ sáng thức dậy đi làm, tối về coi truyền hình, hoặc đi nhậu với bạn. Mục tiêu trong cuộc sống của họ là gì họ cũng không biết. Họ không biết mình muốn gì, nhưng vẫn muốn sung sướng’; còn Shark Bình (Chủ tịch Tập đoàn NextTech) thì: ‘Dành thời gian cho việc giải trí, xem phim, nghe nhạc, chat chít… thì bản chất chúng ta vẫn chưa có đam mê. Và như vậy, chúng ta đang sống một cuộc sống vật vờ và khó bứt phá, khó thành công được’… Những quan điểm riêng này sao có thể áp đặt cho mọi người? Cuộc sống của con người đâu chỉ có kiếm tiền, làm giàu. Con người ta có thể chưa giàu về vật chất song dứt khoát không thể nghèo về tinh thần! Không giải trí, thưởng thức nghệ thuật, kết giao, chuyện trò với bầu bạn… thì sao giàu có về tâm hồn?

Dân mạng nói về ồn ào ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Dù có tiền tài hay danh vọng, mất mát lớn nhất vẫn là gia đình - Ảnh 1.

Hai vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên, một gia đình "cá mập"

Các doanh nhân thành đạt trong kinh doanh là rất đáng trân trọng, họ có thể là những khuôn mẫu cho người khác học hỏi việc kinh doanh, khởi nghiệp. Tuy nhiên mục tiêu của cuộc sống là hạnh phúc chứ không phải đồng tiền. Người ta có thể dành rất nhiều tâm sức, thời gian làm việc, kiếm tiền song cuối cùng là để có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ vật chất và phong phú tâm hồn. Thực tiễn có không ít “nhà giàu vẫn khóc” đó thôi.

          Ông chủ Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ từng bất lực thốt lên với vợ trong phiên tòa xét xử li hôn: “Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”. Chỉ một ví dụ về gia đình đại gia giàu có đã cho ta biết bao điều đáng suy nghĩ/

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  14/9/2022

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Cánh tay nối dài của chủ nhiệm lớp

 

Có nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Cứ mỗi khi bước vào năm học mới là lại dấy lên chuyện lạm thu. Mọi bức xúc lạm thu thường hướng vào Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) như thể “tội đồ” vì đây là đầu mối thu hộ và cũng tham gia chi hộ một số khoản qũy.

Việc phụ huynh và dư luận “dị ứng” với Ban đại diện CMHS cũng có cái lí riêng. Khi còn là một phụ huynh tôi thấy việc chọn thành viên Ban đại diện CMHS thường được giáo viên chủ nhiệm hoặc một vài cá nhân gợi ý, nhân sự nhằm vào người “có điều kiện” (kinh tế, vị thế…) chứ không vì khả năng tổ chức, hỗ trợ giáo dục. Thành viên Ban đại diện CMHS cũng thường là người đề xuất mức thu quỹ và nhanh chóng “gương mẫu” đóng trước. Công việc của Ban đại diện CMHS trong năm học thường chỉ là thăm tặng quà thầy cô nhân các dịp lễ, tết, ốm đau và khen thưởng học sinh cuối năm. Gần chục năm là phụ huynh học sinh tôi chưa được dự cuộc họp nào do Ban đại diện CMHS tổ chức có tính chuyên đề bàn về giáo dục hay quản lí học sinh.

Phụ huynh băn khoăn về những khoản đóng góp tự nguyện năm học mới - Ảnh 1.

Danh sách đóng góp tài trợ giáo dục của lớp 10 ở 1 trường THPT tại TPHCM

Trước những ý kiến đề xuất bỏ Ban đại diện CMHS, một lãnh đạo Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT từng khẳng đinh Bộ đã có quy định rất rõ trong Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Vậy Thông tư này có những quy định cụ thể như thế nào?

Tại Điều 4 của điều lệ Ban đại diện CMHS ban hành kèm theo thông tư trên quy định về nhiệm vụ của Ban đại diện CMHS lớp là: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; Bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; Giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; và, quyền hạn gồm: Quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện CMHS lớp) sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp; Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lí giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học; Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm.

Như vậy tuyệt nhiên không có điều nào cho phép Ban đại diện CMHS vận động gây quỹ, thu chi quỹ hoặc thu hộ các khoản thu của trường, của lớp. Lâu nay hầu hết các trường đã tùy tiện cho phép Ban đại diện CMHS hoạt động không đúng nhiệm vụ và quyền hạn, trong khi nội dung quan trọng nhất là các hoạt động hỗ trợ giáo dục dường như bị xem nhẹ.

Nếu Ban đại diện CMHS không thể hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn như quy định tại Thông tư 55 mà chỉ lo thu chi quỹ thì việc xem xét đề xuất bỏ tổ chức này là có cơ sở./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08/9/2022  

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Thói xấu chia rẽ khối đoàn kết

 

Thói kì thị

Hồi tôi mới nhập ngũ vào đơn vị, do tân binh ở nhiều vùng miền nên ban đầu thường tụ nhóm theo quê hương (làng, xã, huyện, tỉnh). Sau một thời gian sống cùng nhau thì “tính đồng hương” giảm đi và dần hình thành các nhóm bạn bè theo tính cách, sở thích hoặc đơn giản chỉ là… hợp nhau. Thế nhưng có một chuyện cứ khi nào được khơi ra là chắc chắn dẫn đến… cãi nhau, đó là câu chuyện gọi tên con tôm, con tép.

Thực tiễn cách gọi tôm tép theo vùng miền có sự khác nhau, dân vùng ven biển, đồng bằng thường gọi tôm, tép là hai loại (có hình dáng giống nhau); còn dân vùng trung du, miền núi thì gọi tép là tổng hợp những con cá cỡ nhỏ, còn tôm thì chỉ phân biệt tôm to, tôm nhỏ với hình dáng giống nhau (tôm càng, tôm riu…). Mỗi khi “vấn đề tôm tép” được đưa ra là vùng nào cũng cho rằng cách gọi của “quê tôi” là đúng! Thậm chí đến mức đồng chí chính trị viên đại đội phải vào cuộc dàn hòa: “Các đồng chí gọi theo cách nói quê mình thì chẳng ai sai, vì đó là bản sắc, tập quán riêng. Nếu ai thích mất đoàn kết thì hãy tranh luận chuyện này. Mà đơn vị quân đội mất đoàn kết thì lấy đâu ra sức mạnh?”.

 

Thực tế mỗi miền quê đều có những phong tục, tập quán, nét văn hóa, lời nói, giọng điệu riêng, có nét đẹp và cả những thói tật, tồn tại... Những thói hư, tật xấu hoặc tập quán không đẹp nếu được nêu ra thường đánh vào lòng tự trọng của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng riêng. Con người thường mắc tật xấu nhất, đó là chỉ thích xoáy vào tật xấu của người khác, không muốn nói đến cái hay, cái đẹp của họ và thường quên đi cái chưa đẹp, thói tật của chính mình.

Vừa qua, một tài khoản trên mạng xã hội đã đăng tải video với nội dung thể hiện quan điểm chê người miền Trung với những cụm từ không thiện cảm, thậm chí miệt thị. Ngay sau khi video này được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội đã có rất nhiều người lên án gay gắt hành động kì thị vùng miền.

Chúng ta đều biết miền Trung, một dải đất bao đời hứng chịu những khó khăn, gian nan của cả thiên tai lẫn địch họa. Thế nhưng cũng chính dải đất này đã sinh ra bao hào kiệt, nhân tài đóng góp lớn lao cho đất nước. Một vùng miền đầy gian lao và anh dũng trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, ai cũng xứng đáng tự hào, sao lại khơi nên vài thói tật mang tính cá nhân để quy kết? Nếu không có bề dày truyền thống cưu mang, đoàn kết chống chọi với khó khăn, chịu thương chịu khó, nếu không có đức tính cần cù trong lao động, học tập… thì sao làm nên những kì tích trong suốt hàng trăm năm qua? Khi ai đó muốn xoáy và một vài thói tật cá nhân để hạ thấp cả một cộng đồng thì chắc chắn người đó có động cơ không tốt.

Hiện nay một số kẻ xấu, thế lực thù địch thường đưa ra những chuyện khác biệt vùng miền để gây nên sự kì thị, phân biệt, từ đó phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thứ mà chúng sợ nhất và khó công phá nhất. Ai sa đà vào những chuyện kì thị vùng miền là đã mắc mưu kẻ xấu, trở thành “hạt nhân” làm việc không công cho chúng./.

Đinh Hoàng

 Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30/8/2022