Độc đáo hay kì dị? Theo từ điển, độc đáo là
biểu hiện tính chất riêng của mình, không phỏng theo những gì đã có xưa nay,
không giống, không lẫn với những gì có ở người khác và thường nói về nét đẹp,
sáng tạo (ý tưởng độc đáo, kiến trúc độc đáo…). Có một thực trạng kì lạ
đang được một số người cho là độc đáo tại phố cà phê đường tàu (đoạn từ ga
Long Biên đến ga Hà Nội). Tại đây, khách hàng ngồi uống cà phê chỉ cách ray đường
tàu chừng hơn một mét, khách du lịch thì dàn hàng ngang trên đường ray chụp
ảnh, thậm chí vô tư ngồi, nằm xuống để chụp được những bức ảnh độc lạ! Vừa qua công an hai quận
Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) lại đồng loạt ra quân, hàng rào được dựng lên
để ngăn người dân và du khách vào các quán “cà phê đường tàu” thuộc 2 phường
Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) và Điện Biên (quận Ba Đình). Các hộ đang kinh
doanh này đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Mỗi khi cơ quan chức năng
muốn dẹp bỏ việc kinh doanh cà phê tại tuyến đường tàu này là lại có những ý
kiến trái chiều, muốn duy trì nó với lí do “phát triển kinh tế du lịch” và
“giữ lại một địa điểm độc đáo của Hà Nội”. Tiếc thay ý kiến này không chỉ của
một số người vì lợi ích riêng mà còn có sự cổ súy của một vài đơn vị truyền
thông. Họ cho đây là “sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội”, là thứ đóng góp
vào kinh tế Thủ đô, kế mưu sinh của người dân! Có kênh truyền hình phỏng vấn
mấy ông “Tây ba lô”, một vài du khách thích sống ảo như thể đây là đánh giá
khách quan của du khách cả trong nước và quốc tế!?
Nếu chiểu theo khái niệm
từ điển thì quả là cách kinh doanh này cũng “biểu hiện tính chất riêng của
mình… không giống, không lẫn với những gì có ở người khác”, bởi trên thế giới
chẳng quốc gia nào cho phép sự tùy tiện, vô pháp như vậy. Có lẽ sự kì dị và
tính nguyên sơ lạc hậu như cách đây hàng trăm năm đã khiến khách Tây tò mò mà
thôi. Đây không thể coi là nét đẹp của việc kinh doanh hay văn hóa bởi đó
không thể hiện tính mới, tính sáng tạo và nhân văn, khi mà người kinh doanh
coi thường pháp luật, bất chấp sự an toàn tính mạng của khách hàng. Cũng không
thể biện minh vì sinh kế của dân bởi Hà Nội còn có hàng vạn người sống trong
các ngõ phố chật hẹp mà vẫn có kế mưu sinh, đâu cần vi phạm quy định của luật
pháp? Hà Nội cần du khách tìm đến
du lịch với những di sản vật thể và phi vật thể mang nét đẹp của văn hóa, nét
đẹp trong phong cách con người Hà Nội suốt chiều dài lịch sử nghìn năm văn
hiến và cuộc sống văn minh hiện đại chứ không thể là ấn tượng về sự tùy tiện,
nhếch nhác, lạc hậu. Đã đến lúc Hà Nội và ngành
đường sắt cần cùng nhau bàn bạc để đưa ra các giải pháp khắc phục cơ bản một
tồn tại của lịch sử. Việc này cần quyết tâm chính trị và nguồn lực lớn của cả
trung ương và địa phương, sự ủng hộ của báo chí, truyền thông. Mong việc ra
quân lần này không lặp lại những lần ra quân trước và Hà Nội sẽ dẹp được một
hình thái kinh doanh kì dị./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 23/9/2022 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét