Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Cánh tay nối dài của chủ nhiệm lớp

 

Có nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Cứ mỗi khi bước vào năm học mới là lại dấy lên chuyện lạm thu. Mọi bức xúc lạm thu thường hướng vào Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) như thể “tội đồ” vì đây là đầu mối thu hộ và cũng tham gia chi hộ một số khoản qũy.

Việc phụ huynh và dư luận “dị ứng” với Ban đại diện CMHS cũng có cái lí riêng. Khi còn là một phụ huynh tôi thấy việc chọn thành viên Ban đại diện CMHS thường được giáo viên chủ nhiệm hoặc một vài cá nhân gợi ý, nhân sự nhằm vào người “có điều kiện” (kinh tế, vị thế…) chứ không vì khả năng tổ chức, hỗ trợ giáo dục. Thành viên Ban đại diện CMHS cũng thường là người đề xuất mức thu quỹ và nhanh chóng “gương mẫu” đóng trước. Công việc của Ban đại diện CMHS trong năm học thường chỉ là thăm tặng quà thầy cô nhân các dịp lễ, tết, ốm đau và khen thưởng học sinh cuối năm. Gần chục năm là phụ huynh học sinh tôi chưa được dự cuộc họp nào do Ban đại diện CMHS tổ chức có tính chuyên đề bàn về giáo dục hay quản lí học sinh.

Phụ huynh băn khoăn về những khoản đóng góp tự nguyện năm học mới - Ảnh 1.

Danh sách đóng góp tài trợ giáo dục của lớp 10 ở 1 trường THPT tại TPHCM

Trước những ý kiến đề xuất bỏ Ban đại diện CMHS, một lãnh đạo Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT từng khẳng đinh Bộ đã có quy định rất rõ trong Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Vậy Thông tư này có những quy định cụ thể như thế nào?

Tại Điều 4 của điều lệ Ban đại diện CMHS ban hành kèm theo thông tư trên quy định về nhiệm vụ của Ban đại diện CMHS lớp là: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; Bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; Giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; và, quyền hạn gồm: Quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện CMHS lớp) sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp; Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lí giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học; Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm.

Như vậy tuyệt nhiên không có điều nào cho phép Ban đại diện CMHS vận động gây quỹ, thu chi quỹ hoặc thu hộ các khoản thu của trường, của lớp. Lâu nay hầu hết các trường đã tùy tiện cho phép Ban đại diện CMHS hoạt động không đúng nhiệm vụ và quyền hạn, trong khi nội dung quan trọng nhất là các hoạt động hỗ trợ giáo dục dường như bị xem nhẹ.

Nếu Ban đại diện CMHS không thể hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn như quy định tại Thông tư 55 mà chỉ lo thu chi quỹ thì việc xem xét đề xuất bỏ tổ chức này là có cơ sở./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08/9/2022  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét