“Mỏ
vàng” sách giáo khoa Có người đã đưa ra khái niệm: Khoa học
là biến cái phức tạp thành cái đơn giản. Biến những thứ rối rắm, phức tạp
thành thứ mà ai cũng dễ dàng nhận ra, đó mới là sự cao siêu của khoa học mà
con người đang nỗ lực vươn tới. Thế nhưng nay lại có chuyện người ta đang biến
những thứ tương đối đơn giản thành sự dài dòng, phức tạp, đó là nội dung một vài cuốn sách giáo khoa
(SGK). Việc làm SGK phổ thông hiện nay đang
theo khuynh hướng “SGK dày cho một nội dung mỏng”. Người biên soạn sách đang
cố gắng kéo dài thời gian giảng dạy và cách trình bày cho cùng một nội dung
so với sách thời trước. Cách đây mấy chục năm, dưới thời Bộ trưởng Bộ Giáo
dục Nguyễn Văn Huyên, SGK cho tất cả môn học của hệ giáo dục phổ thông được
viết ra chỉ bởi một nhóm nhỏ tác giả trong một khoảng thời gian ngắn, dưới sự
chủ biên của giáo sư Hoàng Tụy. Thù lao viết sách được trả bằng lương, bồi
dưỡng không đáng kể, Chính phủ không phải trả chi phí cho các dự án.
Chỉ đơn cử ví dụ: Trẻ lớp 1 những năm
1990 không cần nhiều bài học như hiện nay và cũng chỉ dùng hết hai cuốn vở ô
li mỏng để nhận biết và cộng trừ từ 1 đến 100. Trẻ nhà nghèo thậm chí có thể
học cộng trừ từ 1 đến 100 với bút bằng cành tre và giấy là bãi đất cát, trong
khoảng mươi bài học… Thế nhưng SGK hiện hành, để dạy học
sinh các số từ 1 đến 100 và cộng trừ từ 1 đến 100, sách Toán 1 (bộ Cánh Diều)
cần đến 172 trang giấy khổ lớn (18,5cm x 26cm), cùng hai cuốn vở bài tập Toán
1 (17cm x 24 cm), gồm 76 bài, dày 162 trang. Đích cuối cùng cũng đều là cộng
trừ từ 1 đến 100 mà thôi! Các tác giả viết sách đã “nỗ lực” làm cho bộ sách
“phong phú, màu sắc, bắt mắt hơn”... để thu hút “khách hàng”. Vì thế mà mọi
tổ hợp của phép cộng trừ các số từ 1 đến 100 được liệt kê ra với đủ kiểu
tranh vẽ minh họa. Những thứ “hơn” vô ích này không chỉ làm dày cuốn sách,
tăng tiền in ấn, mà tai hại hơn, đi ngược với tiến bộ và khoa học giáo dục. Năm 2014, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề
xuất chi 34.275 tỉ đồng để đổi mới chương trình và SGK. Con số quá lớn khiến
dư luận xôn xao và nhiều ý kiến phản biện nên về sau đã được giảm xuống.
Song, qua ba nhiệm kì bộ trưởng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã chi những
khoản tiền khổng lồ để viết lại SGK và sẽ còn phải chi nữa cho đến khi hoàn
tất bộ SGK mới (hiện mới có bộ sách cho lớp 3, 7 và lớp 10). Song song đó là
chi phí mua sách hằng năm ngốn hàng nghìn tỉ đồng của phụ huynh học sinh. Ai cũng nhận ra, cách làm sách, định
giá sách hiện nay đang mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho nhà làm
sách. Còn với học sinh thì chưa biết hiệu quả ra sao nhưng hiện các nhà
trường đang “rối mù” vì chuyện lựa chọn SGK mới “một chương trình, nhiều SGK”! Việc làm sách vì mục tiêu lợi nhuận,
coi thị trường SGK như một “mỏ vàng” không những làm mất đi tính khoa học
trong giáo dục mà nó đang gây lãng phí và tạo gánh nặng cho xã hội./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 23/9/2022 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét