Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Giun tặc

 

Ai chặn “giun tặc”?

 “Bác Giun đào đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà…”.

Đó là bài thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa viết từ năm 1967 như tỏ lòng thương xót cho “bác Giun”, một lao động miệt mài, thân thiết với nhà nông đã ra đi. Đây chỉ là nỗi buồn cho một “bác Giun”. Hiện nay cả họ nhà giun đang đứng trước thảm họa “diệt chủng” bởi những kẻ kích điện bắt giun bán cho các lò sấy giun xuất bán ra nước ngoài!

Là một nước nông nghiệp, tất thảy sản vật đều sinh sôi dựa vào đất đai. Đất đai phì nhiêu thì mùa màng bộ thu và ngược lại. Ai cũng biết giun đất là động vật vô cùng hữu ích trong việc giữ đo độ phì nhiêu, thanh sạch của đất.

Gần đây, dân trồng cam ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) phát hiện vườn cây yếu, vàng lá thối rễ. Nhiều chủ vườn sau khi xét nghiệm thì nhận thấy tuyến trùng trong đất có rất nhiều, mà tuyến trùng lại là nguồn thức ăn của giun đất. Tuyến trùng này đang gây bệnh greening (bệnh vàng lá gân xanh) cho cây cam.


Hoạt động thu gom, sơ chế giun đất trái phép

Trước tình trạng các đối tượng sử dụng biện pháp kích giun đất bằng điện triệt hạ loài giun, một chủ vườn cam rộng hơn 3 ha ở huyện Cao Phong đã hai lần gửi thư cầu cứu tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nạn giun bị kích điện gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái trong đất. Vi sinh vật có hại phát triển ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cam, nhất là bệnh vàng lá gân xanh.

Hiện giá giun tươi khoảng từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, giun khô giá 700.000 đến 1 triệu đồng/kg. Chỉ tại 1 xã của huyện Kim Bôi đã có tới 24 lò sấy giun đang hoạt động, mỗi lò sấy hàng ngày chừng 2 tạ giun tươi, có thể thấy mức độ hủy hoại môi trường đất lớn đến mức nào!

Dù các cấp ngành đã có những chỉ đạo như ngăn chặn hoạt động của các “giun tặc”, thu máy kích điện, xử lí vi phạm hành chính… song với lợi nhuận lớn và chưa có chế tài nghiêm khắc nên tình trạng đánh bắt giun vẫn chưa thể ngăn chặn. Nếu chỉ với các biện pháp như canh phòng, phát hiện người kích giun và phó mặc cho nông dân tự bảo về vườn cây thì đó chỉ là phần ngọn, khó giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bộ chủ quản cần có thông tư, quy định theo hướng cấm khai thác, chế biến, vận chuyển, buôn bán giun đất, nhất là với các cơ sở thu mua, sấy giun. Khi không còn lò sấy thu mua giun thì “giun tặc” sẽ hết!

Giả sử rồi đây các vườn cà phê, sầu riêng trên Tây Nguyên, vườn xoài, tiêu, điều… ở Nam bộ cũng bị “giun tặc” hoành hành thì hiểm họa của nền nông nghiệp sẽ lớn đến đâu?

Cần nhanh chóng có giải pháp kiên quyết, kịp thời ngăn chặn tình trạng kích điện bắt giun để bảo vệ nền nông nghiệp quốc gia./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 31/8/2023

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2023

Phát triển du lịch hủy hoại môi trường

 

Tăng trưởng xanh cần loại bỏ “tư duy xám”

Tăng trưởng xanh đã và đang là xu thế của toàn thế giới. Tất cả các ngành từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… đều hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng nước ta Phạm Minh Chính đã cam kết trước thế giới là Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng bằng 0  vào năm 2050, một cam kết được các lãnh đạo nhiều quốc gia coi là dũng cảm và đáng trân trọng.

Để có thể thực hiện được cam kết trên, tuy thời gian đến gần 30 năm song hiện tại đã cần bắt đầu “tăng tốc” nếu không sẽ khó đạt mục tiêu vì đó không phải là thời gian quá dài với một quốc gia đang đẩy mạnh công nghiệp hóa như Việt Nam. Một trong những ngành cần đi đầu, đột phá trong kinh tế xanh, trực tiếp giúp giảm phát thải là bảo toàn và phát triển rừng. Trong khi đó tài nguyên rừng và đất rừng nhiều năm qua đã bị khai thác dạng hủy hoại, thâm dụng, tận thu không hồi phục. Vì một dự án sân golf mà mấy năm trước tại Gia Lai người ta định phá bỏ cả một cánh rừng thông lâu năm quý giá.

Hồi đầu năm nay, UBND tỉnh Thái Bình có công văn gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường xin ý kiến về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương Dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành, huyện Tiền Hải. Đây là hợp phần trong dự án Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ huyện Tiền Hải. Đáng nói là dự án này gần như nằm hoàn toàn trên diện tích 12.500ha chuyển đổi từ khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.


Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có nguy cơ bị thu hẹp gần 90% diện tích

Trước khi nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Tài nguyên & Môi trường thì UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định gần như “xóa sổ” khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (thu hẹp gần 90% diện tích, từ 12.500ha xuống còn 1.320ha), trong đó có hơn 370ha rừng đặc dụng.  Được biết, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một trong 63 vùng chim quan trọng có ý nghĩa toàn cầu, đã được quốc tế công nhận. Việc trồng rừng ngập mặn tại đây những năm quan còn có sự tham gia của một số tổ chức quốc tế.

Thái Bình là một tỉnh diện tích không lớn và đất rừng lại càng hiếm hoi lẽ ra lãnh đạo cần có tư duy trân trọng, giữ gìn những thảm xanh hiện có và phát triển thêm với lợi thế đất ngập mặn để góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về giảm phát thải. Phát triển du lịch, dịch vụ có ý nghĩa rất quan trọng với một tỉnh thuần nông như Thái Bình, tuy nhiên sự phát triển ấy cần đặt trong bối cảnh và xu thế chung của quốc gia, của thế giới là tăng trưởng xanh, bền vững.

Tư duy phát triển chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, hủy diệt rừng thực sự là một “tư duy màu xám” cần loại bỏ!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  26/8/2023

Chuyện hậu hoa hậu

 

 Sao chỉ “hậu trách nhân”?

Hầu như sau mỗi cuộc thi hoa hậu của ta đều để lại những chuyện “hậu hoa hậu” không vui. Nhiều người đẹp sau khi giành vương miện đã sớm gây ra điều tiếng, người thì do phát ngôn, người thì bởi cách hành xử... Dư luận thông thường cũng chỉ quan tâm “mổ xẻ” những sai sót, lỡ miệng của tân hoa hậu, á hậu. Đây thực sự là một định kiến, một sự nhìn nhận phiến diện rất không công bằng với cá nhân người đẹp.

Người xưa từng dạy “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”. Trong mỗi gia đình khi con cái không được dạy bảo cẩn thận khiến nhân cách, đạo đức khiếm khuyết thì trước tiên cần trách cứ các đấng sinh thành vì đó là “sản phẩm” của họ. Đưa ra xã hội một con người chưa hoàn thiện, nhiều sai lỗi thì trước hết cần xem xét trách nhiệm của gia đình, rồi nhà trường, cuối cùng là xã hội.

Bà "trùm" hoa hậu Kim Dung xin lỗi vụ lùm xùm của Ý Nhi
Tương tự như vậy, mỗi cuộc thi sắc đẹp chắc chắn sẽ có những hoa hậu, á hậu song chọn ra được tân hoa hậu như thế nào là do cách nhìn nhận, đánh giá của Ban giám khảo (BGK). Như vậy có thể thấy, BGK là một thành tố rất quan trọng ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng mỗi cuộc thi sắc đẹp. Chẳng hạn như cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam năm 2023 (Miss World Vietnam 2023) BGK gồm 6 thành viên đã có đến 3 hoa hậu (Lương Thùy Linh, Trần Tiểu Vy, Đỗ Thị Hà) thuộc đơn vị tổ chức cuộc thi quản lí, 3 thành viên còn lại gồm bà Phạm Kim Dung (trưởng ban tổ chức, trưởng ban giám khảo), nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, diễn viên Vân Trang (tất thảy là những tên tuổi nhiều người lần đầu nghe tới). Ngoài ra có thêm đương kim Miss World 2022 Karolina Bielawska (24 tuổi, người Ba Lan) tham dự với vai trò giám khảo khách mời trong đêm chung kết. 

Ngay từ khi công bố danh sách nhân sự BGK cuộc thi hoa hậu này hồi đầu năm dư luận đã nhiều ý kiến trái chiều, có người cho rằng BGK toàn là “cây nhà lá vườn” vì không thấy bóng dáng một nhà hoạt động xã hội, một chuyên gia chuyên ngành liên quan có tên tuổi nào! Ba hoa hậu tham gia BKG cũng có thể ví như “sinh viên tốt nghiệp khóa trước chấm thi cho sinh viên khóa sau”. Do vậy, kết quả cuộc thi cũng có thể chỉ chọn được những sản phẩm “cây nhà lá vườn”, không thể đòi hỏi cao hơn. Và kết quả cho thấy đúng là BGK đã chọn ra những hoa hậu, á hậu vẫn còn khiếm khuyết nhận thức trong đó có cả nhận thức về vị thế của chính bản thân. Chỉ cần đội chiếc vương miện lên đầu là hoa hậu đã nghĩ mình cao hơn tất cả mọi người, dù đó là danh nhân hay lãnh tụ!

Do vậy xin đừng quá kì vọng và phê phán, trách cứ thái quá các người đẹp khi họ chưa hoàn thiện mà hãy góp ý với những người có thẩm quyền của cuộc thi (người quyết định về tổ chức cuộc thi, quyết định nhân sự BGK) - những người đã chọn ra sản phẩm mang tên hoa hậu. Các cấp quản lí cũng cần vào cuộc để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc thi. Nếu chỉ phê phán hoa hậu, quên đi trách nhiệm những thành tố này thì các cuộc thi trong tương lai chất lượng khó có thể tốt hơn nếu không muốn nói sẽ ngày một đi xuống./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  24/8/2023

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

Ngộ nhận của người đẹp

 Hoa hậu không phải một nghề

Cuộc thi sắc đẹp ban đầu tại một số nước châu Âu, Mỹ từ cuối thế kỉ 19 là cuộc thi mang tính truyền thống tập trung vào việc đánh giá và xếp hạng các chỉ số hình thể của các thí sinh. Các cuộc thi người đẹp hiện nay đã phát triển bao gồm vẻ đẹp bên trong với các tiêu chí bao gồm đánh giá về nhân cách, trí thông minh, tài năng, tính cách và việc tham gia từ thiện, thông qua các cuộc phỏng vấn riêng với giám khảo và trả lời các câu hỏi công khai trên sân khấu. Thuật ngữ cuộc thi sắc đẹp ban đầu dùng để chỉ Tứ đại Hoa hậu (Big Four- cụm từ để chỉ bốn cuộc thi sắc đẹp được coi là lớn và danh giá nhất hành tinh: Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Quốc tế (Miss International) và Hoa hậu Trái đất (Miss Earth)).


Hoa hậu Ý Nhi

Đến đầu thế kỉ 21, mức độ quan tâm đến các cuộc thi sắc đẹp tại Bắc Mỹchâu Âu và Đông Á suy giảm nhanh chóng do những chỉ trích về giá trị được cho là “hữu danh vô thực” mà cuộc thi mang lại, phê phán việc đánh giá chấm điểm cơ thể người phụ nữ. Tuy nhiên, những quốc gia Nam Mỹ và Đông Nam Á vẫn tiếp tục tích cực tổ chức các cuộc thi hoa hậu, việc này được cho là đáp ứng ham muốn dùng sắc đẹp để đổi lấy sự giàu sang, tâm lí thích “hư danh” của công chúng. Có thể nói cái danh và cái lợi là mục tiêu của không ít nếu không muốn nói là đa số trong các thí sinh dự thi hoa hậu ngay nay. Chính vì thế mà thí sinh dự thi sắc đẹp phải bỏ ra không ít tiền của, công sức để đầu tư, kể cả thuê “bầu sô”. Chính vì vậy không phải ai cũng có đủ điều kiện để tham gia các cuộc thi người đẹp quy mô lớn. Một thí sinh đạt được kết quả tốt trong cuộc thi sắc đẹp sẽ mở ra những cơ hội cho cuộc đời song nó cũng đồng hành với áp lực trách nhiệm của danh tiếng và những cạm bẫy chực chờ.

Trong các tiêu chí đánh giá để chọn hoa hậu thì tài năng, tính cách, bộc lộ trí thông minh, nỗ lực tham gia hoạt động từ thiện là có thể đầu tư trong một thời gian nhất định cùng những kĩ năng thể hiện để thuyết phục ban giám khảo. Riêng tiêu chí nhân cách, phẩm chất của mỗi thí sinh không thể có trong một sớm một chiều và ban giám khảo tinh đến đâu cũng khó nhận biết, đánh giá chính xác qua những “thao diễn” của thí sinh. Có lẽ vì thế mà từ khi có các cuộc thi người đẹp, trên thế giới và cả Việt Nam ta đã xảy ra không ít những bê bối như gian lận, mua danh, chọn sai hoa hậu… để rồi phải thu hồi vương miện và danh hiệu.

Nhận vương miện cao quý hoa hậu là một hành trình mới không phải chỉ có hoa hồng, đó là một trách nhiệm mới nặng nề đặt lên vai một cá nhân trên chặng đường mới mà cộng đồng ủy thác. Nếu chỉ coi danh hoa hậu là đích đến cao nhất của cuộc đời, vương miện như một tấm bằng để hành nghề thì đó cũng là lúc thí sinh đang đánh rơi danh phận cao quý./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17/8/2023


Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

Thần tượng theo đám đông

 

Giá của thần tượng

Trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đưa ra khái niệm thần tượng: là hình ảnh hay một vật chất khác tượng trưng cho một vị thần được hướng đến để thờ phụng, tôn sùng trong tôn giáo; hoặc còn có thể là bất kì người nào hay thứ gì được quan tâm bằng sự ngưỡng mộ, yêu mến hay sùng bái.

Với giới trẻ ngày nay thần tượng thường là những người trẻ tài năng ở một lĩnh vực nào đó, nhất là trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trào lưu sùng bái các thần tượng ca nhạc Hàn Quốc trong một bộ phận giới trẻ đã xuất hiện từ khoảng chục năm lại đây. Giai đoạn đầu những hành động sùng bái thái quá đã có nhiều ý kiến tranh luận, phê phán. Đến nay nhiều người coi đó là chuyện bình thường và tôn trọng ý thích cá nhân.

Tôi không được trực tiếp xem đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Mỹ Đình nên rất chú ý tìm hiểu xem trên báo chí, mạng xã hội đánh giá, phân tích về cái hay, sự đặc sắc trong nghệ thuật và hình thức biểu diễn sau đêm 29/7. Tuy nhiên hầu như chưa có bài viết nào miêu tả, truyền tải rõ cái hay, cái đẹp của đêm diễn đắt giá này. Từ truyền hình trung ương đến các báo điện tử, trang mạng xã hội chỉ thấy những từ như bùng nổ, kiệt xuất, đáng giá… Chỉ có vài chi tiết được nhiều bài viết xoáy vào ca ngợi, đó là thần tượng đã chào khán giả bằng tiếng Việt (khá ngọng), đội nón lá khi biểu diễn và nhảy cover sử dụng bài hát “See tình”của ca sĩ Việt Nam Hoàng Thùy Linh.

Nhóm


BLACKPINK biểu diễn tại Mỹ Đình

Các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, nhất là giai đoạn kháng chiến chống ngoại xâm trong thế kỉ 20 có rất nhiều tài năng kiệt xuất. Họ cũng được cả một thế hệ hâm mộ, sùng bái bởi những tác phẩm nghệ thuật đã đi vào trái tim, biến thành sức mạnh yêu nước và hun đúc hoài bão, lí tưởng sống cho hàng triệu con người. Thế hệ trẻ của ta ngày nay cũng không ít tài năng đã và đang cống hiến cho đất nước, họ rất cần được hâm mộ, cổ vũ và noi theo.

Phải thừa nhận ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc khá thành công với cách làm bài bản công phu, đặc biệt là cách quảng bá để thu hút khách hàng. Trong thế giới mở như hiện nay thì một sản phẩm hàng hóa bán chạy nhất chưa hẳn đã là sản phẩm số 1 về chất, nó chỉ cần đánh trúng tâm lí của người tiêu dùng. Mục đích cuối cùng của ngành công nghiệp văn hóa là lợi nhuận chứ không mấy cao siêu.

Được biết mỗi tấm vé xem chương trình của nhóm Black Pink có giá thị trường tự do từ 6,5 đến hơn chục triệu đồng (bằng lương cả tháng của nhiều lao động hiện nay). Với người trẻ, nhất là đang đi học, chưa có công ăn việc làm thì đây là khoản chi tiêu không nhỏ cho một đêm xem biểu diễn nghệ thuật. Nếu đi xem chỉ vì sùng bái thần tượng thì quả nhiên, giá của nhần tượng ngày nay là… khá đắt!/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  04/8/2023

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

Chỉ đổi mới ở chữ nghĩa

 

Mới nhưng có đổi mới?

Mới là nói đến cái chưa từng có, mới xuất hiện… có thể nó tốt nhưng cũng có thể không tốt. Còn đổi mới là chỉ những hoạt động của con người làm thay đổi những cái cũ, lạc hậu bằng cái mới tiến bộ hơn. 

Nền giáo dục của ta suốt hàng chục năm qua nỗ lực đổi mới nhưng vẫn nhiều “bùng nhùng” khiến dư luận lo ngại, thậm chí có vấn đề gây bức xúc. Chủ trương tích hợp các môn học được cho là một trong những sự đổi mới của ngành giáo dục. Tuy nhiên, bước vào thực hiện, qua giảng dạy tích hợp hai năm qua đã lộ nhiều bất cập cùng nguy cơ không bảo đảm chất lượng giảng dạy.

Trước nhiều ý kiến phản biện, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có một phát biểu dạng nước đôi về tích hợp: “một là quay về đơn môn như cũ, hai là kiên trì đổi mới”.


Nói là “tích” nhưng thực tiễn đang diễn ra lại là “cộng”. Chẳng hạn, trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học cơ sở, có bộ môn tích hợp đó là Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý. Hai môn học này thực chất là ghép kiến thức của 5 môn riêng lẻ trước đó gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Trong khi đó tất cả giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn nhưng nay buộc phải dạy đa môn, giáo viên Sinh học phải dạy cả Vật lý, Hóa học và ngược lại… Bắt giáo viên giảng dạy những môn học không được đào tạo chuyên sâu mà mong có chất lương cao hơn là một sự duy ý chí, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn.

Được biết nội dung chương trình khi biên soạn cũng do các giáo sư, tiến sĩ “đơn môn” chủ biên chứ không có “giáo sư tích hợp”, “tiến sĩ tích hợp” thực hiện nên chương trình cũng chỉ là những phép cộng đơn thuần. Thực tế, trong sách giáo khoa, kiến thức bộ môn khoa học tự nhiên được viết thành các chủ đề hoặc chương riêng. Chương này có thể là Vật lý, chương sau sẽ là Hoá học, chương sau nữa là Sinh học và sắp xếp lẫn lộn như thể “xôi đỗ”. Kiến thức trong các bài học hay trong chương cũng thuần túy là kiến thức phân môn, không thấy sự “tích hợp” như kì vọng. Vậy tích hợp đang đổi mới ở điểm nào khi mà khâu đầu tiên là biên soạn chương trình vẫn chưa thấy mới? Đã có ý kiến cho rằng cần tổ chức những tiết giảng tích hợp mẫu do chính người biên soạn chương trình thực hiện, trên cơ sở đó tập huấn cho đội ngũ giáo viên tại cơ sở làm theo.

Sai sót trong xây dựng một công trình ta có thể dỡ ra xây lại; trồng một loại cây không đúng kĩ thuật, không hợp thổ nhưỡng… có thể trồng lại, sửa sai.

Việc trồng người mà xảy ra sai lầm thì hệ quả sẽ nguy hiểm khôn lường và đâu dễ khắc phục, sửa sai?

Nên chăng ngành giáo dục cũng nên đổi mới trong chính tư duy, đó là sự cầu thị./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  08/8/2023